Màn ‘cá cược với thần chết’ của nhà văn Việt 67 tuổi: 3 lần bị hủy vé vẫn quyết sang ổ dịch Italy để ‘mắc kẹt’ cùng vợ
Theo chia sẻ của nhà văn, nếu ở Việt Nam ông sẽ an toàn nhưng lại phải suốt ngày lo lắng cho vợ ở Italy. Giữa sự an toàn và cảm giác bồn chồn, nóng ruột vì lo cho người phụ nữ của mình, ông chọn đi tới ổ dịch để đổi lấy bình yên.
Tình yêu khiến người ta bất chấp mọi hiểm nguy
Nhà văn Trương Văn Dân (67 tuổi, quê gốc Bình Định) có vợ là bà Elena Pucillo (64 tuổi) – một nữ nhà văn người Ý. Cả hai quen nhau khi ông Dân sang Ý du học vào năm 1971. Khi đó, nhà văn người Việt tròn 18 tuổi, còn vợ ông mới chỉ là một thiếu nữ tuổi 16.
Ngay từ lần đầu gặp mặt, bà Elena Pucillo đã rung động trước chàng trai du học sinh Việt bởi vẻ ngoài lịch lãm và nét đẹp châu Á. Về phía ông Dân, sự ngây thơ, hồn nhiên và đa cảm của cô gái người Ý đã khiến ông bị ấn tượng mạnh. Và rồi họ đến với nhau bởi xúc cảm cảm chân thành, mộc mạc, cuồng nhiệt của tuổi trẻ.
Nhà văn Trương Văn Dân và vợ – nữ nhà văn người Ý Elena Pucillo
Sau 13 năm hẹn hò (từ 1972 – 1985), hai người đi tới kết hôn. Cũng từ cuộc hôn nhân này, Trương Văn Dân từ một chuyên gia hoá dược đã bước vào con đường sáng tác văn chương mà ông vốn đam mê từ nhỏ nhưng không thể theo đuổi vì ‘khó thể mưu sinh bằng ngòi bút’.
Ban đầu, ông làm dịch giả chuyển ngữ tác phẩm của vợ sang tiếng Việt rồi chuyển dần sang sáng tác và trở thành nhà văn. Có thể nói, bà Elena Pucillo là người đã tiếp lửa, nâng bước cho chồng hiện thực hoá đam mê.
Sau 35 năm chung sống trên đất nước hình chiếc ủng, vợ chồng ông Dân quyết định trở về Việt Nam. Tại quê hương, nam nhà văn và vợ tiếp tục viết sách.
Tháng 12/2019, ông Dân và vợ sang Milan ra mắt cuốn sách của bà Elena Pucillo rồi ở lại đó ăn Tết. Sau Tết, ông về nước trước còn vợ ở lại. Đến đầu tháng 3/2020, Ý bắt đầu bùng phát dịch COVID-19. Milan trở thành tâm dịch, số người tử vong tăng lên mỗi ngày.
Trước tình hình nguy hiểm, bà Elena Pucillo đặt vé quay về TP.HCM nhưng không thành. Lo lắng khi thấy vợ bị mắc kẹt giữa tâm dịch, sợ hãi khi nghĩ đến cảnh chẳng may vợ nhiễm bệnh sẽ không có ai ở bên chăm sóc, ông Dân quyết định ngược lại đám đông, đi vào vùng ‘tâm bão’.
Bản thân nhà văn người Việt hiểu rõ mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2, đặc biệt, tỉ lệ tử vong do mắc COVID-19 ở người cao tuổi càng cao, và việc việc ông chọn sang Italy lúc này không khác gì… ‘cá cược với thần chết’. Chiến thắng thì ông có thể bình yên ở bên vợ, còn nếu thua, ông xác định đối mặt với căn bệnh đang khiến cả thế giới khiếp sợ.
Video đang HOT
‘Cuộc hôn nhân hơn 35 năm, trải qua nhiều biến cố, nhưng chưa lần nào lòng tôi như ‘lửa đốt’ giống lần này. Tôi mất ngủ nhiều vì lo cho sự an nguy của vợ. Bà ấy chỉ ở một mình, chẳng may bà ấy nhiễm bệnh sẽ không ai bên cạnh.
Bạn bè tôi hỏi ‘Ông không sợ sao?’. Tôi trả lời: ‘Sợ chứ’… vì tôi đâu phải anh hùng. Nhưng lúc ấy, tôi không sợ chết mà chỉ sợ mình không về kịp’, nhà văn Trương Văn Dân nói về lý do ‘ngược bão’ tìm vợ.
