Mắm cá Châu Đốc ngon nức tiếng
Nhờ được thiên nhiên ưu đãi mà vùng Châu Đốc có nhiều loại mắm ngon nức tiếng.
Về miền Tây Nam Bộ, ngoài thăm những vườn cây trái sum suê, dạo chơi giữa những rặng dừa nước xanh mát, du khách còn được thưởng thức nhiều loại đặc sản như đường thốt nốt, các loại mắm cá linh, mắm cá lóc, mắm cá sặc, mắm ba khía, mắm tôm chua… Tùy vào cách làm và bí quyết riêng của mỗi người, mỗi nơi mà mắm sẽ cho ra một hương vị khác nhau.
Là vùng đất có nhiều kênh, rạch, ao, hồ, cù lao nên từ đến như là “vương quốc” của các loài tôm, cá. Cũng vì nhiều sông nước nên phần lớn người dân nơi đây sống bằng nghề chài lưới là chính. Ngoài công việc đồng áng thì ai cũng giỏi việc bơi lội, chèo thuyền, bắt cá. Cứ mỗi độ mùa tôm, cá về, mọi người lại kéo nhau đi giăng câu, giăng chài. Ăn không hết, người ta nghĩ ra cách làm sạch cá, ướp với muối để làm mắm.
Video đang HOT
Thị xã Châu Đốc, An Giang được xem là “vương quốc” các loại mắm ở miền Tây Nam bộ
Để làm mắm, người ta sẽ lựa những con cá còn tươi, làm sạch hết phần ruột, mang vây, vảy cá, cho muối vào trong bụng, phủ kín lưng rồi cho cá vào các khạp, chum, vại lớn, đặt lên bề mặt cá một vài tấm nan được đan bằng tre, nứa. Sau khi ủ muối xong, cá được lấy ra bỏ lớp muối đầu, ủ tiếp với thính chừng 1 tháng rồi mới chao qua nước đường, mang đi ủ, phơi nắng nhiều lần nữa mới cho ra hũ mắm như ý. Thính để làm mắm thường được làm từ gạo rang vàng rồi giã nhuyễn. Mỗi công đoạn làm mắm đòi hỏi sự kỳ công và khéo léo rất cao. Làm mắm còn phải tùy tay người chứ không phải ai cũng có thể làm được. Nếu sai sót một công đoạn dù nhỏ thôi cũng làm cho mùi vị, màu sắc của mắm giảm bớt. Người miền Tây nam bộ thường dùng đường thốt nốt để làm mắm. Lượng đường và muối dùng để chao mắm rất quan trọng, quyết định tới độ ngon, dở của một hũ mắm.
Cách ăn mắm đơn giản nhất vẫn là trộn mắm với một ít gia vị như đường, tiêu, bột ngọt, tỏi rồi ăn kèm với cơm trắng.
Thị xã Châu Đốc, An Giang được xem là “vương quốc” các loại mắm ở miền Tây Nam bộ. Từ lâu vùng đất này đã cho ra nhiều nhãn hiệu mắm nổi tiếng mà mỗi lần có dịp ghé qua, ai cũng muốn mua vài ba hũ về làm quà cho người thân, bạn bè. Tính đến nay, mắm Châu Đốc có tuổi đời hơn 150 năm và được nhiều người biết tới. Nhờ nằm ở vùng đầu nguồn của Sông Tiền và sông Hậu nên Châu Đốc quanh năm dồi dào các loại cá, tôm. Khi mùa lũ tới, cá khắp nơi đổ về, người dân lại hò nhau đi thả chài lưới. Nhờ được sự ưu đãi của thiên nhiên mà vùng Châu Đốc đã cho ra đời nhiều loại mắm ngon nức tiếng xa gần.
Tùy vào tài khéo léo của của người nội trợ mà sau khi chín, mắm được chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon hấp dẫn. Có thể là nấu lẩu, làm bún mắm, chưng với thịt, hay ăn kèm rau sống, dưa leo, đậu rồng… Cách ăn mắm đơn giản nhất vẫn là trộn mắm với một ít gia vị như đường, tiêu, bột ngọt, tỏi rồi ăn kèm với cơm trắng.
Theo 24h
Mắm cá Châu Đốc
Tự bao giờ, Châu Đốc đã trở nên nổi tiếng bởi hàng trăm món mắm cá ngon lành.
Không biết tự bao giờ, Châu Đốc đã trở nên nổi tiếng bởi hàng trăm món mắm cá ngon lành, hấp dẫn không chỉ với đồng bào Nam bộ mà còn với cả du khách.
Một lần ghé qua "vương quốc của mắm" bạn sẽ tin liền.
