Malaysia đối mặt chỉ trích sau khi công bố báo cáo về MH370
Malaysia tiếp tục bị chí trích về cách giải quyết vụ MH370 mất tích sau khi kết quả điều tra sơ bộ cho thấy pin của thiết bị phát tín hiệu hộp đen máy bay hết hạn hơn một năm trước khi nó biến mất.
Catherine Gang, người có chồng là Li Zhi trên chuyến bay MH370, cùng thân nhân các hành khách mất tích khác tập trung phía ngoài Đại sứ quán Malaysia ở Bắc Kinh hôm 8/3. Ảnh: Reuters.
Malaysia hôm qua công bố báo cáo sơ bộ về quá trình điều tra vào đúng dịp một năm thảm họa MH370 xảy ra. Báo cáo không cung cấp thêm thông tin nào mới về nguyên nhân khiến phi cơ chở 239 hành khách cùng thành viên tổ bay biến mất. Tuy nhiên, nó khiến giới phân tích và thân nhân hành khách đặt ra câu hỏi về một số phát hiện, trong đó có việc pin bộ phận phát tín hiệu trên thiết bị ghi dữ liệu hành trình bay đã hết hạn từ hơn một năm trước khi MH370 biến mất.
“Liên quan đến pin hết hạn sử dụng, tôi hy vọng cơ quan hàng không quốc tế sẽ trừng phạt Malaysia Airlines (MAS) vì không tuân theo nguyên tắc”, Lim Wee Hoon, công dân Malaysia có anh (hoặc em) rể trên MH370, nói. Bà gọi bản báo cáo là một phần trong nỗ lực tiếp tục “che giấu” của Malaysia.
Phát hiện về pin “làm xuất hiện các vấn đề liên quan đến tính toàn vẹn trong quá trình bảo dưỡng” tại hãng hàng không này, Greg Waldron, biên tập viên phụ trách về châu Á của tạp chí Flightglobal, cho biết. “Nó có ảnh hưởng gì đến việc không thể tìm thấy máy bay không? Chúng ta thực sự chưa biết chắc”.
MH370 có thể đã rơi xuống khu vực hẻo lánh phía nam Ấn Độ Dương. Chiến dịch tìm kiếm tốn kém và khó khăn do Australia dẫn đầu ở đây vẫn chưa tìm thấy điều gì.
“Sai sót bảo dưỡng”
Malaysia Airlines trong thông báo phát đi hôm nay gọi sự cố pin nêu trên là một “sai sót” bảo dưỡng. MAS cho biết pin trên thiết bị ghi âm buồng lái, đủ để hoạt động trong 30 ngày sau khi kích hoạt, đã được thay mới và sẽ phát tín hiệu ngay khi nó rơi xuống nước.
Theo thông báo, MAS đã “thực hiện các bước quan trọng để tăng cường an toàn” từ sau sự kiện MH370.
MH370 biến mất đêm 8/3/2014 sau khi bất ngờ chuyển hướng khỏi lộ trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh. MAS cùng chính phủ Malaysia bị chỉ trích ngay trong những ngày đầu tiên của thảm họa do công bố hàng loạt thông báo khó hiểu và mâu thuẫn.
Nhà chức trách Malaysia cho biết MH370 biến mất khỏi radar dân sự, có thể do hệ thống cho phép theo dõi vị trí trên phi cơ đã bị tắt, nhưng vẫn xuất hiện trên radar quân sự trong một khoảng thời gian khi nó chuyển hướng bay sang phía tây về Ấn Độ Dương.
Quân đội Malaysia sau đó không có hành động nào, khiến các thân nhân hành khách tức giận vì một cơ hội theo dấu MH370 đã bị bỏ lỡ.
Báo cáo điều tra trích dẫn dữ liệu radar cho biết một đốm sáng “phù hợp” với dữ liệu trên radar quân sự đã xuất hiện trên màn hình radar dân sự vài lần trong khoảng 30 phút sau khi MH370 chuyển hướng. Tuy nhiên, nó không nhắc đến bất cứ phản ứng nào từ phía các cơ quan dân sự về đốm sáng này.
