Mặc đồ trắng khi tranh luận, Clinton ngầm chỉ trích Trump
Hillary Clinton mặc trang phục màu trắng có thể nhằm truyền đi thông điệp về nữ quyền và khiến bà hiện lên tương phản với ông Trump, người bị chỉ trích vì xúc phạm phụ nữ.
Hillary Clinton mặc trang phục màu trắng trong cuộc tranh luận cuối cùng với Donald Trump. Ảnh: Reuters
Dù không nói lời nào, bà Hillary Clinton đã gửi một thông điệp tới cử tri ngay vào khoảnh khắc bà bước lên sân khấu cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng tại Las Vegas, khi bà mặc bộ vest màu trắng của hãng Ralph Lauren.
“Việc lựa chọn một bộ đồ màu trắng cho cuộc tranh luận làm liên tưởng đến quá khứ, khi những người phụ nữ mặc trang phục màu trắng để đấu tranh cho quyền được bỏ phiếu”. Booth Moore, biên tập viên thời trang cao cấp cho The Hollywood Reporter nói với ABC News ngay sau khi bà Clinton bước vào hội trường.
Theo Guardian, màu trắng là màu chính thức của phong trào phụ nữ, cùng với màu xanh lá cây, vàng và tím. Trong những năm 1900, những phụ nữ đòi quyền bầu cử ở Mỹ được khuyến khích tham dự các cuộc tuần hành khi mặc trang phục màu trắng.
Video đang HOT
Những phụ nữ đòi quyền bầu cử ở New York năm 1912. Ảnh: AP
Bà Clinton cũng từng mặc một bộ đồ màu trắng tương tự vào tháng 7 tại đại hội đảng Dân chủ, khi bà chính thức trở thành ứng viên đại diện của đảng. Vào thời điểm đó, Valerie Steele, giám đốc Bảo tàng tại Viện Công nghệ Thời trang (FIT) ở thành phố New York, đã nhận xét rằng việc bà Clinton sử dụng màu trắng để tạo liên tưởng đến phong trào phụ nữ đòi quyền bầu cử có ý nghĩa rất to lớn.
“Đây là cách sử dụng quần áo để truyền thông điệp thông qua thị giác. Không phải ai cũng biết những người phụ nữ đòi quyền bầu cử trong quá khứ thường mặc đồ trắng, nhưng một khi họ đã biết, điều đó càng củng cố tầm quan trọng mang tính lịch sử khi bà Hillary có khả năng trở thành nữ tổng thống Mỹ đầu tiên”, Steele nói.
“Theo quan niệm phương Tây, màu trắng mang ý nghĩa về sự tinh khiết và đức hạnh, đại diện cho người tốt”, ông nói thêm. Năm 1984, khi Geraldine Ferraro chấp nhận đề cử là nữ phó tổng thống đầu tiên tại đại hội đảng Dân chủ ở San Francisco, bà cũng mặc trang phục màu trắng.
“Đây cũng là lời nhắc nhở cho cử tri, vào thời điểm Donald Trump bị chỉ trích vì bình luận khiếm nhã về phụ nữ và bị nhiều phụ nữ tố cáo tấn công tình dục”, Moore nói. “Bà Clinton muốn thể hiện bà là ứng viên của phụ nữ”.
Phương Vũ
Theo VNE
Chuyên gia Mỹ: 'Trump khó thay đổi cục diện trong tranh luận lần ba'
Giới quan sát Mỹ nhận định ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa sẽ không tạo nên bất ngờ gì trong cuộc tranh luận trực tiếp ngày mai, điều đó càng làm giảm cơ hội bước qua cánh cửa Nhà Trắng của ông.
Cuộc tranh luận thứ ba giữa bà Clinton và ông Donald Trump được dự báo khó có bất ngờ. Ảnh: Patch
"Không có lý do gì khiến cuộc tranh luận lần ba giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton sẽ khác với hai cuộc trước đó. Ông Trump đã thiết lập nên bầu không khí "cơ bắp" của các cuộc tranh luận", Giáo sư Ross Baker, Đại học Rutgers, Mỹ, đánh giá với VnExpress.
Cuộc tranh luận thứ ba và cũng là cuộc tranh luận cuối cùng giữa hai ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng sẽ diễn ra vào 9h tối 19/10, theo giờ miền Đông ở Bắc Mỹ (8h sáng 20/10 giờ Hà Nội), tại Đại học Nevada, thành phố Las Vegas, bang Nevada.
Ông Baker cho rằng nội dung chính tranh luận sẽ xoay quanh các vấn đề cá nhân của hai ứng viên, hơn là tập trung vào các vấn đề chính sách của nước Mỹ.
