Mang cá thiều – Một món ăn ngon
Tục ngữ Đồng Hới có câu: “Nghéo gan, mang thiều” nghĩa là cá nghéo có gan là béo, cá thiều có mang là ngon nhất. Lại có câu “Chuồng, cúng (tức cá thiều) tháng ba, thu đa tháng bảy”, cũng có nghĩa là mùa tháng 3 âm lịch thì cá chuồng, cá thiều (còn gọi là cá cúng) là ngon nhất, tháng 7 thì cá thu đa, tức cá thu trơn da, không có vảy ở gần cuối đuôi là ngon nhất.
Mỗi khi mà nhân dân đã đúc kết một việc gì thành ca dao tục ngữ, thành ngữ, nhất định là đã kinh qua nhiều kinh nghiệm thực tế lâu đời. Những câu tục ngữ, thành ngữ trên đây ắt cũng vậy. Tuy nhiên, nếu nói đầu cá hay gan cá gì đó là ngon, là béo thì dễ tin được, nhưng nói đến mang cá mà ngon, chắc chắn không ai nghe được. Không những không tin mà còn rùng mình nữa, bởi nói đến mang cá là người ta tưởng tượng đến cái tanh tao, ruồi nhặng bu đầy rồi, dù ai đói nghèo mấy cũng chẳng ai “tận dụng”.
Thế mà, người nghèo Đồng Hới đã đưa vị trí cái mang con cá thiều lên bậc nhất, bậc nhì, trong hàng ngũ loài cá biển của quê hương mình, đặc biệt là cá thiều tháng ba thì cái mang lại càng quý.
Có khi nào chúng ta đi xem chợ Đồng Hới, hãy chịu khó rẽ vào hàng cá, quan sát những người mổ cá thuê, nếu mổ cá gì thì họ vất mang đi, duy chỉ cá thiều là họ cho ngay mang vào rổ riêng của họ, cất kỹ. Dĩ nhiên, khách hàng thuê mổ cá của họ cũng chẳng ai để ý gì đối với một cái mang cá, lấy hay bỏ, can hệ gì đến ai!
Thế đấy! Người nghèo ở chợ Đồng Hới, tự tay họ làm ra bao nhiêu thứ cá, mổ xẻ bao nhiêu loại hải sản mà họ không quý gì hơn bộ mang cá thiều.
Nấu món ăn của mang cá thiều rất đơn giản, rất rẻ tiền, gần như không tốn kém gì mấy, cũng chẳng phải đòi hỏi gia công gia chánh gì bao nhiêu, người tầm thường về “bếp núc” nào cũng làm được: chặt mang cá ra miếng nhỏ vừa phải, rửa rạch, vớt lên rá! Một nắm măng chua, một thìa mỡ, một ít gia vị. Thế rồi cứ theo thứ tự của người làm bếp, cho mỡ vào chảo, mỡ sôi thì khử hành, cho măng chua xào lăn, đến lượt cho mang cá vào xào chung với măng xong, cho muối mắm vừa phải, và cuối cùng thì ghé nước sôi vào thành một chảo canh ngon lành. Canh chín, thêm gia vị tùy ý. Cũng có người nấu theo lối cho nước sôi vào trước khi cho mang cá, đợi nước sôi đã, mới thả cá vào nấu chín.
Một món ăn đơn giản, rẻ tiền, nhưng nếu bạn có lần thưởng thức qua, bạn sẽ thấy mang cá thiều ăn giòn tan, không còn bả, vừa thơm vừa béo, không hề tanh, đến mức người ít ăn cay, không cần tiêu ớt cũng chẳng bao giờ nghe màu mè gì đáng ngại, ngoài mùi thơm béo đặc biệt của nó.
Video đang HOT
Cá thiều tháng ba ở Đồng Hới, con càng to, thịt càng béo và mang càng ngon! Nếu gặp cả bộ trứng cá thiều, nấu canh cùng mang cá thiều lại càng mỹ vị!
Theo PNO
Những món ăn độc đáo của cư dân xứ dừa Bến Tre
Cư dân xứ dừa Bến Tre cư trú trong một hệ sinh thái đặc biệt: có rất nhiều sông rạch với nhiều nguồn lợi thủy hải sản tự nhiên phong phú, với nhiều sản vật tự nhiên vốn chỉ có trong rừng dừa. Và người Bến Tre đã biết khai thác các nguồn sản vật đặc trưng đó để sáng tạo các món ăn, kiểu ăn độc đáo của riêng mình.
