Mặc Syria và S-400, ông Trump nhận là ‘fan bự’ của Tổng thống Thổ
Sau cuộc hội đàm kéo dài nhiều giờ đồng hồ với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố mình là một “fan bự” của người đứng đầu chính quyền Ankara.
Tuyên bố trên được ông Trump đưa ra bất chấp quan hệ Mỹ – Thổ đang căng thẳng do những bất đồng về Syria và thương vụ Ankara mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga.
Hai ông Trump và Erdogan gặp nhau tại Nhà Trắng ngày 13/11/2019. (Ảnh: Reuters)
Theo hãng tin CNN, trong một cuộc gặp ở Phòng Bầu Dục, chủ nhân Nhà Trắng liên tục nói với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ rằng thật là “một vinh dự” khi tiếp đón ông và ca ngợi tình bạn giữa hai người, bất chấp sự phản đối rộng khắp ở Quốc hội Mỹ về chuyến thăm của ông Erdogan và những lo ngại về chiến dịch của Ankara nhằm vào người Kurd ở Syria.
“Ông đang làm một công việc tuyệt vời cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ”, Tổng thống Trump nói và nhấn mạnh sau đó rằng nhà lãnh đạo Thổ có một “mối quan hệ lớn với người Kurd”, lực lượng mà Mỹ coi là đồng minh nhưng Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào diện khủng bố.
Chuyến thăm của ông Erdogan tới Nhà Trắng – một tháng sau khi ông Trump rút quân Mỹ khỏi Syria dọn đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch ở miền bắc Syria – đã được lên kế hoạch để tạo sóng dư luận ngay trước khi phe Dân chủ thông báo họ bắt đầu điều trần luận tội công khai chống lại Tổng thống trong cùng ngày 13/11. Và khi hai nhà lãnh đạo ngồi vào bàn thảo luận ở Nhà Trắng thì hai nhà ngoại giao Mỹ cấp cao ra điều trần về các hợp đồng của Tổng thống với Ukraina. Một người, đại sứ Bill Taylor, nói một trợ tá của ông đã nghe thấy Tổng thống hỏi trong cuộc điện đàm hồi tháng 7 về “các cuộc điều tra” mà ông muốn Ukraina tiến hành đối với cha con Joe Biden, ứng viên Dân chủ hàng đầu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Video đang HOT
Donald Trump tuyên bố không quan tâm đến cuộc điều trần, mà tại đó hé lộ nhiều tình tiết mới chấn động đặt ông vào tâm điểm của chiến dịch gây sức ép lên Ukraina.
Một chủ đề lặp đi lặp lại trong các cuộc hỏi đáp luận tội là sự nhầm lẫn và lo lắng về chính sách đối ngoại gây hỗn loạn của Tổng thống, không đâu rõ ràng như với ông Erdogan, người dường như đã buộc được vị Tổng tư lệnh Mỹ nhiều lần phải đưa ra những tuyên bố có lợi cho mình.
Một số nhân chứng đã lên tiếng về những khó khăn khi sắp lịch một chuyến thăm Nhà Trắng cho Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Nhưng ông Erdogan dường như không gặp phải khó khăn tương tự. Tổng thống Trump vẫn giữ nguyên lịch trình dù nhiều nhà lập pháp khuyên ông hủy chuyến thăm này sau chiến dịch của Ankara ở Syria.
Đến nay, Erdogan không phải là nguyên thủ duy nhất trên thế giới ông Trump quan tâm nhiều như vậy. Tổng thống Mỹ từng ca ngợi “tình bạn thân thiết” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và trao đổi những gì ông gọi là “những lá thư tình cảm” với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Tuy vậy, có lẽ không ai nhận được những gì mình muốn từ ông Trump như ông Erdogan.
Mối quan hệ Mỹ – Thổ vẫn căng thẳng trước cuộc điện đàm hồi tháng 10, trong đó ông Trump bất ngờ thông báo rút quân khỏi miền bắc Syria, bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch chống người Kurd tại đây. Trong khi gặp gỡ ở Phòng Bầu Dục và tại cuộc họp báo sau đó, ông Trump hông hề lên án chiến dịch và cũng không đưa ra cáo buộc nào với Ankara.
Tuần trước, ông Trump viết một lá thư tới ông Erdogan, đề nghị một thỏa thuận thương mại mới và gợi ý Ankara có thể tránh được cấm vận nếu hai bên giải quyết được một số bất đồng đang tồn tại, trong đó có thương vụ mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga và lệnh ngừng bắn ở Syria, theo một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ. Trong thư, ông Trump viết rằng để có được thỏa thuận thương mại 100 tỷ USD, Thổ Nhĩ Kỳ cần tuân thủ lệnh ngừng bắn hồi tháng 10 ở miền bắc Syria mà Mỹ đã giúp đàm phán. Ông nhấn mạnh thêm, Ankara có thể tránh được những đòn trừng phạt mà Quốc hội Mỹ yêu cầu liên quan thương vụ S-400.
