Mang bom lên máy bay khó cỡ nào? Kỳ 2: Khi không tặc ‘xuống cấp’
Chất nổ giấu trong giày, trong hộp nước uống, trong chai nước hoa – nếu cách đây chỉ chừng hơn một thập niên, đó là chuyện hoang tưởng.
Hành khách thời nay không còn than phiền vì quy trình an ninh, ngay cả khi bị nhìn xuyên qua tất cả các lớp quần áo – Ảnh: AFP
Bom không đơn giản là… bom
Một bước ngoặt làm thay đổi nhận thức của ngành an ninh hàng không trên toàn thế giới là vào năm 1985, khi chuyến bay 182 của hãng hàng không Air India từ Toronto (Canada) đến Delhi (Ấn Độ) phát nổ giữa trời, cướp đi sinh mạng 329 người.
Trước sự cố này, theo đánh giá của Cơ quan hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) thì “nguy cơ lớn nhất đe dọa hàng không dân dụng là không tặc”. Sau vụ đánh bom Air India, hệ thống soi chiếu hành khách và hành lý xách tay được triển khai hiệu quả trên khắp thế giới – cũng theo đánh giá của ICAO.
Công nghệ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tăng cường an ninh tại sân bay. Hàng loạt loại máy soi chiếu điện tử cực kỳ hiện đại chào đời rất nhanh và được trang bị những công nghệ mới nhất để phát hiện chất nổ. Một khi nhân viên an ninh phát hiện bất kỳ dấu hiệu khả nghi nào, họ sẽ tận dụng máy soi để kiểm tra các loại hóa chất khác nhau trong hành lý đối tượng có thể kết hợp thành chất nổ, cùng lúc soi kỹ lưỡng hành lý của các hành khách khác trong cùng chuyến bay để chắc chắn không có một âm mưu kết hợp nào.
Chó nghiệp vụ ở sân bay luôn được huấn luyện đánh hơi chất nổ – Ảnh: AFP
Một quả bom thời nay không đơn giản là một quả bom nữa. Đó có thể là hóa chất được sử dụng trong rất nhiều loại mỹ phẩm, vật dụng hàng ngày nhưng nếu biết cách kết hợp có thể trở thành loại vũ khí chết người, có thể làm banh xác những con chim sắt kiên cố nhất cùng với tất cả những gì trong “bụng” nó.
Chuyện hoang đường ở các sân bay
Video đang HOT
Một số biện pháp an ninh thuộc loại hoang tưởng trong quá khứ đã được áp dụng sau những sự cố an ninh thuộc loại… khó tưởng tượng ra. Chẳng hạn sau vụ người đàn ông quốc tịch Anh tên Richard Reid định làm nổ tung chiếc máy bay của American Airlines bằng chất nổ giấu trong giày hồi năm 2001, cảnh tháo giày đi chân đất tại khu vực kiểm tra an ninh thành chuyện thường ngày ở các sân bay.
Đến 2006, người ta phá được một âm mưu khủng bố kinh hoàng, khi những kẻ khủng bố âm mưu dùng chất nổ lỏng để tấn công 7 chiếc máy bay xuyên đại dương. Ngay lập tức, Mỹ và châu Âu giới hạn lượng chất lỏng hành khách có thể mang lên máy bay. Không ai còn có thể vô tư xách theo các chai nước suối lên máy bay nữa. Đến sữa cho em bé bú cũng bị soi tới nơi tới chốn, chỉ trừ… sữa mẹ.
Hãng truyền thông BBC dẫn lời David Learmount, một nhà báo chuyên viết về an ninh hàng không ở Anh, nhớ lại: “Đầu tiên, ngay sau khi âm mưu này bị phá vỡ, chưa ai biết rõ đó là thứ gì. Người ta chỉ nói rằng họ biết những gã này đang định làm gì đó nhưng không biết chính xác. Thế là hành khách bị cấm xách tay bất kỳ thứ gì lên máy bay, ngay cả sách bìa cứng”. Chỉ đến khi âm mưu được xác định vạch rõ, luật hạn chế chất lỏng lên máy bay mới được áp dụng và những thứ vô hại khác (ít nhất là chưa gây hại gì) được cho phép.
