Mặn mà cá bã trầu nướng xứ Quảng
Vài lần bạn gọi điện nhắn nhủ: “Trời ngoài này đã chuyển lạnh, ước gì được về lại Quảng Nam, làm đĩa cá bã trầu nướng cay xè cho đỡ nhớ!”.
Cá bã trầu nướng trên lửa than
Tôi chắc mẩm bạn đang nhớ cái ngày đầu thu cách đây hơn hai năm bạn về thăm tôi và cùng nhau nhâm nhi hương vị mặn mòi từ món cá bã trầu nướng.
Thật ra, bất kể thời tiết nóng hay lạnh, cứ đi dọc miệt biển Quảng Nam, thực khách dễ dàng bắt gặp hương thơm cá bã trầu nướng lẫn trong mùi khói than hồng ngào ngạt. Những rổ cá đỏ ròng tươi rói mới đánh bắt đầy ắp tình ngư dân xứ Quảng đã níu chân bao du khách phương xa.
Cá bã trầu phổ biến ở vùng biển Trung bộ mà nhiều nhất là vùng biển Quảng Nam – Đà Nẵng. Điều dễ phân biệt cá bã trầu với các loại cá biển khác là loại cá này nặng khoảng từ 150 – 200 gr trở lên, có đầu và thân dẹp, miệng rộng và đặc biệt có màu đỏ toàn thân.
Video đang HOT
Theo kinh nghiệm người miệt biển, cá bã trầu giàu đạm, thịt đã ngọt lại bùi thơm và đặc biệt có thể chế biến nhiều kiểu, món nào cũng ngon hấp dẫn, không thể chê vào đâu được. Tô canh chua cá bã trầu, đĩa cá bã trầu kho cay ngọt hay chiên giòn chấm nước mắm ớt tỏi, món nào cũng “bắt cơm”. Riêng cá bã trầu nướng là món đắt khách hàng đầu trong thực đơn hàng quán ven biển Quảng Nam nhờ thịt cá thơm ngon và đậm đà hương vị tự nhiên.
Cá bã trầu nướng mộc đã ngon nếu có sự phối hợp tinh tế giữa gia vị và nhiều nguyên liệu tỉ mỉ sẽ còn tạo nên một hương vị quyến rũ rất riêng. Cá xẻ dọc một bên men theo đường xương sao cho phía bên kia vẫn liền để gia vị không bị chảy ra. Gia vị tẩm ướp cá thường là ớt xanh giã với muối hột, bột ngọt, chút tiêu, sả, hành lá (bao gồm cả cọng trắng)… Giã cho đến khi tất cả quết nhuyễn với nhau thì nhét vào giữa bụng, nơi đã xẻ cá. Trước khi nướng cá, quết lên da cá một ít dầu phụng để cá không bị khô. Thỉnh thoảng trở vỉ để cá chín vàng đều. Cá bã trầu nướng có hương thơm của khói và giữ được vị tươi gần như nguyên vẹn của thịt. Chỉ cần nhìn sắc màu hài hòa và nghe hương vị bốc lên cũng đủ thấy khoái khẩu rồi.
Cá bã trầu nướng có đủ bộ gia vị đi kèm thì ngon hơn. Rau gồm các loại rau thơm như húng cây, lá quế, rau tần, riêng rau sống càng nhiều loại càng tốt nhưng không thể thiếu xà lách, chuối xanh, khế. Thức chấm của món cá bã trầu nướng khá đơn giản, được làm từ muối hột và ớt sim cùng sự góp mặt của chanh tươi, nhiều người lại ưa nước mắm chua cay.
Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt ửng hồng của cô bạn khi vừa hít hà bên bếp lửa hồng vừa nhẩn nha gỡ thịt cá, tự tay gói cho mình một cuốn rau với cá. Buổi chiều thu hôm ấy cứ thế chậm trôi, bình yên và lặng lẽ đi vào ký ức chúng tôi với vị mặn mà và ấm áp của cá bã trầu nướng.