Video đang HOT
Biên tập viên Waldron nói đốm sáng “trông giống như là MH370″ nhưng báo cáo không chỉ rõ đó chính là nó.
Giám đốc Cơ quan Hàng không Dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman cũng như phát ngôn viên Bộ Giao thông vận tải Malaysia đều từ chối bình luận về vấn đề radar.
MH370 liên lạc lần cuối với không lưu Malaysia trên Biển Đông, sau đó được cho là quay đầu và bay về phía nam Ấn Độ Dương. Đồ họa: CNN
Chỉ trích giám sát viên ngủ gật
Báo cáo còn cung cấp nội dung đoạn hội thoại trong đó một kiểm soát viên không lưu Kuala Lumpur, bị MAS giục cung cấp thông tin về MH370 khoảng 4 giờ sau khi nó mất tích, nói anh ta sẽ đi “đánh thức người quản lý của mình dậy” để hỗ trợ.
Phản ứng về báo cáo, Voice370, hiệp hội quốc tế của các thân nhân hành khách, lên tiếng chỉ trích nhà chức trách vì có phản ứng “hỗn loạn và nhầm lẫn”, cho rằng làm mất “một khoảng thời gian cứu hộ lớn và quý giá” để chặn MH370.
“(Chúng tôi) tin điều này góp phần lớn vào thực tế hiện nay là chúng tôi không biết gì về vị trí của người thân”, thông báo của Voice370 cho biết.
Các giả thiết về nguyên nhân khiến MH370 biến mất bao gồm phi công tự sát, máy bay gặp trục trặc kỹ thuật hoặc không tặc tấn công. Các nhà điều tra tập trung vào vấn đề an toàn hàng không và không xét đến khả năng không tặc.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết các nhà điều tra đã xem xét kỹ càng tiểu sử của 12 thành viên tổ bay và không tìm thấy điều bất thường. Lịch sử bảo dưỡng cũng cho thấy hệ thống kỹ thuật chính của phi cơ không có vấn đề.
Báo cáo nhấn mạnh quá trình điều tra vẫn đang tiếp diễn cho đến khi tìm thấy mảnh vỡ máy bay cùng các thiết bị ghi dữ liệu. Chiến dịch tìm kiếm tại khu vực được cho là nơi MH370 rơi xuống ở Ấn Độ Dương dự kiến kết thúc vào tháng 5. Trong khi đó, Malaysia và Australia đều cam kết tìm được MH370 nhưng chưa bên nào nói rõ điều gì sẽ diễn ra sau tháng 5.
Như Tâm
Theo AFP
Người dân Ninh Thuận đối mặt với khô hạn
Mới vào mùa khô nhưng nhiều khu vực nông thôn ở Ninh Thuận đang đối mặt với nắng hạn gay gắt.
Người dân xã Phước Trung đào ao trữ nước
Đến hai thôn Tham Dú và Đồng Dày, xã Phước Trung, huyện Bác Ái, Ninh Thuận), nơi có hơn 200 hộ dân sinh sống, chúng tôi chứng kiến cảnh cỏ cây héo rũ một màu vàng úa do nắng hạn kéo dài, người dân đang ngày đêm vật vã với nguồn nước sinh hoạt.
Ông Trần Quý Dương, Chủ tịch UBND xã Phước Trung, cho biết do nắng hạn kéo dài (năm 2014 chỉ có vài cơn mưa nhỏ) nên phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị khô nứt. Các khe suối quanh làng và hai hồ thủy lợi Phước Trung và Phước Nhơn phục vụ sản xuất cho người dân địa phương đến nay gần như khô cạn, đã có nhiều gia súc (cừu, bò) ở các trang trại bị chết do thiếu nước uống và thức ăn.
Theo ông Dương, khó khăn hiện nay là nguồn nước sinh hoạt cho người dân và nước uống cho đàn gia súc.
