Mâm cỗ Tết 3 miền bằng đất sét
Các món Tết như bánh chưng, bánh tét, nem chua, thịt kho trứng…được tái hiện với kích thước gần giống thật, bằng đất sét.
Hơn một tháng nay, trong căn phòng ở chung cư Lý Thái Tổ (quận 3), anh Nguyễn Tấn Đạt thực hiện những món ăn trong mâm cơm ngày Tết của ba miền bằng đất sét.
Bộ sưu tập gồm hơn 20 món ăn của ngày Tết của từng vùng miền như gà luộc, bánh chưng, bánh tét, dưa hành, thịt đông, thịt kho hột vịt, khổ qua… được tái hiện sinh động.
“Tôi thấy thời gian qua văn hoá Tết cổ truyền đang dần mai một. Nhiều bạn trẻ đi du lịch thay vì bên gia đình cùng nấu ăn, sum vầy. Vì vậy tôi làm các món ăn Tết như một cách gìn giữ phong tục tuyền thống”, anh Đạt nói, tay chăm chú sơn lại màu da cho con gà đất sét.
Mâm cơm Tết của miền Bắc, anh chọn một số món nổi bật như gà luộc lá chanh, dưa hành, giò, thịt đông, xôi và không thể thiếu bánh chưng.
Anh cho biết phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu kỹ các món ăn, mang đặc trưng từng miền. Anh chọn những món tiêu biểu và nhiều người biết.
“Gà luộc là món không thể thiếu nhất trong trong lễ cúng giao thừa ở miền Bắc. Không chỉ Tết mà bất cứ dịp hội hè nào thì cũng cần có thịt gà”, anh nói.
Để làm được con gà cúng, anh mất một ngày tạo hình, sơn màu rồi phơi cho khô. Trước đó, anh đã làm nhiều mô hình, con vật bằng đất sét nên có kinh nghiệm tạo hình, phối màu.
Video đang HOT
Bánh chưng không thể thiếu trong mâm cỗ miền Bắc. Anh chia sẻ, bánh chưng đất sét không khó nhưng mất nhiều thời gian để tạo ra các hạt gạo và kết dính chúng với nhau.
So với mâm cỗ Tết của miền Bắc, món ăn của miền Trung mang nhiều màu sắc như nem chua, tré, bánh tét, thịt luộc – tôm chua, chả giò và cũng không thể thiếu gà luộc.
Nếu như cỗ miền Bắc có bánh chưng thì miền Trung và miền Nam đều không thể thiếu bánh tét ngày Tết.
Món tré và nem chua là món ăn phổ biến trong mâm cỗ Tết, nhất là ở các tỉnh thành Huế, Đà Nẵng.
Thịt luộc, tôm chua và món cuốn của miền Trung được để chung một đĩa. Các món ăn được anh Đạt làm có kích thước gần giống thật và để trong đĩa sứ để tạo cảm giác chân thực nhất.
Với ẩm thực ngày Tết của miền Nam, không thể thiếu các món như bánh tét, thịt kho hột vịt, canh khổ qua, củ kiệu, dưa giá…
Thịt kho hột vịt là khó làm nhất trong các món ăn. Theo anh Đạt, việc pha màu để tạo ra màu sắc cho nước kho, trứng và thịt mất nhiều thời gian.
Món canh khổ qua của miền Nam với ý nghĩa mong những điều khó khăn của năm cũ qua đi, năm mới sẽ gặp nhiều may mắn.
Ngoài những món ăn ngày Tết, 25 món bún như bánh đa cua, phở Hà Nội, bún cá Nha Trang, bún bò Huế… được anh tái hiện bằng đất sét một cách sinh động.
“Cũng có nhiều người hỏi mua nhưng tôi không bán mà để trưng cho đẹp. Sắp tới tôi sẽ làm thêm những mô hình mới về các chủ đề khác như làng nghề, đồ thủ công mỹ nghệ… và bằng chất liệu khác”, anh Đạt chia sẻ.
Khác biệt mâm cỗ Tết 3 miền
Hà Nội có thịt đông, Huế có thịt luộc tôm chua và các tỉnh miền Nam không thể thiếu thịt kho hột vịt trong ngày Tết.
