Macedonia: Hơn 10.000 người biểu tình đòi Thủ tướng từ chức
Trên 10.000 người xuống đường biểu tình vào ngày 17.5 ở thủ đô Skopje, yêu cầu Thủ tướng Macedonia, ông Nikola Gruevski phải từ chức vì liên quan đến vụ bê bối nghe lén.
Người biểu tình tập trung trước văn phòng chính phủ của Thủ tướng Macedonia ngày 17.5.2014 – Ảnh: Reuters
Đám đông người biểu tình, gồm cả người gốc Albania, đổ xuống đại lộ trung tâm hướng đến văn phòng chính phủ ở thủ đô Skopje, theo Reuters. Lãnh đạo phe đối lập cho hay một số người biểu tình sẽ cố thủ trên các con đường cho đến khi ông Gruevski từ chức.
“Tôi đóng cửa cửa tiệm, mang theo đồ đạc đến Skopje”, một người biểu tình 45 tuổi tên Andrej Poposki, cho hay. Ông Poposki đi xe buýt từ thị trấn Prilep, cách Skopje 130 km về phía nam để đến thủ đô. “Chúng tôi phải cứng rắn và đối đầu với các phần tử tội phạm. Họ phải ở trong tù, chứ không phải trong chính phủ”.
Ông Gruevski đang dính vào một vụ bê bối nghe lén bị phanh phui hồi tháng 2.2015. Khi đó, lãnh đạo đảng đối lập Dân chủ Xã hội, ông Zoran Zaev công bố cái mà ông gọi là “một núi đoạn ghi âm nghe lén bất hợp pháp” do chính quyền Gruevski thực hiện. Một người tố giác đã cung cấp cho ông Zaev những đoạn ghi âm này.
Được mệnh danh “những quả bom”, các đoạn ghi âm nghe lén cho thấy chính phủ siết chặt kiểm soát các nhà báo, thẩm phán và các quan chức đảng đối lập…
Thủ tướng Gruevski không tranh cãi về việc những giọng nói trong đoạn ghi âm nghe lén là thật hay không, nhưng ông bác bỏ những đoạn ghi âm này, cho rằng chúng được dàn dựng. Và hậu quả ông Zaev bị buộc tội có hành động phản quốc.
Nhiều người dân Macedonia bức xúc trước tốc độ phát triển chậm chạp của đất nước này và sự hội nhập với phương Tây. Nỗ lực của Macedonia trong việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và NATO gặp trở ngại vì những tranh cãi kéo dài với Hy Lạp về tên gọi của nước này, do Macedonia (hay Makedonija) lại là một vùng đất lịch sử nằm trên lãnh thổ nhiều quốc gia khác nhau và có lịch sử, văn hóa gắn với Hy Lạp.
Video đang HOT
Các nhà ngoại giao phương Tây ở Skopje đang nỗ lực hòa giải để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Macedonia, từng chất vấn cam kết của chính phủ nước này về vấn đề dân chủ, tự do ngôn luận.
Người biểu tình cầm cờ Albania và Macedonia xuống đường đòi Thủ tướng Macedonia, ông Nikola Gruevski phải từ chức – Ảnh: Reuters
Tình trạng căng thẳng sắc tộc cũng có nguy cơ làm leo thang tình hình khủng hoảng ở Macedonia. Vào ngày 9-10.5 vừa qua, cảnh sát Macedonia đã đột kích tại khu vực tập trung nhiều người gốc Albania ở miền bắc Macedonia, khiến 18 người chết. Trong số những người thiệt mạng có 5 cảnh sát và 10 người gốc Albania bị chính quyền ông Gruevski xem là các phần tử khủng bố.
Theo Reuters, ước tính 30% trong số 2 triệu người dân Macedonia là người gốc Albania. Vào năm 2001, người gốc Albania cầm vũ khí nổi dậy, đòi thành lập khu tự trị. Sau đó, phương Tây can thiệp, giúp hai bên đạt được thỏa thuận hòa bình, mở rộng quyền cho cộng đồng người gốc Albania, và người gốc Albania có thể làm việc trong chính phủ. Tuy nhiên việc thực hiện thỏa thuận này diễn ra chậm chạp và căng thẳng sắc tộc vẫn âm ỉ.
Ông Gruevski từng tuyên bố cảnh sát đã đập tan âm mưu tấn công khủng bố sau cuộc đột kích kể trên, nhưng những người gốc Albania và một số chuyên gia phân tích nước ngoài hoài nghi về tuyên bố của ông Gruevski.
Chính phủ Nga ngày 16.5 đã cáo buộc phương Tây kích ngòi “cách mạng màu” (như ở Ukraine) nhằm lật đổ chính quyền ông Gruevski, gây bất ổn ở Macedonia.
Ngoại trưởng Nga, ông Sergei Lavrov cho biết ông nghi EU từ chối Macedonia gia nhập liên minh này vì nước này phản đối các lệnh trừng phạt Nga liên quan đến tình hình Ukraine, và khí đốt Nga được đưa sang Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Macedonia.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Biệt kích Mỹ tiêu diệt một thủ lĩnh cấp cao của IS tại Syria
Thủ lĩnh cấp cao của IS bị tiêu diệt là Abu Sayyaf, phụ trách việc khai thác và buôn bán dầu mỏ bất hợp pháp của IS.
