Mái ấm
Thao thức mãi không ngủ được, Phương Thảo vùng dậy làm vệ sinh cá nhân. Liếc nhìn đồng hồ, mới bốn giờ sáng, chị sốt ruột mong chờ chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời để gặp Mai Thùy, khác nào cô dâu đợi chồng trong đêm tân hôn.
Đứng trước gương, chị búi cao tóc về phía sau, để lộ khoang cổ cao ba ngấn trắng mịn mát mắt. Trang điểm xong, chị đặt bàn tay phải lên ngực, với những ngón thon dài như búp tay Phật. Chị mỉm cười kiêu hãnh, nó vẫn căng tròn như tuổi mười tám, đôi mươi.
Thoạt nhìn, không ai có thể đoán đúng tuổi chị. Thật kỳ lạ, không biết chị có bí quyết gì mà ở độ tuổi gần bốn mươi, chị vẫn giữ được những nét thanh tân của thời thiếu nữ. Đôi mắt long lanh như hai vì sao dưới hàng mi cong dài, nổi bật trên khuôn mặt trái xoan sáng như ngọc. Dáng người cao thon như lưng ong chúa, nom chị trẻ hơn đến cả chục tuổi. Chả thế mà khi chị ra đường, không ít chàng trai trẻ vẫn đắm đuối nhìn theo, thèm khát.
Chiếc Kia Morning đưa Phương Thảo vượt qua cửa khẩu Mộc Bài khi mặt trời chưa nhú khỏi ngọn núi mờ xa, tỏa ra những ánh hào quang rực rỡ. Xe bon bon trên con đường nhựa phẳng lì, đưa chị khám phá bao điều mới lạ trải dài trên đất nước Chùa Tháp. Từng đàn cò trắng phau bay trên những thảm lúa xanh mướt mát; những cây đặc sản sầu riêng, măng cụt, dứa… được trồng bạt ngàn xen lẫn những làng quê yên ả; những phố thị thanh bình, xinh đẹp lần lượt hiện ra trước mắt chị. Nhưng chị thích thú nhất khi được chiêm ngưỡng những ngôi chùa cổ kính, thơ mộng với kiến trúc độc đáo của người Khmer. Chả thế mà xe đi qua rồi, chị vẫn ngoảnh mặt lại phía sau chăm chú dõi theo.
Đến trung tâm tỉnh Battambang, theo địa chỉ, lái xe người Việt kiều còn khá trẻ tiếp tục đưa chị qua thị trấn huyện Sisophon, đến một làng quê yên tĩnh nằm sát chân núi gần giáp biên giới Thái Lan. Qua cổng làng một đoạn, người lái xe dừng lại nói với Phương Thảo: “Chị đợi một lát, để em xuống hỏi thăm đường”, rồi nhanh nhẹn băng qua vườn dứa đến một ngôi nhà nhỏ ở lưng đồi…
Ngồi chờ trên xe, những ký ức buồn vui trong quá khứ của chị lại ùa về trong tâm trí…
Cách nay ba lăm năm, vào buổi sáng một ngày cận Tết, từng đợt gió mùa đông bắc thổi về lạnh buốt. Tại một nương ngô gần Cô nhi viện, các Sơ phát hiện một em bé còn chưa được cắt dây rốn, toàn thân tím tái, nhiều chỗ bị kiến đốt sưng phù, đã nhanh chóng mang về nhà sưởi ấm, cắt dây rốn, bôi thuốc và bón chút nước dinh dưỡng. Như phép nhiệm màu, một lúc sau bé đã tỉnh táo và hồng hào trở lại. Các Sơ đặt cho bé cái tên rất dễ thương: “Phương Thảo”. Bé được chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ trong vòng tay yêu thương của các Sơ cho đến tuổi trưởng thành.
Minh họa: Lê Tiến Vượng
Hồi thi vào đại học, Phương Thảo đỗ thủ khoa của một trường đại học có tiếng. Từ đó, chị bước vào cuộc sống tự lập. Xinh đẹp, lại học giỏi, Phương Thảo sớm chiếm được cảm tình của nhiều nam sinh viên ngay từ năm học thứ nhất. Nhưng chỉ có một người làm trái tim chị rung động, là Mai Thùy.
