Ma túy và những chiêu trò bị lật tẩy
Được đặt ở vị trí trang trọng tại tiền sảnh Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47 – Bộ Công an) là Bảng vàng ghi danh liệt sĩ Công an nhân dân đã hy sinh trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy. 20 Anh hùng liệt sĩ tuổi đời còn rất trẻ mãi mãi ra đi cho sự bình yên của nhân dân, đất nước – đại diện cho ý chí kiên cường, không khoan nhượng trước cuộc chiến chống tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, manh động.
Khốc liệt ma túy vùng biên
Chiều tháng 6 nắng như hun, chúng tôi gặp Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng C47 trong căn phòng ngổn ngang tài liệu, bản đồ. Câu chuyện bị ngắt quãng liên tục bởi chuông điện thoại không ngừng reo. Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: Thực hiện cao điểm tiến công trấn áp tội phạm, hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy, tại thời điểm này toàn bộ công an các địa phương, đơn vị đang có mặt tại hầu khắp các tuyến trọng điểm.
Trong sáu tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng nói chung, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy nói riêng đã triển khai nhiều phương pháp nghiệp vụ, phát hiện, điều tra khám phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia, liên tỉnh, thu giữ một lượng lớn các chất ma túy. Tuy nhiên, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là thời gian trước và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi. Điển hình, tại Cao Bằng ngày 5-2, cơ quan công an đã bắt một đối tượng, thu 156 bánh hê-rô-in; bắt hai đối tượng, thu 200 bánh hê-rô-in và 400 viên ma túy tổng hợp tại Thái Nguyên, ngày 17-2 (29 Tết).
Thượng tá Ngô Văn Hải, Phó trưởng Phòng 3 (C47) người trực tiếp chỉ huy triệt phá nhiều chuyên án ma túy lớn cho biết: Tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn qua khu vực biên giới giữa Việt Nam với các nước Lào, Trung Quốc diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt là hoạt động ma túy qua biên giới Việt Nam – Lào, do đối tượng quốc tịch nước ngoài cấu kết với các đối tượng người Việt ở khu vực biên giới. Lợi nhuận cao, mang hàng quốc cấm, cho nên các đối tượng tự trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt.
Vụ án ngày 3-5 vừa qua, Công an tỉnh Sơn La phối hợp Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động phát hiện một nhóm khoảng 30 đối tượng có vũ trang vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam. Bị lực lượng vây bắt, kêu gọi đầu hàng, tránh thương vong, chúng đã dùng súng chống trả quyết liệt để thoát thân, buộc lực lượng chức năng phải nổ súng tiêu diệt một đối tượng, các tên còn lại bỏ chạy về phía biên giới. Tại hiện trường, cơ quan công an thu giữ 160 bánh hê-rô-in, ba súng AK, một súng các-bin, 85 viên đạn.
Trước tình hình phức tạp hiện nay, lực lượng chức năng đề ra mục tiêu tiếp tục đánh mạnh vào tội phạm ma túy vùng biên, thông qua việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đặc biệt tại các tuyến biên giới Việt Nam – Lào -Trung Quốc… Mặt khác, công tác phối hợp tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho người dân vùng cao biên giới không tiếp tay cho các đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy trái phép được đẩy mạnh, có sự tham gia của mọi cấp, ngành.
Bài học được rút ra từ vụ án Tráng A Tàng, ở xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (Sơn La) bị triệt phá cách đây chưa lâu. Tên Tàng đã lôi kéo cả gia đình tham gia, mua chuộc công an viên, dùng tiền “giúp” người dân khám bệnh, mua vật dụng. Từ đó, mọi hoạt động của Tàng đều có “tai mắt” khắp nơi, gây khó khăn một thời gian dài trong công tác đấu tranh, triệt phá của lực lượng công an – Thượng tá Ngô Văn Hải chia sẻ thêm.
Video đang HOT
Lực lượng chức năng thu giữ tang vật vụ án.
Bằng những chiêu thức tinh vi, các đối tượng người nước ngoài mua bán ma túy và các chất cấm khác đang đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan chức năng ở các quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, các đối tượng thường lợi dụng yếu tố đường hàng không, đường biển để vận chuyển trái phép các chất ma túy.