Có thể nói cách ăn của người Bến Tre mang sắc thái chung của lối ăn dân dã của cư dân miền Tây Nam bộ: ăn nhiều tôm cá và các thủy hải sản tự nhiên, tận dụng nhiều loại rau thiên nhiên có sẵn trong môi trường. Tuy vậy, cách ăn của người Bến Tre vẫn mang một sắc thái rất riêng. Chuột dừa, một loài vật chuyên phá hại dừa nhưng lại là một món ăn được ưa chuộng. Dưới những mương rạch của rừng dừa còn có nhiều loài tôm cá đặc biệt như cá bống dừa, cua, tôm càng xanh, tép, hến và nhiều loại thủy sản khác. Trong hệ sinh thái rừng dừa còn có loài ong ruồi chuyên lấy mật từ hoa dừa, các loài rắn, rùa, cua đinh, kỳ đà, rắn mối... cũng góp phần làm cho nguồn thực phẩm của người Bến Tre thêm phong phú. Dưới đất trồng dừa còn có nấm mối, các loài rau tự nhiên mọc xen lẫn. Những hệ động thực vật đa dạng trong rừng dừa cũng là thành phần của một số món ăn, đồ uống đặc sắc của người Bến Tre bao đời nay.
Đặc biệt, trong rất nhiều món ăn của người xứ dừa luôn có mặt các dạng nguyên liệu từ cây dừa. Ngày thường cũng như ngày giỗ chạp, lễ, tết, những món "đặc sản" dùng để đãi bạn bè, người thân hay thực khách bốn phương đều không thể thiếu nguyên liệu dừa. Có thể nói qua bao đời vừa tích lũy kinh nghiệm, vừa biến tấu, sáng tạo đến độ nhuần nhuyễn, tài tình.
Trước tiên xin nói đến việc uống dừa. Có lẽ nhờ khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp nên những giống dừa trồng ở Bến Tre như dừa dâu, dừa chùm (trái nhỏ chỉ độ hơn nắm tay đàn ông nhưng rất sai, 30 - 40 trái 1 buồng, nước rất ngọt), dừa dứa (thơm mùi dứa), dừa xiêm xanh, dừa Tam quan ... mỗi loại dừa đều có kiểu ngon riêng, người Bến Tre có câu "uống nước dừa xiêm khỏi tiêm thuốc bổ" để ca ngợi quả dừa. Người sành điệu chỉ thích bưng quả dừa mà uống, ai thích ăn cùi thì vạt một mảng vỏ xanh làm thìa mà nạo. Kiểu ăn này làm cho ta cảm nhận được mùi dừa đậm đặc rất khó diễn tả.
Phụ nữ Bến Tre khi mang thai thường chịu khó uống nước dừa hàng ngày vì tin rằng nước dừa sẽ giúp đứa trẻ sinh ra có làn da trắng trẻo, mịn màng. Tất nhiên làn da trẻ phụ thuộc nhiều vào yếu tố di truyền nhưng nước dừa vẫn được các bác sĩ khuyến khích các cô, các bà dùng sẽ rất mát, có lợi cho việc giữ gìn nhan sắc. Ắt hẳn người Việt Nam ai cũng phải công nhận các loại thức uống công nghiệp đắt tiền nhưng chẳng thể sánh với vị nước dừa quê hương, vừa ngon, bổ vừa hợp vệ sinh.
Ngoài công dụng giải khát, nước dừa còn dùng để kho thịt, nấu rất nhiều món ăn như tiềm, ram, ca-ri, rô-ti, làm nước luộc tôm, gà, vịt... Nước dừa cũng được dùng làm giấm ăn, dùng để nhúng bánh tráng khi làm món chả giò (nem rán) để chả có màu vàng ruộm đẹp mắt. Nước dừa pha với rượu áp sanh (một thứ rượu có hương hồi) cho rượu nhẹ độ bớt mà lại ngon hơn.
Ngay cả nước dừa khô có độ ngọt thấp cũng được tận dụng chế biến thành nhiều thứ như thạch dừa bán rất chạy trên thị trường trong và ngoài tỉnh cũng như xuất khẩu, hoặc nấu cô đặc lại thành nước màu (nước hàng) là món gia vị không thể thiếu khi kho nấu. Thịt hoặc cá ướp nước màu dừa có màu vàng ươm rất đẹp còn làm cho món ăn có mùi thơm đậm đặc của nước dừa. Nước màu dừa rất ngon vì thế được nhân dân trong tỉnh ưa chuộng, trở thành một loại "đặc sản", được dùng làm quà biếu.
Phần cùi dừa có thể chia làm mấy dạng cùi như sau: dừa nạo non (váng cháo), dừa nạo dẻo, dừa cứng cạy, dừa rám và dừa khô. Dừa cứng cạy và dừa rám được dùng làm mứt, kho chung với thịt, hoặc có thể chiên bột giả món tôm chiên, dùng làm món ăn chay, tùy ý thích mà chọn độ cứng của dừa. Khi chọn dừa chỉ cần búng tay vào quả hoặc khẻ lắc quả dừa để chọn đúng "tuổi" quả dừa nào phù hợp với yêu cầu chế biến. Ngoài ra người ta còn nạo thành sợi rắc lên xôi, bắp hầm, món khoai mì quết (giã), làm nhân bánh ít, bánh phu thê, trộn gỏi (nộm), trộn cốm dẹp.
