Mắm cá, món ngon truyền đời đắt sô dữ dội ngày Tết
Dòng họ mắm U Minh kể suốt ngày không hết: mắm cá sặc, rô, chốt, linh, chèn, sơn… Mắm cá lóc lẫy lừng thiên hạ, không ai qua mặt được, thường ngự trên bàn tiệc ngày Tết.
Món mắm cá lóc thịt heo luộc
Mâm cỗ Tết của dân vật hùm cũng như mọi vùng Nam Bộ khác không thể thiếu bánh tét gói lá chuối, thịt kho hột vịt, tai heo ngâm dấm, canh khổ qua, dưa giá, củ kiệu tôm khô, dưa hấu, mứt bí mứt dừa…
Nhưng có một món truyền đời ít ai biết, chỉ tới nhà dân vùng cực nam Tổ quốc vào đầu xuân mới mong hưởng là mắm đồng.
Dòng họ mắm U Minh kể suốt ngày không hết: mắm cá sặc, rô, chốt, linh, chèn, sơn… Mắm cá lóc lẫy lừng thiên hạ, không ai qua mặt được, thường ngự trên bàn tiệc ngày Tết.
Mắm cá lóc chưng vịt thịt heo Tết
Lóc đọc trại ra thành lộc, tức lộc lóc đầy nhà, và cũng bởi sông rạch chằng chịt, trước kia chèo xuồng nghe cá lóc đớp bọt thổi bong bóng cả đàn đen kịt dưới nước.
Muốn có một hũ mắm thơm lừng khá gian nan vất vả. Cá lóc đen thịt chắc, mập gần hai ký mới vinh dự được rước vô hũ mắm Tết. Khâu làm sạch cá cực vô vàn, mà khắt khe trần thân. Cạo nhớt, bỏ ruột, tuốt không còn bợn gân máu – coi đơn giản chứ quyết định mắm ngon hay dở.
Đến giai đoạn muối cá, tay non khờ khạo đừng hòng xía vô. Xưa ông bà ướp bằng muối hột. Xé cá phẳng phiu, rắc muối đã nung khắp mình, nhét đầy miệng cá rồi xếp ngay ngắn trong khạp sành, đè đá hay nắp nồi đất, mo cau lên, chèn hai ba lớp cọng dừa, đậy lá chuối kín bưng, buộc lạt xiết cứng ngắt.
Cá ngấm muối trong hai tháng, lấy ra rửa thêm ba đợt nước, phơi ráo, ướp thính gạo, tỏi, tiêu, rưới đường thắng kẹo pha tý rượu, xếp vô khạp ủ thêm ít nhất sáu tháng, càng lâu mắm càng dịu. Mắm ủ đúng giờ đúng khắc dùng sống hay nấu chín gì cũng quyến rũ vô song.
Mắm lóc chưng trứng thịt băm đắt sô dữ dội ngày Tết vì đẹp, dễ ăn. Khách Sài Gòn, Hà Nội, các miền xa chưa đưa ông Táo về trời đã đặt hàng túi bụi. Vịt chạy đồng mập nú na nú nần đẻ trứng to phát mê.
Trứng vịt lòng đỏ au được đánh tan, mà kỵ nổi như bánh bông lan vì nổi quá sẽ tạo bọt bèo, trộn cùng thịt heo băm nhuyễn. Bà con quê tận giờ vẫn thích băm thịt bằng tay bộp bộp lóc cóc, sở dĩ ghét nhàn khoái cực, do thịt xay máy quá nhuyễn gây ngậy.
Nàng mắm khó tánh lắm à nha, phải rỉa xương kỹ lưỡng, bằm riêng, nhẹ tay thôi, nát bét là hết ăn Tết. Tất cả đầy đủ mới nhập cuộ:c trứng, mắm, thịt, gia giảm tiêu tỏi hành, chút đường đằm thắm. Một thứ hễ quên là coi như tô mắm bỏ: sả băm. Có sả hộ tống, nàng mắm mới nên tiếng tăm, như Lệ Thủy thiếu Minh Vương sáu câu sàng xê kém phần mùi mẩn.
