Mắc bệnh tâm thần vì bị ép sinh con trai
Tôi vẫn sợ ai đó sẽ hỏi “Cô sinh hai con gái à?” như thể đó là tội lỗi không thể tha thứ…
Chồng tôi là độc đinh, lại là trưởng tộc. Về quê chồng, những ông già bằng tuổi ông nội tôi nhưng lại cúi đầu gọi tôi bằng chị, bằng mợ. Vai vế trưởng tộc khiến tôi vừa về làm dâu đã bị mẹ chồng bảo ban rát mặt về việc nhất định tôi phải sinh con trai. Chồng tôi cũng cười cười bảo nếu tôi không sinh được người nối dõi thì anh sẽ bị mẹ ép cưới thêm vài bà vợ.
Tôi là cô gái nghèo, vừa tốt nghiệp cao đẳng, chưa có việc đã cưới chồng nên nhất nhất đều nghe theo chồng và mẹ chồng.
Con được hơn 1 năm, mẹ chồng tôi lại thúc giục tôi sinh con (Ảnh minh họa)
Sau đám cưới, mẹ chồng tôi đã dẫn tôi đến mấy thầy lang được bạn bè giới thiệu là “mát tay bốc thuốc sinh con trai”. Mỗi ngày 3 thang thuốc, tôi phải uống ròng rã hơn 6 tháng. Ám ảnh mùi thuốc quyện cả vào trong giấc ngủ mỗi đêm của tôi.
Đến khi tôi có thai, bố mẹ chồng tôi vui mừng vì chắc chắn là con trai, còn đặt sẵn cái tên Đức Tài cho cháu đích tôn. Nhưng kết quả siêu âm tháng thứ 3 khiến cả nhà thất vọng thở dài sườn sượt. Thậm chí, mẹ chồng tôi còn tỷ tê bảo tôi đi phá thai để “phục thù” đợt sau.
Vì là con đầu lòng nên khi tôi nhất quyết từ chối, mẹ chồng cũng không ép nữa. Chồng đi công tác biền biệt, bố mẹ chồng bỏ mặc tôi với những cơn ốm nghén vật vã nôn đến mật xanh mật vàng. Đứa trẻ không đủ dinh dưỡng nên sinh ra còi cọc, khóc nhanh nhách khiến cả nhà càng khó chịu. Chồng tôi cũng nhăn nhó đòi ra ngủ riêng.
Video đang HOT
Con được hơn 1 năm, mẹ chồng tôi lại thúc giục tôi sinh con. Lần này bà lại bắt tôi uống thuốc bắc, bắt ăn mặn, ăn nhiều hải sản và cùng tôi canh trứng rụng, “xếp lịch” yêu đương cho vợ chồng tôi.
Đến khi tôi mang thai 2 tháng, chẳng biết nghe ai mà bà dẫn tôi đến chỗ thử máu để biết giới tính thai nhi. Kết luận của bác sĩ giống như phán quyết của toà án địa ngục. Dưới sự dỗ dành như ép buộc của chồng và mẹ chồng, tôi đã phải đi phá thai. Tôi không thể quên được cảm giác lạnh lẽo của vật kim loại giữa hai chân tôi và sự đau đớn đến tê dại đầu óc.
Trong 1 năm tôi phá thai đến 2 lần, chỉ vì thai nhi là gái. Có lần, do giới tính thai nhi siêu âm không được rõ nên phải đợi đến tháng thứ 4 tôi mới bỏ thai. Lúc đó, tiếng tim thai đã rõ mồn một.
Khi con gái đầu được 3 tuổi, tôi lại mang thai, nhưng vẫn là con gái. Tôi sợ hãi đến mức không ăn, không ngủ, suy yếu đến mức không thể phá thai. Bác sĩ cũng cho biết, do phá thai liên tục nên thành tử cung của tôi rất mỏng, nếu tiếp tục phá thai có nguy cơ thủng tử cung, băng huyết, rất nguy hiểm. Do đó, mẹ chồng tôi chỉ có thể thở dài thất vọng, không dám ép con dâu. Còn chồng tôi chán nản, đi nhậu nhẹt thường xuyên. Đứa con sinh ra thiếu tháng, bé như con mèo hen.
