Mắc bệnh dại tử vong 100%, 4 bước cần làm ngay khi bị chó cắn
Vết chó dại cắn càng gần não, thời gian phát bệnh càng nhanh và khi đã lên cơn dại, 100% ca bệnh tử vong.
Chỉ trong vòng 2 ngày, sau câu chuyện bé 7 tuổi ở Hưng Yên bị đàn chó xông vào cắn tử vong, tại Hoà Bình tiếp tục chứng kiến câu chuyện đau lòng khác khi 2/5 người trong cùng một gia đình bị tử vong do chó dại cắn.
Tại Việt Nam, chó là ổ chứa virus dại chủ yếu, chiếm 96-97%, sau đó là mèo: 3- 4%.
Mỗi năm, nước ta có thêm 50-60 ca tử vong vì bệnh dại, đây thực sự là hồi chuông báo động về tình trạng nuôi chó thả rông, không rọ mõm tại Việt Nam.
Bệnh nhân tỉnh táo đến lúc chết
Bệnh dại do virus dại Rhabdovirus gây nên, thường lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn. Loại virus này dễ bị phá huỷ trong các chất dung môi của lipid và có thể bất hoạt ở nhiệt độ 56 độ C trong vòng 30 phút và 2 phút ở nhiệt độ 70 độ C. Virus dại cũng bị mất độc lực dưới ánh sáng và các chất sát khuẩn ở nồng độ 2-5%.
Khi đã phát bệnh dại, hầu như 100% bệnh sẽ tử vong
Sau khi vào cơ thể, virus dại sẽ xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy theo các dây thần kinh tới tủy sống và não bộ với tốc độ rất chậm, khoảng 12-24 mm mỗi ngày. Chỉ khi vào tới não bộ, người bị nhiễm bệnh mới có những hành vi và biểu hiện lâm sàng rõ ràng.
Do di chuyển chậm, thời gian ủ bệnh dại có thể từ 10 ngày đến 8 tuần hoặc có thể dài trên 1 năm.
Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ và khả năng miễn dịch của bệnh nhân. Vết thương nặng và càng gần thần kinh trung ương như ở đầu, cổ, ngón tay… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn
Từ thực tế điều trị, BS Nguyễn Trung Cấp, trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, từ thời điểm chó dại cắn đến khi phát bệnh thường trong vòng 3-6 tháng, rất ít trường hợp phát bệnh sớm hơn hoặc sau vài năm mới phát bệnh.
Theo BS Cấp, hầu như 100% các trường hợp lên cơn dại đều tử vong, khi người bệnh sợ gió, sợ nước là đã không còn cách gì cứu chữa. Bản thân mỗi bác sĩ khi chứng kiến những ca lên cơn dại đều rất ám ảnh vì thấy chết mà không thể cứu, bệnh nhân thường tỉnh táo đến lúc chết do co thắt thanh quản gây suy hô hấp.
Khi phát bệnh dại có 2 thể bệnh chính. Thể viêm não và thể liệt.
Video đang HOT
Với thể viêm não, người bệnh sẽ bồn chồn, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng nên hay chui vào chỗ tối. Càng về sau, bệnh càng nặng, bệnh nhân xuất hiện những cơn co thắt hầu họng nặng, không thể uống nước. Bệnh nhân có tăng tiết nước bọt và không nuốt được nên thường xuyên khạc nhổ.
Ngoài ra đồng tử sẽ giãn nên nhìn mắt bệnh nhân sáng long sòng sọc. Sau đó xuất hiện co thắt hầu họng tự nhiên, có bệnh nhân lên cơn cường dương, xuất tinh liên tục đến lúc chết. Ở thể viêm não, bệnh nhân thường tử vong sau 1 tuần từ khi phát bệnh.
Với thể liệt, người bệnh sẽ liệt lan dần từ chân đến liệt cơ tròn làm rối loạn tiểu, đại tiện, lan lên liệt tay đến khi lan lên liệt cơ hô hấp thì bệnh nhân tử vong.
Đến nay, trên thế giới cũng chưa có phương cách nào để điều trị cho các bệnh nhân dại. Các cơ sở y tế cũng không thể làm được gì ngoài việc giữ cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái, giảm đau đớn và giảm lo lắng, bồn chồn.
