Mảng di động thất bại và nỗi đau của Microsoft
Microsoft đang bị “tổn thương” sau khi tái cơ cấu toàn bộ mảng di động, và hậu quả để lại là công ty đang phải chịu khoản lỗ quý cao nhất trong lịch sử của mình.
Hãng phần mềm Microsoft vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV năm tài khóa 2015 – quý 3 tháng kết thúc vào ngày 30/6. Báo cáo kinh doanh này được đưa ra không lâu sau khi công ty tuyên bố tái cơ cấu lại mảng di động dẫn tới khoản thiệt hại 7,6 tỷ USD hồi đầu tháng 7/2015. Microsoft cũng nói rằng, họ sẽ phải chịu các khoản phí bổ sung, đưa tổng chi phí ghi giảm lên tới con số 8,4 tỷ USD. Hệ quả cuối cùng là hãng sẽ phải chịu khoản thua lỗ ròng 3,2 tỷ USD (4 cent/cổ phiếu). Thông tin này khiến giá cổ phiếu của hãng giảm 3,5%. Trước đó, Microsoft từng bỏ ra 9,5 tỷ USD hồi tháng 4/2014 để thâu tóm mảng Thiết bị của Nokia.
Thương vụ với Nokia là một trong những nỗ lực của Microsoft nhằm cạnh tranh với Google và Apple trên thị trường di động. Microsoft lên kế hoạch cắt giảm 7.800 nhân sự, chủ yếu là các nhân viên của Nokia trước đây. Năm ngoái, công ty cũng cho thôi việc 18.000 người – cuộc cắt giảm nhân sự lớn chưa từng có trước đó – bao gồm 12.000 cựu nhân viên của Nokia.
Hãng phần mềm lớn nhất thế giới công bố doanh số 22,2 tỷ USD trong quý tài khóa kết thúc vào 30/6. Microsoft cho biết, nếu không tính chi phí ghi giảm và các chi phí khác, hãng có lãi 6,4 tỷ USD (62 cent/cổ phiếu), tức cao hơn cả kỳ vọng của các nhà đầu tư (58 cent/cổ phiếu).
Video đang HOT
Microsoft, dưới thời lãnh đạo của CEO Satya Nadella, đã dành 18 tháng qua để thay đổi chiến lược, cách phát triển sản phẩm cũng như cách tiếp cận khách hàng. Công ty hiện chuyển hướng tập trung phát triển các ứng dụng và dịch vụ nền đám mây và hy vọng người dùng sẽ trả các khoản phí thường kỳ cho các ứng dụng, dịch vụ này.
Chiến lược mới khiến doanh số bán hàng bị tụt giảm, nếu tính trong tương lai ngắn hạn, nhưng lại giúp công ty đạt được sự ổn định về dài hạn. Trong quá trình chuyển giao, gã khổng lồ xứ Redmond đã phải đứng trước những quyết định khó khăn nhằm xác định xem sẽ tập trung nguồn lực vào những mảng kinh doanh nào. Phần cứng di động – nhiều khả năng – không nằm trong số các mảng được ưu tiên phát triển, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Có thể nhận định rằng Microsoft đang dành sự ưu tiên cao nhất cho phiên bản Windows tiếp theo có tên gọi Windows 10. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi Windows đang là “cục cưng” của Microsoft, chiếm tới hơn 90% thị trường hệ điều hành máy tính. Với việc Windows 10 sẽ được phát hành vào tuần sau (ngày 29/7), các nhà phát triển sẽ được tạo điều kiện để viết các ứng dụng dùng chung (universal app) – ứng dụng viết một lần nhưng có thể chạy trên cả điện thoại, tablet, và PC.
Các ứng dụng này sẽ đóng vai trò quan trọng, quyết định thành công hay thất bại của hãng phần mềm. Trước đó, nỗ lực cạnh tranh với Google và Apple của Microsoft đã thất bại thảm hại. Dù di động đang là thị trường bùng nổ, tăng trưởng 28% trong 2014, nhưng hệ điều hành Windows Phone của họ chỉ chiếm 2,7% thị phần. Trong khi đó, ngành PC cũng đang gặp khó khăn và gần như chững lại trong 2014, theo thống kê doanh số của Gartner.
Microsoft vẫn sẽ chưa từ bỏ mảng smartphone. “Tôi cam kết Microsoft vẫn sẽ sản xuất điện thoại” – CEO Nadella cho biết trong công bố ghi giảm và sa thải nhân viên Nokia hồi đầu tháng 7/2015. Microsoft cũng sẽ tập trung vào khách hàng doanh nghiệp và các thiết bị giá rẻ, đồng thời phát triển các model điện thoại Windows cao cấp tương đương iPhone 6 và Galaxy S6 dành cho các fan trung thành của Windows. Microsoft cũng sẽ phải tìm cách thuyết phục các lập trình viên viết ứng dụng cho nền tảng di động của mình để lôi kéo người dùng từ tay đối thủ.
Đối lập với bức tranh ảm đạm ở mảng mobile, Microsoft vui mừng công bố doanh số bán của dòng máy tính bảng lai laptop Surface đã tăng gấp đôi, lên 888 triệu USD trong quý IV. Các sản phẩm chủ lực của Microsoft như Office, nền tảng đám mây Azure dành cho doanh nghiệp, cũng tăng trưởng một cách vững chắc, mặc dù hãng chuyển sang mô hình bán dịch vụ thu phí thường kỳ. Một ví dụ là hồi đầu tuần này, hãng công bố thỏa thuận với General Electric để bán dịch vụ văn phòng đám mây Office 365 cho 300.000 nhân viên toàn cầu của General Electric. Lượng người dùng Office 365 tăng lên nhanh chóng, đạt mốc 15 triệu tài khoản, tức thêm gần 3 triệu so với quý trước.
Tuy nhiên, công ty cũng cho biết doanh thu từ bán bản quyền Windows cho các nhà sản xuất PC đã tụt giảm 22% xuống còn 683 triệu USD trong quý IV. Doanh thu các sản phẩm Office và bản quyền Windows bán cho doanh nghiệp cũng tụt giảm ở mức một con số. Mảng smartphone dù tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm ngoái với 8,4 triệu máy bán được, tuy nhiên, do giá bán trung bình tụt giảm, doanh thu từ smartphone lại giảm tới 68%.
Mảng đám mây thương mại (commercial cloud) – với các sản phẩm gồm Office 365, Azure và phầm mềm giúp doanh nghiệp quản lý dữ liệu trên đám mây của Microsoft – tăng trưởng 88% so với cùng kỳ năm trước đó. Microsoft kỳ vọng bộ phận này sẽ mang về hơn 8 tỷ USD doanh thu hàng năm. CEO Nadella trước đây từng là lãnh đạo của mảng đám mây, và ông kỳ vọng rằng nó có thể mang về cho Microsoft 20 tỷ USD mỗi năm trong 3 năm tới, vào 2018.
Theo Minh Thống/ICT News