Xuất thân từ đứa trẻ bị bỏ rơi, chị thấu hiểu và xót thương cho hoàn cảnh của anh khi căn bệnh ung thư quái ác đã cướp đi người mẹ hiền yêu dấu năm Mai Thùy mới ba tuổi. Bảy năm sau, bố anh bị mất trong một vụ tai nạn giao thông thảm khốc, phải sống với bà ngoại cũng đã già yếu.
Mai Thùy vừa đi học, vừa phải đi bán vé sổ số, rồi đánh giày… để đỡ gánh nặng cho bà. Đến giữa năm anh học lớp chín, bà cũng qua đời ở tuổi tám lăm. Hai trái tim cô đơn đã đến với nhau như sự sắp đặt của số phận. Suốt những năm học đại học, hai người dành cho nhau sự giúp đỡ chân thành trong học tập, sinh hoạt và sự yêu thương vô bờ bến. Tình yêu của họ đẹp như mối tình trong tiểu thuyết…
Người lái xe mở cửa vồn vã: “Chị ơi, ta đi qua ngôi nhà sàn phía trước là đến thôi” làm gián đoạn mạch ký ức của Phương Thảo. Chiếc xe đi tiếp khoảng hai trăm mét thì dừng lại trước cổng một ngôi nhà cấp bốn, nằm khiêm tốn dưới rặng dừa cao vút. Phía góc sân có bụi chuối tiêu đã ra buồng, dài gần bằng chiếc đòn gánh. Chị thầm khen chủ nhà mát tay và chịu khó chăm bón. Một con chó lông màu vàng rơm mượt như tơ từ trên thềm nhà chạy ra, hai chân trước chồm lên thanh ngang cánh cổng, mũi “híc’, “híc” rồi quay lại, ngoe nguẩy cái đuôi chạy vào nhà kêu ăng ẳng, ý mách chủ nhà có khách.
Người đàn ông dong dỏng cao, khuôn mặt thanh tú, tập tễnh đi ra mở cổng. Phương Thảo mừng rỡ: “Anh Thùy”. Sau một thoáng ngỡ ngàng, Mai Thùy reo lên: “Phương Thảo” rồi dang hai tay ôm chầm lấy chị. Một làn hương thân quen gợi cho anh niềm cảm xúc sâu thẳm của mối tình đầu trong những năm còn là sinh viên.
- Đã mười hai năm rồi mà em vẫn đẹp như xưa.
Mai Thùy khen chị rồi sóng đôi cùng Phương Thảo bước vào nhà. Chị chưa kịp ngồi xuống ghế, Mai thùy đã sốt sắng hỏi:
- Em đi đường xa chắc mệt lắm phải không? Sao em biết anh ở đây mà tìm đến?
Phương Thảo nở nụ cười tươi như hoa, đáp:
- Chuyện dài lắm anh ạ.
Chị nhìn anh âu yếm rồi say sưa kể:
Video đang HOT
- Từ ngày anh lên đường nhập ngũ, hơn một tháng sau em cũng xin được vào làm việc tại phòng kinh doanh của một nhà máy lớn ở ngoại ô thành phố. Nhiều người đoán già đoán non chắc em thuộc diện con ông cháu cha hoặc con nhà khá giả mới được xuất biên chế ngon vậy, vì thời điểm đó xin được một xuất vào biên chế là cực kỳ khó khăn. Thật ra, em chẳng phải tốn kém gì. Có lẽ ông giời rủ lòng thương đã bù đắp lại cho em. Đúng lúc nhà máy cần tuyển duy nhất một kỹ sư kinh tế, với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi trong tay, lại đúng chuyên ngành đào tạo, cộng với chút may mắn, em được Giám đốc nhà máy đặc cách tuyển thẳng vào biên chế. Thấy em làm được việc, giám đốc và anh chị em trong phòng kinh doanh rất quý mến. Hai năm sau, em có quyết định làm trợ lý giám đốc, là trợ lý trẻ nhất nhà máy hồi đó.