‘Lúc ấy, tôi không sợ chết mà chỉ sợ mình không về kịp’…
Ông Dân sang Italy giữa lúc dịch COVID-19 bùng phát mạnh vì không yên tâm để vợ ở một mình
Hành trình lao vào ‘ổ dịch COVID-19′ của nhà văn gần 70 tuổi
Hay tin chồng quyết định sang Italy, bà Elena Pucillo ra sức phản đối. Tuy nhiên, ông Dân vẫn làm theo lời trái tim mách bảo. Ngày 12/3, nhà văn 67 tuổi đặt vé bay sang Ý. Chuyến bay dự kiến cất cánh ngày 16/3 nhưng chưa kịp bay thì vé bị huỷ.
Ông đặt vé lần 2, chấp nhận mức giá tăng gấp nhiều lần so với lần 1 nhưng vừa đặt xong thì hãng báo tin chuyến bay bị huỷ.
Không bỏ cuộc, nam nhà văn tiếp tục đặt vé lần thứ 3. Lần này, ông nhờ tới sự trợ giúp của một người bạn làm trong ngành du lịch. Chuyến bay dự kiến khởi hành chiều 14/3 tại sân bay Tân Sơn Nhất, quá cảnh ở Belgrade (Serbia) rồi đổi sang hãng khác để tiếp tục bay về Milan.
Thời gian gấp gáp, ông Dân chỉ kịp thu xếp hành lý là một vài món đồ cá nhân, thực phẩm khô cùng đồ bảo hộ như khẩu trang, găng tay, kính, nước rửa tay, nước súc miệng… rồi nhanh chóng ra sân bay.
Thế nhưng khi làm thủ tục quá cảnh Belgrade, ông mới biết có lệnh cấm người mang hộ chiếu Italy vào Serbia. Và một lần nữa, ông chồng Việt lại không thể bay.
Ông Dân kể lại khoảnh khắc nhận tin dữ: ‘Tôi ngồi thụp xuống vì thất vọng. Lúc đó, tôi xác định trong tuần này khi các nước chưa thực sự siết chặt lệnh cấm thì vẫn có cửa đi được. Tôi ngồi lại sân bay và nhờ người quen tìm giúp một chuyến bay khác ngay trong đêm.
Quả thực, mọi thứ không hề dễ dàng. Đến nửa đêm hôm đó, bạn tôi vẫn chưa tìm được vé. Người bạn ấy khuyên tôi đi về và hứa sẽ thông báo ngay khi có tin. Tôi về nhà, cơ thể rã rời vì mệt nhưng đầu thì cứ liên tục suy nghĩ. Thật sự là một đêm ác mộng’.
9h sáng hôm sau (15/3), ông Dân nhận được tin từ bạn, đó là có chuyến bay quá cảnh sang Doha (Qatar) để về Rome. Tuy nhiên, sau 3 lần thất bại, nam nhà văn không dám ôm quá nhiều hy vọng cũng chẳng dám vội vui mừng. Ông lặng lẽ kéo vali ra sân bay Tân Sơn Nhất mà không thông báo cho vợ, bạn bè.
19h cùng ngày, nhà văn 67 tuổi lên được chuyến bay đi Doha. Tới sân bay Doha, ông Dân cũng không dám chắc mình có thể bay được tới Rome hay không. Nỗi lo sợ lớn nhất của nam nhà văn là không thể sang Italy, cũng không thể về lại được Việt Nam mà bị mắc kẹt lại ở đất nước xa lạ này.
Suốt 5 tiếng chờ đợi, ông liên tục bước về phía quầy làm thủ tục cho chuyến bay kế tiếp trong tâm trạng căng thẳng, lồng ngực nghẹn lại vì khó thở. Đến 7h sáng ngày 16/3, màn hình hiển thị thông tin sân bay có chuyến bay sang Rome. Lúc này, người chồng Việt mới thở phào, lôi trong vali chai nước và chiếc bánh ngọt ra lót bụng.
Nhà văn Trương Văn Dân tại nhà ga Milan
Trên chuyến bay mong đợi của ông Dân, mọi người đều tỏ ra cẩn trọng, cảnh giác. Nam nhà văn chọn ngồi cạnh cửa sổ vì nhớ lời bạn dặn ‘ngồi gần cửa sổ ít khả năng lây nhiễm nhất’. Ông kéo cao khẩu trang lên khít mũi, ngoảnh mặt ra phía cửa sổ để tránh tiếp xúc, rồi ngủ một giấc lấy lại sức.
‘Điều tôi lo lắng nhất là quá trình di chuyển sang Italy, mình bị nhiễm bệnh sẽ lây cho vợ hoặc nếu có gì bất trắc, chúng tôi sẽ phải chia lìa’, ông Dân nói.
