Ma trận quảng cáo cá độ bóng đá online kiểu “sấm trạng túc cầu”
“Công nghiệp” cá độ thể thao trực tuyến đang trong thời kỳ chuyển giao từ “cơ chế một cửa” sang “tay ngang”. Bất cứ ai, có tiền hay không, cũng có thể trở thành “ông trùm” hút máu các con độ khác…
Và để quá trình ấy diễn ra với tốc độ chóng mặt, không thể không kể đến sự giúp sức đắc lực của “công nghệ” quảng cáo, PR cho các trang web cá độ, hầu hết núp bóng trang tin, quảng bá trá hình, chiêu dụ con độ…
Những “ông trùm” trong hoạt động quảng cáo cá độ
Ở Việt Nam, từ trước đến nay, tất cả các hoạt động đánh bạc, tổ chức đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào đều được xem là bất hợp pháp. Luật pháp cũng quy định rõ về việc cấm tuyên truyền, phổ biến, quảng cáo cho hoạt động cá độ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có vô số các website đang ngang nhiên “treo” banner, “giăng” biển quảng cáo và các đường link cá độ trên giao diện trang chủ của mình.
Bongdaso.com – “anh cả” của ngành công nghiệp quảng cáo cá độ trực tuyến.
Trang web tiêu biểu nhất cho loại hình quảng cáo cá độ bóng đá trá hình tính đến thời điểm này, được điểm mặt chính là trang bongdaso.com. Đây là một trong những trang web thể thao có số lượng người truy cập “khủng” nhất tại Việt Nam hiện nay, với 307.687 thành viên và hơn 7 triệu bài viết. Ngoài việc cập nhật những tin tức nóng nhất về các hoạt động thể thao trong ngày, trong nước và thế giới, đây còn là kho dữ liệu kết quả các trận đấu, thông số cầu thủ, câu lạc bộ quy mô nhất tại Việt Nam. Không chỉ vậy, trang web bongdaso.com còn là một trong những công cụ đắc lực nhất cho việc “truyền bá” cá độ online tại Việt Nam từ trước tới nay.
Chỉ tính riêng trên giao diện trang chủ hiện tại của trang bongdaso.com, đã có ít nhất 10 banner quảng cáo cho các nhà cái cá độ quốc tế. Mỗi banner là một đường link dẫn trực tiếp đến giao diện trang chủ của nhà cái, kèm theo đó là những chỉ dẫn cụ thể từ cách lập tài khoản, gửi tiền, đến đặt cược như thế nào… Chưa kể những hộp thoại thường trực ở hai góc màn hình mà khách truy cập luôn phải kích vào để tắt đi nếu không muốn hộp thoại ấy che đi phần thông tin mình muốn đọc.
Tuy nhiên, ngay cả hộp thoại ấy nếu không biết tắt đúng cách, thì khách truy cập “click” vào hộp thoại ấy cũng sẽ dẫn đến một trang web cá độ liên kết khác. Cách duy nhất để tắt hộp thoại này là cố gắng đợi khoảng 3-5 giây, sẽ có một dấu X màu đen, nhỏ hơn, nằm ngay phía trên dấu X lớn. Chỉ khi click vào dấu x nhỏ này thì hộp thoại mới biến mất. “Đây là một thủ thuật được dùng khá phổ biến trên các trang web quảng cáo cá độ hiện nay”, Đ.T. (27 tuổi, trú Đà Nẵng), một nhân viên kỹ thuật tiết lộ.
Không chỉ ngang nhiên “giăng” ma trận banner quảng cáo để “câu” con độ, ban quản trị bongdaso.com còn lập ra các chuyên trang dự đoán kết quả tỉ số các trận đấu, tư vấn về tỉ lệ kèo trên dưới, tài -xỉu, cùng với đó là những thang điểm chấm cụ thể cho các thành viên tham gia dự đoán. Những thành viên có số điểm cao nhất sẽ nhận được các phần thưởng hấp dẫn. Đặc biệt, từng có thời điểm bongdaso.com còn xây dựng và phát triển hẳn một chuyên trang với tên gọi “Sấm Trạng Túc Cầu”.