Dừng một lát, giọng chị trùng xuống:
- Công việc đang thuận buồm xuôi gió thì em nhận được tin sét đánh: Anh có giấy báo tử, hy sinh ở chiến trường Campuchia. Lòng em quặn thắt, trái tim em tưởng như vỡ ra từng mảnh. Không còn anh, cuộc sống của em vô vị, buồn chán. Em quyết định xin nghỉ việc ở nhà máy trong sự luyến tiếc và xót thương của bao người.
Một thời gian sau, em trở lại Cô nhi viện xin làm việc tại đó. Em trở thành Sơ trẻ nhất trong năm Sơ ở đây. Từ dạo ấy, em đoạn tuyệt với tình yêu, với đàn ông, mặc dù không ít chàng trai vẫn vây quanh. Tình đồng nghiệp thân thương, tiếng trẻ thơ vui đùa vô tư làm em dần nguôi ngoai. Nhưng trong lòng em lúc nào cũng nhen nhóm một phần vạn tia hy vọng, biết đâu một ngày nào đó anh sẽ lại trở về, vì trong chiến tranh không thể tránh khỏi sự nhầm lẫn.
Tự nhiên, nét mặt chị rạng rỡ, nhìn sâu vào mắt Mai Thùy hứng khởi nói tiếp:
- Thế rồi anh biết không, một sự thật đến cứ ngỡ trong mơ. Cách đây năm ngày, được tin anh còn sống, em sung sướng đến chảy nước mắt. Con tim em được đánh thức trở lại. Vậy là em lên đường tìm đến nơi anh, đem theo cả nỗi nhớ, tình yêu và hy vọng…
Nói xong, chị đứng dậy ngắm những bức tranh treo trên tường có vẻ thích thú. Chợt chị sững người, run rẩy, đôi chân như khuỵu xuống nền nhà. Mặc dù trước khi đi, chị đã lường trước những tình huống, những giả định có thể xảy ra, nhưng khi nhìn thấy bức ảnh chụp Mai Thùy với người phụ nữ cùng bé gái chừng bốn tuổi, chị vẫn bị sốc, không làm chủ được mình. Đoán được tâm trạng của chị, Mai Thùy luống cuống đỡ Phương Thảo ngồi xuống ghế rồi chủ động giãi bày:
- Em ạ, vào cuối năm 1980, trong một trận đánh với Pol Pot ở khu vực gần biên giới Thái Lan, anh bị thương ở đùi trái. Do bị mất liên lạc với đồng đội nên anh phải nằm bất tỉnh suốt đêm ở bìa rừng. Sáng hôm sau, nếu không được một người dân địa phương phát hiện và đưa về nhà cấp cứu thì anh đã bỏ mạng trong rừng rồi. Sau mấy tháng được người dân ở đây nhiệt tình chăm sóc, cứu chữa nên sức khỏe dần dần được hồi phục. Nhưng do bị chấn thương sọ não nên anh bị suy giảm trí nhớ, lúc tỉnh, lúc quên.
Để không bị lộ thân phận là người Việt Nam, tránh được tai mắt của bọn Pol Pot, anh phải thay đổi trang phục, sinh hoạt như một người dân bản địa, đồng thời phải học hỏi để nói được tiếng địa phương. Mấy năm sau, gia đình ân nhân cứu sống anh thuở trước, thấy anh hiền lành, sức khỏe ổn định, đã làm mối cho anh một người phụ nữ hơn anh ba tuổi…
Nắm bàn tay mềm ấm của Phương Thảo, anh nghẹn ngào nói:
- Anh có lỗi với em nhiều quá.
Phương Thảo động viên anh mà lòng se lại:
- Không. Anh không có lỗi gì hết. Tất cả là do chiến tranh. Cuộc chiến tranh nào cũng vậy, người lính là người chịu thiệt thòi, mất mát và hy sinh nhiều nhất. Biết bao chiến sỹ đã hy sinh nơi chiến trường. Anh còn sống trở về là số độc đắc đấy. Em cứ tưởng vĩnh viễn không bao giờ được gặp anh nữa. Nay được gặp lại anh là em toại nguyện rồi. Có điều…
Cổ họng như bị tắc nghẹn, Phương Thảo bật khóc nức nở. Mai Thùy vội ôm lấy chị, giọng run run:
- Anh thật có tội với em.
