Mãi mãi là Đại tướng của nhân dân
Hội Tư vấn khoa học-công nghệ và quản lý TPHCM đã có đơn kiến nghị tới Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc truy phong hàm nguyên soái hoặc đại nguyên soái đối với cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam (ảnh: Giang Huy).
Kiến nghị này là sự bày tỏ tấm lòng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rất đáng trân trọng, tuy nhiên có đôi lời bàn.
Năm chữ “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” đã ghi sâu vào lòng dân tộc, đã hòa vào hồn thiêng sông núi, thiết tưởng không cần phải có một sự thay đổi nào cả. Với con người và nhân cách của Võ Nguyên Giáp, hai chữ “đại tướng” là đủ. Cho dù có bao nhiêu đại tướng trên đất nước Việt Nam, nhưng khi gọi lên hai chữ “đại tướng”, nhân dân muốn nói về vị đại tướng mà họ kính yêu, kính trọng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Video đang HOT
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang, nhưng ông là một vị anh hùng của dân tộc. Chẳng lẽ bây giờ lại làm cái việc truy tặng danh hiệu anh hùng cho Đại tướng? Anh hùng dân tộc là do nhân dân “phong tặng”, không có bất cứ một danh hiệu nào cao cả hơn.
Tương tự, nguyên soái hay đại nguyên soái có ý nghĩa gì với một tầm vóc vượt hẳn lên trên mọi loại danh hiệu.
Chưa kể, quân hàm đại tướng của Võ Nguyên Giáp là một hiện tượng trong lịch sử và có ý nghĩa lịch sử rất lớn lao. Ngày 20.1.1948, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110-SL có nội dung: “Ông Võ Nguyên Giáp – Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân tự vệ, nay thụ cấp Đại tướng kể từ ngày ký sắc lệnh”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm đại tướng cho Võ Nguyên Giáp. Thế là quá đủ.
Không nên có bất cứ một quyết định nào phong cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp danh hiệu, quân hàm nào khác, cho dù là nguyên soái hay đại soái.
Theo Lê Thanh Phong
Lao Động
Kiến nghị lập Bảo tàng Đại tướng
Trung tướng Lê Nam Phong, Trưởng ban liên lạc Chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TPHCM, cho biết, Ban liên lạc đang bàn bạc để kiến nghị cho thành lập Bảo tàng quốc gia Võ Nguyên Giáp. Đây sẽ là nơi lưu giữ những kỷ vật liên quan đến Đại tướng.
Trung tướng Lê Nam Phong cho biết: "Khi chúng tôi đến thăm Đại tướng tại nhà thì thấy những vật kỷ niệm, những tài liệu liên quan để đầy nhà, thậm chí nhiều thứ phải để ngoài hàng lang vì không đủ chỗ. Theo tôi, cần phải có một bảo tàng mang tên Đại tướng để quy tập và giữ gìn những tài liệu, kỷ vật liên quan đến Đại tướng. Đó là điều cần thiết để tôn vinh một con người với nhiều đóng góp, chiến công vĩ đại như Đại tướng".
Trung tướng Lê Nam Phong (rìa trái) cùng các đồng đội cũ bàn về việc kiến nghị thành lập Bảo tàng Đại tướng
Đại tá Trần Thịnh Tần, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu, thành viên Ban liên lạc Chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TPHCM cho biết: "Ngay từ khi Đại tướng chưa mất, Ban liên lạc đã có 2 kiến nghị là khi Đại tướng mất phải tổ chức Quốc tang và lập Bảo tàng Đại tướng. Nay sau Quốc tang, chúng tôi mong sẽ sớm có Bảo tàng Đại tướng để lưu giữ những kỷ vật quý giá về Đại tướng. Tôi tin là khi bảo tàng được thành lập, sẽ có thêm nhiều kỷ vật liên quan đến Đại tướng được chiến sĩ, nhân dân cả nước gửi về".
Đại tá Nguyễn Văn Thái, nguyên Cục trưởng Cục Tài vụ, cựu chiến Binh Trường Sơn cũng rất đồng tình với ý kiến trên. Ông cũng đã đứng đơn với tư cách cá nhân gửi thỉnh nguyện lên Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Hội Cựu chiến binh Việt Nam mong được thành lập Bảo tàng quốc gia Võ Nguyên Giáp.
Ông nói: "Nhà số 30 Hoàng Diệu ở Ba Đình, Hà Nội đầy ắp những kỷ vật quý báu nhất của nhân dân Việt Nam và thế giới trao tặng Đại tướng. Những báu vật ấy không chỉ riêng của gia đình Đại tướng mà còn là tài sản vô giá của quốc gia. Vì lẽ đó, với tấm lòng ngưỡng mộ vô bờ bến đối với Đại tướng, tôi tha thiết đề nghị Bộ Chính trị quyết định cho lập Bảo tàng quốc gia Võ Nguyên Giáp với quy mô tương xứng và địa điểm thuận lợi nhất ở thủ đô Hà Nội. Để từ nay và mãi mãi về sau, nhân dân Việt Nam và thế giới có điều kiện chiêm ngưỡng một thiên tài kiệt xuất của thời đại".
Về kinh phí, theo Đại tá Nguyễn Văn Thái, nếu Trung ương không đủ kinh phí thì có thể vận động toàn thể cựu chiến binh cả nước đóng góp. Ông cho rằng: "Tôi nghĩ chỉ với đóng góp của các cựu chiến binh cũng đủ xây một bảo tàng tương xứng với tên tuổi Đại tướng".
Tùng Nguyên
Theo Dantri
Những hình ảnh đầy xúc động ngày đại tang Một em nhỏ vẻ nghiêm trang mang di ảnh đi viếng Đại tướng. Nữ cảnh sát giao thông quay mặt giấu giọt nước mắt lăn dài. Người lính già, ngực treo nặng huân chương kính cẩn tư thế chào của nhà binh. Không tiếng nức nở mà vẫn nghe cay xè sống mũi... Từ những hàng nước mắt trào dâng trước căn nhà...