Màn chào sân của Chúa tể Cõi Mộng
Mùa một “ The Sandman” tạo ấn tượng tốt nhờ sự trung thành nguyên tác và diễn xuất của dàn diễn viên thực lực. Song series vẫn còn nhiều điểm trừ không đáng có.
Thể loại: Huyền ảo, kinh dị
Phát triển: Neil Gaiman, David S. Goyer, Allan Heinberg
Diễn viên: Tom Sturridge, Boyd Holbrook, Patton Oswalt
Đánh giá: 7/10
(*) Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Có ba thứ làm nên quyền lực của Chúa tể Giấc mơ Morpheus (Tom Sturridge) – người đang thống trị Cõi Mộng.
Túi cát giúp anh dịch chuyển xuyên vũ trụ, đến Địa ngục chỉ trong nháy mắt. Nón sắt bảo vệ đầu, đồng thời tạo thành dấu ấn đặc trưng tương tự áo giáp Người Dơi. Mạnh mẽ nhất phải là hồng ngọc. Viên đá có thể điều khiển giấc mơ, biến chiêm bao thành hiện thực, mang đến khả năng trẻ mãi không già.
Khi không có ba vật bất ly thân, Morpheus hoàn toàn vô hại. Thế nên, gã quý tộc Roderick Burgess (Charles Dance) lợi dụng điều đó để giam cầm anh suốt hàng thập kỷ.
Cốt truyện “hai trong một”
Loạt phim The Sandman (Tựa Việt: Người cát) gồm 10 tập, chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của Neil Gaiman – tác giả nhiều tiểu thuyết huyền ảo nổi tiếng như Stardust (1999), Coraline (2002), The Graveyard Book (2008),…
Ra mắt từ năm 1989, nguyên tác có dung lượng đồ sộ với tổng 75 tập, sau đó được phát hành lại thành 10 cuốn sách. Ê-kíp chọn 2 cuốn đầu để chuyển thể series.
Nội dung xoay quanh số phận Morpheus – còn có tên khác là Dream. Biên kịch chắt lọc nhiều tình tiết, cắt bỏ một số nhân vật để câu chuyện trở nên gọn gàng, dễ tiếp cận hơn.
Chuyện phim kể về nhân vật Morpheus (Tom Sturridge) – mệnh danh Chúa tể Cõi Mộng.
Do đó, có thể chia series thành hai nửa. 5 tập đầu kể về hành trình Morpheus tìm cách thoát khỏi sự giam cầm của nhà Burgess, đồng thời giành lại các báu vật bị mất.
5 tập sau tiếp tục khi nhân vật khôi phục sức mạnh. Anh lần lượt đi gặp những người thân quen, cũng như khắc phục hậu quả để lại sau hơn 100 năm vắng bóng.
Cấu trúc kịch bản khiến dự án như hai mùa phim được ghép vào nhau. Mạch truyện bị đứt quãng ở giữa, chưa kể nội dung nửa sau hoàn toàn tách biệt nửa đầu. Một số nhân vật biến mất và không trở lại, số khác lại chỉ xuất hiện ở những tập cuối.
Trên IGN, bản thân tác giả Neil Gaiman thừa nhận tác phẩm “có thể khá dài” nếu xem liên tục. Ông khuyến cáo khán giả nên dừng lại ở tập 6, nghỉ ngơi một chút trước khi muốn kết thúc series.
Kể lại câu chuyện, các nhà làm phim không lạm dụng các cảnh hành động, chiến đấu. Tác phẩm giữ nhịp điệu chậm rãi, từ tốn đưa khán giả bước vào thế giới giả tưởng do Neil Gaiman tạo ra. Ê-kíp cũng thêm thắt một số yếu tố giật gân, kinh dị, nhiều cảnh máu me, rùng rợn để tạo kịch tính.
Phần lớn các chi tiết mang tính chiêu đãi người hâm mộ (fan service). Điển hình là phân đoạn mở màn khi Cõi Mộng được tái hiện bằng kỹ xảo vi tính.
Video đang HOT
Kỹ xảo vi tính đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập thế giới giả tưởng huyền ảo trong phim.