4 bước quan trọng khi bị chó cắn
Theo BS Cấp, không phải 100% số người bị cắn đều phát bệnh dại mà có người bị, người không, tùy thuộc lượng virus trong nước bọt chó nhiều hay ít, vết thương sâu hay không làm rách da.
Tuy nhiên không thể dự đoán được người nào có thể bị phát dại hay không, do đó người dân cần thực hiện đầy đủ 4 bước quan trọng sau khi bị chó, mèo cắn.
1. Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch liên tục. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn, cào.
2. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
3. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
4. Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Bộ Y tế khuyến cáo, nếu bị chó cắn, cần theo dõi trong vòng 10 ngày, nếu chó phát dại, chết hoặc bị mất tích hay bị làm thịt thì cần nhanh chóng đi tiêm càng sớm càng tốt, tiêm kết hợp của vắc xin và huyết thanh. Nếu con vật còn sống, cần theo dõi để không tiêm hoặc hoãn tiêm.
Hiện tại, Việt Nam đã cho phép lưu hành 5 vắc xin ngừa bệnh dại của Ấn Độ, Pháp. Các vắc xin này đều là vắc xin thế hệ mới, không còn tác dụng phụ gây di chứng thần kinh như trước kia. Nếu tiêm sớm và đủ mũi, hiệu quả bảo vệ gần 100%.
Khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, cần tiêm đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch.
Ngoài ra để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, chủ vật nuôi cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo, tiêm nhắc lại định kỳ hàng năm; Không thả rông chó, mèo, chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
Thúy Hạnh
Theo vietQ
Trẻ em liên tục bị chó cắn gây thương vong: Hình thức xử lý ra sao?
Gần đây, các phương tiện truyền thông liên tục đưa ra những tai nạn rùng mình về nhiều trường hợp, phần lớn là trẻ em bị chó tấn công để lại hậu quả tang thương, thậm chí đổi bằng tính mạng... Theo nhiều chuyên gia, khi bị chó cắn nếu lúng túng trong cách ứng phó, sơ cứu ban đầu có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Báo động tình trạng trẻ em bị chó tấn công
Mới đây, vào sáng 4/4/2019, nhiều người dân tại khu vực sân vận động của huyện Kim Động (Hưng Yên) vẫn chưa hết bàng hoàng về sự việc cháu Đào Đức Nguyên (SN 2002) bị đàn chó thuộc gia đình bà Lê Thị An (ở thị trấn Lương Bằng) cắn tử vong.
Nhiều con trong đàn chó của gia đình bà An khá to. Hàng xóm cho biết chúng tự do kiếm ăn tại chợ gần đó.
Theo lời kể của một số người dân địa phương, bố mẹ cháu Nguyên quê Bắc Ninh, sang Kim Động thuê nhà của bà An đã gần 10 năm nay để làm đậu. "Nguyên là con út trong gia đình, trên còn 2 chị gái.Gia đình cháu ở khu nhà cấp 4 cũ lợp tôn, cách căn nhà bà An một khoảng sân nhỏ. Nguyên khá sợ chó nhưng lại sống cùng với chủ nhà nuôi 10 con chó lai, trong đó nhiều con khá to. Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, gia đình đã đưa Nguyên về quê để lo hậu sự", một người dân cho biết.
Cũng theo một số người dân sống gần nhà bà An thì đàn chó này rất hung dữ. Gia đình bà An từng làm nghề giết mổ nên thường cho chó ăn bằng thịt sống; đàn chó cũng được thả rông, kiếm ăn quanh khu chợ với nhiều phế phẩm từ động vật. Chúng cũng thường cắn người, trâu bò quanh khu vực, có những con bê bị chúng cắn cụt đuôi, rách chân...
Cách thoát hiểm khi bị chó tấn công
Theo lời khuyên của chuyên gia huấn luyện chó nghiệp vụ, nếu thấy con chó chuẩn bị tấn công cần biết:Tránh nhìn thẳng vào mắt hoặc quay lưng lại trước mặt chúng; Không được bỏ chạy vì bản năng của chó là săn mồi nên sẽ đuổi theo và cắn bạn. Đứng im, hai tay buông thõng như một cái cây khi bị chó tấn công.
