Malaysia phạt quan tham gấp 2,5 lần : Việt Nam nên học
Xử phạt thật nặng tội phạm tham nhũng vừa mang tính trừng trị cũng vừa thể hiện tính răn đe nghiêm khắc.
Bà Lê Thị Thu Ba – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, Việt Nam cần có các biện pháp mạnh, kiên quyết, quyết liệt với tội phạm tham nhũng. Đặc biệt là, quá trình thu hồi tài sản tham nhũng về cho ngân sách nhà nước nên học cách Malaysia đang làm.
Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) phạt quan tham gấp 2,5 lần. Ảnh: Thethaovanhoa
Ý kiến của bà Thu Ba đưa ra sau khi truyền thống trong nước đưa tin về việc Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) đã thông báo phạt 80 cá nhân và tổ chức liên quan tới cáo buộc nhận tiền từ Quỹ Đầu tư nhà nước Malaysia (1MDB) do cựu Thủ tướng Najib Razak sáng lập năm 2009. Theo đó, số tiền thu hồi có thể lên tới 100 triệu USD và những cá nhân, tổ chức bị cáo buộc sai phạm có thể phải nộp số tiền phạt gấp 2,5 lần số tiền đã nhận.
Bà Ba nhấn mạnh, tài sản tham nhũng là tài sản của nhân dân và hành vi tham nhũng là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, do đó, bằng mọi giá tài sản phải được thu hồi về cho nhân dân, cán bộ tham nhũng phải bị xử lý, trừng trị nghiêm minh trước pháp luật. Xử phạt thật nặng là một biện pháp vừa mang tính trừng trị cũng vừa thể hiện tính răn đe nghiêm khắc đối với loại tội phạm này.
Bởi theo bà, trong số các loại tội phạm, tội phạm tham nhũng là giàu nhất vì rất khó có thể xác định chính xác được tài sản nhà nước đã bị tiêu tán là bao nhiêu? Số tiền đã bị biển thủ, thất thoát cụ thể như thế nào? Vì thế, việc thu hồi được toàn bộ tài sản tham nhũng về cho ngân sách cũng rất khó khăn.
Tuy nhiên, với cách áp dụng biện pháp phạt thật nặng, nhận bao nhiêu sẽ phải nộp lại số tiền cao hơn gấp nhiều lần như thế chính là một cách giúp bù đắp lại phần nào số tiền ngân sách đã mất đi.
Tương tự, với các tài sản tham nhũng khác cũng vậy. Ví dụ như đất đai, nhà cửa, chỉ cần cán bộ có dấu hiệu tham nhũng, những tài sản cá nhân, vợ chồng, con cái đều phải bị điều tra. Tất cả những tài sản không chứng minh được nguồn gốc, có nguồn gốc bất minh đều phải bị thu hồi.
Video đang HOT
Bà Ba tin rằng, nếu Việt Nam cũng áp dụng theo cách thức của Malaysia chắc chắn tài sản tham nhũng thu về cho ngân sách sẽ lớn hơn rất nhiều lần những con số đã báo cáo.
Không đồng tình với những lý do không kiểm soát được tài sản kê khai của cán bộ, công chức nên không nắm được cán bộ, công chức có bao nhiêu tài sản, có bao nhiêu tiền khiến việc thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, số tiền thu về còn quá hạn chế, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, việc đưa ra các quy định về kê khai, kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức là cần thiết nhưng vẫn phải áp dụng biện pháp xử phạt song song. Với cách xử phạt thật nặng như của Malaysia thì không cần dựa vào kê khai tài sản, tài sản tham nhũng vẫn bị thu hồi.
Ở đây là trách nhiệm bồi thường và trách nhiệm hình sự phải được quy định rất rõ ràng, tách bạch.
“Tôi lấy ví dụ như trường hợp của một vị quan chức có khai đã nhận 3 triệu USD hối lộ và đưa cho con gái.
Lời khai đã có rồi nhưng bây giờ con gái ông ta chối phắt là không nhận tiền từ bố thì cơ quan điều tra phải chịu hay sao? Như vậy là không thu hồi được nữa hay sao? Như vậy là chưa xác định được rõ trách nhiệm bồi thường.
Tôi rất không đồng tình với cách xử lý như vậy. Như tôi đã nói, quy định phải đi cùng với biện pháp xử lý song song. Một mặt xác định hành vi nhận hối lộ là phải xử phạt thật nặng, phải buộc người mắc sai phạm chịu trách nhiệm bồi thường. Mặt khác phải tiến hành điều tra tất cả những người liên quan, bao gồm cả việc xác minh lại tài sản của gia đình, cá nhân, vợ, con ông ta. Trong trường hợp có dấu hiệu sai phạm phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Như vậy, thu hồi tài sản tham nhũng là trách nhiệm của cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp lại. Ở Việt Nam, rất khó chờ đợi vào ý thức tự giác nhưng để xác định sai phạm, thu hồi không phải là không làm được.