Ống kính theo đuôi một con quạ đen bay chập chờn giữa trời, sau đó tiến vào không gian mang màu sắc thần tiên. Ở đó có những con rồng to lớn và tòa lâu đài khổng lồ, gợi nhớ một chút The Lord of the Rings (2001-2003) lẫn một chút Game of Thrones (2011-2019).
Trung thành tinh thần nguyên tác
Nửa đầu phim tạo được ấn tượng tốt khi cài cắm nhiều yếu tố bất ngờ. Người xem “lướt như bay” cùng Morpheus đi qua một thế kỷ bị giam cầm, từ năm 1916 đến khi được thả tự do năm 2022.
Giống Morpheus bị cầm tù, tác phẩm cũng “đóng băng” khá lâu trong xưởng sản xuất, mất hơn 30 năm để đến với người hâm mộ. Kế hoạch chuyển thể từng được ấp ủ từ năm 1991 nhưng bị trì hoãn nhiều lần. Mãi đến năm 2019, các nhà sản xuất mới “bật đèn xanh” trở lại.
Tham gia phát triển series, tác giả Neil Gaiman hiểu rõ “đứa con tinh thần” hơn ai hết. Ông đồng hành cùng hai nhân vật khác cũng khá nổi tiếng.
Một người là Allan Heinberg – từng viết kịch bản Sex and the City (1998-2004) và Wonder Woman (2017). Người kia là David S. Goyer – biên kịch của nhiều dự án siêu anh hùng như bộ ba Dark Knight (2005-2012), Man of Steel (2013), Batman v Superman: Dawn of Justice (2016)…
Bộ ba mong muốn tạo ra bản chuyển thể trọn vẹn, trung thành nguyên tác tuyệt đối từ nội dung đến hình tượng nhân vật chính.
Khác nhiều phim anh hùng, series không giới thiệu nguồn gốc Morpheus. Ngay từ tập đầu, anh xuất hiện và nhanh chóng rơi vào bẫy của kẻ thù. Sau đó, ê-kíp khéo léo lật mở nhiều chi tiết qua từng tập, giúp người xem hiểu rõ hơn về nhân vật.
Phim không giải thích rõ nguồn gốc của Morpheus. Ngay từ tập một, nhân vật chính đã rơi vào bẫy của kẻ thù và bị giam cầm suốt nhiều năm.
Theo nguyên tác, Chúa tể Cõi Mộng vốn là một mảnh ghép trong gia đình Endless gồm 7 thành viên. Trong đó, mỗi người đại diện cho những hiện tượng vô hình như: Dream (giấc mơ), Death (cái chết), Desire (ham muốn), Destruction (sự hủy diệt)… Tất cả đều có quyền lực mạnh mẽ chẳng kém các vị thần Hy Lạp trên đỉnh Olympus, là ẩn dụ cho sự bất tử.
Trong phim, Morpheus lạnh lùng, ít nói, thậm chí có phần tàn ác chứ không nhân từ. Anh sẵn sàng tước đoạt mạng sống bất kỳ ai, luôn đồng hành cùng một chú quạ đen – loài chim tượng trưng cho cái ác, sự chết chóc.
Ở nửa sau, tác phẩm mở rộng số phận nhân vật chính qua mối quan hệ với chị gái Death (Kirby Howell-Baptiste), em trai Desire (Mason Alexander Park) hay Hob Gadling (Ferdinand Kingsley) – người bạn luôn gặp lại anh sau mỗi 100 năm.
Bên cạnh đó, nhiều nhân vật nổi tiếng trong văn hóa đại chúng cũng xuất hiện trong hình hài mới. Chẳng hạn như nữ hiệp sĩ diệt quỷ Johanna Constantine (Jenna Coleman) hay hai anh em Cain (Sanjeev Bhaskar) và Abel (Asim Chaudhry).
Nổi bật nhất là Lucifer Morningstar (Gwendoline Christie) – kẻ cai trị Địa ngục, một trong những địch thủ đáng gờm của Morpheus.
Series lồng ghép nhiều nhân vật phụ với tính cách và số phận khác biệt.