Khi hấp, người ta hay phủ tô mắm bằng lá sen hay chuối cắt tròn, chả điệu đàng chi, nhưng tránh nước rỏ lên mặt làm lỗ chỗ mắm. Canh khoảng nửa giờ phải đánh lòng đỏ trứng vịt phết mặt tô mắm rồi hấp tiếp.
Mắm cá lóc chưng thịt
Video đang HOT
Tô mắm chưng bốc khói nghi ngút vừa đặt lên bàn đã hớp hồn bao thực khách. Màu vàng cam chói lọi hệt mai vàng nở rộ, tròn vành vạnh tựa mặt trời hừng đông, hương mắm, xả nồng nàn lan tỏa khắp nhà.
Cơm gạo mới gặt dẻo nhẹo dùng chung mắm chưng nóng hổi, kèo nèo, dưa chuột, rau sống ngon lạ ngon lùng.
Cùng mắm lóc chưng, nhưng mình nàng mắm lóc lót gừng non hấp xửng nước sôi ùng ục càng mê hồn trận. Thịt mắm hấp xong nâu ửng đồng đỏ, gắp đũa nào tan tơi trong miệng. Thêm chút xoài non băm nhuyễn thôi bá cháy.
Món mắm Thái cá lóc
Mắm thái giản dị, mộc mạc cũng được mến mộ kha khá khi xuân về, nhất là qua mùng 4, mùng 5 quá ư hãi hùng với thịt thà. Mắm lóc sống đỏ au vừa lấy ra khỏi khạp được xắt hay xé sợi trộn chung đu đủ xanh, rắc thính gạo rang, tiêu.
Đầu tháng Chạp, nắng cháy da thịt là lúc chọn đu đủ tơ dôn dốt ruột xanh năm vàng một, gọt vỏ xắt sợi sao cho phơi nắng hai canh giờ vẫn còn cọng le te. Đường tán ngon trong veo rim lửa liu riu nổ sóng bóc bóc mới mời đu đủ vào lanh tay chấy lẹ. Từng cọng đu đủ lóng lánh hệt sợi tơ quấn quanh mắm hồng hồng, nhìn đã nuốt nước miếng ừng ực.
Tỏi, ớt sừng trâu cay nhẹ hợp rơ mắm thái vô cùng. Tùy gia chủ, có nhà bỏ sẵn tỏi ớt, thịt ba rọi luộc xắt lát chung mắm, nhà nào kỹ tính thì đĩa mắm riêng, ba rọi luộc riêng, đĩa ớt tỏi riêng, ai thích thức nào dùng thức ấy.
Chuối chát trắng bóc, khế chua xanh um tăng vị ngon của mắm thái vượt bực khi dùng cùng bún tươi, giá, húng chanh.
Cá lóc cuốn thịt cuộn rau ghém
Người thành phố về miệt quê toàn đước và bần này chắc hẳn ngạc nhiên khi thấy bà con cuốn bánh tráng với bún, mắm thái thịt heo luộc rồi chấm nước mắm chanh ớt ăn ngon lành. Sao ăn mặn dẽ héng! Thiệt ra chả mặn chút nào, thử rồi sẽ biết. Mắm qua gần cả năm ủ ngấu, được nước đường ngấm vô, thêm đu đủ ngào đường làm giảm mặn tăng ngọt ngào bắt mê.
Dân sành ăn lại khoái mắm sống. Chỉ cần con mắm cắt rối, thịt luộc vây quanh, bánh tráng, rau sống, vài trái bần non là đủ cho một bàn xum họp ngày xuân gia đình ấm cúng.
Theo Tuoitre
Gợi ý món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ tất niên ngày Tết miền Nam
Việc chuẩn bị một mâm cỗ ngày tết 2020 để cúng gia tiên trong dịp cuối năm và gia đình cùng sum vầy là một truyền thống lâu đời của người Việt. Liệu mâm cỗ ngày Tết miền Nam có giống với vùng miền khác? Cùng khám phá ngay trong bài viết sau.
I. Các món ăn trong mâm cỗ tất niên ngày Tết miền Nam
1. Bánh tét
Nếu ở miền Bắc có bánh chưng thì người miền Nam có món bánh tét trên mâm cỗ ngày Tết. Bánh tét có nhiều loại khác nhau như bánh tét chay, bánh tét mặn, bánh tét thập cẩm, bánh tét không nhân.
