Mafia gốc Việt thống trị thế giới ngầm ma túy Trung Âu
Băng đảng mafia gốc Việt kiểm soát 60% thị trường ma túy ở Cộng hòa Czech, thậm chí là 80% với ma túy đá, với khả năng xây dựng mạng lưới phân phối trên toàn châu Âu.
Chiến dịch “Stop Drugs” giúp cộng đồng người Việt chủ động hơn trong cuộc đấu tranh chống tội phạm ma túy ở CH Czech.
Cách xa con đường lát sỏi đẹp như tranh vẽ ở trung tâm thành phố Prague, Cộng hòa Czech là cửa hàng pizza của bà Nguyễn Kim Thu (42 tuổi) ở khu Little Hanoi. Quán ăn ban đầu được mở ra để phục vụ thực khách bản địa, cách trung tâm thành phố 45 phút di chuyển bằng xe buýt.
Ngày nay, hầu hết khách hàng đến quán bà đều là người Việt. Họ là chủ của những cửa hàng khác ở khu Little Hanoi. Bà Thu cùng gia đình chuyển đến định cư ở Prague 15 năm trước. Mặc dù cảm thấy lạc lõng nơi xứ người, đó vẫn là quãng thời gian bà cảm thấy hạnh phúc.
Thế nhưng, cuộc sống của bà Thu gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây bởi chính cộng đồng người Việt và các băng đảng mafia gốc Việt. Cộng hòa Czech vốn được biết đến là “ thủ phủ ma túy” ở Trung Âu.
Người Czech tỏ ra lo ngại hơn về cộng đồng người Việt bởi sự thống trị của các băng đảng mafia gốc Việt. “Điều đó thể hiện ngay cả ở siêu thị. Dường như họ cảm thấy không thoải mái và không nói gì với chúng tôi”, bà Thu chia sẻ. Con trai bà Thu, năm nay 16 tuổi trở thành tâm điểm chú ý của lớp và hay bị bạn bè trêu đùa quá mức.
Chiếm lĩnh “thủ phủ ma túy”
Cục Phòng chống Ma túy Quốc gia Czech (NDH) ước tính các nhóm tội phạm có tổ chức do người Việt cầm đầu chiếm tới 60% khối lượng ma túy giao dịch ở Czech, tỷ lệ giao dịch ma túy đá lên tới 80%. Những loại ma túy khác bao gồm cần sa và một lượng nhỏ thuốc phiện, heroin.
“Ma túy đá đã xuất hiện từ lâu ở Czech. Việc sản xuất, mua bán loại ma túy này có gốc rễ sâu xa từ thời xưa. Nhưng tình hình thời đó hoàn toàn không thể so sánh với bây giờ khi các băng nhóm người Việt đang ngày càng lớn mạnh”, Tomas Kubik, phó giám đốc lực lượng cảnh sát hình sự và điều tra nói trên Nikkei Asian Review.
Video đang HOT
“Các băng nhóm này chiếm lĩnh thị trường ma túy trong khu vực, là những nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất”, ông Kubik nhận định về quy mô của mafia gốc Việt. “Khoảng hai phần ba lượng hàng sản xuất được đưa đến các nước láng giềng”.
Hoạt động của các băng nhóm người Việt đã biến Cộng hòa Czech thành nguồn cung cấp cần sa chủ yếu cho các nước như Đức và Áo. Ma túy đá của Czech với độ tinh khiết cao cũng có mặt ở những quốc gia xa xôi như Mỹ và Úc.
Bà Nguyễn Kim Thu đã chuyển đên sống ở Prague, CH Czech cách đây 15 năm.
Các nhóm tội phạm gốc Việt ở Czech cũng ngày càng tăng cường vai trò trong các hoạt động phi pháp khác, như trốn thuế và giả mạo giấy tờ lên tới hàng triệu USD, báo cáo tuyệt mật được công bố tháng trước của Bộ Nội vụ Czech cho biết.
“Các nhóm người gốc Việt thống trị băng nhóm tội phạm châu Á ở Czech. Họ rất ổn định và có trung tâm quyền lực lãnh đạo bởi những ông trùm khét tiếng”, hãng thông tấn Czech đưa tin.
