Mắc Covid-19 nên ăn uống thế nào
Người cân nặng 50-55 kg, khi mắc Covid-19 nên bổ sung 6 bữa mỗi ngày, đảm bảo lượng dinh dưỡng 1.600-1.700 kcal/ngày.
Theo Khuyến cáo về dinh dưỡng tại nhà và khu cách ly cho người mắc Covid-19 của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng quốc gia, ngày 12/9, người mắc Covid-19 nói chung cần tuân thủ 6 điều để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, tăng cường sức khỏe trong thời gian điều trị bệnh.
Đảm bảo ăn ba bữa chính trong ngày, mỗi bữa nên có 4 nhóm thực phẩm gồm: ngũ cốc, khoai củ; thịt, cá, tôm, trứng, sữa, đậu đỏ; dầu mỡ; rau xanh và quả chín.
Để bổ sung protein, vitamin và chất khoáng giúp hệ miễn dịch của cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, cần ăn đủ lượng thịt, cá, trứng (200-250 g); rau xanh (300-400 g) và quả chín (200-300g) mỗi ngày.
Trong trường hợp mệt mỏi, chán ăn, mất vị giác, người bệnh vẫn cần ăn đủ bữa và số lượng thực phẩm. Có thể thay đổi cách chế biến thành các dạng thực phẩm lỏng như cháo, súp, chia làm nhiều bữa nhỏ hoặc thay thế bằng các loại sữa, sản phẩm bổ sung dinh dưỡng giàu năng lượng, 1-3 lần/ngày.
Phòng suy kiệt, thiếu dinh dưỡng với người dễ tổn thương như người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, bằng cách tăng cường chế độ ăn. Người có bệnh nền thì phải uống thuốc theo đơn của bác sĩ và chế độ ăn phù hợp với bệnh lý.
Video đang HOT
Uống đủ nước mỗi ngày, khoảng 1,6-2,4 lít nước (tương đương 8-12 ly thủy tinh), hạn chế sử dụng nước ngọt và đồ uống có cồn.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; ăn chín uống sôi, đọc kỹ nhãn mác thực phẩm trước khi sử dụng.
Ông Vũ Xuân Đông, 81 tuổi, ở TP Thủ Đức, tiêm vaccine phòng Covid-19 ngày 22/7. Ảnh: Hà An.
Thực đơn tham khảo cho người cao tuổi mắc Covid-19, cân nặng 50-55 kg:
Tổng giá trị dinh dưỡng cần trong một ngày là 1.600 – 1.700 kcal, bao gồm 6 bữa:
- Bữa sáng (7h): Cháo thịt nạc, rau xanh. Cụ thể, gạo 50 g, thịt lợn nạc 40 g, rau xanh 50 g, hành lá 5 g, dầu ăn 2 g.
- Bữa sáng phụ (9h): ăn một hộp sữa chua.
- Bữa trưa (11h): Cơm, thịt gà rang, củ quả luộc, canh rau dền, bưởi. Cụ thể, gạo 50 g, thịt gà 100 g, củ quả luộc 200 g, muối vừng lạc 10 g, canh rau dền (rau dền 50 g, dầu ăn 2 ml), sau ăn, tráng miệng bằng 2-3 múi bưởi.
- Bữa phụ chiều (15h): Bổ sung dinh dưỡng bằng sữa không đường (200 ml) pha theo hướng dẫn.
- Bữa tối (18h): Cơm, thịt bò xào bí đỏ, đậu phụ rán, canh rau cải, chuối tiêu. Cụ thể, gạo 50 g, thịt bò nạc 70 g, bí ngô 200 g, dầu ăn 5 ml, dậu phụ 50 g, canh rau cải (cải xanh 50g), tráng miệng bằng một quả chuối tiêu.
- Bữa tối (sau 21h): Một cốc sữa không đường 180 ml, hoặc 150 ml sữa dành cho bệnh nhân đái tháo đường.
Có cần xét nghiệm kháng thể trước tiêm vaccine Covid-19?
Xin hỏi bác sĩ có cần xét nghiệm kháng thể để đảm bảo không mắc Covid-19 trước khi tiêm vaccine? (Thanh Minh, 33 tuổi, TP HCM)
Trả lời:
Điều này là không cần thiết. Khi bạn đi xét nghiệm, nếu kết quả xét nghiệm kháng thể dương tính, tức bạn có kháng thể sau khi khỏi bệnh. Điều này không có nghĩa là bạn sẽ được bảo vệ vĩnh viễn và bạn vẫn cần tiêm vaccine.
Vaccine Covid-19 an toàn kể cả với người đã nhiễm nCoV. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy nếu tiêm vaccine ở người đã từng nhiễm bệnh sẽ kích hoạt tốt lượng tế bào lympho B (tăng gấp 10 lần) và kháng thể trung hòa (tăng gấp 50 lần).
Vì vậy tiêm vaccine, kể cả sau khi đã khỏi bệnh Covid-19, giúp tăng cường khả năng miễn dịch, kéo dài hiệu lực kháng thể, đồng thời còn bảo vệ không tái nhiễm bởi những biến thể khác của nCoV.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh
Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM
Tiêm vaccine COVID-19?: Người cao tuổi và có bệnh nền cần lưu ý gì? Những lưu ý với người cao tuổi và người có bệnh lý nền khi tiêm vaccine COVID-19. Đến nay, tiêm vaccine vẫn là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời giúp người mắc bệnh giảm nhẹ triệu chứng và nguy cơ tử vong. Tại Việt Nam đang sử dụng các loại vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca, Pfizer, Moderna...