Tuy nhiên, việc thêm thắt quá nhiều nhân vật khiến câu chuyện bị rối ở nửa sau. Nhiều gương mặt không được giải thích rõ ràng hay đào sâu phát triển, dẫn đến việc gây khó hiểu cho những ai chưa đọc truyện tranh.
Tom Sturridge tỏa sáng
Đảm nhận vai Morpheus là diễn viên người Anh Tom Sturridge – từng làm diễn viên nhí từ năm 11 tuổi khi đóng Gulliver’s Travels (1996).
Lớn lên, ngôi sao hoạt động sôi nổi ở cả ba lĩnh vực điện ảnh, truyền hình và sân khấu. Song, vai Morpheus mới thực sự là bước ngoặt, giúp anh tạo được ấn tượng mạnh trên màn ảnh.
Xuất hiện với thân hình gầy gò và gương mặt góc cạnh, nam diễn viên lột tả trọn vẹn tính cách phức tạp của nhân vật. Anh mang đến cảm giác lạnh lùng, khó đoán như ma cà rồng Edward Cullen (Robert Pattinson) trong series The Twilight Saga (2008-2012).
Ngay cả khi không nói câu nào, Morpheus của Tom Sturridge cũng thừa khả năng khiến người đối diện sợ hãi vì ánh mắt sắc bén.
Ngoài ra, dàn diễn viên phụ giúp phim thu hút hơn. Dù đất diễn không nhiều, Gwendoline Christie – nổi tiếng qua Game of Thrones – để lại ấn tượng trong vai Chúa tể Địa ngục. Các diễn viên nam David Thewlis hay Boyd Holbrook cũng làm tốt các vai phản diện, tạo được kịch tính mỗi lần xuất hiện.
Tom Sturridge để lại nhiều ấn tượng với vai chính Morpheus.
Khi ra mắt, dự án nhận phản hồi tích cực từ giới phê bình, đạt chứng nhận “tươi” trên Rotten Tomatoes với tỷ lệ 87%. Phản ứng của khán giả cũng tương đối tốt, với 7.8/10 điểm trên IMDb.
Phần lớn đánh giá cao sự trung thành nguyên tác, cách ê-kíp xây dựng thế giới huyền ảo và khắc họa các nhân vật. Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng series khó theo dõi, thiếu chiều sâu, một vài tình tiết hoặc nhân vật có thể khai thác tốt hơn.
Nhìn chung, mùa một The Sandman có nhiều yếu tố lôi cuốn khán giả, nhất là với những ai chưa đọc truyện tranh. Tuy nhiên, chất lượng các tập không đồng đều. Nửa sau có phần hụt hơi so với nửa đầu.
Đôi lúc câu chuyện trở nên dài dòng. Ở tập cuối, series không kết thúc trọn vẹn mà cài cắm một số yếu tố gợi mở, làm bàn đạp để phát triển phần sau.
Tác phẩm sẽ hoàn hảo hơn nếu các nhà sản xuất dừng lại ở tập 5, thay vì cố gắng nhồi nhét hai cuốn sách vào làm một.
Phim The Sandman sao chép hay lấy cảm hứng từ Cầu Vàng ở Đà Nẵng?
Hình ảnh cây cầu có hai bàn tay khổng lồ nâng đỡ xuất hiện trong phim The Sandman. Ngay lập tức nó gây tranh luận vì quá giống Cầu Vàng ở Việt Nam. Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, cây cầu không có trong truyện tranh gốc The Sandman.
Cây cầu trong phim The Sandman và Cầu Vàng nằm trong khu du lịch Bà Nà Hills ở Đà Nẵng - Ảnh: ĐPCC/ Sun World BaNa Hills
Trên mạng xã hội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nêu ra chủ đề tranh luận sau khi xem phim The Sandman (Người Cát) trên Netflix.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: "Đêm qua xem bộ phim Người Cát ( The Sandman). Có một hình ảnh trong phim làm tôi vô cùng thích thú. Đó là cây cầu. Và tôi nhớ đến cây cầu nổi tiếng của Đà Nẵng có tên là Cầu Vàng.
