Ma trận kinh doanh nước uống đóng chai
Cả cơ sở sản xuất nhỏ lẫn hãng lớn đều kinh doanh nước đóng chai nhưng không công bố rõ ràng về nguồn nước được sản xuất. Với cơ sở nhỏ, lợi nhuận lớn chỉ có trên lý thuyết.
Gia đình chị Nguyễn Thu Lê ở phường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có sẵn mặt bằng khoảng 200 m2 và số vốn hơn 150 triệu đồng.
Quyết định kinh doanh nước tinh khiết, chị Lê nhẩm tính: “Do có sẵn kho bãi nên với 150 triệu, tôi có thể đầu tư một dây chuyền sản xuất nước tinh khiết khá tốt, công suất 500 l/h. Vốn sản xuất một bình 20 lít chỉ khoảng 4.000 đồng, bán 10.000-12.000 đồng/bình là có lãi”.
Theo tìm hiểu từ một số đơn vị kinh doanh, phân phối và lắp đặt dây chuyền sản xuất nước đóng chai, tổng chi phí đầu tư ban đầu cho một dây chuyền phụ thuộc vào công suất và nguồn nước ( nước máy hay giếng khoan) tại địa bàn sản xuất.
Phổ biến nhất là dây chuyền làm nước đóng chai công suất từ 500 đến 1000 lít/h. Trừ lượng tiêu hao, một dây chuyền 500 l/h sẽ cho ra khoảng 20 bình 20 lít mỗi giờ và khoảng 160 bình mỗi ngày làm việc 8 tiếng.
“Giá vốn để sản xuất mỗi bình 20 lít khoảng 4.000 đồng, bán ra mức thấp là 10.000 đồng/bình thì một ngày, đại lý chỉ cần bán được 100 bình, tháng bỏ túi hơn 20 triệu. Sau vài tháng hồi vốn là sống khỏe rồi”, chủ một đơn vị phân phối dây chuyền sản xuất lạc quan.
Anh Nguyễn Mạnh – Chủ một cơ sở sản xuất nước tinh khiết ở Hoài Đức (Hà Nội) cũng cho biết, chi phí sản xuất cho mỗi bình 20 lít không quá 4.000 đồng.
Chi tiết ước tính bao gồm: 1.000 đồng tem nhãn, 500 đồng màng co, 1.000 đồng khấu hao vỏ bình (vỏ bình mua mới khoảng 30.000-40.000 đồng một chiếc), 500 đồng điện nước, 1.000 đồng khấu hao dây chuyền.
Tuy nhiên, chi phí trên là chưa tính phương tiện vận chuyển, nhân công, phí bảo trì bảo dưỡng máy móc, phí vệ sinh, làm sạch vỏ bình, kho bãi… “Và đặc biệt, để sống được với nghề thì mức phí cao nhất là quảng cáo, quan hệ khách hàng” – Anh Mạnh cho hay.
Hai tháng sau khai trương, anh Mạnh trúng thầu hợp đồng cung cấp nước cho 5 trường tiểu học, một bệnh viện và nhiều mối nhập lẻ. Tuy nhiên, do cạnh tranh khốc liệt từ nhiều đối thủ về giá, khuyến mại… cơ sở này dần đuối sức.
Video đang HOT
Trụ được 2 năm, anh đúc kết: “Nghề này lãi mỏng, cạnh tranh khốc liệt. Mức lợi nhuận khủng chỉ có trên lý thuyết”.
Chủ một xưởng nước đóng chai khác tại An Khánh (Hoài Đức) cho biết, cộng tất cả chi phí, giá của một bình 20 lít không dưới 10.000 đồng.
Anh này nhận xét, nếu một cơ sở đưa mức giá bán chỉ 5.000-6.000 đồng/bình 20 lít, kèm nhiều khuyến mại tặng vỏ, chân đế, quà cáp thì phải xem xét kỹ. Rất có thể người bán đã chạy tắt quy trình, đưa ra sản phẩm kém chất lượng.
