Màn “ảo thuật” biến hàng lậu thành hợp pháp
Chỉ cần một bộ hồ sơ thuế quan hoàn chỉnh cùng với giấy phép kinh doanh là các đầu nậu có thể dễ dàng trốn tránh kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng, “phù phép” hàng lậu trở thành hàng hợp pháp.
Những màn “ảo thuật” hoàn hảo
Các đầu nậu ở Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo cũng chính là những doanh nghiệp đã có giấy phép kinh doanh các mặt hàng mà họ buôn lậu. Và để hợp thức hóa hàng lậu, họ có muôn vàn chiêu trò nhằm qua mặt cơ quan chức năng như quay đầu xe tiêu thụ hàng trong khu kinh tế để lách luật; đánh tráo hàng khi làm thủ tục thông quan. Đường cùng thì làm “luật” để vượt qua kiểm soát…
Doanh nghiệp TM chuyên kinh doanh mặt hàng nước giải khát, rượu bia, gạo nếp Thái Lan. Những lái xe của doanh nghiệp này cho hay, mỗi ngày có hàng chục container nước tăng lực Redbull và bia rượu được chuyển về. Để có lãi, chủ doanh nghiệp chỉ làm thủ tục hải quan với hơn phân nửa hàng, số còn lại sẽ xin “quay đầu xe tiêu thụ hàng trong khu kinh tế”. Đây thực ra là một chiêu lách luật quen thuộc của các đầu nậu.
Anh N-một lái xe nhiều năm cho doanh nghiệp TM giải thích: “Hàng từ Lào về Việt Nam, vào khu kinh tế, đến cổng B để hải quan làm thủ tục tháo chì khỏi container. Container nào làm thủ tục xong thì sang kho đổ hàng. Còn container nào chủ hàng xin bán lại trong khu kinh tế thì xe sẽ quay đầu vào khu kinh tế. Thực ra số hàng đó không được tiêu thụ trong khu kinh tế mở mà được tập kết tại một kho trong khu vực này, sau đó các đầu nậu sẽ thuê người dân vận chuyển số hàng này qua cổng kiểm soát để trốn thuế, sau đó sẽ có cách hợp pháp hóa hồ sơ”.
Chúng tôi hỏi, nếu một container bò húc, làm đúng thủ tục phải mất bao nhiêu tiền, anh N nhẩm tính: “Nếu đúng thủ tục, một container phải mất khoảng 100 triệu đồng thuế, nhưng khi xin quay đầu xe để tiêu thụ hàng, thuê người dân vận chuyển chui qua cổng kiểm soát rồi hợp pháp hóa giấy tờ thì chỉ mất từ 40-50 triệu đồng”.
“Muốn có lãi, hàng đầy đủ giấy tờ, đúng quy trình thủ tục vẫn phải lách như thường. Một chiêu nữa bọn em hay làm là tráo hàng. Trong những container chở bò húc, các chủ hàng phải chèn thêm bia hoặc rượu ngoại – những mặt hàng có giá trị cao hơn bò húc. Khi kiểm tra, hải quan cũng khó phát hiện. Như vậy sẽ dễ thông quan hơn. Bia rượu thì thuế cao hơn mà lãi cũng nhiều hơn hẳn “bò húc” mà!”- N khề khà chia sẻ kinh nghiệm.
Video đang HOT
Xe tải và container chờ “nuốt” hàng lậu ngoài cổng kiểm soát
Có chi phí mới lọt
Đúng như lời của N, chúng tôi cũng đã tận mắt chứng kiến tại khu vực kiểm soát cổng B, có đến 5 xe trong tổng số khoảng 20 xe container xin lực lượng hải quan cho quay đầu để “tiêu thụ hàng trong khu kinh tế”. Tại kho hàng của Công ty TNHH AĐ ở ngoài cổng B, H – người được giao nhiệm vụ quản lý kho hàng – đang chỉ đạo cửu vạn bốc hàng lên các xe tải. Có khoảng 5-6 cửu vạn làm nhiệm vụ bốc vác, trong số đó có một người đứng dán tem công ty lên các thùng bò húc. H thành thật kể: “Ở đây có cả hàng lậu và hàng đã đóng thuế, nhưng số hàng lậu khi được dán tem công ty là đã được các chủ hàng “lo thủ tục” hết rồi. Chỉ cần dán tem công ty rồi photocopy một bộ hồ sơ đem đi công chứng cho các lái xe là số hàng đó có thể đi tiêu thụ khắp các tỉnh thành, chẳng ai truy hỏi được!”.