"Để đối phó với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, ngoài việc vận động người dân đào ao, giếng ở khu gần các khe suối để giữ trữ nước, UBND tỉnh Ninh Thuận đã thuê xe bồn vận chuyển nước sạch cung cấp miễn phí (25 m3 nước/ngày) cho người dân", ông Dương cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Pi Năng Hưng (50 tuổi, ở thôn Tham Dú), người dân tiếp nhận nguồn nước sạch chỉ đủ phục vụ ăn uống hằng ngày; còn nước sinh hoạt như tắm giặt bà con phải tự túc, tận dụng trong điều kiện còn có thể lấy được từ khe suối, ao hồ nhưng không đảm bảo vệ sinh và sẽ cạn trong thời gian tới nếu trời không có mưa.
Ngược về phía nam của tỉnh Ninh Thuận, vùng khô hạn xã Phước Minh được biết đến như một địa điểm ít mưa nhất trên cả nước.
Ông Trần Mạnh Cương, Chủ tịch UBND xã Phước Minh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), cho biết trong năm 2014 chỉ có duy nhất cơn mưa vào ngày 23 tháng 10 (âm lịch) là ướt đất. Ngoài ra, vùng đất của xã Phước Minh đều bị nhiễm mặn bởi đồng nuối Quán Thẻ nên toàn bộ diện tích đất nông nghiệp hầu như bỏ hoang.
Theo ông Cương, người dân địa phương thu nhập chủ yếu dựa vào chăn nuôi. Hiện toàn xã có khoảng 9.000 con cừu và hàng ngàn gia cầm khác, nhưng từ đầu năm 2015 đến nay đã có hơn 1.000 con cừu chết. Ông Cương khẳng định, cừu chết không phải do dịch bệnh mà thiếu thức ăn, nước uống nên dần bị suy nhược cơ thể mà chết.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, ở Ninh Thuận, khả năng xảy ra lũ tiểu mãn trong tháng 5 và tháng 6 rất thấp, nắng hạn sẽ kéo dài và diễn ra trên diện rộng, đến giữ tháng 9.2015 mới có mưa. Vì vậy, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt của người dân, nước uống cho gia súc và nước phục vụ cho sản xuất là rất cao.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận Phan Quang Thựu cho biết hiện mực nước của 20 hồ thủy lợi trên địa bàn chỉ chiếm khoảng 15% dung tích thiết kế.
Theo ông Thựu, ngành đang tập trung nhiều biện pháp chống hạn, như tổ chức nạo vét khơi thông dòng chảy hệ thống kênh mương thủy lợi, hướng dẫn nông dân áp dụng những phương pháp tưới phun mưa, nhỏ giọt trong sản xuất để tiết kiệm nguồn nước, gieo trồng các cây chịu hạn; tổ chức đào giếng, ao hồ dự trữ nước sinh hoạt cho người dân và nước uống cho đàn gia súc...
Ông Trần Xuân Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra.
"Ngoài các nguồn lực sẵn có ở địa phương, tỉnh có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí chống hạn vụ đông xuân năm 2014-2015 và vụ hè thu năm 2015, với tổng kinh phí hơn 113 tỉ đồng, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân", ông Hòa cho biết.
Lấy nước về tắm giặt
Xe bồn chở nước sạch cung cấp cho người dân
Ngoài giờ học, các em giúp bố mẹ đi lấy nước
Nhiều vườn cây ở xã Phước Minh chết khô
Người chăn nuôi di chuyển đàn cừu đến nơi có nước và thức ăn - Ảnh: Thiện Nhân
Thiện Nhân
Theo Thanhnien
Chuyện tình cổ tích: Hơn 50 năm làm "đôi mắt" cho chồng Chuyện tình cổ tích của ông Nguyễn Cộ (SN 1933) và bà Trương Thị Bé (SN 1933, trú phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) bao năm qua khiến nhiều người phải trầm trồ, thán phục. Hơn 50 năm, hai vợ chồng bám víu vào nhau mưu sinh bằng nghề bán chổi. Chồng bị mù, người vợ trở thành "đôi mắt"...