Video đang HOT
Bóc mẽ bản chất những diễn đàn trá hình
Bongdaso.com có thể coi là con cá lớn trong ngành “công nghiệp” quảng cáo cá độ online, tại Việt Nam hiện nay. Nhưng không có nghĩa trang web này tự do thao túng thị trường quảng cáo cá độ, mà thực chất miếng bánh này đã “chia nghìn, xẻ vạn từ mấy năm trước. Những trang tin thể thao, cập nhật tin tức nóng hổi kiêm quảng cáo cá độ online theo kiểu của bongdaso.com ở Việt Nam không hiếm. Có thể điểm mặt một số “kẻ chia phần” trong làng trang tin “dỏm” như bong- dainfo.com, keobongda.vn, bongdatv.net…
Quảng cáo cá độ online núp bóng trang thông tin tổng hợp bongdainfo.com.
Diễn đàn cadovn.com bén duyên cùng nhà cái 188bet và M88.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, các trang tin kiểu này đa phần đều hoạt động theo phương thức dịch từ các báo điện tử nước ngoài nhưng chủ yếu vẫn là dẫn nguồn, thậm chí “xào nấu” bài viết của các báo chính thống về làm “của riêng”.
Hầu hết các trang web dạng này đều không khai báo thông tin đăng ký tên miền, quyền sở hữu hoặc cố tình đăng ký sai lệch thông tin, đề phòng bị “tuýt còi” xử phạt. Chưa kể, các nhà cái trả cho chủ trang web để quảng cáo site cá độ của mình. Các trang tin thể thao tổng hợp không phải là những kẻ duy nhất muốn “nuốt” miếng bánh quảng cáo cá độ online mà các diễn đàn thể thao, đặc biệt là diễn đàn bóng đá đang nổi lên như một thế lực thực sự trong việc “câu” các hợp đồng quảng cáo kếch xù từ nhà cái quốc tế.
Theo tìm hiểu của PV, hai “ông lớn” trong hệ thống diễn đàn bóng đá Việt Nam hiện nay đang là AsianBookie Việt Nam và Cadovn.com. Trong đó, AsianBookie Việt Nam là một nhánh của diễn đàn AsianBookie nổi tiếng nhất châu Á, còn diễn đàn Cadovn.com là cộng đồng con độ “thuần Việt”, số lượng thành viên của các diễn đàn này vào lúc cao điểm lên đến hàng chục thành viên, mà hầu hết là con nghiện cá độ. Một bài PR của một thành viên uy tín sẽ kéo rất nhiều con độ tới đánh độ tại nhà cái đó. Ngược lại, chỉ một thông tin bất lợi sẽ khiến con độ đùng đùng nổi giận, tẩy chay bất cứ nhà cái nào.
“Do đó, một banner quảng cáo đặt trên giao diện trang chủ của diễn đàn này có tác dụng gấp hàng chục lần các trang tin điện tử khác. Và số tiền nhà cái phải bỏ ra cho đội ngũ ban quản trị các diễn đàn này để lấy hợp đồng quảng cáo cũng cao hơn rất nhiều. Dao động tầm 50 triệu đồng/tháng hoặc 15 triệu/tuần. Tuy nhiên, một nguyên tắc mà không chỉ chúng tôi mà cả “đối thủ” AsianBookie đều áp dụng là không khai báo thông tin trang web, lý do thì ai cũng hiểu rồi đấy”, Fiu_Xiu (Admin của diễn đàn Cadovn.com) tiết lộ.
Ngoài ra, công nghệ quảng cáo online còn có sự hiện diện của một đội ngũ IT, chuyên chia sẻ đường link của các nhà cái quốc tế lên các mạng xã hội, lập cả Fanpage để quảng cáo cá độ… Điều này đã gây không ít hệ lụy cho nhiều gia đình và cho cả xã hội vì các trang này tiếp tay cho nạn cờ bạc, vốn được xem là “mầm” của không ít loại tội phạm, gây bất ổn xã hội.
