Mạc Can: ‘67 tuổi có tiền nhiều để làm gì?’
Từng được nhiều người biết đến với tập truyện dài “Tấm ván phóng dao” và khá nhiều vai diễn nhưng Mạc Can vẫn tươi trẻ như chính tâm hồn ông vậy.
Tôi xứng đáng được trả lương
- Được biết chú là người thích đi để có những trải nghiệm cuộc sống, hiện tại thú vui đó còn hay không?
- Thú vui ấy vẫn còn nguyên, tôi thích lê la chỗ này chỗ kia với bạn bè trong giới hay đi ra ngoài nhìn mọi thứ. Thói quen ấy nay đã thành tật nên sáng nào tôi cũng ghé chỗ này chỗ nọ, không đi lại thấy buồn. Gặp gỡ bạn bè, một ly trà đá hay cà phê cũng làm nên câu chuyện.
- Sức khỏe hiện tại của chú có cho phép thú vui ấy duy trì?
- Sức khỏe của tôi kém hơn do tuổi ngày càng cao, nhưng sức làm việc vẫn còn. Nếu tôi không làm lấy gì sống, tôi biết làm một nghề là viết văn, không biết buôn bán gì. Thỉnh thoảng tôi có viết báo và kịch. Thật ra, không có nghề nào tôi học bài bản hay biết rõ, anh em thương và thấy tôi có năng khiếu nên giới thiệu cho đóng phim, viết kịch, diễn ảo thuật, lò mò viết được vài ba truyện ngắn truyện dài.
Mạc Can
- Có khi nào qua những chuyến đi chú thấy mệt mỏi và muốn dừng lại?
- Có chứ! Ai cũng có lúc mệt mỏi, chùng xuống. Tôi thấy nhiều nên đôi khi mọi thứ lặp lại, những điều trong cuộc sống cũng thế, không thay đổi nhiều, đó là nguyên nhân làm mình oải. Những khi chùng xuống lại buồn và ngồi một chỗ, khi ấy mình “chết” vì chuyện kiếm để sống và cái đầu của mình (cười). Nỗi nhám chán đó tự động đến và cũng tự đi. Nhiều khi tôi viết được đôi ba dòng cảm thấy chán và không muốn viết tiếp, thế là tôi chạy ra ngoài nhâm nhi ly cà phê rồi về viết tiếp. Viết cũng là một thói quen nên ngày nào không viết là tôi chịu không nổi.
- Đích đến cuối cùng trong những chuyến đi của chú là gì?
- Nghề này phải đi nhiều, trong hay ngoài nước tôi đều đi, theo đoàn phim hay nhạc hội ở các tỉnh. Tôi đi nhiều thấy nhiều nhưng không phải cái gì cũng xài được, phải lược đi cái đúng cái sai. Bây giờ tôi già rồi, phải kỹ tính, viết gì cũng đắn đo suy nghĩ, không như ngày xưa cái gì cũng viết. Bây giờ 67 tuổi, nhưng tôi may mắn được các nhà xuất bản trong Nam ngoài Bắc đều động viên viết, nghề diễn anh em cũng động viên tham gia. Tôi sống lâu trong nghề nên người ta tin tưởng, giao việc. Tôi không bao giờ để đổ bể hay tôi hay hay không chưa biết, tôi xứng đáng được trả lương (cười). Bây giờ tôi cũng tham gia kịch và phim nhưng ít lắm.
- Nghĩa là giờ đây cái tên Mạc Can đã đủ sức nặng?
- Tôi không phải là người nổi tiếng nhưng khán giả và độc giả thương lẫn quý tôi nhiều hơn hâm mộ. Họ thấy tôi dễ thương, làm những việc có ý nghĩa, tôi chỉ có vậy, không lên cái đỉnh nào.
Video đang HOT
“Đôi lúc tôi dè chừng lắm”.
- Ở độ tuổi này chú vẫn đặt đỉnh cho mình hay sao?
- Tôi đặt chứ vì tôi chưa chết. Hiện tại, tôi chăm chú viết tiểu thuyết. Tôi muốn viết cái gì mới hơn nên tìm đọc nhiều và thường xuyên thăm bạn bè. Nhiều khi người ngoài họ sáng hơn, mình nghĩ không ra nhưng họ có những ý tưởng hay. Đôi lúc tôi dè chừng lắm, cắm cúi để viết một cuốn sách mỏng nhưng cái được cái không cho đến khi trúng tác phẩm mình thích lại viết được. Viết kiếm sống dễ nhưng tôi đâu có nhu cầu nhiều để cực khổ kiếm thêm.
Cuộc sống không có gì rẻ tiền
- Từ trước đến giờ chú vượt qua khá nhiều nỗi đau trong cuộc sống, vậy nỗi đau lớn nhất là gì?