Nước cốt dừa rất đa dụng trong việc chế biến món ăn. Vị béo đậm đà của nước cốt dừa là một hương vị đặc trưng, một trong những nguyên liệu cơ bản. Đây là thành phần không thể thiếu trong rất nhiều món ăn của người Bến Tre. Dừa rám, dừa khô người ta nạo nhuyễn vắt lấy nước cốt, có thể nạo dừa bằng bàn nạo tay hoặc bằng máy, sau đó nhào với nước ấm rồi vắt, ép lấy nước cốt trắng tinh như sữa nên còn được gọi là sữa dừa (tùy theo nhu cầu sử dụng mà lấy nước cốt đặc hay lỏng). Các loại kẹo, bánh, chè, kem cũng như rất nhiều món mặn dùng trong ngày thường hay giỗ chạp, lễ, tết đều không thể thiếu nước cốt dừa.
Khi trái dừa khô mọc mầm, bên trong hình thành một cái "phổi" dùng để hút nước nuôi mầm gọi là mộng dừa. Mộng dừa xốp, ngọt, dùng để ăn chơi hay xào tép đều ngon. Ngoài ra còn có món đuông dừa thơm và bổ, là món ăn ngày xưa dùng để tiến vua. Đuông dừa là một loại ấu trùng của loài bọ dừa cánh cứng sống trong thân cây dừa, người ta bổ thân cây dừa để lấy con ấu trùng này chế biến thành một món ăn đặc biệt.
Rượu dừa là thứ rượu được chế một cách đơn giản và độc đáo. Người ta trèo lên cây dừa, chọn buồng dừa nạo, đục cuống nhét viên men rượu vào, khoảng 10 ngày sau nước dừa lên men biến thành một loại rượu nhẹ uống rất ngon.
Nguyên liệu dừa sử dụng trong các món ăn có thể chia 4 nhóm như sau:
1/ Nhóm cho nước cốt trực tiếp vào trong thức ăn khi nấu: cháo dừa, tép rang dừa, mắm kho dừa, khô cá biển kho nước cốt dừa, tương hột kho nước cốt dừa, ốc len xào dừa, nghêu luộc nước cốt dừa, các loại chè khoai, chè đỗ, bánh tét.
2/ Nhóm dùng nước cốt đã nấu chín với bột cho sánh lại để ăn kèm với chuối nướng, bánh bò, bánh cục...
3/ Nhóm dùng nước dừa tươi để nấu như cơm dừa, tiềm, thịt kho tàu...
4/ Nhóm dùng cùi dừa nạo thành sợi hay nạo nhuyễn để trộn với các nguyên liệu khác như bánh ít, bánh dừa, cốm dẹp...
Các món ăn được chế biến từ những sản vật trong hệ sinh thái rừng dừa - sông nước có thể chia làm 3 nhóm:
1/ Nhóm động vật: chuột dừa, cúm núm quay nước dừa; rắn mối nấu cháo đậu xanh hay xào sả ớt; rắn nước bằm xúc bánh tráng; rắn bông súng hầm sả, nước dừa; ong vò vẽ non nấu cháo đậu xanh; ong vò vẽ già chiên giòn; dơi quạ quay chảo; dơi sen luộc chấm muối tiêu chanh; ếch xào lá cách.
2/ Nhóm thủy hải sản: cá bống dừa kho nước cốt, cá lòng tong chiên, cá lóc nướng trui, tôm càng xanh luộc nước dừa...
3/ Nhóm thực vật: nấm mối nướng, nấm mối xào lá cách, củ hủ dừa hầm giò heo...
Qua một số món ăn đã nêu ta thấy cư dân xứ dừa đã vận dụng một cách tinh tế, khéo léo và hợp lý những sản vật, nguyên liệu sẵn có để chế biến thành những món ăn độc đáo, mang hương vị riêng, trở thành đặc sản của quê dừa. Văn hóa ẩm thực Bến Tre gắn liền với cây dừa, không thể tách rời, người ta thường có cách nói ví von "người Bến Tre lớn lên với hai dòng sữa: sữa mẹ yêu thương và sữa dừa quê hương".
Theo PNO
Bánh tét ngày tết Nếu phía Bắc, bánh chưng là lễ vật không thể thiếu trên mâm cúng ngày Tết thì ở phía Nam từ miền Trung trở vào mọi người đều xem bánh tét là loại bánh không thể thiếu ở mỗi nhà. Người Nam Bộ dù năm đó có khó khăn vất vả đến mấy ngày cuối năm vẫn gói năm bảy đòn bánh trước...