Nước mắt chị ngấm vào vai áo Mai Thùy nóng hổi. Một lát sau, chị nhẹ nhàng gỡ tay anh ra, nghẹn ngào nói trong nước mắt:
- Không sao anh ạ. Số phận nghiệt ngã không cho anh em mình đến với nhau trong đời, đành để kiếp sau vậy.
Cặp mi Mai Thùy ươn ướt. Anh xúc động, nói những lời gan ruột:
- Thảo, chuyện đã rồi, mong em ngàn lần tha lỗi cho anh. Em đã vất vả vượt qua hàng ngàn cây số từ Đất Mẹ qua xứ người để tìm anh. Cảm ơn em nhiều lắm. Giờ đây, không có gì bù đắp được sự mất mát, hy sinh và tình cảm vô giá mà em đã dành cho anh, chỉ mong em sớm có một mái ấm hạnh phúc riêng, vì em vẫn còn trẻ đẹp, vẫn còn nhiều cơ hội để lựa chọn.
Phương Thảo cười buồn:
- Anh yên tâm, em ổn mà. Anh không phải lo cho em đâu.
Chợt Phương Thảo đứng dậy ôm chầm lấy Mai Thùy. Rất nhanh, chị đặt lên môi anh nụ hôn, vừa ngọt ngào, vừa cay đắng… Lẽ nào mình trở thành người thứ ba chen vào để phá vỡ cuộc sống đang yên ổn của hai người. Lẽ nào mình lỡ cướp đi người bố của đứa con gái vô tội. Lẽ nào… Nghĩ vậy, chị buông tay khỏi người Mai Thùy, hai hàng mi nhắm lại ngăn giọt lệ cứ định trào ra…
Chiếc Kia Morning chở Phương Thảo đã khuất dần sau rặng phi lao mà Mai Thùy vẫn ngẩn ngơ nhìn theo, như tiếc nuối một vật báu vừa bị mất. Trời lất phất mưa làm anh se lạnh. Mai Thùy lững thững đi vào nhà, nằm sõng soài ra giường. Anh không thể ngờ rằng, suốt mười hai năm qua, người phụ nữ ấy vẫn thủy chung son sắt, vẫn hy vọng mong manh, chờ đợi…, để rồi hai lần trái tim em ứa máu.
Nỗi xót thương, nhung nhớ làm anh day dứt, ân hận. Anh tự trách mình đã phản bội lời nguyền với em trong đêm chia tay năm xưa. Nghĩ lại, Mai Thùy thấy luyến tiếc thời gian trong quân ngũ. Giá như không xảy ra cuộc chiến tranh chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot, giá như mình không bị mất liên lạc với đồng đội, giá như mình không bị thương, trí nhớ không bị suy giảm, vẫn minh mẫn như bây giờ thì đâu đến nông nỗi này. Rồi anh lại tự an ủi: “Sau khi trả hết nợ, nhất định mình sẽ về thăm quê hương, thăm quê cha đất tổ, thăm lại người xưa…”.
Suốt chặng đường về, Phương Thảo ngồi lặng lẽ như cái bóng, phó mặc cho người lái xe quyết định thời gian ăn nghỉ và di chuyển trên các cung đường. Chị thương Mai Thùy phải chịu bao vất vả, thiệt thòi và hy sinh một phần xương máu nơi chiến trường. Chị đồng cảm, sẻ chia với hoàn cảnh của anh từ sau khi bị thương cũng như cuộc sống hiện tại, mà sao trong lòng chị vẫn nặng trĩu nỗi cô đơn, buồn tủi, cay đắng… Trong mơ màng, chị bồi hồi tưởng nhớ những giây phút nồng thắm, êm ngọt trong đêm chia tay với Mai Thùy trước ngày lên đường nhập ngũ…
Đêm ấy, dưới tán gạo rực màu hoa đỏ bên dòng sông thơ mộng lấp loáng ánh trăng thanh, Phương Thảo gục vào vai Mai Thùy thổn thức:
- Chỉ còn gần mười tiếng nữa là em phải xa anh rồi.
- Em yên tâm. Anh chỉ đi nghĩa vụ ba năm rồi lại về với em. Lúc đó chúng mình sẽ tổ chức đám cưới. Em sẽ sinh cho anh một đứa con gái đầu lòng nhé.