- Nhiều người cho đó là nỗi khổ nhưng tôi thấy không có gì khổ. Nếu xem là nỗi khổ, phải biết nó từ đâu đến, bên ngoài tác động hay tự thân làm mình khổ. Ví dụ anh đang sống khỏe bằng đồng lương nhưng có nhu cầu cao hơn và không làm được tức tự anh làm khổ mình. Anh cứ bình thường nhưng phải siêng năng kiếm tiền. Mình không phủ nhận đồng tiền, ai nói không cần tiền là không đúng, không có tiền sao sống nhưng phải biết bằng lòng với nó.
- Thời gian ở Mỹ 2 năm chú có ước muốn cuộc sống đỡ vất vả để có những phút ấm áp bên gia đình hơn không?
- Tôi khá hơn để làm gì, nếu có tiền nhiều cũng chẳng biết để làm gì. Để giúp đỡ những người trong gia đình đâu nhất thiết phải bằng tiền, có khi mình giúp âm thầm như bạn bè từng giúp mình. Họ không bao giờ cho tiền mà giới thiệu việc làm bởi giúp bằng tiền mình xài hết còn giúp nghề nghiệp mình sẽ biết cách kiếm ra tiền. Ai chẳng muốn mình khá giả và sung sướng nhưng như vậy được rồi. Tôi xuất thân nhà nghèo, đói lên đói xuống nhưng bây giờ ngồi đây cũng có tô hủ tiếu, điếu thuốc hút, bạn bè và công việc bên cạnh, tôi còn muốn gì nữa.
“Tôi muốn sống bình dị”.
- Chú không đặt bất cứ mục tiêu cao hơn để tận hưởng?
- Còn sống là phải làm việc, không việc này phải làm việc khác. Tất nhiên có những khát vọng đòi hỏi mình nâng bản thân lên tầm cao hơn một chút. Viết lách trong thời gian qua độc giả khám phá ra một Mạc Can ngô nghê, viết truyện giống như ông nói ngoài đời thực, nhưng cứ như vậy hoài người ta sẽ chán và không có hứng thú đọc nữa. Diễn xuất cũng phải biết cách làm khác hơn để thu hút người xem. Tôi không phải là người chuyên nghiệp về diễn xuất nhưng tôi thích quan sát nên khi nhập vai tôi nhớ lại lúc nào đó thấy nhân vật giống như thế ở ngoài đời và rồi diễn theo. Tuy nhiên những cái mình làm được cũng có lời dè bĩu, chê bai nhưng phải biết vượt qua để mà đi tiếp.
- Chú đã vượt qua những lời dè bỉu, chê bai bằng cách nào?
- Đó là lỳ đòn, ai nói gì mặc kệ. Mình suy nghĩ đúng là làm đúng, nhưng lâu lâu mới nghĩ đúng nha (cười). Có khi một người họ hiểu và đồng cảm với mình là quý rồi, đừng tham vọng đòi hỏi số đông theo mình.
- Chú có mong muốn cuộc sống bớt trải nghiệm để đỡ khổ?
- Tôi muốn sống bình dị, không ai ghét, được làm bạn của mọi người. Mong muốn đơn giản nhưng cuộc sống cứ trôi nổi. Bên cạnh đó, tôi muốn quậy một chút cho vui (cười).
- Thế chú đang quậy như thế nào?
- Nói quậy chứ thật ra làm cho cuộc sống mới và náo nhiệt hơn một chút, im lặng cũng buồn. Tất nhiên tôi không làm gì xấu. Vài báo muốn tôi gửi bài cho họ nhưng tôi không viết thường xuyên, khi nào thích tôi viết, không chạy theo đồng nhuận bút. Mặc dù tôi có khó khăn nhưng cái bụng không muốn sao làm được. Nhìn chung nghề này vui vì được đi chỗ này chỗ kia, viết cái này cái nọ, nghề khác làm thủ công ngồi một chỗ cũng buồn.
- Dường như chú đang có tâm hồn nghệ sĩ trẻ hơn tuổi rất nhiều?
- Ai kêu tôi bằng nghệ sĩ tôi giận. Tôi muốn mọi người gọi tôi diễn viên là được, dù tôi chưa chắc mình có thành diễn viên hay không. Nó không thành cái gì hết, người ta nói tôi lạ vì điểm đó. Tôi từ chối hẳn những danh hiệu dù người ta trao và thấy mình cũng xứng. Chữ nghệ sĩ hay nhà văn nó lớn quá, tôi không kham nổi.
- Khi người ta có danh hiệu NSƯT, NSND chú có buồn không?
- Không sao cả, cái đó người ta xứng đáng, còn mình chưa được. Tôi không là cái gì hết.