Cây cầu này xây dựng vào năm 2016, được thiết kế bởi Trung tâm nghiên cứu thiết kế cảnh quan thuộc Đại học Kiến trúc TP.HCM. Còn cây cầu trong phim Người Cát là cây cầu kỹ xảo do các nhà làm phim làm ra".
Nhà thơ - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng các nhà làm phim Mỹ đã mượn hình ảnh Cầu Vàng Đà Nẵng để "vẽ" lên cây cầu trong bộ phim.
Một số hình ảnh của tòa lâu đài trong truyện tranh The Sandman - Ảnh: DC Comics, blog "Odds and Odds"
Phim trực tuyến dài tập The Sandman do Netflix sản xuất, phát từ ngày 5-8. Phim chuyển thể từ truyện tranh gốc cùng tên của tác giả Neil Gaiman, do DC Comics xuất bản. Tập đầu tiên ra đời năm 1989.
Trong phim The Sandman, cây cầu xuất hiện bên ngoài tòa lâu đài của nhân vật Dream. Còn trong truyện tranh gốc, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, tất cả hình ảnh của tòa lâu đài trong truyện khi được đưa lên một trang mạng đều không đi kèm cây cầu nào cả.
Biên kịch truyện tranh Nguyễn Khánh Dương nhận định sau khi tìm hiểu về truyện tranh gốc The Sandman: "Tôi nhận thấy khi chuyển thể thành phim, nhà làm phim đã sáng tạo nhiều so với bản gốc của bộ truyện. Chi tiết cây cầu có bàn tay đỡ được sáng tạo riêng cho phim, vì trong truyện, các phân cảnh thể hiện lâu đài không có cây cầu này".
Cầu Vàng là một thiết kế nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam - Ảnh: Sun World BaNa Hills
Về khả năng có sự sao chép hay lấy cảm hứng, biên kịch Khánh Dương nhận định: "Thiết kế của Cầu Vàng Đà Nẵng rất đặc trưng và khá nổi tiếng trên thế giới, tôi nghĩ phía nhà làm phim cũng lấy cảm hứng từ Cầu Vàng để xây dựng nên phân cảnh này.
Tuy nhiên, tôi rất hứng thú với khả năng việc sử dụng hình ảnh này là một cú bắt tay bí mật giữa đơn vị làm phim và đơn vị quản lý Cầu Vàng, để cùng quảng bá cho sản phẩm giải trí và địa điểm du lịch".
Tuổi Trẻ Online liên hệ với đơn vị truyền thông trung gian của Netlix tại Việt Nam. Đơn vị này cho biết sẽ tìm hiểu từ phía Netflix về vấn đề này.
Một hình ảnh khác của tòa lâu đài với cây cầu trong phim The Sandman - Ảnh: ĐPCC
Cầu Vàng ở Đà Nẵng là công trình kiến trúc nổi tiếng và từng được đưa vào bảng xếp hạng quốc tế.
Năm 2021, Cầu Vàng được báo Daily Mail (Anh) xếp đầu trong danh sách "các kỳ quan nhân tạo mới của thế giới". Trang báo cho biết cư dân mạng phát hiện nhiều công trình ăn theo công trình của Việt Nam nhưng không phiên bản nào đặc sắc và nổi tiếng như bản gốc.
Daily Mail trích dẫn kiến trúc sư Vũ Việt Anh - kiến trúc sư chính thiết kế cây Cầu Vàng - rằng anh muốn khơi gợi cảm hứng như "đi dạo trên một sợi chỉ nâng đỡ bởi bàn tay của Chúa trời".
The Lord of the Rings: The Rings of Power trailer 'thu về' hơn 300.000 dislike chỉ sau 9 ngày ra mắt Có vẻ như Amazon rất biết cách khuấy động bầu không khí khi The Lord of the Rings: The Rings of Power trailer nhận về hơn 300.000 dislike chỉ sau 9 ngày ra mắt. Câu chuyện về nguyên tác gốc cùng bản chuyển thể vẫn là một vấn đề khiến rất nhiều nhà làm phim đau đầu. Đối với fan hâm mộ thì...