Tổng thống Mỹ đã trì hoãn thực thi cấm vận và các quan chức trong chính quyền của ông nói họ sẽ xem liệu hệ thống phòng thủ tên lửa Nga có đi vào hoạt động hay không rồi mới ra tay.
Tại cuộc họp báo, Tổng thống Trump cho rằng hệ thống của Nga tạo ra một “thách thức nghiêm trọng” nhưng ông vẫn tin tưởng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giải quyết vấn đề ổn thỏa.
Thanh Hảo
Theo vietnamnet.vn
Những vấn đề hóc búa trong cuộc gặp Trump-Erdogan
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã tới Washington để gặp gỡ người đồng cấp Mỹ Trump trong bối cảnh hai bên có nhiều căng thẳng.
Dự kiến, vấn đề người Kurd Syria sẽ là một nội dung hội đàm "căng thẳng" trong cuộc gặp giữa hai vị Tổng thống, được lên kế hoạch diễn ra trong ngày 13/11 (theo giờ Mỹ). Củng cố hơn nữa cho nhận định này, một quan chức cấp cao Mỹ hôm 12/11 thừa nhận, Mỹ đến nay không có bất kỳ kế hoạch nào về việc chấm dứt liên minh giữa nước này với lực lượng vũ trang người Kurd Syria - một lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã coi là khủng bố.
Tổng thống Mỹ Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: Stars and Stripes.
Ngoài ra, bức thư mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gửi cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mới đây, dự kiến cũng sẽ được ông Erdogan đích thân trao lại cho người đồng cấp Mỹ. Theo ông Erdogan, với những lời lẽ xúc phạm ông trong thư như "đừng là kẻ ngốc", "lịch sử sẽ coi ông là ác quỷ", thì đây đích thực là bức thư "bất lịch sự" của nhà lãnh đạo Mỹ.
Là một khác biệt quá lớn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, song vấn đề người Kurd Syria vẫn chưa là tất cả. Hợp đồng mua bán tổ hợp phòng không S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến Mỹ "thất vọng" và đau đầu. Mỹ vẫn cố gắng thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ hủy bỏ hợp đồng mua bán này, dù Nga đã chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ một phần.
Mới đây, Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien cảnh báo sẽ tiếp tục trừng phạt nặng Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này tiếp tục hợp đồng mua bán. Dẫu vậy, đến nay, vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động theo ý muốn của Mỹ, khi Ankara vẫn luôn khẳng định rằng, hợp đồng mua S-400 với Nga đã "hoàn thành" và không điều gì có thể xoay chuyển, thay đổi được.
Không chỉ dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì S-400, Mỹ hiện nay còn dọa trừng phạt thêm Ngân hàng Nhà nước Halkbank của Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan đến các cáo buộc lừa đảo, rửa tiền, vi phạm các lệnh trừng phạt vào Iran. Theo các công tố viên Mỹ, các vi phạm của Ngân hàng Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến các lệnh trừng phạt Iran là "nghiêm trọng nhất" mà họ từng biết. Đáp lại những cáo buộc từ Mỹ, Tổng thống Erdogan khẳng định, vấn đề sẽ được thảo luận nghiêm túc trong chuyến thăm Mỹ lần này.
Một bất đồng khác trong căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ dai dẳng hơn, chưa được giải quyết, đó chính là yêu cầu dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống ở Mỹ về nước của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã cáo buộc vị giáo sĩ này cầm đầu 1 mạng lưới khủng bố, từng đứng sau vụ đảo chính quân sự bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016. Tuy nhiên, đến nay, Mỹ vẫn chưa giải quyết vấn đề này cho phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Những bất đồng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngày một lớn, nếu không được 2 nước thảo luận rõ ràng. Và chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lần này được đánh giá là giải pháp cần thiết phải có trong bối cảnh hiện nay. Nếu những căng thẳng được giải quyết, dù chỉ là một phần, mối quan hệ Mỹ Thổ sẽ tránh được nguy cơ đổ vỡ và những hợp tác thương mại giữa hai bên trị giá nhiều tỷ USD cũng sẽ được 2 bên thúc đẩy trong thời gian tới./.
Theo Đình Nam/VOV1 (tổng hợp)
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không rút quân khỏi Syria trước khi người Kurd rút lui Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ngày 8/11, tuyên bố quân đội nước này sẽ không rời khỏi Syria trước khi người Kurd rút toàn bộ khỏi khu vực biên giới. Tổng thống Erdogan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục các cuộc tấn công cho đến khi tất cả các chiến binh người Kurd rời khỏi khu vực biên giới. Tổng thống...