Mai anh đào cổ thụ ở Đà Lạt đã gãy đổ
Cây mai anh đào cổ thụ được người Nhật trồng trên đường Ba Tháng Hai, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã bất ngờ gãy đổ vào sáng sớm nay (11/5) khiến nhiều người tiếc nuối.
Cụ Hưng, năm nay đã trên 70 tuổi sinh sống gần khu vực cho biết, ngay từ nhỏ đi học cụ đã thấy cây mai anh đào này. Theo cụ, sau khi thay chân thực dân Pháp vào tiếp quản Đà Lạt, những viên quan lại người Nhật đã có ý tưởng xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố mai anh đào như chính quốc.
Do vậy, trên nhiều tuyến đường của Đà Lạt (trong đó có đường Ba Tháng Hai) được người Nhật cho trồng rất nhiều mai anh đào.
Cây mai anh đào cổ thụ người Nhật trồng đã gãy đổ.
Suốt gần 70 năm qua, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, cây mai anh đào này vẫn vươn lên cao tỏa tán sum suê rợp bóng xuống đường. Hàng năm, cứ vào cuối năm cây lại bung hoa nhuộm hồng một góc phố làm nức lòng người dân địa phương và du khách gần xa khi viếng thăm Đà Lạt.
Cơ quan chức năng thu dọn hiện trường.
Nguyên nhân khiến cây mai anh đào bật gốc, gãy đổ vào sáng nay được xác định là cây đã quá già, gốc bị mục, không còn đủ sự chắc chắn để giữ toàn bộ thân cây to lớn, cành lá sum suê phía trên nữa.
Toàn bộ tuyến đường Ba Tháng Hai dẫn vào trung tâm TP Đà Lạt đã bị phong tỏa để lực lượng chức năng tiến hành thu dọn hiện trường. Khoảng 2 tiếng sau mọi hoạt động trên tuyến đường này mới được trở lại bình thường.
Theo 24h
Video đang HOT
Ký ức Điện Biên của người lính tham gia hỏi cung tướng Đờ-cát
Với khả năng nói tốt tiếng Pháp, người lính Nguyễn Xuân Tính được điều lên tham gia phiên dịch cho cuộc hỏi cung chớp nhoáng tướng Đờ-cát ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Gần 60 năm sau, ký ức của ông Tính về cuộc hỏi cung ngày đó vẫn còn nguyên vẹn.
Ông Nguyễn Xuân Tính - người tham gia phiên dịch hỏi cung tướng Đờ-cát khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi
Gần 60 năm trôi qua nhưng cái ngày tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chính thức sụp đổ, đặt dấu chấm hết cho gần 1 thế kỷ xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta vẫn nguyên vẹn trong ký ức của ông Nguyễn Xuân Tính (SN 1930, trú tại phường Trung Đô, Tp Vinh, Nghệ An).
56 ngày đêm gian khổ
18 tuổi, chàng trai Nguyễn Xuân Tính (quê Đông Sơn, Thanh Hóa) bước chân vào đời quân ngũ, phiên chế vào đại đoàn 312 đóng quân tại Hà Nội. Năm 1954, Trung ương quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, đánh vào tập đoàn cứ điểm cuối cùng của Pháp, giải phóng đất nước khỏi một thế kỷ thuộc địa, đại đoàn 312 cùng 4 đại đoàn khác được lệnh hành quân lên đây. Sau quãng thời gian hành quân gian khổ, vừa đi vừa mở đường, vừa ngụy trang, vừa chống chịu với những trận đói và cái rét tê tái miền sơn cước, các cánh quân cũng đã đến được điểm tập kết.
"Tự tin vào khả năng bất khả xâm phạm của tập đoàn cứ điểm này, máy bay địch rải truyền đơn, gọi loa khiêu khích: "Mời ông Giáp lên Điện Biên ăn Tết". Chúng không thể ngờ rằng, chỉ với sức người nhỏ bé, Việt Nam đã kéo được pháo hạng nặng lên đây "ăn Tết" và đặt dấu chấm hết cho sự xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước này", ông Tính cho biết.
