Mắm mực ngày đông
Mùa gió đang về. Lũ con xa có gốc gác từ những làng chài chắc là đang nhớ lắm chén mắm mực quê nhà.
Xưa nay, công việc làm mắm thường thuộc về những bà nội trợ khéo tay ở vùng sông nước. Riêng mắm mực lại do chính những chàng trai biển muối từ ngoài khơi trong những phiên biển dài ngày. Khi mẻ lưới giã cào vừa được cảo (kéo) lên, ngư dân xúm vào phân loại cá, gặp những con mực nhỏ bằng ngón tay cái, da còn ngời lên màu tím sẫm thì để riêng ra.
Lựa cá xong ai cũng chăm chú làm mắm. Lần lượt cứ một chén muối “cõng” ba chén mực, trộn đều, cho vào can nhựa. Mắm mực có màu hơi đen do túi mực tiết ra. Người sành ăn mắm mực cho rằng túi mực là tinh chất của con mực. Vì thế nếu bỏ túi mực trước khi muối, con mực trông “sáng sủa” hơn nhưng độ ngon của mắm sẽ giảm hẳn.
Hình như người muối mắm mực đã tính toán trước, nên sau hai tháng từ khi muối đến lúc mắm chua thì ngày đông tháng giá cũng đã về. Mắm mực đúng là “hữu xạ tự nhiên hương”. Vừa mở nắp can ra, người đi ngoài ngõ đã hít hà: “Chà, nhà này có mắm mực thơm ác liệt”. Lũ nhỏ chơi đâu đó, nghe mùi mắm mực, biết là đến bữa cơm liền ù té chạy về, khỏi cần mẹ gọi.
Video đang HOT
Thật lạ lùng, trời lạnh chừng nào ăn mắm mực thấy ngon chừng ấy. Bữa cơm nào chén mắm mực cũng… lên ngôi, “chễm chệ” giữa mâm, bên cạnh là đĩa thịt heo luộc ít nạc nhiều mỡ và đĩa rau luộc, thường là rau lang, ngọn bí, rau cải, hoặc rau tươi.
Mắm mực có thể ăn sống. Vì con mắm hơi dai nên phải dùng đũa gắp lên rồi lấy kéo cắt ra từng mẩu nhỏ cho vào chén đã có sẵn gừng, ớt. Ăn thế gọi là ăn mắm “gin”. Không muốn ăn sống thì kho với một ít thịt heo. Khi ấy con mực sẽ co lại và rất mềm. Nhiệt độ khiến mắm mực và miếng thịt “tương tác” lẫn nhau nên cả hai đều có mùi vị rất đậm đà.
Gắp đũa rau, chấm vào chén mắm mực, dù là mắm sống hay đã kho, và cùng với miếng cơm thì ngon đến mức… quên lời mẹ dặn “ăn phải coi nồi”. Nếu chấm mắm mà lát gừng dính theo thì quá “hên”, vì miếng mắm mực vốn đã ngon lại càng thêm nồng nàn, và cái lạnh chiều đông phút chốc như tan biến.
Theo Thanh Niên
Mì Chũ - đặc sản đất Bắc
Nếu có dịp đến với Bắc Giang khám phá ẩm thực nơi đây, các bạn nhớ hãy một lần thưởng thức mì Chũ, đặc sản của vùng đất này.
Đi dọc quốc lộ 31, cách thành phố Bắc Giang 40km về phía đông, các bạn sẽ đến Lục Ngạn, vùng đất không chỉ được biết đến bởi những đồi vải xanh ngút ngàn, một thứ quả đặc sản nổi tiếng vùng đất này, mà sẽ được người dân nơi đây giới thiệu đến làng nghề mì gạo Nam Dương, còn được gọi mì Chũ, ngon có tiếng.
Được sản xuất từ làng nghề Thủ Dương, Nam Dương (Lục Ngạn, Bắc Giang), đây là một làng nghề truyền thống đã hình thành từ lâu đời. Trải qua nhiều thế hệ cha truyền con nối, mì Chũ đã trở thành đặc sản của vùng đất này, một ẩm thực mang hương vị quê nhà không thể quên được của mỗi người con đất Bắc khi đi xa.
Được tạo ra bởi chính hạt gạo bao thai Hồng trồng trên vùng đất đồi Chũ, những cây lúa chắt chiu dinh dưỡng, hình thành bông từ mảnh đất đồi sỏi đá, cằn cỗi. Có lẽ chính vì vậy mì nơi đây mang một hương vị không thể nào lẫn được so với các nơi khác. Từng sợi mì mang cho bạn cảm giác dẻo dai, đậm đà, ngọt bùi nơi đầu lưỡi.
Quá trình làm mì được thực hiện công phu, cẩn thận. Những hạt gạo được nhặt sạch, vo kỹ rồi ngâm trong nước tầm tám tiếng, sau đó bỏ ra xay nhuyễn thành một thứ bột trắng tinh, sánh và dẻo, được lọc đi lọc lại nhiều lần rồi ủ qua một đêm. Sáng hôm sau những người thợ mới hoàn tất quy trình làm mì. Bột đã ủ được đem tráng bánh, bóc bánh đóng vào khuôn, đem phơi và cắt thành sợi mì đều đặn.
Đây là một món ẩm thực bình dân, có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, nhúng để ăn lẩu trong những ngày mùa đông giá lạnh. Hay đơn giản chỉ là một bát mì xào, một bát phở để cho gia đình, bạn bè hoặc tự mình thưởng thức. Dù có chế biến như thế nào mì Chũ vẫn giữ được hương vị riêng. Những sợi mì dẻo dai, đậm đà có thể làm hài lòng bất cứ thực khách khó tính nào khi thưởng thức.
Nhớ cách đây vài năm, tôi trọ cùng một cô bạn người Phú Thọ, sau khi đã chán các bữa sáng bằng các loại mì ăn liền, tôi liền giới thiệu món mì Chũ, Bắc Giang vậy mà ghiền tới tận bây giờ. Mỗi khi gặp nhau cô ấy vẫn tấm tắc khen ngon, vài năm rồi mà ăn mãi không thấy ngán.
Nếu có dịp ghé thăm vùng đất đồi này, các bạn nhớ một lần thử thưởng thức món mì Chũ để tự mình cảm nhận được sự đậm đà, vị dẻo dai, ngọn mát của từng sợi mì nơi đây. Và nhớ mua một ít mì Chũ - món quà quê đơn giản nhưng ý nghĩa, chứa đựng cả tình người ấm áp của con người vùng đất này, để dành tặng người thân hay bạn bè. Và các bạn có thể yên tâm thưởng thức vì mì ở đây không sử dụng hàn the hay bất kỳ một loại chất hóa học nào khác.
Theo Tuổi Trẻ
Súp kem tươi Món súp khai vị luôn mang lại cho người thưởng thức cảm giác thoải mái, dễ chịu bởi vị ngọt dịu, thanh tao. Đặc biệt, trong những ngày đông, món súp kem tươi sẽ đem lại cho thực khách những cảm nhận mới lạ bởi hương vị độc đáo. Ảnh: truongton Với các nước ở châu Âu, súp là món ăn không thể...