Lập lờ về nguồn nước
Một hãng nước uống đóng chai thương hiệu quốc tế gần đây bị buộc phải ghi rõ nguồn nguyên liệu là “public water source” (nước máy) thay vì “pure water” (nước tinh khiết) để tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng. Ảnh: katjuju
Theo chia sẻ từ dân trong nghề, nhiều hộ kinh doanh tham lợi, đầu tư dây chuyền giá rẻ, chất lượng nguồn nước không đảm bảo nhằm giảm tối đa chi phí sản xuất. Chưa hết, có đơn vị công bố không rõ ràng về nguồn nước để sản xuất nước đóng chai.
“Cách đây vài năm, thậm chí người tiêu dùng không phân biệt nước đóng chai từ nguồn nước khoáng, nước suối hay nước tinh khiết. Họ thường hiểu 3 loại trên là một loại nước siêu sạch, bổ dưỡng, mà không biết rằng đa số nước đóng chai hiện nay chỉ đơn giản là nước máy qua xử lý” – Chị Lê Minh Hà, phụ trách marketing một hãng nước uống đóng chai tại Hà Nội cho biết.
Chị Hà nói thêm, trong giới “làm nước”, nhiều cơ sở dựa trên kiến thức mơ hồ của người dùng để lập lờ đánh tráo khái niệm giữa nước khoáng và nước tinh khiết, nhằm đẩy cao giá trị sản phẩm.
Thậm chí, ngay cả các doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất nước máy qua xử lý thành nước tinh khiết, cũng từng đặt thông điệp cho sản phẩm của mình là nguồn nước thiên nhiên.
Nguyên giám đốc một công ty sản xuất nước tinh khiết tại Hà Nội (giờ chuyển sang ngành bia) tiết lộ: “Hầu hết nước tinh khiết cả hãng lớn lẫn cơ sở sản xuất nhỏ đều lấy nguồn nước máy, có nơi là giếng khoan. Thế nhưng, mỹ từ dùng là nguồn nước từ thiên nhiên cho nó dễ nghe. Còn nước nào chả có nguồn gốc từ thiên nhiên”.
Khách hàng Phương Thanh (Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) chia sẻ, trước đây chị thường nhầm lẫn các khái niệm nước khoáng thiên nhiên và nước tinh khiết. Tuy nhiên, gần đây, nhờ tìm hiểu kỹ, chị mới thấy đây là vấn đề cần quan tâm.
“Từ ngày nhà bạn thân kinh doanh sản xuất nước đóng chai, tôi mới thấy loại nước này không hẳn sạch và an toàn 100% như vẫn tưởng. Nếu cơ sở sản xuất không đảm bảo, nước vẫn nhiễm khuẩn, mất chất và có khả năng gây bệnh như thường”.
Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas), thị trường Việt Nam có trên 130 sản phẩm nước uống đóng chai. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm chưa đạt chất lượng hoặc làm hàng nhái, giả thương hiệu lớn khiến việc quản lý ngày càng phức tạp.
Theo Diệp Sa
Theo_Giáo dục thời đại
Từ Aquafina Mỹ: Nước đóng chai ở VN được xử lý thế nào
Những ngày vừa qua, tin nhãn hàng Aquafina và Dasanni tại Mỹ công khai việc sử dụng nguồn nước máy để sản xuất nước đóng chai khiến dư luận xôn xao. Nhiều người băn khoăn: Việc xử lý nước đóng chai ở Việt Nam được thực hiện ra sao.
Phát ngôn viên Michelle Naughton của PepsiCo tại Mỹ cho rằng: "Nếu việc này (bổ sung thông tin nguồn nước nguyên liệu) giúp làm rõ thực tế nước đóng chai lấy từ nguồn nước công cộng thì đó cũng là việc hợp lý nên làm".