Ôm con gái một mình, u uất, sợ hãi bị chồng bỏ, con lại quấy khóc suốt ngày, tôi đã thắt tã lên trần định tự tử. Rất may người giúp việc phát hiện. Nhưng từ đó, tôi bài xích con gái, không muốn bế, không muốn cho con bú.
Con mới được 4-5 tháng, tôi lại tìm mọi cách dụ dỗ chồng để sớm có thai lần nữa để anh ấy không bỏ tôi, không “đi gửi” con chỗ khác. Nhưng chồng tôi lại tàn nhẫn hất tôi ra. Tôi nhìn thấy rõ sự khinh bỉ từ ánh mắt của anh ấy dành cho mình.
Tôi đau khổ khi bị chính người chồng tôi hết mực yêu thương hắt hủi, mỗi lần nhìn thấy hai con gái, tôi lại tức tối, ghét bỏ chúng. Có lần, tôi đặt hai con gái đang ngủ vào phòng kín, đốt bếp than… Bỗng nhiên lúc đó, mẹ chồng tôi lại tốt bụng đi tìm cháu gái để đưa đi chơi nên thấy ba mẹ con xếp hàng trên giường, bếp than bắt đầu ửng đỏ…
Cuối cùng, gia đình chồng phải đưa tôi đi bệnh viện tâm thần điều trị. Bác sĩ cho biết áp lực phải sinh con trai, lại bị hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh khiến tôi bị trầm cảm nặng. Tôi điều trị một thời gian đỡ bệnh nhưng chồng tôi cũng gửi đơn ly hôn. Anh ta tàn nhẫn bảo không muốn “một con điên” đe dọa tính mạng của cả gia đình. Tôi mất cũng bị cấm tiếp xúc với hai con gái.
Bây giờ, tôi vẫn phải uống thuốc điều trị, thường xuyên đau đầu và sợ hãi tiếp xúc với mọi người. Tôi vẫn sợ ai đó sẽ hỏi “Cô sinh hai con gái à?” như thể đó là tội lỗi không thể tha thứ…
Theo Ngoisao
Thời tiết thất thường, bệnh nhân khớp kêu trời
Miền Bắc vào thu nhưng vẫn với nắng nóng tới 37 độ, miền Trung và Nam cũng khó lường khi vừa mưa lạnh bỗng lại đổ nắng bất ngờ. Thời tiết này trở thành nỗi ám ảnh với nhiều bệnh nhân khớp.
Tờ mờ sáng, Khoa Khớp của Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã đông nghẹt bệnh nhân. Bà Minh (ngoài 50 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, mấy ngày nay cơ thể bà giống như máy dự báo thời tiết, trở trời là xương khớp, mình mẩy đau nhức. Các khuỷu tay, bả vai cứ cứng đơ, phải xoa bóp mãi mới bớt chút. "Kiểu gì mùa đông đến là chịu trận với cái khớp, nên mới chớm đau cũng phải cố đi khám", bà Minh nhăn nhó nói.
Bệnh nhân chờ khám tại BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM sáng 12.8 (Ảnh: T. Danh).
Mới hơn 6 giờ sáng, tại dãy phòng khám của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM đã diễn ra cảnh chen chúc, khổ sở của bệnh nhân đau khớp. Nhiều người phải đi nạng, ngồi xe lăn hoặc nhờ người thân dìu đến. Ở dãy ghế cuối cùng bên ngoài phòng khám, chị Lê Thị Nguyệt (41 tuổi, quê Ninh Thuận) mồ hôi nhễ nhại, gương mặt phờ phạc. Chị có tiền sử bị thoái hóa khớp 6 năm nay. Mỗi khi trái gió trở trời, chị luôn bị các cơn đau khớp hành hạ, đến nỗi toàn thân chỗ nào cũng ê ẩm như bị kim châm. Từ một người lo toan mọi việc trong nhà, nào bếp núc, chợ búa, nào chăm sóc ba mẹ già và các con, chị Nguyệt trở thành "gánh nặng chính" của gia đình. "Mỗi khi thời tiết thay đổi, toàn thân đau nhức không làm gì được là tôi lại thấy tủi thân vô cùng", chị Nguyệt tâm sự.
Với những người bị thoái hóa khớp như chị Nguyệt, các cơn đau khớp khi thời tiết thay đổi thường biểu hiện rõ rệt ở hông, đầu gối, khuỷu tay, vai, cổ... Đây là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh về khớp mà nguyên nhân chủ yếu là do lớp sụn khớp bị tổn thương, bào mòn dần.