Nhìn xuyên qua áo quần
Tháo giày là chuyện thường ngày ở các sân bay thời nay – Ảnh: AFP
Những năm gần đây, soi cả cơ thể hành khách là quy trình thường quy tại nhiều sân bay trên thế giới, cho phép nhân viên an ninh nhìn xuyên qua quần áo trên toàn bộ cơ thể hành khách. Đó là điều khó tưởng, khó lòng được dư luận chấp nhận, cả khi chỉ mới là ý tưởng nếu được đề cập tới chừng hai chục năm trước. Nhưng sau hàng loạt vụ khủng bố hàng không, nhất là vụ 11.9 ở Mỹ, dư luận trở nên “dễ tính” hơn rất nhiều với cả những biện pháp nhạy cảm như thế này.
Nhưng dẫu có soi cả người, từ đỉnh đầu tới gót chân, năm 2010 ông Alan Johnson – lúc đó là Bộ trưởng Nội vụ Anh – xác định rất rõ: chẳng có biện pháp an ninh đơn lẻ nào là đủ để hạ gục khủng bố.
Cuối cùng, yếu tố con người là điều chẳng công nghệ nào thay thế được, cùng lúc chẳng có công nghệ nào kiểm soát được. Tham nhũng, hối lộ có thể phá hỏng tất cả mọi quy trình an ninh, và những kẻ khủng bố sẽ không bỏ qua cơ hội lợi dụng yếu tố này. Cả thế giới sẽ phải tiếp tục căng mắt ra mà dò khủng bố, cho dù đang sở hữu những công nghệ “xịn” tới cỡ nào.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Mang bom lên máy bay khó cỡ nào? Kỳ 1: Nhân viên hàng không, đối tượng khả nghi
Thời nay, hành khách đem bom mà bay lên trời còn khó hơn con voi chui lọt lỗ kim. Nhưng nổ bom là điều hầu như chắn chắn đã làm rơi chiếc máy bay A321 của Nga vừa qua. Ai có thể mang bom lên máy bay? Nhân viên hàng không có nhiều "cơ may" hơn cả!
Bom được xác định là 99,9% nguyên nhân làm rơi chiếc máy bay hành khách của Nga - Ảnh: AFP
99,9% là do bom
Dù chưa có kết luận chính thức từ giới chức các nước có liên quan, tờ Independent hôm 7.11 dẫn nguồn tin từ các nhà điều tra vụ rơi máy bay của hãng Kogalymavia (tên kinh doanh là Metrojet) cho biết các phân tích từ hộp đen cho thấy đó là một vụ nổ bom với tiếng nổ có thể nghe thấy rõ. Riêng hãng CNN dẫn lời một quan chức giấu tên của Mỹ có liên quan còn khẳng định: "99,9% đó là một quả bom". Trước đó, cả Thủ tướng Anh và Tổng thống Mỹ đều khẳng định đó là bom.
Khi nói tới chuyện kiểm tra an ninh trước khi lên máy bay, người ta thường chỉ hay nghĩ tới kiểm tra hành khách. Nhưng "cơ hội khủng bố" chia đều giữa 2 đối tượng hành khách và nhân viên hàng không (bao gồm cả phi hành đoàn và nhân viên mặt đất tại sân bay). Hãng BBC dẫn lời Norman Shanks, cựu giám đốc an ninh tại Cơ quan sân bay Anh, nhấn mạnh rằng quy trình kiểm tra an ninh với nhân viên hàng không mới chứa đựng nhiều lỗ hổng, mỗi nơi mỗi khác. Mà chẳng ai có thể đảm bảo rằng khủng bố không xâm nhập vào đội ngũ an ninh tại các sân bay.
Một trong những cách hạn chế rủi ro nhân viên hàng không mang bom lên máy bay là kiểm tra an ninh đối với những người này trong tất cả mọi lần họ vào khu vực an ninh, dù họ có trở ra, trở vào bao nhiêu lần. Điều này đã được áp dụng tại Anh từ thập niên 90 của thế kỷ trước và sau đó áp dụng trên toàn liên minh châu Âu vào năm 2004.