Bánh tét thường được chuẩn bị gói trước nửa tháng để chuẩn bị cho mâm cơm cúng cuối năm. Bánh tét được gói từ lá chuối và lạc quấn xung quanh. Vỏ bánh được làm từ gạo nếp, còn nhân bánh bên trong thì được làm nhân đậu xanh, thịt heo, đậu đen ... tùy thuộc vào từng loại bánh. Bánh được nấu chín rồi đem ra cắt thành từng lát và thường được ăn kèm với củ kiệu chua để tăng thêm hương vị và ngon miệng hơn.
2. Thịt kho nước dừa ngậy ngậy
Thịt kho là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết miền nam. Bạn nên lựa chọn thịt lợn tươi sống an toàn giá tốt tại siêu thị Adayroi làm món này. Thường để nồi thịt được thơm ngon, bạn nên chọn thịt ba chỉ được kho cùng hột vịt cho đến khi nước dùng săn và miếng thịt cùng trứng có màu vàng nâu cực kỳ bắt mắt và thơm ngon. Nồi thịt càng kho, càng thấm, càng ngon, vì vậy, các gia đình ở miền Nam thường nấu một nồi thịt kho, ăn dần trong Tết. Thịt kho thường dọn chung với cơm trắng, hoặc cuốn bánh tráng, dưa món đều rất ngon.
3. Canh khổ qua
Canh khổ qua dồn thịt với ý nghĩa cầu mong mọi cơ cực và khó khăn đi qua và mong mọi điều thuận lợi may mắn và tươi sáng cho một năm mới đến. Tuy món ăn này có vị hơi đắng nhưng cực kỳ tốt với sức khỏe, đặc biệt là trong những ngày Tết
Canh khổ qua được làm từ những trái khổ qua được lấy hết hạt bên trong ruột sau đó dồn hỗn hợp thịt băm nhuyễn trộn cùng nấm mộc nhĩ, bún và gia vị. Sau đó được nấu chín. Món ăn này luôn có mặt trong các mâm cơm chiều 30 Tết của người miền Nam.
4. Củ kiệu tôm khô
Đây chỉ là món ăn kèm nhưng không thể thiếu trong các bữa ăn cũng như mâm cơm cúng của người miền Nam trong dịp Tết. Củ kiệu tôm khô được ăn kèm cùng các món ăn khác, vị chua của kiệu giúp cho món ăn chính đỡ ngán hơn. Tôm được chọn là loại tôm khô nguyên chất vẫn giữ được mùi vị ngọt không chất bảo quản. Trong mâm cơm cúng ngày Tết thông thường dĩa củ kiệu tôm khô thường được đặt giữa mâm để mọi người cùng thưởng thức .
5. Nem rán chua ngọt
Nem rán chua ngọt cũng là một món ăn không thể thiếu trong các mâm cơm gia đình ngày Tết của người miền Nam. Nem rán vô cùng thơm vợi vị ngọt bùi béo và với lớp nhân thịt kết hợp bỏ bánh ngoài giòn tan tạo được cảm giác ăn hoài không ngán cho người dùng.
6. Gỏi cuốn
Đôi khi trong mâm cỗ Tết miền Nam cũng xuất hiện món gỏi cuốn. Bên trong món gỏi cuốn có nhiều nguyên liệu đa dạng từ các loại rau, tôm thịt cá tươi sống. Gỏi cuốn thường chấm với tương đen hay mắm nêm đều rất ngon miệng. Món ăn này mang ý nghĩa đem lại một cái Tết sum vầy và trọn vẹn hơn cho các thành viên trong gia đình của bạn.
7. Củ cải ngâm chua ngọt
Ngoài củ kiệu là món ăn kèm thì của cải ngâm chua ngọt cũng là món ăn kèm được nhiều người chế biến và có mặt trên mâm cơm cuối năm. Hai món ăn kèm này cũng có thể được thay thế cho nhau giúp giảm độ ngán khi ăn cùng các món ăn khác.
8. Xôi vò
Đây là món xôi đệ nhất của người miền Nam vì thế việc món xôi này xuất hiện trong mâm cơm cúng của người miền Nam là điều dễ hiểu. Món ăn này mang ý nghĩa gia đình sung túc và ấm no hơn trong năm mới.