Tại Khoa khám bệnh Cơ - Xương - Khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM rất đông bệnh nhân khớp từ các tỉnh cũng đổ về khám bệnh trong những ngày chuyển mùa này. Cô Nguyễn Thị Hoa (55 tuổi, ở Tây Ninh) kể: "Tôi bị viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp đã hơn 4 năm nay, làm nghề nông nên quanh năm vất vả, chân tay ngày càng teo, từ 55kg xuống còn 33kg và gần như không đi lại được. May có đứa cháu đưa lên Chợ Rẫy khám, nằm viện hơn 2 tháng thì đi lại được. Giờ thì phải bắt mấy lượt xe lên đây để tái khám hàng tháng".
Chịu đựng cơn đau khớp dọc 2 cánh tay suốt mười mấy năm nay mà không chạy chữa đúng nơi, bệnh của chị Lành (38 tuổi, Vũng Tàu) nay chuyển thành thoái hóa khớp. Chị Lành cho hay từng uống hơn 200 thang thuốc Nam, Bắc đủ cả nhưng tình trạng bệnh vẫn không hề thuyên giảm. Giờ đây, chị chỉ có thế làm được các việc nhẹ, hạn chế vận động nhưng những cơn đau khớp vẫn thường xuyên hành hạ chị. Dạo gần đây, thời tiết thay đổi lúc nóng lúc lạnh khiến khớp đau dữ dội, chị phải vội vàng đón xe lên Bệnh viện Chợ Rẫy để tái khám.
Một ca bệnh khớp đang điều trị vật lý trị liệu tại BV Chợ Rẫy (Ảnh: T. Linh).
Giáo sư - Bác sĩ Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam cho biết, các bệnh về khớp đặc biệt là thoái hóa khớp có rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người bệnh, gây cản trở khả năng đi lại và làm xuất hiện những cơn đau đớn dai dẳng tại các khớp xương. Khi bị hạn chế khả năng đi lại, làm giảm chất lượng sống mà nặng nhất là bị tàn phế, ngoài yếu tố sức khỏe, người bệnh còn rất dễ rơi vào cảnh trầm cảm, u uất, có xu hướng sống tiêu cực, thụ động, tinh thần xuống dốc nghiêm trọng.
Theo y học cổ truyền, thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi để các yếu tố gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, lưu đọng lại ở các khớp xương khiến kinh lạc bị trì trệ, khí huyết kém lưu thông và phát sinh chứng đau nhức ở các khớp. Trong khi đó, y học hiện đại cho biết bệnh khớp thường trở nên nghiêm trọng hơn khi thời tiết chuyển mùa là do áp suất khí quyển thấp. Khi thời tiết thay đổi, áp suất khí quyển giảm xuống, các mô nở ra tạo áp lực lên các khớp. Đặc biệt đối với những bệnh nhân khớp mãn tính, lớp sụn khớp bị bào mòn trơ ra đầu xương lồi lõm, các dây thần kinh cũng nhạy cảm hơn nên sẽ cảm nhận các cơn đau nhức, cứng khớp rõ hơn.
Giáo sư Trần Ngọc Ân khuyến cáo, bệnh khớp đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Phổ biến là thoái hoá khớp gối, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa cột sống, lún xẹp đốt sống lưng ở nữ giới hoặc bệnh Gut (thống phong), viêm cột sống dính khớp, thoát vị đĩa đệm cột sống ở nam giới. Khi có dấu hiệu đau nhức xương khớp, người bệnh cần sớm đến bệnh viện có chuyên khoa xương khớp để được thăm khám và điều trị phù hợp.
Ngoài chế độ ăn uống giàu canxi, uống nhiều nước, để chăm sóc khớp, cần vận động nhẹ nhàng. Khi thời tiết thay đổi, bệnh nhân nên đi tất, không nên lội nước, lội bùn, ra ngoài khi có gió lạnh, đồng thời chú ý giữ ấm các khớp xương ở chân, tay, đầu gối, cổ, vai, cột sống vào thời điểm chuyển mùa, nhằm hạn chế các cơn đau khớp xâm lấn.
Đồng An - Bảo Thùy
Theo VNE