Theo Thanhnien
Bánh xèo măng quê
Măng vừa luộc xong, chia nhiều phần nhỏ làm nguyên liệu chế biến thành các món như kho cá, xào lá lốt, trộn dầu phụng. Đặc biệt, để đổi vị, các bà các chị còn chế biến món bánh xèo măng.
Món bánh xèo măng hấp dẫn, thơm ngon của xứ Quảng
Thật lạ, ở mảnh đất xứ Quảng quanh năm tiết trời như thiêu như đốt, đã có đến vài tháng oằn mình với gió Lào khô khốc, vậy mà chỉ cần qua đợt mưa thu, những búp măng mũm mĩm phớt lờ cả nắng gió cứ thế mà vươn lên. Đến tầm cuối tháng chín, tháng mười, măng đã rộ vào mùa thu hoạch.
Quả không ngoa khi nói măng là món quà thiên nhiên vô giá của người dân. Măng hái mang đi bỏ chợ đem lại nguồn lợi kinh tế, và đặc biệt từ măng có thể chế biến nhiều món ngon cải thiện mâm cơm gia đình.
Ai đã từng lớn lên ở vùng trung du xứ Quảng hẳn ký ức tuổi thơ ghi dấu đôi lần "chui rúc" dưới những bụi tre, lồ ô để bẻ măng. Và có lẽ ngay từ lúc chập chững biết đi đã được thưởng thức những món măng dân dã.
Măng vừa luộc xong, chia nhiều phần nhỏ làm nguyên liệu chế biến thành các món như kho cá, xào lá lốt, trộn dầu phụng. Đặc biệt, để đổi vị, các bà các chị còn chế biến món bánh xèo măng.
So với các loại bánh xèo khác, bánh xèo măng chế biến tương đối cầu kỳ một chút. Sau khi khử mùi hăng theo cách như trên, trút măng ra, chẻ nhỏ vừa ăn, vắt ráo. Phi thơm hành tím đã xắt nhỏ, cho măng vào xào khoảng vài phút, hạ nhỏ lửa rồi nêm các loại gia vị nước mắm, đường... Măng chín, thấm gia vị cho ra tô để riêng.
Trước khi đúc bánh, thoa vào chảo một lớp dầu phụng rồi đậy vung, chờ thật nóng mới nhanh tay cầm chiếc gáo múc một vá bột đổ lên, nghiêng chảo cho bột trải đều, thêm măng vào giữa bánh, rồi đậy nắp vung, chừng dăm ba phút khi mặt trên của bánh xốp và khô, viền bánh co lại, tróc ra thì bánh đã chín.
Nhanh tay đưa bánh ra khỏi chảo. Cứ thế đúc bánh cho đến khi thau bột vơi dần. Nhiều nhà còn thêm vài con tôm, con tép hoặc vài chiếc nấm mối hái ngoài vườn.
Ai cũng đi qua cái thời thơ ấu, có người phải rời xa quê hương rồi coi phố như một nơi lập nghiệp, đổi đời. Không còn những ngày đi hái măng rừng. Không còn những lần vui mừng đón đợi từng chiếc bánh xèo măng giòn thơm...
Ở nơi xứ người, mỗi lần trời chuyển sang thu, lòng lại mênh mang bao cảm xúc, hệt như đang được an yên sống lại phút giây tuổi thơ để rồi bâng quơ tự thốt lên trong lòng: "Sao lại thèm bánh xèo măng quê quá!".
Theo Thanhnien
Dân dã bánh nếp xứ Quảng Dân dã, bình dị, bánh nếp là một trong những món ăn đặc trưng của xứ Quảng. Bánh nếp xứ Quảng Bánh nếp có hai lớp, chất liệu chính làm nên lớp vỏ bên ngoài là gạo nếp trồng trên đồng đất phù sa phì nhiêu vừa thơm vừa dẻo. Sau mỗi vụ gặt, người ta chọn nếp được thu hoạch trên thửa...