Quảng cáo cá độ là bất hợp pháp Trao đổi với PV, luật sư Phạm Văn Phúc (văn phòng Luật sư Dân Phúc) cho biết: “Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì dịch vụ cá độ vẫn là dịch vụ bị cấm kinh doanh. Do đó, theo khoản 1, Điều 7, luật Quảng cáo năm 2012 thì hành vi quảng cáo dịch vụ cá độ là hành vi bị pháp luật cấm. Tại khoản 2, Điều 50, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP về QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH VÀ QUẢNG CÁO thì hành vi quảng cáo dịch vụ bị cấm kinh doanh này có thể bị phạt vi phạm hành chính từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng”. Ngoài ra, cá nhân tổ chức thực hiện hành vi quảng cáo như trên còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo quy định tại điểm h, khoản 3, Điều 66, Nghị định 174/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Nguyễn Hưng
Theo_Người Đưa Tin
Từ một cú click, triệu tin nhắn rác "quấy quả" người dùng
Rao bán chào mua các dự án bất động sản, tải nhạc, trò chơi, quảng cáo sim số đẹp, thậm chí tung cả tin đồn chính trị... là "nghìn lẻ một" kiểu tin nhắn rác đang trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều chủ thuê bao di động. Với cách thức phát tán vô cùng đơn giản, mức giá mỗi tin nhắn chỉ từ 30 đồng, rẻ hơn gấp nhiều lần so với cước dịch vụ nhắn tin quảng cáo của nhà mạng là 600 đồng. Các chuyên gia cho rằng, để nạn tin nhắn rác lộng hành gây bức xúc người dùng có trách nhiệm không nhỏ của các nhà mạng.
Hàng triệu tin nhắn rác mỗi ngày "quấy quả" người tiêu dùng.
Tin nhắn giá rẻ như cho không
Theo thống kê của Cty an ninh mạng BKAV, 90% người dùng ĐT thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền, trong đó 43% là nạn nhân của tin rác hằng ngày. Trao đổi với PV Báo Lao Động, chị Phạm Thu Hằng (Láng Hạ, Hà Nội) bức xúc: "Mỗi ngày tôi phải nhận được hàng chục tin nhắn rác đủ loại từ các đầu số của các mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone. Trong đó, phải đến 5 - 7 tin rao bán nhà đất, còn lại là tin nhắn quảng cáo sim số đẹp, số "gần giống với số của quý khách"... Cả nhà tôi ai cũng bị tình trạng có tin nhắn rác làm phiền, không nhiều thì ít. Thành ra nhiều khi máy báo tin nhắn đến tôi cũng chả buồn mở ra xem". Chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Thắng (Cầu Giấy, Hà Nội) ngao ngán: "Chỉ 5 phút, tôi nhận được tới 6 tin nhắn rác rao bán đủ loại bất động sản với hàng tá khuyến mãi, ưu đãi hấp dẫn. Đã vậy, có ngày còn được nhắn tin thông báo trúng thưởng những 2 - 3 lần. Toàn tin lừa đảo, không hiểu các nhà mạng quản ký kiểu gì nữa".
Khi PV thử gõ từ khóa "chạy tin nhắn SMS" vào công cụ tìm kiếm, hàng trăm ngàn kết quả hiện ra đầy rẫy, núp bóng dưới những cái tên khá "sang chảnh" như SMS marketing, tin nhắn marketing, tin nhắn quảng cáo, quảng cáo SMS... Trên thực tế, đây chính là các dịch vụ nhận tin nhắn rác (spam) giá rẻ thông qua phần mềm cho phép khách hàng tiếp cận tới hàng chục ngàn thuê bao mỗi ngày. Thử liên lạc theo số điện thoại nhận chạy tin nhắn SMS, nhân viên tư vấn nhiệt tình quảng cáo ngay: "Nhận spam tin nhắn chất lượng vơi tât ca cac mang Viettel, MobiFone, VinaPhone tư Ha Nôi - Đa Năng - TPHCM... vơi sô lương data rất lớn". Theo đó, khách hàng thuê sim chủ yếu làm trong lĩnh vực bất động sản, buôn bán sim số hoặc Cty có nhu cầu quảng cáo sản phẩm.
Cũng theo người này, cước phí cho dịch vụ này vô cùng... phải chăng: Mang Viettel - 45 đồng/tin, mạng MobiFone - 40 đồng/ tin, mạng VinaPhone - 27 đồng/ tin. Nếu gửi số lượng tin lớn, lên tới 50.000 tin, giá chỉ còn 25 đồng/tin. Thậm chí, có những địa chỉ còn nhận làm dịch vụ với mức cước phí cạnh tranh tôi thiêu, chỉ còn 9 - 12 đồng/tin nhắn. Mức giá này rẻ hơn tới 20 lần so với cước dịch vụ tin nhắn quảng cáo của các nhà mạng, 600 đồng/tin.