- Bây giờ chú thích mọi người gọi mình là gì?
- Gọi là Mạc Can (cười).
Theo NCĐT
Giải cứu 5 thuyền viên Myanmar vào bờ an toàn
Vào sáng nay (25/12), công tác cứu hộ 5 thuyền viên người Myanmar từ tàu hàng Onnekas One 27.000 tấn (của Malaysia) bị mắc kẹt cách bờ biển xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh TT-Huế chừng 300m đã diễn ra an toàn.
Từ lúc 6h đến khoảng hơn 9h, toàn bộ quy trình cứu hộ của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (MRCC) Đà Nẵng phối hợp cùng với Bộ đội huyện Quảng Điền, tỉnh TT-Huế cùng nhiều người dân địa phương đã diễn ra hết sức chuyên nghiệp.
MRCC đã nhờ một thuyền nhỏ ngư dân bơi ra tại tàu Onnekas One, từ đó giăng dây thừng nối giữa tàu này và đất liền. 2 nhân viên cứu hộ của MRCC ở lại tàu để giúp 5 thuyền viên xuống bè cứu sinh.
Bè cứu sinh chở 5 thuyền viên Myanmar vào bờ an toàn trong điều kiện thời tiết xấu
Rất nhiều sóng đánh liên tiếp vào bè cứu sinh, nhưng với sức kiên trì, 5 thuyền viên đã lèo lái bè dưới sự giúp đỡ của 2 nhân viên MRCC bơi sát bè. Trên bờ, hàng chục ngư dân, bộ đội giữ chắc dây thừng. Chiếc bè từ từ theo dây nối đi vào đất liền. Nhiều người đã xúc động, vui mừng khi cuối cùng 5 thuyền viên nước bạn đã an toàn vào hơn 9h30.
Nước uống, sữa, bánh mỳ đã được tiếp tế nhằm tạo nguồn thức ăn tươi cho thuyền viên ngay khi vào bờ. Dù mệt mỏi, bơ phờ nhưng rất may mắn cả 5 thuyền viên nước da đen nhẻm, tóc xoăn đều không bị thương. Họ rất vui khi thấy người dân huyện Quảng Điền nồng hậu chăm sóc, thăm hỏi dù không biết thổ ngữ Việt.
5 thuyền viên bơ phờ sau nhiều ngày lênh đênh trên biển
Sau đó, 5 thuyền viên được đưa về nhà nghỉ của Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh TT-Huế ở Thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang nghỉ dưỡng sức. Trong những ngày tới, các thuyền viên sẽ được sớm làm thủ tục để về nước.
Tuy nhiên, một vấn đề nữa là chiếc thuyền với tải trọng quá lớn đang nằm mắc cạn ở gần bờ biển huyện Quảng Điền cần phải có kế hoạch sớm được di dời ra khỏi vùng này để tiếp tục hành trình sang Trung Quốc sửa chữa. Nếu để lâu quá, nhiều khả năng không hay như tình trạng "hôi của" của người dân hay sóng lớn - gió to cùng với thời tiết xấu trong những ngày sắp tới có thể làm lật tàu gây đổ dầu trong các bộ phận máy ra biển. Nếu xảy ra, cả một hệ sinh thái bãi ngang kéo dài qua nhiều xã ở huyện Quảng Điền sẽ bị ô nhiễm nặng bởi sự cố dầu tràn.
Tàu hàng 27.000 tấn đang còn bị mắc cạn hiện đang là một vấn đề lớn đối với lực lượng cứu hộ, lai dắt
Như Dân trí đã đưa tin, tàu Onnekas One bị trôi dạt trên biển và tấp vào bờ biển TT-Huế tại địa phận huyện Quảng Điền chiều ngày 23/12. Dù cách bờ chỉ khoảng 300m nhưng công tác cứu hộ thuyền viên cực kỳ khó khăn do gặp thời tiết xấu gây biển động với vô số đợt sóng lớn, gió to. Chính quyền địa phương, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh TT-Huế cùng MRCC đã cùng phối hợp nhịp nhàng, tìm ra phương án khả thi nhất. Sau 1 ngày rưỡi, 5 thuyền viên đã được cứu.
Theo Dantri
Chưa thể tiếp cận tàu mắc cạn để cứu 5 thuyền viên nước ngoài Cho đến tối 24.12, lực lượng cứu hộ vẫn không thể tiếp cận chiếc tàu Onnekas One của Malaysia mang theo năm thuyền viên người Myanmar bị mắc cạn tại vùng biển xã Quảng Công, H.Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Theo đó, lực lượng cứu hộ đành thu dọn các thiết bị chuyên dụng để tạm thời nghỉ ngơi chờ sáng 25.12 tiếp...