Còn việc “làm luật” để đưa hàng lậu qua khu kiểm soát cổng B được người dân ở đây coi là chuyện bình thường. Chị Trương Thị B – một dân bo hàng – nói: “Một xe ô tô khi qua cổng B thì phải có chi phí cho các chốt kiểm soát, mỗi chỗ một ít mới trót lọt”. Theo giải thích của chị B, cách thức “làm luật” ăn chia với các mối ở cổng B để đưa được hàng qua cổng như sau: Mỗi thùng hàng được đầu nậu trả 10.000 đồng thì mình phải “làm luật” mất 6.000 đồng. Còn nếu đi qua đường tiểu ngạch, không may bị bắt hàng thì đương nhiên, mình phải đền cho chủ hàng. Chẳng ai muốn chuyện đó xảy ra cả!
Theo 24h
Chặn "cơn lốc" hàng lậu
Trở lại Đồn biên phòng Tân Thanh, Lạng Sơn vào buổi sáng sau đêm thâm nhập cung đường mòn thuộc xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng để ghi nhận tình hình thực tế nạn buôn lậu vùng biên thời điểm cuối năm, chúng tôi thấy vắng lặng lạ thường. Sở dĩ như vậy bởi ngoài những vị trí cần thiết có cán bộ làm việc và ứng trực, còn lại Đồn vắng lặng.
Làm "lạnh" vùng "nóng"
Thiếu tá Vũ Quốc Ân, phó chính trị Đồn Biên phòng Tân Thanh tỏ ra hào hứng khi chúng tôi có mặt tại đơn vị. Anh bảo, thời điểm này mọi người đi lán hết cả rồi. Khi biết tin các đồng đội của anh đang ở lán để xử lý số hàng lậu bắt được đêm qua tại đường mòn lên cao điểm 474 gần cột mốc biên giới 1099 tôi liền đề nghị được ghi hình tang vật. Một lát sau, Thượng tá Phạm Quốc Huy, Đồn trưởng từ hiện trường phóng xe về, trên người bê bết bùn. Anh cười rồi hóm hỉnh nói: "Đấy các anh xem biên giới lãng mạn thế này đây, chẳng thấy hoa sim đâu cả mà chỉ thấy toàn bùn từ đầu đến chân như thể đi cày ruộng đây".
Lính biên phòng là thế, gian khổ vất vả nhất là những đơn vị gần cửa khẩu, ngoài nhiệm vụ giữ gìn an ninh biên giới còn phải làm công tác khác, như chống buôn lậu chẳng hạn. Thời điểm áp tết, nhu cầu hàng hóa tăng cao, thế nên đám buôn lậu lợi dụng mọi kẽ hở từ đường mòn để vận chuyển hàng từ biên giới vào nội địa. Vì thế công việc làm cật lực mà vẫn không hết. Anh Huy tâm sự: "Đồn Tân Thanh có nhiệm vụ quản lý 13 km đường biên giới nhưng cũng khá vất vả. Việc ngăn chặn hàng lậu khó vô cùng bởi người mang vác chủ yếu là bà con địa phương, mình làm không khéo trở thành đối đầu với dân thì không ổn" - anh Huy cho biết.
Trung úy Lê Xuân Thường chốt chặn tại khe Đầu Lâu
Thượng úy Nguyễn Văn Huy, Trạm phó biên phòng Cốc Nam được giao nhiệm vụ dẫn chúng tôi đến điểm "nóng" hàng lậu. Lựa theo lối mòn ngược núi nhầy nhụa, trơn trượt, chúng tôi được anh cho biết đây là con đường lên hẻm Đầu Lâu, nơi có cột mốc biên giới 1103 của nước ta. Đi được một lúc, chúng tôi thấy có nhiều lán trại ở nhánh rẽ xương cá trên trục con đường mòn tới đỉnh hẻm Đầu Lâu. Anh Huy bảo, các cửu vạn luôn rình rập lực lượng làm nhiệm vụ, chớp thời cơ tuồn hàng về nước. Nhiều đối tượng bị bắt rất hung hãn, giằng giật hàng với lực lượng chống buôn lậu. Những hàng rào thép gai được chăng ngăn chặn các lối mòn, được cắm biển "khu vực cấm xuất nhập cảnh trái phép" thế nhưng bọn chúng vẫn lợi dụng bóng đêm tìm nơi vách núi cao, dùng dây tời hàng lậu. Chốt lán nằm cạnh cột mốc biên giới 1103, được xếp "phản nằm cơ động" đầy đủ chăn màn và công cụ hỗ trợ. Chốt này luôn có 3 đồng chí, 2 thuộc lực lượng biên phòng và một của ngành Hải quan.