Đêm 15-5, Cục C47 cùng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cát Lái (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) tiến hành thực kiểm lô hàng hóa vừa “đáp” đến khu vực cảng này bằng đường tàu biển. Lô hàng được một doanh nghiệp khai báo là một công-ten-nơ ván sàn gỗ, nhập từ nước ngoài về Việt Nam. Đây là lô hàng chờ thông quan theo dạng “luồng đỏ”, tức doanh nghiệp nhập khẩu xuất trình giấy tờ liên quan, rồi cán bộ hải quan kiểm hóa hàng hóa có đúng với thực tế khai báo hay không. Khi lực lượng chuyên án dùng dụng cụ tháo gỡ các thanh gỗ ép và phá bỏ để kiểm tra, phát hiện bên trong có rất nhiều thanh thép được bịt kín hai đầu. Qua kiểm tra bên trong các thanh thép này có chứa cô-ca-in. Hàng chục kg cô-ca-in được thu giữ trong đêm 15-5 từ hoạt động kiểm hóa lô hàng nói trên.
Sau đó gần một tuần, ban chuyên án đã tiến hành khám xét kho hàng của một công ty vận tải có trụ sở ở TP Hà Nội. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 10 kg cô-ca-in được cất giấu trong bốn trục lăn máy xay lúa, được vận chuyển qua đường hàng không từ Ác-henti-na đến sân bay Nội Bài, Hà Nội. Mở rộng vụ án, Cục C47 đã trao đổi với lực lượng cảnh sát, hải quan Hồng Công (Trung Quốc) chặn bắt hai đối tượng người nước ngoài cùng 16,9 kg cô-ca-in được cất giấu trong một công-ten-nơ chứa va-li, túi xách vận chuyển qua cảng biển từ Hải Phòng sang Hồng Công (Trung Quốc). Số lượng cô-ca-in thu giữ tổng cộng trong chuyên án lên tới gần 60 kg, lớn nhất từ trước đến nay.
Ngoài vụ vận chuyển “khủng” bằng đường biển, còn rất nhiều vụ bị lực lượng chức năng bắt giữ do người nước ngoài tuồn số lượng lớn các chất ma túy vào Việt Nam qua đường hàng không.
Lật lại vụ án tháng 7-2014, một nữ hành khách nước ngoài, 25 tuổi, quốc tịch Thái-lan đi trên chuyến bay của Hãng hàng không Qatar Airways từ Đô-ha (Qua-ta) nhập cảnh qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) đã mang theo gần 4 kg cô-ca-in. Lô hàng này được cất giấu trong hai chiếc ba-lô để trong một túi xách gửi theo hành lý ký gửi. Đối tượng khai nhận đã đưa lô hàng này đi qua một số quốc gia và đến Việt Nam mới bị bắt giữ. Theo ước tính, trị giá lô hàng trên khoảng 25 tỷ đồng.
Cũng trong khoảng thời gian này, lực lượng chức năng cũng bắt giữ một hành khách quốc tịch Thái-lan, nhập cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất, vận chuyển trái phép gần 3 kg cô-ca-in. Số hàng này được đóng trong một gói ni-lông giấu dưới tấm lót đáy va-li.
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Qua điều tra, hầu như các vụ án ma túy đều có yếu tố nước ngoài, bởi hiện nay hoạt động sản xuất ma túy trong nước không đáng kể, và nếu có cũng không đạt “chất lượng”, chủ yếu là ma túy chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam.
Thực tế công tác đấu tranh với tội phạm ma túy cho thấy, trong những năm gần đây, tội phạm không chỉ lợi dụng địa hình hiểm trở rừng núi để vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam qua đường bộ mà còn tìm những kẽ hở trong khâu kiểm soát để đưa ma túy qua đường biển, đường hàng không.
Trên tuyến đường bộ, hê-rô-in, ma túy tổng hợp được điều chế từ các khu giáp biên giới các nước Lào, Trung Quốc, Campu-chia rồi vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hoặc móc nối với các đối tượng trong nước để vận chuyển đi nước thứ ba.
Trên các tuyến hàng không, hoạt động của các đường dây ma túy do đối tượng người gốc Phi, châu Mỹ, Việt kiều Ô-xtrây-li-a, Đài Loan (Trung Quốc) cầm đầu, vận chuyển chủ yếu là cô-ca-in, ma túy đá, tiền chất ma túy. Riêng tại sân bay Tân Sơn Nhất, trong bốn năm qua đã phát hiện, bắt giữ gần 50 vụ liên quan tội phạm là người nước ngoài hoặc người Việt Nam sinh sống, định cư tại nước ngoài vận chuyển ma túy vào Việt Nam hoặc vận chuyển ma túy từ Việt Nam đi nước ngoài.
Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh sự thông thoáng về thủ tục theo chủ trương mở cửa hội nhập, giảm thời gian thông quan trên hệ thống xuống mức thấp nhất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân, đây cũng là áp lực cho các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống ma túy.
Theo kiến nghị của cơ quan điều tra, lực lượng công an, biên phòng xây dựng các phương án, kế hoạch đấu tranh, sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, vùng biển, nhất là các khu vực cửa khẩu, cảng biển, khu kinh tế cửa khẩu, các đường tiểu ngạch qua biên giới, các tuyến vận chuyển hàng hóa trên biển; kết hợp giữa đấu tranh thường xuyên với tổ chức các đợt cao điểm; giữa tuần tra, kiểm soát thường xuyên, cố định với kiểm tra lưu động, đột xuất.
Trong những chuyên án tiến công trấn áp tội phạm ma túy, đã có những người lính anh dũng ngã xuống. Máu của các anh đã đổ giữa thời bình cho sự bình yên của người dân, đất nước và tô thắm thêm lá cờ truyền thống người chiến sĩ Công an nhân dân vì nước quên thân. Cuộc chiến chống ma túy còn lắm gian nan, nhưng bằng sự quyết liệt xả thân của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phần nào làm chùn bước những kẻ gieo rắc “cái chết trắng” -Khẳng định mục tiêu thực hiện Chỉ thị của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”.
Sáu tháng đầu năm, lực lượng phòng, chống ma túy đã phối hợp các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 7.764 vụ, 12.027 đối tượng liên quan tội phạm ma túy. Tang vật thu giữ gần 522,6 kg hê-rô-in, 7,4 kg thuốc phiện, 65,2 kg cần sa khô, hơn 1,2 tấn cần sa tươi, 281,54 kg và 91.572 viên ma túy tổng hợp.
Từ số liệu thống kê của lực lượng phòng, chống ma túy và công tác trinh sát, ma túy vận chuyển từ khu vực Tam giác vàng vào Việt Nam gần, cho nên giá ma túy khá rẻ. Giá ma túy ở Mi-an-ma, Lào, Cam-pu-chia tầm khoảng 2.000 – 3.000 USD/bánh, khi mang về đến Việt Nam có thể tăng lên khoảng 10.000 USD/bánh. Từ đây, nếu vận chuyển ma túy trót lọt đến Ô-xtrây-li-a sẽ có giá vào khoảng 45.000 – 50.000 USD/bánh, Đài Loan (Trung Quốc) là 35.000 – 40.000 USD/bánh. Cho nên, hầu hết số ma túy được đưa về Việt Nam rồi chuyển sang nước thứ ba để tiêu thụ.
PHÙNG TUẤN ANH
Theo_Báo Nhân Dân
Bắt hai giám đốc đưa người đi nước ngoài trái phép
Công an tỉnh Nghệ An ngày 25-6 cho biết đã khởi tố và bắt Trần Văn Trung (giám đốc chi nhánh Công ty CP Du lịch Dịch vụ Dầu khí Hải Phòng), Trần Khánh Vũ (giám đốc Văn phòng đại diện Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại quốc tế Thái Bình Dương) về tội tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép.
Theo cơ quan công an, chi nhánh Công ty CP Du lịch Dịch vụ Dầu khí Hải Phòng (đóng tại TP Nam Định) do Trung làm giám đốc không được cấp phép trực tiếp đưa người ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, Trung móc nối cùng Vũ tự ý tuyển chọn, thu tiền và ký hợp đồng với 11 người tại Nghệ An, trong đó nhiều người được Trung đưa ra nước ngoài bằng cách đi tour du lịch. Khi họ sang nước ngoài, Trung móc nối với các đối tượng sử dụng lao động trái phép để bố trí họ trốn ở lại làm việc.
Mở rộng điều tra cho thấy từ năm 2013 đến nay, Trung đã tổ chức trái phép cho khoảng 40 người lao động ở các tỉnh phía Bắc với cách tương tự, chủ yếu là sang Cộng hòa Czech... Được biết Trung thu mỗi người 6.000 USD, còn Vũ thu 1.000 USD tiền môi giới.
Đ.LAM
Theo_PLO
Tội phạm trên facebook: Không thể giấu được bàn tay vô hình Liên tiếp những ngày vừa qua, những đối tượng phạm tội trên mạng facebook bị lật tẩy. Từ nói xấu, bôi nhọ nhau để thỏa mãn nhu cầu cá nhân đến lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Sở dĩ các đối tượng coi facebook là công cụ để phạm tội, bởi chúng nghĩ, thông tin trên mạng là "ảo", khi chúng rút tay ra...