Chỉ cần một cú click chuột!
Qua tìm hiểu của PV, cách thức phát tán tin nhắn rác vô cùng đơn giản, đôi khi không cần thuê đơn vị trung gian, một cá nhân bình thường cũng có thể sử dụng phần mềm này để tự phát tán. Chỉ với 1 máy tính có cổng USB, 1 chiếc USB 3G, một chiếc sim rác lắp bên trong và một phần mềm gửi tin nhắn hàng loạt có tràn lan trên mạng (phổ biến nhất là SMS Caster và TOP SMS Marketing), hàng chục ngàn tin nhắn rác dễ dàng được phát tán chỉ qua... một cú click chuột (!).
Giao diện một phần mềm chạy tin nhắn rác.
Các thao tác chỉ được gói gọn trong 3 bước cơ bản bao gồm: Nhập danh bạ số điện thoại, soạn nội dung tin nhắn và ấn nút gửi. Trên thực tế, những người spam tin nhắn rác không cần ngồi cặm cụi gõ từng số điện thoại vào phần mềm, danh bạ số điện thoại hoàn toàn được nhập tự động từ file excel, text được mua online một cách dễ dàng. "Nếu khách hàng chưa có danh sách số điện thoại, bên mình sẽ hỗ trợ với phí 5 đồng/SMS, tương đương 50.000 đồng cho mỗi 10.000 số thuê bao các mạng" - nhân viên nói trên cho hay.
Mặt khác, để đánh lừa bộ lọc spam của nhà mạng, các phần mềm dạng này còn có tính năng tự động thay đổi, đảo nội dung tin nhắn với các từ đồng nghĩa để tránh các tin nhắn giống nhau. Cũng chính vì lý do này, những người làm dịch vụ phát tán tin nhắn rác sẽ không bị khóa sim. Thậm chí trên các trang mạng xã hội, người cung cấp dịch vụ này còn lưu ý, người dùng nên gửi tin nhắn cách nhau 30 giây đối với sim VinaPhone, MobiFone và 60 giây với Viettel để... không bị khoá tài khoản.
Với nhu cầu đăng tin quảng cáo qua điện thoại ngày càng tăng lên của người dùng, ngày càng nhiều người tìm đến dịch vụ spam tin nhắn. Trong khi các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp hạn chế vấn nạn tin rác, người dùng nên có ý thức tự bảo vệ mình thông qua các biện pháp đơn giản như sử dụng phần mềm an ninh cho điện thoại để chặn tin nhắn rác, quét mã độc gửi tin nhắn tới đầu số tính phí.
Mới đây, dự thảo về quản lý tin nhắn rác do Bộ TTTT đưa ra có quy định hạn mức nhắn tin dự kiến là 5 tin/phút hoặc 20 tin/giờ hoặc 50 tin/24 giờ nhằm chặn tình trạng phát tán tin nhắn rác. Tuy nhiên, dự thảo này đã gặp phải nhiều phản ứng trái chiều từ các nhà mạng, sau đó, dự thảo đã được Bộ TTTT tạm ngừng áp dụng để nghiên cứu thêm. Nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết triệt để nạn "sim rác", phải quản lý chặt các đại lý bán sim. Các nhà mạng phải thực hiện việc ký hợp đồng với thuê bao trả trước tương tự như thuê bao trả sau. Bộ TTTT cần có chế tài áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu sim và tài khoản trong sim khi phát hiện các sim phát tán tin rác. Liên quan đến việc một số thuê bao nhận được tin nhắn rác chỉ dẫn đường link vào các trang web đen, hoặc báo lề trái, đại diện Cục Viễn thông (Bộ TTTT) cho biết, bộ đang chỉ đạo các nhà mạng tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu phát tán tin rác nêu trên sẽ có biện pháp xử lý nghiêm. Q.T
Theo Lao động
Tâm sự game thủ: Tôi đã có "Gấu" nhờ chơi Liên Minh Huyền Thoại Với game thủ, chuyện có gấu không là vấn đề quá quan trọng bởi họ thường có xu hướng bi quan, tự ti về ngoại hình hay thậm chí nghĩ rằng "chơi game là xấu". Chuyên mục Tâm Sự Game Thủ luôn đem đến cho người đọc những quan điểm cá nhân, những câu chuyện buồn vui, hài hước dí dỏm về tất...