Đánh lạc hướng con chó bằng các vật dụng mang theo để chúng nhai như chai nước, đồ chơi, khăn, áo...; Không vung tay hoặc đá chân để xua đuổi chó vì chó thường phản ứng nhanh với các chuyển động. Người bị chó tấn công, có thể chống trả bằng cách đá vào các điểm yếu của chó như cổ họng, mũi hoặc gáy. Ngoài ra, có thể sử dụng loại hóa chất dạng xịt như nước hoa, gôm xịt tóc... có trong tay.
Trường hợp bị chó tấn công cần bảo vệ các bộ phận quan trọng của cơ thể như mặt, ngực và cổ họng của mình. Vì đây là những nơi các loài chó dữ sẽ nhắm đến theo bản năng của chúng. Ngoài ra, cần nắm chặt tay nếu không muốn ngón tay của mình bị cắn nát.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để đề phòng trường hợp bị chó cắn, cha mẹ cần để mắt trông chừng trẻ, nhất là những bé ở độ tuổi chập chững biết đi. Với trẻ lớn hơn có thể giáo dục trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân, tránh xa những con chó dữ, chó đẻ, không chọc phá súc vật nhất là khi chúng đang ăn hoặc đang ngủ... Ngoài ra, các gia đình có nuôi vật nuôi như chó mèo, cần tiêm phòng bệnh dại cho chúng.
Chị L. sống gần đó cho biết, đàn chó vừa cắn con chị hôm chủ nhật, chị phải đưa con đi tiêm phòng đồng thời đề nghị bà An nhốt đàn chó lại nhưng vẫn xảy ra sự việc đáng tiếc hôm qua. Một phụ nữ khác khẳng định, bà từng bị đàn chó này tấn công và cháu trai của bà phải trốn vào thùng rác vì sợ chúng đuổi theo.
Về sự việc em Nguyên, một số người dân kể lại chiều hôm trước, Nguyên cùng các bạn đi đá bóng tại sân vận động cũ. Sau đó, một mình Nguyên đi tắt qua bãi cỏ để về nhà và bị đàn chó 10 con tấn công. Chị H., người đầu tiên phát hiện sự việc vẫn chưa hết bàng hoàng.
Chị kể: "Khi đó vào khoảng 6h tối, tôi đi tập thể dục thấy một cháu bé bị đàn chó lao vào cắn xé. Chúng như đã bị điên, như những con sói. Tôi vừa khóc, vừa hô hét, cầm gạch dọa nhưng không đuổi được, chúng còn định cắn tôi. Lúc đó, cháu bé bị thương khắp người, chúng cắn nhiều nhất vào đầu, cổ và người. Cháu còn tỉnh táo, đứng dậy được nhưng ngã xuống lập tức, tôi hỏi cháu con nhà ai rồi bảo mọi người gọi bố cháu ra...
Một lát, mẹ cháu ra bế đưa đi viện".Người phụ nữ tiếp lời: "Tôi gào khóc nói 2 cháu bé khác ra đường gọi người lớn vào cứu và được một anh nhà bán tạp hóa ở đây ra. Hai người lớn cũng không làm gì được đàn chó và còn bị đuổi lại nên tôi phải về gọi cậu nhân viên ra cùng. Cả 3 người cầm gạch, gậy đuổi khoảng 5 phút chúng mới đi".
Trước đó, cũng đã xảy ra rất nhiều vụ việc đau lòng do bị chó cắn. Cụ thể, vào ngày 19/11/ 2018, cháu Nguyễn Đình Đồng (SN 2012), trú tại xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa cũng bị chó cắn. Hậu quả, cháu Đồng bị nhiều vết thương vùng mặt, mũi, đầu và nguy hiểm nhất là tổn thương vùng hốc mắt, đứt ống tuyến lệ. Ngày 12/10/ 2018, bé trai 2 tuổi ở Cao Bằng, sau khi bị chó béc-giê 40kg cắn dã phải nhập viện trong tình trạng tổn thương nhiều vùng má và da đỉnh đầu trái, rạn sọ. Đáng lưu ý, toàn bộ nhãn cầu trái bị trật ra khỏi hốc mắt, nguy hiểm đến tính mạng.