- Liệu khi trở về, anh có còn nhớ Phương Thảo nữa không, hay trong trái tim anh lại có bóng hồng khác?
- Em đừng nghĩ thế. Dù bất kỳ hoàn cảnh nào, mãi mãi không có ai thay thế được em trong trái tim anh.
Nói rồi, Mai Thùy ôm chặt Phương Thảo vào lòng, mơn man lên mái tóc. Anh nghe rõ từng nhịp tim của nàng đập phập phồng nơi lồng ngực. Nàng nũng nịu dụi đầu vào ngực Mai Thùy, ngước đôi mắt sáng long lanh chờ đợi. Anh cúi xuống đắm đuối hôn lên má, lên vành môi nóng bỏng của Phương Thảo, ngọt ngào, ngây ngất. Đôi bàn tay lang thang trên các vùng da thịt người đẹp, vuốt ve, mơn trớn. Như sức hút của nam châm, anh đổ ập lên người nàng. Họ tan chảy trong nhau dưới ánh trăng cùng hàng trăm bông hoa gạo đan xen lung linh, huyền ảo…
Chiếc xe phanh gấp tránh con sóc chạy qua đường làm Phương Thảo bừng tỉnh. Chị lơ đễnh nhìn qua khung cửa kính với ánh mắt buồn xa xăm, rồi buông tiếng thở dài, tiếc nuối: “Giá như đêm ấy, Mai Thùy để lại trong mình một đứa con”. Hai giọt nước mắt từ từ lăn xuống gò má, lòng chị se sắt…
Rời đất nước Campuchia xinh đẹp, Phương Thảo trở lại Cô nhi viện, nơi đã sinh ra chị lần thứ hai. Chị tâm nguyện sẽ gắn bó suốt phần đời còn lại của mình để cùng các Sơ chăm sóc, dạy dỗ cho những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi không nơi nương tựa. Công việc tuy vất vả nhưng đong đầy niềm vui, niềm tự hào là những người mẹ hiền, là mái ấm yêu thương, che chở cho những đứa con.
Truyện ngắn của Trần Phúc Dương
Theo vnca.cand.com.vn
Khi đàn ông là... mẹ hiền
Nhắc đến nghề giáo viên mầm non, nhiều người sẽ cho rằng đây là nghề không có chỗ cho đàn ông. Thế mà, vẫn có những "người đàn ông mẹ hiền" hiếm hoi làm nên sự thú vị của nghề nuôi dạy trẻ.
Các thầy giáo mầm non làm nên sự thú vị của nghề nuôi dạy trẻ
"Gươm giữa rừng hoa"
Có thể sự hiếm hoi của những người đàn ông làm nghề giáo viên mầm non là "đếm được trên đầu ngón tay". Người ta đã quen với những cô nuôi dạy trẻ trìu mến, dịu dàng, yêu thương trẻ thơ, đã quen với những "mẹ hiền" nữ giới.
Chẳng bởi thế mà biết bao bài hát về giáo viên mầm non, có nhạc sĩ nào "dám" nghĩ đến việc viết về "thầy nuôi dạy trẻ" đâu. Nào là "Một mai khi em lớn lên/ Đừng quên khi đi nhà trẻ/ Quên Cô giáo người nuôi em khoẻ/ Quên Cô giáo người chăm em ngoan", nào "Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo/ Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền", "Mẹ của em ở trường, là cô giáo mến thương"...
Bởi thế, khi một thầy giáo chọn con đường làm "mẹ hiền", đó quả là một con đường đầy đơn độc và khác biệt. Như câu chuyện của thầy Nguyễn Phương Bình - giáo viên mầm non Trường Mầm non 1, quận 5 , TP.HCM. Khi quyết định chọn nghề giáo viên mầm non, thầy Bình đã khiến cho gia đình và bạn bè hết sức "sốc".
Gia đình thì khó hiểu trước lựa chọn của thầy Bình, còn bạn bè thì ra sức can ngăn, với những lý do thông thường là làm thầy giáo mầm non vừa vất vả, nhiều áp lực, lại thu nhập rất thấp. Chưa kể đây là một nghề đặc thù nữ giới, đàn ông theo nghiệp mầm non có vẻ... sai sai.