9. Chả bò
Nếu người miền Bắc có giò lụa thì người miền Nam cũng có món chả bò trên mâm cúng ông bà ngày cuối năm. Đôi khi miền Nam cũng dùng chả giò nên 2 món chả này có thể thay thế cho nhau. Chả bò thường ăn với cơm trắng hoặc ăn không, khi ăn cắt ra từng khoanh. Với vị ngon khó cưỡng, có thể bạn sẽ ăn hết lúc nào không hay đấy
10. Lạp xưởng
Đây là một món ăn truyền thống của người miền Nam và miền Tây nên vì thế các món ăn lạp xưởng có trong mâm cỗ ngày Tết miền nam là điều rất phổ biến. Lạp xưởng có thể được chế biến bằng nhiều cách khác nhau như chiên, luộc, nướng hay dùng làm nguyên liệu để chế biến các món ăn khác. Hiện nay, bạn có thể tìm mua lạp xưởng tươi ngon dễ dàng tại các cửa hàng hay ngoài chợ
11. Mứt dừa
Mứt dừa được xem là món ăn dân gian của người dân miền Tây và miền Nam. Với vị ngọt thanh cùng vị béo của dừa nên mứt dừa thường được chưng cúng trong các mâm cơm Tết. Với nhiều màu sắc khác nhau như trắng, hồng, vàng ... không chỉ mứt dừa mà các loại mứt thơm ngon giúp tô điểm thêm mâm cúng được màu sắc và đẹp hơn.
II. Gợi ý mâm cỗ ngày Tết miền Nam ngon chuẩn vị
Những mâm cỗ Tết của miền Nam bạn có thể tham khảo trong là:
Mâm cỗ số 1: Sự kết hợp của bánh tét, thịt kho, canh khổ qua và củ kiệu. Đây được xem là mâm cỗ cơ bản nhất bạn có thể chuẩn bị. Thường dùng cho gia đình nhỏ, ít người
Mâm cỗ số 2: Bánh tét, gà luộc, canh khổ qua, giò lụa và giò xào, gỏi cuốn ăn kèm củ kiệu tôm khô, lạp xưởng, xôi vò.
Mâm cỗ số 3: Bánh tét, củ kiệu tôm khô, , Gỏi tôm thịt, xôi vò, chả bò, thịt kho trứng.
Mâm cỗ số 4: Bánh tét, xôi vò, của cải ngâm chua ngọt, lạp xưởng, canh khổ qua, trái miệng với mứt dừa và các loại hoa quả
Mâm cỗ số 5: Bánh tét, thịt kho, xôi vò, , gỏi bông chuối, chả bò, lạp xưởng, mứt dừa.
Mâm cỗ số 6: Bánh tét, của cải ngâm chua ngọt, canh khổ qua, chả bà, mứt dừa.
Mâm cỗ số 7: Bánh tét, chả bò, xôi vò, gỏi cuốn, củ kiệu tôm khô, canh khổ qua, mứt dừa.
Chắn hẳn với những thông tin hữu ích trên bạn có thể biết được mâm cỗ ngày Tết miền nam có những món ăn cơ bản nào. Đừng quên mua ngay những loại thực phẩm chất lượng trước tết để dự trữ vì trong ngày gần tết chúng thường bị "khan hiếm" hơn nhé!
Với những món ăn trên bạn có thể tự thực hiện một mâm cỗ theo ý của mình sao cho phù hợp nhất với hoàn cảnh và sở thích của các thành viên trong nhà. Hy vọng bữa cơm tất niên cuối năm của gia đình bạn sẽ tràn ngập niềm vui và tiếng cười để chào đón năm mới thêm nhiều may mắn.
Ngân Quỳnh (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN
Bí quyết để mâm cơm Tết ngon miệng, không lo ngán Bữa cơm ngày đầu năm với đầy đủ các món ăn dinh dưỡng, thơm ngon và lạ miệng sẽ mang đến một khởi đầu may mắn cho cả gia đình. Sau một năm cũ bận rộn với công việc riêng, những ngày đầu tiên của năm là thời điểm bạn trở về, quây quần bên gia đình. Khởi động năm mới bằng một...