Tất cả có nhiệm vụ như nhau và không được ngơi mắt bất cứ lúc nào. Bởi từ đây, có thể nhìn thấy cảnh sầm uất của chợ Lũng Vài nước bạn. Và ngay cả khi chúng tôi có mặt, vẫn có thấp thoáng mấy người đứng từ bên kia đáp ánh nhìn dò xét. Anh Huy tiếp tục dẫn chúng tôi theo lối mòn lên cao điểm 386, nơi có đến 3 đường xương cá mà giới cửu vạn mở thành đường mòn để mang vác hàng lậu. Giờ thì mỗi ngả rẽ đều có người chốt trực 24/24, ngoài ra còn chăng dây thép gai rất chắc chắn. Thế nhưng, chỉ cần vắng bóng người gác là hàng lậu tuồn qua nhanh như chảo chớp. Sức lính có hạn, giới buôn lậu thì có vô vàn thủ đoạn. Nếu không bền gan thì hàng lậu tràn ngập. Đêm qua, một vụ đuổi bắt đám vận chuyển hàng lậu, Trung úy Lê Xuân Thường vật lộn với đám cửu vạn bị va vào đá mắt bầm tím, tụ máu sưng vù.
Những lối mòn cửu vạn thường đi giờ đã có chốt ngăn chặn
Cương quyết đấu tranh với hàng lậu
Lý do điểm hàng lậu đường mòn mới "phình" ra tại địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng theo Trung tá Khuất Duy Phúc, Đồn phó Đồn Biên phòng Tân Thanh, một số điểm đường mòn gần đó là gốc nhãn, gốc bưởi trước đây đám cửu vạn có thể băng qua được nhưng lực lượng mỏng nên không thể ngăn chặn. Hiện tại, các điểm đường mòn tự phát này đã được bịt không thể qua lại. Vì thế cánh vận chuyển hàng lậu đã khai phá lối mòn mới để đi qua. Càng dịp cuối năm, diễn biến buôn lậu, vận chuyển hàng lậu từ biên giới vào nội địa có phần phức tạp hơn.
Khi chúng tôi nhắc đến tình hình hàng lậu sẽ nóng bỏng vào dịp cuối năm, Thượng tá Ninh Văn Hợp, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị hóm hỉnh: "Nóng hay nguội các nhà báo biết rõ chứ. Tôi dẫn chứng nhé, các anh cứ thử ngồi ở đường nhựa thì biết, năm ngoái chạy xe máy chở hàng chạy rầm rập, năm nay các anh thấy đấy, ngoài đường cửu vạn thồ hàng rất ít".
Rồi anh bảo, thực tế nhìn nhận thì tình hình vận chuyển hàng lậu từ bên kia biên giới về nước ta năm nay giảm rất rõ. "Tôi nghĩ một phần cũng do thị trường tiêu dùng của ta giờ bão hòa, hơn nữa người dân mình đa phần cũng đã chọn lọc hàng hóa chứ không nhắm mắt mua bán như vài năm trước nữa" - anh Hợp nhìn nhận. Nói như thế không có nghĩa tình hình vận chuyển, buôn lậu ở biên giới lắng hẳn xuống. Bởi đã là vùng biên thì nạn hàng lậu băng qua vẫn là cuộc chiến đầy gian nan, vất vả. Bởi thế những lán dã chiến trên những cung đường mòn nơi cao điểm 386, hẻm Đầu Lâu, Bãi Gianh, Đồi Thông... vẫn luôn cần các chiến sỹ bền gan trong cuộc chống hàng lậu nơi biên cương.
Theo 24h
Chuyện chưa kể kiếp vượt biên sang Trung Quốc làm thuê Dù biết vượt biên trái phép, nguy hiểm rình rập, song do được trả ngày công lao động khá cao, hàng vạn lao động đã, đang nhắm mắt đưa chân qua bên kia biên giới... Chúng tôi gặp Vừ Mí Phừ, thôn Xóm mới, thị trấn Phó Bảng, đang làm thợ hồ cho một công trình xây dựng của xã. Đưa tay quệt...