AP dẫn nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho biết, trong một cuộc đột kích hiếm hoi tại phía Đông Syria đêm qua (15/5), lực lượng biệt kích Mỹ đã tiêu diệt một chỉ huy cấp cao của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đồng thời bắt giữ vợ tên này và giải cứu một phụ nữ Yazidi bị bắt làm nô lệ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã lên tiếng xác nhận về cuộc đột kích trên và cho biết, thủ lĩnh cấp cao của IS bị tiêu diệt là Abu Sayyaf. Ông Carter cũng cho biết, không có binh sĩ nào thuộc lực lượng đặc biệt của Mỹ thiệt mạng hoặc bị thương khi tiến hành vụ đột kích trên.
Lực lượng biệt kích Delta của Mỹ (Ảnh minh họa, Nguồn: Wikipedia)
Liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành các chiến dịch tấn công IS tại Syria từ năm ngoái. Tuy nhiên, đây mới là lần thứ hai, Mỹ tiến hành các cuộc tấn công IS trên bộ. Trước đó vào mùa hè năm 2014, biệt kích Mỹ đã tiến hành một cuộc giải cứu con tin người Mỹ bị IS bắt cóc, tuy nhiên chiến dịch này không thành công và con tin Mỹ đã thiệt mạng.
Trước khi Lầu Năm Góc công bố thông tin về chiến dịch đột kích tiêu diệt Sayyaf, truyền hình nhà nước Syria cũng thông báo rằng, lực lượng quân đội chính phủ Syria đã tiêu diệt ít nhất 40 tay súng, trong đó có một chỉ huy cấp cao phụ trách việc khai thác và buôn bán dầu mỏ của IS khi tiến hành chiến dịch tấn công vào mỏ dầu lớn nhất của nước này do IS kiểm soát. Chỉ huy của IS bị Syria tiêu diệt có tên Abu al-Teem al-Saudi.
Hiện chưa rõ lý do tại sao cả Syria và Mỹ cùng lúc tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào IS tại mỏ dầu Omar. Tuy nhiên cho đến nay, chính quyền Mỹ vẫn tuyên bố không hợp tác với chính quyền của Tổng thống Bashar Assad trong cuộc chiến chống lại các tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Trong khi đó, Đài quan sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh khẳng định đã xảy ra một cuộc tấn công vào khu mỏ dầu Omar và cho biết: ít nhất 19 tay súng IS, trong đó có 12 người nước ngoài đã thiệt mạng. Nhóm này không cho biết cụ thể ai đã thực hiện vụ tấn công trên.
Một tuyên bố của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết, Abu Sayyaf là một "lãnh đạo cấp cao của IS", có vai trò giám sát các hoạt động khai thác và buôn bán dầu khí bất hợp pháp của tổ chức này. Hiện dầu mỏ vẫn là một nguồn doanh thu quan trọng của IS. Tuyên bố cũng cho biết, Sayyaf cũng tham gia tổ chức các hoạt động quân sự của IS.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, cuộc đột kích được tiến hành đêm 15/5 (theo giờ Washington) bởi một đội biệt kích Delta. Những biệt kích này đã bay từ Iraq vào miền Đông Syria trên chiếc máy bay V-22 Osprey và trực thăng Blackhawk.
Khi đến mục tiêu là một tòa nhà cao tầng, nhóm biệt kích Mỹ đã gặp phải sự kháng cự khá mạnh. Đọ súng dữ dội đã diễn ra giữa biệt kích Mỹ và các tay súng IS. Khoảng hơn chục tay súng IS đã bị tiêu diệt. Không có thường dân nào bị thương dù thời điểm xảy ra vụ đọ súng, tại đó có cả phụ nữ và trẻ em. Biệt kích Mỹ đã trở về căn cứ an toàn vào khoảng nửa đêm (giờ Washington).
Quan chức Mỹ cũng cho biết, thủ lĩnh cấp cao của IS vừa bị tiêu diệt là một tên mang quốc tịch Tunisia.
Tuyên bố của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết, Tổng thống Barack Obama đã đồng ý tiến hành cuộc đột kích này sau khi tham khảo ý kiến của đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia của mình.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Bernadette Meehan cho biết, Umm Sayyaf - vợ của Abu Sayyaf đã bị bắt giữ tại cuộc đột kích trên và hiện đang bị giam giữ tại Iraq./.
Nguyễn Hùng Theo AP
Theo_VOV
Kiếp nô lệ của ngư dân Thái Công viêc vât va, không co thơi gian nghi ngơi, nhưng Samart Senasook chăng co lưa chon nao hơn ngoai chấp nhận làm viêc trên tau ca. Ngư dân ngươi Thai va Myanmar sinh hoat trong nha tam cua môt công ty đanh băt ca ơ Benjina, Indonesia thang 11/2014. Anh: AP Luc trươc, ông lam bao vê ơ Bangkok, công viêc thât...