Vươn tầm ảnh hưởng khắp châu Âu
Người Việt Nam đến Czech khi nước này còn nằm trong Tiệp Khắc. Tiệp Khắc tách thành Cộng hòa Czech và Slovakia vào năm 1993. Khi đó, nhiều người Việt Nam đã lựa chọn ở lại Czech và trở thành cộng đồng thiểu số lớn nhất ở Czech. Họ bắt đầu mở cửa hàng bán buôn và bán lẻ.
“Đầu thiên niên kỷ mới, một số người Việt kinh doanh trái phép nước hoa và giày dép nhái đã chuyển sang lĩnh vực mới là thị trường chợ đen với các mặt hàng thuốc lá và cần sa”, điều phối viên chương trình phòng chống ma túy quốc gia Czech, Jindrich Voboril nói.
Theo ông Voboril, mạng lưới này sau đó đã chuyển sang sản xuất các loại ma túy khác, đặc biệt là ma túy đá. “Loại ma túy này phổ biến trên toàn châu Á và đang lan ra toàn cầu”.
Sự trỗi dậy của băng nhóm mafia gốc Việt ở Czech trùng với sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Sự lớn mạnh của các băng nhóm người Việt ở Cộng hòa Czech diễn ra cùng lúc với việ Trung Quốc gia tăng hiện diện trong khu vực. Năm 2012, Trung Quốc cùng 16 nước thuộc khối Liên Xô cũ thiết lập cơ chế 16 1 nhằm tăng cường quan hệ giữa Bắc Kinh và khu vực Trung, Đông Âu.
Người Việt bán quần áo tại khu chợ ở Prague.
Hoạt động kinh tế trong khu vực ngày càng sôi nổi cũng khiến nhu cầu ma túy tăng lên nhanh chóng. Báo cáo năm 2016 của Trung tâm Giám sát Ma túy và Nghiện hút EU (EMCDDA) ho biết, các nhóm tội phạm người Việt có tổ chức đã đủ năng lực xây dựng mạng lưới phân phối trên toàn châu Âu.
“Không chỉ thống trị thị trường Czech, họ còn can dự vào hoạt động buôn bán và phân phối ma túy đá ở một số nước châu, đồng thời tiến hành các hoạt động phạm pháp khác, bao gồm sản xuất cần sa, tổ chức nhập cư trái phép và buôn người”, báo cáo nêu rõ.
Nhằm thay đổi định kiến tiêu cực của dân bản xứ về cộng đồng người Việt tại Czech, các tổ chức kiều bào đã hợp tác với chính phủ triển khai chiến dịch “Stop Drugs” (Ngăn chặn ma túy). Mục tiêu của chiến dịch là giúp cộng đồng người Việt chủ động hơn trong cuộc đấu tranh chống tội phạm ma túy.
Tuy vậy, chủ tịch Hội liên hiệp Czech – Việt Nam Marcel Winters nói hình ảnh người Việt đối với người bản xứ vẫn chưa được cải thiện một cách rõ ràng. Báo chí liên tục khai thác về chủ đề này khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn.
“Vấn nạn ma túy chỉ liên quan đến một nhóm nhỏ tội phạm người Việt” , ông Winters nói. “Còn đa số Việt kiều ở đây sống, làm việc, học tập tuân thủ pháp luật. Họ hoàn toàn không có liên quan đến việc sản xuất hay buôn lậu ma túy”.
Theo Danviet
Nghiêm trị chính trị gia cấu kết với "bố già"
Italia đã bắt đầu phiên tòa xét xử những kẻ bị cáo buộc tham gia hệ thống cấu kết giữa thế giới ngầm tội phạm mafia với một loạt quan chức chính quyền Thủ đô Rome từng làm chấn động dư luận nước này.
Trùm mafia Carminati bị bắt giữ
Trong đợt đầu của phiên tòa, 46 người bao gồm nhiều "ông trùm" và hàng loạt các quan chức đứng đầu một số công ty trực thuộc chính quyền và các sở ban ngành ở thành phố Rome, đã bị đưa ra xét xử. Đây là kết quả của chiến dịch chống tham nhũng lớn nhất Italia, tính từ sau chiến dịch "Bàn tay sạch" hồi đầu thập niên 1990 vốn khiến một nửa số nghị sĩ nước này bị buộc tội nhận hối lộ.