Kiểm tra an ninh ngày càng trở nên gắt gao hơn ở các sân bay - Ảnh: AFP
Bước ngoặt dẫn đến sự thay đổi này là vụ đánh bom trên bầu trời Lockerbie (Scotland) hồi năm 1988, khi 270 người thiệt mạng vì một quả bom phát nổ trên chuyến bay của hãng hàng không Pan Am (Mỹ) giữa lịch trình từ London đến New York.
"Ngay sau vụ đánh bom, khi còn chưa biết bằng cách nào bom lên được máy bay, chúng tôi đã tăng tốc tối đa để đối mặt với tình hình và thay đổi mọi luật lệ đối với nhân viên (hàng không)", ông Shanks nhớ lại.
Mỹ không xài "hàng" châu Âu
Nhưng quy trình kể trên không được áp dụng ở Mỹ và nhiều nước khác. Liên quan đến vụ đánh bom trên chiếc máy bay Metrojet của Nga vừa qua, Zack Gold, thành viên của Học viện nghiên cứu an ninh quốc gia Israel nhận xét rằng quy trình an ninh dành cho hành khách tại sân bay Sharm el-Sheik của Ai Cập, nơi chiếc máy bay bị nạn khởi hành, được kiểm soát rất chặt chẽ. "Nếu đó là một quả bom, hầu như chắc chắn nó được đưa lậu vào sân bay nhưng không phải do một hành khách. Đưa được một thứ như thế lọt qua hàng rào an ninh ở sân bay có cơ hội thấp hơn bất kỳ thứ gì khác", ông Gold nhận xét.
An ninh tại sân bay Sharm el Sheikh (Ai Cập) - nơi chiếc máy bay Nga cất cánh - đang bị cả thế giới "soi" - Ảnh: AFP
Hồi đầu năm nay, sau vụ lùm xùm về đường dây buôn lậu vũ khí tại sân bay Hartsfield-Jackson Atlanta (Mỹ) do nhân viên hàng không điều hành, Cục an toàn giao thông Mỹ mở cuộc điều tra, cân nhắc quy trình kiểm tra an ninh với nhân viên hàng không tương tự ở châu Âu. Nhưng cuối cùng, Mỹ quyết định không áp dụng nó, thay vào đó tăng cường kiểm tra an ninh ngẫu nhiên nhân viên tại sân bay, cùng lúc tăng cường kiểm tra lý lịch nhân viên hàng không trước khi tuyển dụng.
Tuy nhiên, cựu giám đốc Shanks cho rằng điều này chứa đựng nhiều rủi ro, bởi không ít kẻ khủng bố sở hữu một lý lịch "sạch".
Quay lại với biến cố hàng không nóng nhất hiện nay, cho dù cuối cùng, bom được xác định đã làm nổ tung chiếc máy bay Metrojet, tính ra các biện pháp an ninh được tăng cường những năm vừa qua đã phát huy tác dụng. Lần cuối cùng xảy ra một vụ đánh bom lớn kiểu như thế gây chết người hàng loạt là vào năm 2004, khi 2 chiếc máy bay phát nổ hầu như cùng lúc trên bầu trời miền nam nước Nga, làm tổng cộng 89 người thiệt mạng.
Xét ở một khía cạnh nào đó, những vụ khủng bố như 11.9, như Lockerbie đã góp phần làm cho thế giới này an toàn hơn.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Máy bay hỏng động cơ, hành khách trào máu mũi, miệng Máy bay của hãng Orient Thai Airlines Thái Lan chở theo hàng chục người bị hỏng động cơ giữa trời, lao tự do khiến hành khách trào máu mũi, miệng. Chiếc máy bay số hiệu OX682 của hãng hàng không Thái Lan Orient Thai Airlines, trên hành trình từ Phuket, Thái Lan tới Thành Đô, Trung Quốc, đã bị hỏng động cơ ngay...