Thế nhưng cuối cùng, mọi công sức và trải nghiệm gian khổ của nhà văn người Việt đã được đền đáp. Chuyến bay hạ cánh an toàn ở Rome. Ông Dân mất thêm nửa giờ bắt xe buýt từ sân bay đến ga xe lửa Rome để lên tàu tới Milan – nơi vợ ông đang ngóng chờ.
Ông nhớ lại: ‘Trong lúc chờ lên tàu đi Milan, tôi có tìm được một quán ăn nhỏ duy nhất còn mở cửa. Bụng đói réo ầm ĩ, tôi đứng xếp hàng và mua được một miếng pizza nóng. Ngồi phịch xuống đất, tôi ăn ngon lành. Cảm giác như được sống lại thời sinh viên nghèo khó, lang bạt. Nhà ga lúc đó cũng vắng tanh, nhân viên an ninh đông hơn khách. Trên toa tàu tôi đi cũng chỉ có bốn hành khách, ngồi rải từ đầu đến cuối toa’.
Đặt chân đến nhà ga Milan, nhìn thấy vợ mình ngay trước mặt, ông Dân hạnh phúc cười chảy nước mắt nhưng không dám ôm vợ. Ông cởi bỏ áo khoác đang mặc vào bao nilon. Về đến nhà, mọi hành lý ông bỏ hết ra ban công, thay quần áo và khử trùng rồi mới bước vào nhà.
Nhà văn 67 tuổi chia sẻ, nếu ở Việt Nam ông sẽ an toàn nhưng sẽ phải suốt ngày phải lo lắng cho vợ ở Italy. Giữa sự an toàn và cảm giác bồn chồn, nóng ruột vì lo cho người phụ nữ của mình, ông chọn đi tới ổ dịch để đổi lấy bình yên.
Ngày 17/3 – ngay sau khi ông vừa kịp đặt chân tới Milan, phi trường Rome đóng cửa, Italy ban hành lệnh phong toả toàn quốc. Sau đó 1 ngày, Vietnam Airlines cũng dừng khai thác đường bay quốc tế đến hết tháng 4.
Khánh Linh
Hơn 60.000 người chết do nCoV toàn cầu
Covid-19 khiến 60.457 người chết trên thế giới, trong đó có 44.132 trường hợp tại châu Âu, chiếm khoảng 72% tổng số ca tử vong.
Tính đến chiều 4/4, Covid-19 đã xuất hiện tại 205 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 1.130.204 người nhiễm, 60.457 ca tử vong và 238.498 người đã bình phục.
Với 14.681 người chết, Italy đang là vùng dịch chết chóc nhất thế giới, tiếp theo là Tây Ban Nha với 11.744 ca tử vong. Số người chết tại Italy trong ba ngày qua tăng trong khoảng 720-770 và thấp hơn vài ngày trước đó. Tây Ban Nha cũng ghi nhận số ca tử vong do nCoV giảm liên tiếp hai ngày.
Pháp và Anh, hai vùng dịch lớn khác của châu Âu, lần lượt ghi nhận số ca tử vong do nCoV là 6.107 và 4.313. Mỹ, nơi có số ca nhiễm nCoV cao nhất toàn cầu, hiện báo cáo 7.159 người chết.
Nhóm người khiêng linh cữu đeo khẩu trang tại đám tang của một phụ nữ chết do nCoV ở Seriate. Italy, hôm 28/3. Ảnh: Reuters.
Kể từ khi Covid-19 bùng phát, toàn cầu đã ghi nhận 1.130.204 trường hợp nhiễm nCoV với 610.846 người ở châu Âu, chiếm hơn một nửa tổng số ca nhiễm. 290.219 trường hợp được báo cáo ở Mỹ và Canada. Tại châu Á, số ca nhiễm đang ở mức 115.777, trong đó 4.124 người đã tử vong.
Sau khi khởi phát tại Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 12/2019, tâm dịch Covid-19 đã chuyển sang Mỹ và các nước châu Âu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước đã áp lệnh phong tỏa cần thực hiện thêm mọi biện pháp để tìm ca bệnh mới và kiểm soát sự lây lan của nCoV.
Ngọc Ánh
Covid-19: Số người chết ở Italy vượt 13.000, lãnh đạo EU xin lỗi Số người chết vì virus corona ở Italy tăng vọt lên 13.915, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) lên tiếng xin lỗi vì đã không phản ứng sớm cùng Italy chống dịch Covid-19. Số người chết tại Italy vượt 13.000 Theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, tính đến 2/4, nước này ghi nhận thêm 760 người thiệt mạng do virus...