Không chỉ thế, khi đã vượt qua được ngần ngại, bước chân vào con đường làm giáo viên mầm non, các thầy giáo cũng luôn đối mặt với sự "một mình" như thế: Một mình trong một lớp học toàn nữ, một mình trong một ngôi trường toàn cô giáo. Như chuyện về thầy Trần Tỉnh Lỵ (SN 1969), giáo viên mầm non duy nhất ở Bình Phước.
Thầy từng kể rằng, thời mới quyết định theo con đường giáo viên mầm non, nghĩa là cách đây hơn hơn 30 năm, khi vừa nhập học được 10 ngày, thầy được nhận thông báo cho nghỉ, vì "làm đàn ông chắc không theo nổi nghề", rằng sợ kinh phí thất thoát, uổng phí. Kể cả sau khi khẳng định quyết tâm, nhập học lại, thầy vẫn là nam sinh duy nhất của trường, của kí túc xá, đối mặt với biết bao phiền phức khi sinh hoạt chung với chung quanh toàn những cô giáo tương lai. Đến nay, thầy Lỵ vẫn là nam giáo viên mầm non duy nhất của tỉnh Bình Phước.
"Gươm lạc giữa rừng hoa" là cách nói đùa về những chàng trai hiếm hoi trong một tập thể nữ, điều này có vẻ không sai với các chàng trai làm nghề "nuôi dạy trẻ". Không hiếm hoi sao được, bởi nghề giáo viên mầm non đúng là một nghề quá đặc trưng của nữ giới, cần cái sự tỉ mỉ chăm chút, cần cái sự dịu dàng, thỏ thẻ của các cô giáo đối với trẻ thơ.
Đàn ông thì khó mà có được điều đó. Huống hồ, đàn ông chí lớn, còn công việc dạy trẻ có dễ dầu gì, quanh quẩn ở bức tường lớp học bé tí, với bầy trẻ thơ, với mức lương eo hẹp và làm gì có khả năng thăng tiến ở một môi trường như thế. Thế nên, những người đàn ông hiếm hoi chọn "con đường mẹ hiền" ấy, phải là những người yêu nghề và dũng cảm vô cùng.
Những vất vả của "mẹ hiền"
Khỏi phải nói cũng có thể hiểu, giáo viên dạy trẻ là một trong những lĩnh vực nhiều vất vả nhất trong nghề giáo nói chung. Với những người phụ nữ mà bản năng đã có tình mẫu tử, có lòng yêu thương, săn sóc trẻ thơ, có sự chu đáo, kiên nhẫn, theo đuổi nghề đã không dễ dàng. Thế nên mới có chuyện, nhiều cô giáo, nhiều bảo mẫu đi theo nghề vì yêu nghề, mà cuối cùng bỏ nghề vì không chịu nổi áp lực. Hoặc có người thay đổi tâm tính, vì nông nổi mà bạo hành các cháu.
Huống chi, khi "mẹ hiền" là cánh đàn ông. Đàn ông, với sự mạnh mẽ, thiếu kiên nhẫn, thiếu tỉ mẩn và thiếu cả sự dịu dàng hiền thục mà phải đi chăm cả bầy trẻ thơ với biết bao trò quấy phá, thì khó khăn biết nhường nào.
Nào là chăm bón cho các cháu ăn, lo chuyện ngủ, rồi giáo dục, hướng dẫn, rồi chuyện vệ sinh... Hay những chuyện rất đỗi "nhi nữ thường tình" là chải đầu, rửa mặt, tết tóc cho các bé thơ. Để làm được những điều này, những người đàn ông ấy phải có một nghị lực, một sự cố gắng lớn gấp nhiều lần so với cô giáo.
Như trường hợp của thầy giáo trẻ Thái Hồng Duy, Trường Mầm non 19/5 TP.HCM. Thầy Duy từng chia sẻ, thời gian đầu không ít những khó khăn, lóng ngóng khi chưa quen việc, nhất là những việc tết tóc, bón cơm, hay vệ sinh cho trẻ. Nhưng nỗ lực rồi mọi thứ cũng quen. Ngoài chuyện vệ sinh thì thầy giáo phụ trách các cháu nam, cô giáo phụ trác các cháu nữ, còn lại, dạy dỗ, dỗ dành, chải đầu cột tóc... cho các bé thầy cũng thành thục, khéo léo không kém bất kì cô giáo nào.