Tiền đi bao giờ cũng có vết, qua kiểm tra tài khoản, các dự án đầu tư… thì kiểu gì cũng xác định được dấu vết. Khi xác định được vết mà người sai phạm không tự giác nộp phạt phải cưỡng chế thu hồi và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nộp phạt chưa phải là đã xong với cán bộ, lãnh đạo tham nhũng. Đó là trách nhiệm phải hoàn trả cho ngân sách. Còn trách nhiệm về hành vi sai phạm, về những hậu quả đã gây ra đó la thuộc về trách nhiệm hình sự và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật”, bà Ba nói.
Theo bà Ba, lâu nay vấn đề xử lý tham nhũng trong nước còn lấy lý do cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện, khó xử lý, tuy nhiên, những lý do này chưa thuyết phục.
“Chỉ cần nhìn vào một gia đình quan chức tự nhiên có biệt thự, con cái du học nước ngoài, sở hữu biệt thự, xe hơi là phải đặt ra câu hỏi tiền ở đâu ra?
Một đứa trẻ vừa tốt nghiệp đại học đã sở hữu cả khối tài sản khủng cũng phải đặt câu hỏi từ đâu mà có? Nếu không phải từ bố mẹ đưa cho thì lấy ở đâu?
Kể cả những tài sản phát sinh nhanh, không chứng minh được nguồn gốc như trường hợp một vị nguyên GĐ Sở ở một tỉnh miền núi phía Bắc cũng là bất thường”, bà Lê Thị Thu Ba nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh, chúng ta có đầy đủ các cơ quan tư pháp, cơ quan điều tra, các cơ quan phòng chống tham nhũng rất có năng lực, có trình độ và nếu quyết tâm, chúng ta có thể xử lý tốt vấn đề tham nhũng, trong đó, có thu hồi tài sản tham nhũng.
Vì thế, bà Ba cho rằng, Quốc hội cần nâng cao vai trò giám sát, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật, yêu cầu sớm phát hiện và ngăn chặn tội phạm tham nhũng chứ không chỉ trông chờ cán bộ tham nhũng bị lộ, bị dư luận phản ánh rồi mới chạy theo điều tra, xử lý. Bởi lẽ, để xảy ra tham nhũng rồi mới tìm cách xử lý, khắc phục là đã muộn.
Lam Nguyễn
Theo baodatviet
Malaysia xét xử cựu Thủ tướng Najib Razak vì bê bối tham nhũng
Malaysia hôm nay, 3/4 đã bắt đầu mở phiên xét xử cựu Thủ tướng Najib Razak vì liên quan đến bê bối tham nhũng hàng tỉ USD từ Quỹ đầu tư nhà nước 1MDB.
Phiên xử diễn ra đúng vào ngày kỷ niệm 10 năm ông Najib được bầu làm thủ tướng thứ 6 của Malaysia. Ông Najib đã nắm quyền lãnh đạo Malaysia suốt gần một thập niên cho đến khi thất bại trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5/2018.
Cựu Thủ tướng Najib Razak ra hầu tòa ngày 3/4. Ảnh: Reuters
Trong phiên tòa khai mạc hôm nay, ông Najib đối mặt với 7 tội danh về gây mất tín nhiệm, lạm dụng quyền lực và rửa tiền, liên quan đến việc thất thoát 42 triệu ringgit (tương đương khoảng 10,3 triệu USD) của Công ty SRC International, một chi nhánh thuộc Quỹ đầu tư nhà nước 1MDB trong giai đoạn từ tháng 4/2011 - 3/2015, khi ông còn làm thủ tướng Malaysia.
Quỹ 1MDB do chính ông Najib thành lập năm 2009 nhằm phát triển nền kinh tế đất nước.
Theo Reuters, nếu bị kết tội, cựu thủ tướng sẽ đối mặt với án phạt lên tới 20 năm tù giam và phải bồi thường thiệt hại bằng tiền mặt. Tuy nhiên, xuất hiện trước tòa trong bộ vest lịch lãm, ông Najib đã thẳng thừng bác bỏ mọi cáo buộc.
Phiên xử ngày 3/4 chủ yếu nghe các công tố viên Malaysia đọc cáo trạng chống lại cựu thủ tướng. Ông Najib dự kiến sẽ phải tiếp tục ra hầu tòa vào ngày 15/4 tới đây.
Cho tới thời điểm hiện tại, ngoài Malaysia, Mỹ, Singapore cũng mở các cuộc điều tra riêng rẽ về các cáo buộc tham nhũng và rửa tiền tại quỹ 1MDB.
Hãng thông tấn AP dẫn kết quả điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ cho hay, ông Najib và những người thân tín bị phát hiện đã biển thủ số tiền trị giá hơn 4,5 tỷ USD từ quỹ 1MDB trong giai đoạn 2009 - 2014. Toàn bộ số tiền được tin đã được tẩu tán qua các tài khoản ngân hàng ở Mỹ và nhiều nước khác cũng như được dùng để mua các bất động sản, du thuyền, các tác phẩm nghệ thuật, đồ trang sức đắt tiền và những xa xỉ phẩm khác.
Tuấn Anh
Theo VNN
Thủ tướng Việt Nam và Malaysia chia sẻ quan ngại về Biển Đông Tại cuộc hội đàm, hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, người bạn lâu năm và thân thiết của nhân dân Việt Nam, trở lại thăm chính thức...