Cùng có chung quan điểm, Tiến sĩ Chris Haynes, Đại học New Haven, dự báo cuộc tranh luận lần ba sẽ không mang lại bất ngờ gì cho công chúng.
"Tôi nghĩ lúc này bất ngờ duy nhất là không có điều bất ngờ. Chiến dịch tranh cử năm nay đã có quá nhiều lối hùng biện, chiến thuật và hành động bất ngờ, đặc biệt là về phía ông Trump. Do đó tôi không thấy trước điều gì gây ngạc nhiên", Haynes nói.
Theo chuyên gia này, tỷ phú Mỹ sẽ tiếp tục lên án bà Clinton như ông đã thể hiện trong hai tranh luận trước. Có thể ông sẽ tập trung vào các email mới bị công bố của cựu ngoại trưởng.
Hôm 8/10, trang web Wikileaks đã công bố các bài phát biểu được ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton giấu kín nhiều năm qua. Bà từng từ chối công khai các bài phát biểu từ năm 2013 và 2014, được cho là giúp bà thu về khoảng 26 triệu USD. Wikileaks cũng tung ra hàng nghìn email chứa các cuộc trao đổi của trợ lý chiến dịch tranh cử của bà Clinton, John Podesta, từ nhiều năm trước và cả tháng trước. Ông Podesta cáo buộc vụ rò rỉ là một vụ tấn công mạng của Nga và có thể chúng đã bị làm giả.
Theo Tiến sĩ Haynes, tỷ phú Mỹ sẽ tiếp tục lên án hệ thống chính trị của nước này, tấn công truyền thông và các đảng chính trị. Trước diễn biến đó, bà Clinton sẽ giành được lợi thế lớn nếu thể hiện sự "thanh cao" như Đệ nhất phu nhân Michelle Obama nói, tập trung vào tầm nhìn lâu dài cho nước Mỹ khi bà trở thành tân tổng thống. Tuy nhiên ông Haynes cho rằng sự thể hiện của cựu ngoại trưởng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các câu hỏi do Chris Wallace, điều phối viên cuộc tranh luận, nêu ra.
Nói về những điều hai ứng viên tổng thống cần làm sau cuộc tranh luận cuối này, Tiến sĩ Haynes cho rằng bà Clinton cần vẽ bức tranh rõ ràng về tầm nhìn của nước Mỹ mà bà muốn tạo dựng, hợp tác với các thành viên đảng Cộng hòa để tìm ra giải pháp cho những vấn đề cấp bách nhất của Mỹ. Chuyên gia này cũng cho rằng bà Clinton nên thực hiện nhiều chương trình talk show như Ellen, The View, để thể hiện hình ảnh mềm mại hơn.
Về phía tỷ phú Trump, tiến sĩ Haynes đánh giá ông cần "hạ nhiệt" thuật hùng biện của mình và cư xử giống như một ứng viên tổng thống hơn. Vấn đề chính của ông Trump là tính khí của ông. Những điều như tuyên chiến với Chủ tịch Hạ viện đương nhiệm Paul Ryan, cáo buộc hệ thống bầu cử tồi tệ hay bất công, gièm pha chương trình giải trí Saturday Night Live (SNL), chỉ càng làm tăng phản ứng tiêu cực với ông Trump. Trong chương trình của SNL hôm 3/10, diễn viên Alec Baldwin đã hóa trang thành ông Trump, miêu tả lại cuộc tranh luận đầu tiên một cách hài hước. Nói cách khác, ứng viên của đảng Cộng hòa cần kiềm chế và lắng nghe lời khuyên của người quản lý chiến dịch tranh cử của ông là Kellyanne Conway. Tuy nhiên chuyên gia Haynes khẳng định ông Trump sẽ không thực hiện những điều đó.
"Tôi không nghĩ tỷ phú Mỹ sẽ có thêm người ủng hộ. Hầu hết cử tri đến lúc này đã đưa ra quyết định sẽ bầu ai. Số lượng cử tri chưa quyết định còn rất ít, nếu ông Trump có nhận được thêm vài người thì điều đó cũng không thể ảnh hưởng tới kết quả cuối cùng", Giáo sư Baker nhấn mạnh.
Việt Anh
Theo VNE
Lo ngại Trump thua cuộc có thể kích động bạo lực ở Mỹ Những cáo buộc gian lận của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump có thể kích động tâm lý bạo lực đối với các cử tri ủng hộ trong trường hợp ông thất bại trước bà Hillary Clinton với cách biệt sít sao. Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa cho rằng cuộc bầu cử đã bị sắp đặt gây bất lợi cho...