Malaysia nói gì về báo cáo cuối cùng của vụ máy bay MH17?
Sau báo cáo cuối cùng của Hà Lan về vụ bắn rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines, chính phủ Malaysia lên tiếng vẫn giữ lập trường đi theo con đường pháp lý.
Bộ trưởng Giao thông Liow Tiong Lai: Malaysia vẫn giữ lập trường đi theo con đường pháp lý.- Ảnh minh họa: AFP
Bộ trưởng Giao thông Malaysia, ông Liow Tiong Lai cho biết Malaysia tham gia với tư cách thành viên trong ban điều tra quốc tế về vụ rơi máy bay MH17 của Malaysia Airlines, nước này cảm thấy kiên định hơn sau báo cáo của Cơ quan an toàn Hà Lan, theo hãng tin Bernama hôm 13.10.
Ông Liow Tiong Lai không bình luận nhiều về báo cáo của Hà Lan, nói rằng Kuala Lumpur không thay đổi lập trường của mình, vẫn tiếp tục theo theo đuổi con đường tìm kiếm công lý cho các nạn nhân và đưa ra ánh sáng những kẻ gây tội ác đối với họ.
Bộ trưởng Liow nhắc đến tòa án quốc tế mà Malaysia cùng với những nước có liên quan như Hà Lan, Bỉ, Ukraine và Úc đang đeo đuổi và trông chờ việc xét xử những kẻ đã bắn rơi MH17.
“Tòa án trọng tài quốc tế của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đã bị phủ quyết, nhưng cuộc chiến của chúng tôi đi tìm công lý vẫn tiếp tục”, ông Liow phát biểu trong 1 thông cáo được Bernma dẫn lại.
“Malaysia cùng với các đối tác trong ban điều tra quốc tế vẫn còn tiếp tục làm việc với nhau, và cố gắng thành lập một tòa án quốc tế độc lập để xét xử những kẻ gây ra cái chết cho các nạn nhân”, ông Bộ trưởng nói tiếp.
Video đang HOT
Thủ tướng Malaysia, Najib Razak cũng phát đi một thông điệp rằng chính phủ của ông “sẽ đi đến cùng để lôi những kẻ thủ ác ra ánh sáng và bắt chúng phải đền tội”, theo AFP.
Theo báo cáo của cơ quan điều tra Hà Lan, máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị tên lửa đất nối không BUK do Nga sản xuất bắn rơi. Tên lửa này được cho là do quân ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine bắn, làm 298 người thiệt mạng bao gồm cả phi hành đoàn. Hành khách trên chuyến bay định mệnh này là người Hà Lan, Úc và Malaysia.
Cơ quan điều tra Hà Lan nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của họ là không xác định ai đã kích hoạt và bắn tên lửa; thay vào đó cho rằng đó là công việc của viện công tố Hà Lan trong một cuộc điều tra hình sự riêng biệt, theo AFP.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Hà Lan yêu cầu Nga hợp tác điều tra vụ MH17
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 13.10 đã yêu cầu Nga hợp tác trong cuộc điều tra vụ máy bay MH17 của hãng Malaysia Airlines rơi ở miền đông Ukraine, sau khi Hà Lan công bố báo cáo điều tra kết luận MH17 bị bắn hạ bởi tên lửa BUK do Nga sản xuất.
Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte yêu cầu Nga hợp tác điều tra vụ MH17 - Ảnh: Reuters
Ủy ban An toàn Hà Lan đã công bố bản báo cáo kết luận tên lửa đất đối không BUK đã bắn hạ máy bay Boeing 777-200ER (chuyến bay MH17). Tất cả 298 người trên máy bay thiệt mạng, theo tờ The Irish Times (Ireland).
"Đầu đạn 9N314M phát nổ bên ngoài máy bay, phía trái buồng lái. Đây là loại đầu đạn được trang bị cho tên lửa đất đối không BUK", Chủ tịch Ủy ban An toàn Hà Lan, Tjibbe Joustra, cho biết trong buổi họp báo ngày 13.10.
Vụ nổ chỉ cách thân máy bay khoảng dưới 1 m, khiến cơ trưởng và hai cơ phó chết ngay lập tức, buồng lái đứt rời khỏi thân máy bay, và sau đó vỡ thành nhiều mảnh trong không trung, các mảnh vỡ máy bay nằm rải rác trong phạm vi 50 km2 tại khu vực do phe ly khai được cho là thân Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine, theo báo cáo điều tra của Hà Lan.
Tuy nhiên, Ủy ban An toàn Hà Lan không kết luận ai đã bắn tên lửa BUK.
Ông Joustra cho biết cần phải tiến hành thêm những phân tích khác để xác định vị trí bắn tên lửa từ mặt đất trong một phạm vi rộng 320 km2, nhưng việc phân tích này vượt quá thẩm quyền của Ủy ban An toàn Hà Lan.
Trong buổi tiếp xúc với thân nhân nạn nhân, ông Joustra nói những hành khách không thiệt mạng vì đầu đạn tên lửa phát nổ có thể đã bất tỉnh do máy bay giảm áp suất đột ngột và thiếu ô xy ở độ cao 10.000 m.
Tuy nhiên, bản báo cáo cho hay một số hành khách có thể vẫn còn tỉnh sau khi máy bay trúng tên lửa: "Chúng tôi vẫn không thể xác nhận thời điểm chính xác nạn nhân thiệt mạng, nhưng có thể chắc chắn rằng không ai có thể sống sót vì cú va chạm với mặt đất".
Ông Joustra cho biết thêm Ukraine lẽ ra phải đóng không phận tại khu vực nơi xảy ra giao tranh giữa quân đội nước này và phe ly khai ở miền đông Ukraine.
Hệ thống tên lửa Buk tại Triển lãm quân sự Nga 2013 - Ảnh: Reuters
Theo báo cáo, 61 hãng hàng không đã tiếp tục sử dụng không phận này mặc dù có hai máy bay quân sự bị bắn hạ hai ngày trước vụ MH17.
Tuy nhiên, chính quyền Ukraine lên tiếng bảo vệ quyết định không đóng không phận của họ. "Không ai vào thời điểm lúc đó... nắm thông tin có sự hiện diện những loại tên lửa phòng không như vậy", Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho biết.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Ryabkov cho rằng bản báo cáo điều tra của Hà Lan là lệch lạc và có mưu đồ chính trị. Và Nga xem yêu cầu của Thủ tướng Rutte là "lạ lùng", nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho hay, theo Reuters.
Moscow "cực kỳ nghi ngờ" về báo cáo điều tra của Hà Lan, nhưng sẵn lòng hợp tác trong cuộc điều tra, bà Zakharova cho biết thêm.
Chính quyền Ukraine và phương Tây lâu nay cáo buộc Nga viện trợ tài chính, vũ khí cho phe ly khai ở miền đông Ukraine chống lại quân đội Ukraine, nhưng Moscow luôn bác bỏ những cáo buộc này.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Hành khách không tử vong ngay sau khi MH17 trúng tên lửa Tất cả ba thành viên tổ bay tử vong ngay lập tức trong khi không loại trừ khả năng một số hành khách vẫn còn có ý thức trong vòng 90 giây chuyến bay MH17 trúng tên lửa trên bầu trời miền đông Ukraine. Đồ hoạ mô phỏng tên lửa Buk phát nổ ở phía trước buồng lái máy bay Malaysia Airlines. Đồ...