Ngày 6/10/2018, tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cũng đã tiếp nhận cấp cứu cho một bệnh nhân nhi 31 tháng tuổi trong tình trạng tổn thương rất nặng vùng mặt do bị chó cắn, với nhiều vết thương hở, chảy máu nhiều ở đầu, mặt. Vùng quanh mí mắt trái sâu, mất hết tổ chức. Ở trán cháu bé có vết thương sâu sát xương.
Kinh hoàng hơn, chỉ trong vòng 5 ngày (18-25/3/2018), Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 2 cháu bé (13 tuổi và 9 tuổi) mắc bệnh dại, hậu quả từ việc bị chó tấn công. Đáng tiếc là cả 2 cháu đều tử vong do bệnh quá nặng... Được biết, cả 2 trường hợp khi bị chó cắn đều không thông báo cho bố mẹ biết, để khi biểu hiện bệnh trên cơ thể thì mới được phát hiện. Lúc đó, các bác sĩ không thể cứu chữa được nữa.
Cách nào để phòng tránh và xử lý kịp thời khi bị chó cắn?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, người bị động vật như chó, mèo tấn công bên cạnh tổn thương ngoài da còn phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh dại. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, có tỷ lệ tử vong gần 100%. Khi bị chó cắn, việc tiêm phòng là cách tốt nhất để bảo vệ tính mạng.
Hiện nay có tình trạng nhiều người dân chủ quan sau khi bị chó cắn không chịu đi tiêm phòng vì nghĩ "chó nhà nuôi cắn không sao" hoặc tìm đến các thầy lang điều trị. Đây là điều sai lầm bởi mắt thường chúng ta không thể phân biệt được con chó cắn người có mang virus dại hay không. Và việc điều trị bằng thuốc nam đến nay chưa có biện pháp nào khẳng định được hiệu quả trong phòng, chữa bệnh dại.
Theo bác sĩ Cấp, không phải tất cả trường hợp chó cắn người đều là động vật đang mang bệnh nhưng mọi người cần theo dõi chặt chẽ con chó. Sau khoảng 10 ngày nếu con chó đó ốm rồi chết, bị giết hoặc chạy mất, người bị cắn cần ngay lập tức đi tiêm phòng. Trường hợp "thủ phạm" vẫn sống khỏe mạnh thì người bị cắn không bị mắc bệnh.
Ngoài ra, mọi người cũng cần tiêm phòng ngay trong trường hợp bị chó tấn công vào vùng nhiều dây thần kinh như đầu mặt cổ vì ở những vị trí này, virus dại phát tán rất nhanh. Hoặc bị tấn công ở bộ phận sinh dục, lòng bàn tay hay mức độ tổn thương nhiều, dập nát. Ngay cả những trường hợp bị chó con cắn cũng nên lưu ý tiêm phòng ngay vì chó con ít khi chủ động tấn công người và chó con cũng khó theo dõi.
Trường hợp chẳng may bị chó cắn, mọi người cần phải biết cách xử lý. Lúng túng trong cách sơ cứu ban đầu có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, nếu chẳng may bị vật nuôi (chó, mèo) cắn, kể cả con vật đã được tiêm phòng dại, cần xử lý ngay vết cắn bằng xà phòng hoặc với nước sạch trong vòng 15 phút nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại.
Sau đó cần rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ôt hoặc povidone - iodine nếu có. Khi rửa lưu ý nhẹ nhàng, tránh làm lở loét vết thương. Nếu rửa vết thương sâu, lớn, chảy máu cần rửa nhanh, tránh tình trạng mất máu quá nhiều. Dùng miếng vải sạch phủ lên vết thương và băng hờ lại. Ngay sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được các bác sĩ xem xét và có chỉ định thích hợp.
H. Phong - H. Sơn
Theo Lao động Thủ đô
Chó cắn người xong thì lăn ra... chết Ngày 26.3, Trung tâm Y tế H.Trần Văn Thời (Cà Mau) có báo cáo về việc chó cắn người, sau đó chó lăn ra chết. Chích ngừa bệnh dại - ẢNH MINH HỌA: DUY TÍNH Theo đó, ngày 20.3, chó nuôi của hộ ông Nguyễn Hoàng Nghinh (ấp Trùm Thuật, xã Khánh Hải, H.Trần Văn Thời) cắn người hàng xóm tên Cảnh. Nhận...