Vụ "xã hội đen" xâm nhập Tòa thị chính Rome, hay còn gọi là "Mafia thủ đô" do các công tố viên đặt, bị phát hiện từ cuối năm 2014 khi cảnh sát mở chiến dịch bắt Carminati, kẻ được giới truyền thông mô tả là "Linh hồn đen của thế giới ngầm Roma", hoặc "Kẻ bất tử", "Hải tặc" vì hắn bị chột mắt trái sau một vụ đấu súng với cảnh sát hồi năm 1981.
Những chứng cứ thu được cho thấy, tổ chức mafia của Carminati đã điều hành cả một hệ thống chân rết nhằm khai thác các nguồn ngân sách Nhà nước liên quan đến xây dựng ở Thủ đô Rome. Bị mua chuộc, nhiều quan chức và doanh nhân thành phố đã cấu kết với mafia để rửa tiền, hối lộ, tham nhũng. Họ tống tiền các nhà thầu, làm nhiều trò khác để ăn chặn hàng triệu euro tiền mặt vốn dành cho các dịch vụ công, từ thu gom rác đến tiếp nhận người tị nạn.
Thậm chí những người này còn giúp mafia thao túng các hoạt động chính trị của chính quyền thành phố, can thiệp vào một số cuộc bầu cử ở cấp địa phương. Hệ quả là Thủ đô Rome không có tiền sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường phố nhiều ổ gà và đầy nước cống, hệ thống giao thông công cộng xuống cấp trầm trọng.
Vụ việc đã làm chấn động Italia. Tính đến nay, đã có hơn 150 người bị bắt và điều tra. Nhiều người trong số đó bị phát hiện có tên trong "bảng lương" hàng tháng của mafia từ vài nghìn đến vài chục nghìn euro. Với quy mô như vậy, "Mafia thủ đô" được xem là tổ chức tội phạm lớn thứ năm ở Italia, sau Cosa Nostra ở đảo Sicily, Ndrangheta ở Calabria, Camorra ở Naples và Sacra Corona Unita ở Puglia.
Thậm chí vụ "Mafia thủ đô" còn gây sóng gió trên chính trường Italia, khiến đảng cầm quyền bị mất uy tín. Chính phủ trung - tả cầm quyền bị phe đối lập cáo buộc đã "bảo kê" cho mafia trong thời gian dài. Tuy không dính líu vào vụ "Mafia thủ đô" nhưng trước những công kích của phe đối lập, Thị trưởng trung hữu I. Marino đã phải từ chức.
Theo kết quả điều tra của Ủy ban chống mafia thuộc Quốc hội Italia, thu nhập hàng năm từ hệ thống mafia của nước này vào khoảng 140 tỷ euro, xấp xỉ 10% GDP quốc gia. Còn theo thống kê của Ủy ban chống tham nhũng thuộc Quốc hội, trung bình mỗi năm, Italia thiệt hại ít nhất 60 tỷ euro vì tham nhũng. Để đối phó với tội phạm mafia, Hạ viện Italia đã phải thông qua dự luật chống tham nhũng sửa đổi, với những hình phạt nặng hơn dành cho những kẻ phạm tội, đồng thời khôi phục lại tội danh giả mạo giấy tờ tài chính cũng như câu kết với mafia trong các hoạt động kinh tế.
Trở lại với vụ "Mafia thủ đô", Thủ tướng Italia M. Renzi đã gọi bê bối này là một điều "đáng kinh tởm" và khẳng định sẽ làm trong sạch nội bộ. Việc mở phiên tòa xét xử những kẻ bị cáo buộc là bước đi nhằm thực hiện mục tiêu đó.
Theo_An ninh thủ đô
Ngày tàn của mafia Nhật Nhiều thành viên các băng đảng mafia Nhật tìm cách thoát khỏi bóng tối và bắt đầu hoàn lương khi thế giới ngầm đang trong giai đoạn khủng hoảng lớn chưa từng có. Satoru Takegaki, từng làm vệ sĩ cho cựu thủ lĩnh Yamaguchi-gumi, giơ tấm áp phích của chiến dịch chống mafia trong buổi phỏng vấn với AFP tại Himeji ngày 7/10....