Ngày 13/3/1954, đại đoàn 312 được lệnh đánh trận mở màn vào cứ điểm Him Lam - Độc Lập - Bản Kéo. Đây là cụm cứ điểm do 1 tiểu đoàn Âu Phi trấn giữ với hệ thống lô cốt, hầm ngầm dày đặc. Bị tấn công, địch phản công dữ dội. Từ các lỗ châu mai, đạn bắn ra như mưa. Đại đội 58 (tiểu đoàn 428, đại đoàn 312) do Phan Đình Giót chỉ huy có nhiệm vụ đánh bộc phá rà phá mìn và phá hàng rào dây thép gai để bộ đội tiến lên.
Anh lính trẻ Nguyễn Xuân Tính (bên phải) và Thượng tướng Lê Quang Hòa - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị
Sau khi đánh quả bộc phá vào lô cốt địch, đạn từ lỗ châu mai vẫn tiếp tục vãi ra như trấu, quân ta không có kẽ hở để xông lên. Chính lúc đó, Phan Đình Giót đã lấy thân mình chặn trước họng súng quân thù. Đạn ngừng, bộ đội ào lên. Với sự yểm trợ của pháo cao xạ, bộ đội ta chiếm được cứ điểm quan trọng này.
Ông kể: "Ở trận đánh này, Pháp đã sử dụng súng hồng ngoại, sử dụng chất độc hóa học để làm mưa nhân tạo nên vùng lòng chảo Điện Biên này luôn nhão nhoét bùn đất. Bùn sục quánh lên tận đầu gối. Cả ta và địch đều phải đào hầm ngầm dưới đất, đêm đến, lúc tấn công mới lên khỏi hầm. Đói, khát, ẩm thấp, chỉ có cơm nắm hoặc bánh chưng ăn suốt ngày này qua ngày khác nhưng tinh thần anh em không hề nao núng. Đúng như nhà thơ Tố Hữu viết: "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt".
Với tinh thần chiến đấu cao nhất, đợt tấn công thứ 2 vào trung tâm Điện Biên Phủ và đợt 3, tổng công kích, đánh vào sào huyệt cuối cùng của tướng Đờ-cát, chiếm sân bay, chặn đứt đường tiếp tế bằng đường không của địch đều giành được thắng lợi. Với cách đánh "bóc vỏ" này, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - niềm tự hào của quân đội viễn chính Pháp ở Đông Dương hoàn toàn thất thủ. 5h30 phút chiều 7/5, tướng Đờ-cát phải chấp nhận đầu hàng".
Cuộc hỏi cung lịch sử
5h30 phút chiều ngày 7/5/1954, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cùng 1 số chiến sỹ xông vào hầm chỉ huy, bắt sống tướng Đờ-cát và giải về Sở chỉ huy Đại đoàn 312. Với khả năng tiếng Pháp của mình, người lính Nguyễn Xuân Tính được điều lên tham gia phiên dịch, hỏi cung viên tướng quý tộc này. Đó vẫn luôn là một kỷ niệm đẹp, kỷ niệm hào hùng trong đời người lính của ông. Gần 60 năm trôi qua nhưng những giây phút ngắn ngủi ấy luôn hiện rõ mồn một trong tâm trí người lính già đã bước qua tuổi 80 này.
Những kỉ niệm đẹp đẽ về trận chiến chấm dứt gần 1 thế kỷ xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam luôn nguyên vẹn trong ký ức của người lính già
Ông kể: "Đờ-cát đội mũ ca lô, mặc bộ quân phục mùa hè phẳng nếp, khuôn mặt tái mét nhưng nói năng rất kiểu cách. Ông Lê Trọng Tấn - Chỉ huy trưởng đại đoàn 312 cho phép Đờ-cát và bộ tham mưu của ông ta được ngồi. Thấy chỉ có một mình Đờ-cát ngồi, ông Lê Trọng Tấn nhắc lại: "Tôi cho phép tất cả các ông được ngồi". Một viên quan năm lên tiếng: "Thưa ngài, Thiếu tướng của chúng tôi chưa cho phép ngồi". Ông Tấn dằn giọng: "Không còn tướng tá nào nữa. Tất cả các ông điều là tù binh nên mọi mệnh lệnh của chúng tôi, các ông phải chấp hành".