Tôi tò mò đi lại giữa hai dãy hàng bán mắm cá đầy có ngọn, màu vàng óng dưới ánh đèn ở chợ thị xã Châu Đốc (An Giang). Mấy cô bán hàng liên tục chào mời mua mắm bằng chất giọng miền Tây dễ thương và ngọt ngào.
Gian hàng nào cũng bán nhiều loại mắm cá khác nhau, hỏi mắm nào là được giải thích về cách thức làm mắm và cách chế biến món ăn sao cho ngon miệng. Cứ như đi học một khóa nấu ăn "mắm cá" cơ bản. Thật thú vị.
Với đặc thù sông nước, thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này một lượng cá tôm dồi dào, phong phú. Tên các loại mắm được đặt theo tên loại cá để dễ phân biệt như mắm cá lóc, cá sặt, cá rô, cá trèn, cá chốt, cá cơm, cá thiểu, cá lòng tong hay cá linh. Tuy cách thức chế biến mỗi loại mắm không giống hệt nhau, nhưng có chung một quy trình cơ bản.
Đầu tiên, cá được phân loại và làm sạch, đánh vảy, loại bỏ ruột. Sau đó cá được ướp chung với muối hột và xếp vào lu, với lượng muối vừa đủ, nhưng như thế nào là đủ thì lại là bí quyết riêng của mỗi gia đình. Cá ướp trong khoảng một tháng sẽ dậy mùi, là tới thời điểm ướp thính. Thính là một loại nguyên liệu hay được người Kinh dùng trong chế biến món ăn, được chế biến từ gạo rang chín và xay thành bột.
Cá muối sẽ được vớt ra khỏi lu và rửa sạch lại bằng nước ngọt, để cho ráo nước rồi đem tẩm ướp với thính. Sau khi cá ăn thính (ngấm bột thính) sẽ được xếp vào lu theo từng lớp, dùng một tấm mê rổ để gài mắm, rồi đổ một lớp nước mắm cốt lên trên. Sau khoảng 2-3 tháng, khi lớp mắm cốt bên trên chuyển sang màu đỏ và trong, chứng tỏ mắm đã chín.
Mắm cá Châu Đốc - Ảnh: Băng Giang
Mắm này được dỡ ra, chao với đường thốt nốt đã được đun chín và để nguội cùng với các gia vị khác sẽ tạo ra các loại mắm khác nhau và có chất lượng khác nhau. Sau khi chao mắm độ 3-5 ngày là ăn được.
Mắm thái là món thông dụng và khá phổ biến trong các loại mắm, được sáng tạo dựa trên món mắm ruột (làm từ ruột cá lóc rất ngon và đắt tiền) bằng cách thái nhỏ thịt mắm cá lóc trộn với dưa đu đủ bào sợi, ướp thêm đường và gia vị.
Mắm cá được nấu, chế biến tùy theo món như mắm chưng trứng, mắm kho chua, mắm chiên, trong đó món ăn đã trở nên quen thuộc với du khách là bún mắm và lẩu mắm. Mắm cá linh, cá chốt dùng để nấu bún mắm, lẩu mắm rất ngon. Mắm kho chua, chiên hay chưng thì dùng mắm cá lóc loại con to, nấu chín vẫn còn nguyên miếng thịt cá, không bị rã ra nước.
Sau mấy vòng dạo quanh chợ mắm Châu Đốc, tôi thật sự hoa mắt không biết nên mua loại nào và của thương hiệu nào. Ở Châu Đốc nghe nói có nhiều thương hiệu mắm nổi tiếng gần xa, mà nhà nào cũng chất lượng. Nhấc điện thoại hỏi người bạn Châu Đốc xem anh nhớ ra cái tên nào đầu tiên, anh nói tôi tìm hàng bà giáo Khỏe coi.
Ngẩng mặt lên thấy có đến mấy gian hàng mắm của bà giáo Khỏe, nhưng mỗi gian một số. Thấy lạ, tôi tò mò hỏi, hóa ra là cả gia đình, con cái đều chế biến và bán mắm cùng thương hiệu. Sau khi hỏi tư vấn một hồi, chúng tôi quyết định mua mắm thái, mắm cơm và mắm cá linh về làm quà cho bạn bè ngoài Bắc.
Và mới nghĩ đến món mắm thái với thịt heo luộc gói bánh tráng tối qua thôi mà đã xuýt nước miếng vì thèm...
Theo Thuy OCG (tuoitreonline)
8 món mắm ngon nức lòng trong ẩm thực Việt Trên đất nước Việt Nam, địa phương nào cũng có món mắm đặc sản của mình, đặc biệt vùng đất nam bộ. Trong nền văn hóa ẩm thực của người dân Nam Bộ, mỗi món mắm có một phong vị rất riêng. Ở đây có đủ các loại mắm thật hấp dẫn. Mắm cá - Châu Đốc Theo bà con làm nghề ủ...