Mâm cỗ ngày Tết tại các tỉnh thành Việt Nam mỗi nơi một nét, tùy văn hóa, địa lý hay ẩm thực của mỗi vùng miền. Khi đi du lịch vào dịp đầu năm, bạn có thể được thưởng thức, hiểu về văn hóa ẩm thực qua mâm cỗ tại từng địa phương.
Miền Bắc
Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết cho biết, mâm cỗ Tết truyền thống của người Hà Nội hay người miền Bắc nói chung thường có xôi gấc, bánh chưng, dưa hành muối, nem (chả giò), giò thủ và thịt đông. Các món ăn này được chọn vì người miền Bắc đón xuân vào thời tiết lạnh. Trong đó, thịt đông là món đặc trưng của mùa đông xuân mà các vùng miền khác thường không có.
Mỗi gia đình thường gia giảm thêm một số món như bóng bì xào thập cẩm, gà luộc, canh măng, miến xào mề gà... Bà Ánh Tuyết cũng cho biết, theo truyền thống, mâm cỗ xưa cần 4 bát, 4 đĩa. Những nhà khá giả hoặc làm quan thì làm 6 bát, 6 đĩa, thậm chí 8 bát, 8 đĩa.
Mâm cỗ Tết miền Bắc. Ảnh: Shutterstock
Miền Trung
Ở Huế các món ăn cho mâm cỗ Tất niên thường có tối thiểu 7 món. Người Huế vẫn nấu những món trong cuộc sống hằng ngày. Theo nghệ nhân ẩm thực Huế Mai Thị Trà, không tính gà luộc nguyên con, xôi, chè..., mâm cỗ thường gồm bánh chưng hoặc bánh tét, món hầm, thịt luộc tôm chua, tôm thịt rim, cá chiên, một món xào, dưa món. Bên cạnh đó, chả, nem chua, ram Huế, gỏi... cũng là một số món được ăn vào ngày Tết, tùy theo điều kiện của mỗi gia đình. Những món ăn này có trên mâm cỗ của người dân, còn yến tiệc đón năm mới của vua chúa triều Nguyễn sẽ đủ sơn hào hải vị, được chế biến cầu kỳ.
Nem công chả phượng là một món ăn biểu tượng của ẩm thực cung đình Huế. Ảnh: Bảo Ngân
Miền Nam
Những món không thể thiếu trong cỗ tết phương Nam là bánh tét, canh khổ qua nhồi thịt và thịt kho hột vịt. Đầu bếp Trần Ngọc Sang (TP HCM) lý giải, dân gian cho rằng ăn canh khổ qua để "cái khổ đi qua", xua tan điều không tốt trong năm cũ. Món thịt kho hột vịt với miếng thịt vuông, quả trứng tròn tượng trưng cho trời đất tròn vuông, năm mới trọn vẹn, đầy đủ. Ngoài ra, mỗi nhà lại biến tấu thêm các món ăn khác như gà xé phay, tôm khô củ kiệu... Tráng miệng có nhiều loại mứt trái cây và bánh kẹo ngọt như mứt dừa, me, mãng cầu...
Các món ăn ngày Tết miền Nam. Ảnh: Shutterstock
Để hành trình du lịch ý nghĩa hơn, du khách có thể vừa du xuân, vừa trải nghiệm ẩm thực đặc trưng ngày Tết của từng vùng miền. Thực đơn được chọn lọc, lồng ghép nhằm đem lại cho du khách trong chuyến du xuân đầu năm một cảm xúc thật đặc biệt. Đây chính là điểm nhấn mà Vietravel muốn đem đến cho du khách qua bộ sản phẩm "Mâm cỗ ngày xuân". Trước khi dùng bữa, du khách được nghe nghệ nhân ẩm thực hoặc đầu bếp giới thiệu về các món ăn, tìm hiểu sự khác biệt trong cách bày biện mâm cỗ của mỗi địa phương.
Du lịch Cồn Sơn thưởng thức những món bánh ngon Du lịch Cồn Sơn (Cần Thơ) không chỉ hấp dẫn du khách bằng những vườn cây ăn trái trĩu quả mà còn bởi cái hương vị ngọt ngào của các loại bánh ngon như: bánh tét lá cẩm, bánh lá mít, bánh khoai mì, bánh ống lá dứa,... Bánh tét lá cẩm Bánh tét lá cẩm là một trong những món bánh đặc...