Ngoài cái khó đến từ đặc thù những công việc hợp với nữ giới, thì phản ứng của phụ huynh cũng là một chướng ngại mà các thầy giáo mầm non phải vượt qua. Nhiều phụ huynh thấy con mình được trông nom bởi một thầy giáo thì vừa tò mò, vừa ngại ngần, rồi đủ thứ giả thuyết, e ngại, lo sợ. Có phụ huynh xin cho con chuyển lớp.
Thế nhưng, bằng sự chân thành, cố gắng của mình, các thầy cuối cùng cũng được phụ huynh đón nhận, yêu quý. Còn các cháu bé, khi mới tiếp xúc, cũng không kém phần sợ hãi, nhiều cháu khóc òa khi thấy thầy giáo xuất hiện. Nhưng dần dà, quen mặt, yêu mến, các cháu cũng quấn quýt, thương yêu các thầy như cô giáo.
Lòng yêu con trẻ
Có thể khẳng định rằng, với những người đàn ông chọn nghề nuôi dạy trẻ, thì phải có một lòng yêu nghề, yêu con trẻ cực kì lớn lao. Chỉ có tấm lòng đó mới có thể giúp họ vượt qua bao nhiêu khó nhọc trên bước đường của mình. Nào là nỗi đơn độc, nào là đối mặt với những câu hỏi, phản ứng, tò mò từ người thân và chung quanh, sự bất tiện khi là một "thanh gươm lạc giữa rừng hoa". Rồi phải nỗ lực gấp đôi các cô giáo vì thiếu phù hợp. Và, còn nữa phải vượt qua sự vất vả chung của cái nghề giáo viên mầm non lương không cao, việc nhiều, nhiều áp lực...
Ấy thế mà nhiều thầy giáo vẫn vượt qua được hết những rào cản ấy, để gắn bó với nghề và đạt những thành tựu đáng nể trong nghề nghiệp của mình. Như thầy Trần Tỉnh Lỵ ở Bình Phước, đến nay, đã 30 năm gắn bó với nghề, biết bao danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, biết bao sáng kiến hay, giờ đây, thầy đã trở thành thầy Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Sao Sáng, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Là hiệu trưởng, công việc bận rộn, thầy vẫn dành nhiều thời gian để chăm lo, gần gũi với các em học sinh và điều thầy nhận được là các em nhỏ rất mến thương thầy.
Hay như thầy Nguyễn Phương Bình là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, một trong những gương mặt giáo viên tiêu biểu của TP.HCM nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2019. Thầy đã trải qua 15 năm trong nghề và yêu tha thiết cái nghề mình gắn bó.
Với các thầy, những gian nan của nghề đã được vượt qua bằng nỗ lực lớn lao. Không chỉ thế, các thầy còn tận dụng những "lợi thế" của nam giới để biến thành ưu điểm trong nghề. Đó là sức khỏe để chăm các con nhỏ thật tốt, là óc sáng tạo để nghĩ ra nhiều mô hình dạy trẻ, làm nhiều trò chơi hay cho trẻ thơ. Tiếp xúc với các thầy mới thấy, thầy nào cũng có "chiêu" riêng, thành bí quyết trong nghề của mình. Với lòng yêu nghề, các thầy đã nhuần nhuyễn "3 trong 1", vừa là "mẹ hiền", vừa cha, vừa là người bạn của các bé thơ.
Đáng quý, đáng trân trọng biết bao, tấm lòng của những người "mẹ hiền" như thế!
Ngọc Mai
Theo baophapluat
Những "mẹ hiền" lặng thầm mà cao cả Đó là những "mẹ hiền" có tấm lòng cao đẹp, đã không quản khó nhọc, kiên trì nỗ lực dìu dắt những học sinh thiếu may mắn vươn lên, hòa nhập với cộng đồng. Thời gian gần đây, môi trường giáo dục nước ta phần nào bị ảnh hưởng bởi những vụ việc đáng tiếc như gian lận thi cử, bạo lực học...