Lúc đầu, ông Lê Trọng Tấn trực tiếp nói với đám tù binh bằng tiếng Pháp nhưng đến khi hỏi cung, cán bộ trong Bộ Tư lệnh đại đoàn hỏi bằng tiếng Việt, ông Tính và một số đồng chí khác nhận trách nhiệm phiên dịch lại.
- Ông và Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã tuyên bố "Điện Biên Phủ là pháo đài bất khả xâm phạm" và chính ông đã cho máy bay rải truyền đơn mời chúng tôi vào chơi trong cái bẫy đã giăng sẵn của ông ở Điện Biên Phủ. Nay ông nghĩ thế nào về nơi đó?
Đờ-cát không trả lời thẳng vào câu hỏi mà chỉ nói một cách chua chát: Vâng, hôm nay chúng tôi đã được gặp các ngài.
- Các ông đánh giá thế nào về lực lượng pháo binh của mình ở Điện Biên Phủ và Pi-rớt - chỉ huy pháo binh của các ông đã tuyên bố: Chỉ cần phản pháo 10 phút thì pháo của Việt Minh phải câm họng và sau 2 ngày pháo các ông sẽ nghiền nát chúng tôi?
- Chúng tôi không ngờ các ngài đem pháo hạng nặng lên Điện Biên Phủ và sử dụng có hiệu quả nên đã áp chế được pháo của chúng tôi.
Bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi chiến sỹ Điện Biên Phủ thành phố Vinh sau khi xuất bản quyển sách "Điện Biên Phủ - điểm hẹn" được ông Tính treo trang trọng trong nhà
- Có phải do không nghiền nát được chúng tôi nên Đại tá Pi-rốt đã tự "nghiền nát" mình bằng một quả lựu đạn?
- Vâng, Pi-rốt đã dũng cảm tự kết liễu đời mình.
- Ông đã nhận được điện của Đại tướng Na-va cho phép các ông thực hiện kế hoạc An-ba-tơ-rốt, phá vây chạy sang Lào, sao các ông không thực hiện?
- Các ngài đã thắt chặt vòng vây và bố trí lực lượng đón lõng nên chúng tôi không thể mạo hiểm.
- Không phá vòng vây, nghĩa là các ông phải chịu thất thủ và phải đầu hàng, các ông biết điều đó từ khi nào?
- Khi các ngài cho nổ khối bộc phá lớn ở đồi A1 và khi cho dạo dàn nhạc Staline thì chúng tôi biết giờ phút thất thủ đã đến. (Dàn nhạc Staline là cụm từ quân Pháp ám chỉ các dàn hỏa tiễn Cachiusa do Liên Xô sản xuất, có sức nóng hàng ngàn độ và sức công phá rất lớn được bộ đội ta sử dụng vào thời điểm cuối cùng của chiến dịch).
Sau khi kiểm tra tên tuổi, cấp chức, số hiệu sỹ quan của từng tên, phái viên của Bộ chỉ huy chiến dịch đem ảnh và chữ ký của chúng ra đối chiếu. Xác định đúng là Đờ-cát, toàn bộ Bộ chỉ huy của Pháp ở Điện Biên Phủ được chuyển lên Bộ chỉ huy chiến dịch của ta để tiếp tục khai thác thông tin.
"Với thắng lợi ở chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, chấm dứt gần 1 thế kỷ xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp trên đất nước ta. Với tôi, được góp mình vào chiến thắng Điện Biên Phủ, được chứng kiến giây phút viên tướng địch đầu hàng và tham gia hỏi cung tướng Đờ-cát luôn là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời quân ngũ của mình", ông Nguyễn Xuân Tính tâm sự.
Theo Dantri
Chủ tịch nước trao Huân chương truy tặng cụ Huỳnh Thúc Kháng Sáng 15/4, tại huyện Tiên Phước, Tỉnh ủy, UBND, UBMTTQ VN tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Sao Vàng do Nhà nước truy tặng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyên quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao Huân chương cho đại diện gia đình cụ Huỳnh Thúc...