Phía PepsiCo cho biết nước nguyên liệu ban đầu họ sử dụng làm nước đóng chai cũng chính là nước máy thông thường. Tuy nhiên Aquafina là nước đóng chai được xử lý theo Quy trình bảy bước (Hydro 7) bao gồm quy trình thẩm thấu ngược và một loạt các quy trình lọc để loại bỏ các chất khoáng và một số tạp chất khác vẫn thường thấy trong nước máy sinh hoạt. Sự tinh lọc sẽ đảm bảo chặt chẽ chất lượng và cảm giác tươi mới cùng sự tiện dụng là sự khác biệt của loại nước này so với nước uống từ nước máy.
Nguồn: aquafina.com
Câu chuyện ở Mỹ hoàn toàn khác biệt so với thực tiễn ở Việt Nam bởi toàn bộ hệ thống nước máy tại Mỹ có thể uống trực tiếp từ vòi. Tuy nhiên, sẽ là liều lĩnh nếu ai đó dám uống nước trực tiếp từ vòi nước ở Việt Nam.
Tại Việt Nam "nước lã" như dân gian hay gọi, "nước uống đóng chai" và "nước khoáng" có gì khác nhau? Nước lã được dân gian hiểu nôm na là nước chưa được đun sôi hay qua xử lý. Tại nhiều gia đình, chúng ta thường có thói quen khi lấy nước từ giếng, nước máy (dù đã qua xử lý sơ bộ) nhưng vẫn đưa lên bếp đun sôi để sử dụng.
Ngày nay, đặc biệt tại các đô thị, người tiêu dùng thường xuyên sử dụng nước khoáng và nước đóng chai bởi tính tinh khiết và tiện dụng của các sản phẩm này. Vậy nước khoáng là gì? Theo Wikipedia, Nước khoáng là nước lấy từ nguồn suối khoáng, có thành phần gồm nhiều hợp chất muối và hợp chất lưu huỳnh và phải đóng chai tại nguồn.
Vậy nước đóng chai thì sao? Theo Thông tư Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai thì: "Sản phẩm nước đóng chai được sử dụng để uống trực tiếp, có thể có chứa khoáng chất và carbon dioxyd (CO2) tự nhiên hoặc bổ sung nhưng không phải là nước khoáng thiên nhiên đóng chai và không chứa đường, các chất tạo ngọt, các chất tạo hương hoặc bất kỳ chất nào khác". Chất lượng nguồn nước sử dụng để sản xuất nước uống đóng chai phải đáp ứng các yêu cầu theo "chất lượng nước ăn uống" được ban hành bởi Bộ Y tế.
Như vậy "nguồn nước" sử dụng cho nước uống đóng chai có thể hiểu là nguồn nước ngầm từ giếng khoan, từ nguồn nước đã được xử lý công nghiệp (nhà máy nước cung cấp). Điểm mấu chốt mà nước uống đóng chai được sử dụng rộng rãi ngoài sự tiện dụng thì quan trọng hơn chính là việc nước đóng chai được xử lý theo quy trình như thế nào để đảm bảo chất lượng cho người sử dụng.
Đối với nước đóng chai của các cơ sở có uy tín, được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép thì bắt buộc tối thiểu phải tuân thủ theo các quy định quản lý "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai" do Bộ Y Tế ban hành vào 2/6/2010 trong đó các chỉ số hóa lý và vi sinh đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ví dụ các nhãn hiệu nước đóng chai quốc tế có uy tín thường được xử lý theo các quy trình như sau: Ngoài công đoạn như lọc qua hệ thống cát, than hoạt tính để khử màu, mùi, diệt khuẩn, chiếu UV để khử trùng đặc biệt là những loại vi khuẩn và ký sinh trùng kháng những chất diệt khử trùng, sau đó qua hệ thống RO lọc thẩm thấu ngược, sau khi nguồn nước đi qua hầu như loại bỏ tách ly tất cả độ đục, các ion, làm mềm nước hoàn toàn, sau đó tới công đoạn lọc 1 micron để loại bỏ những chất siêu nhỏ có kích thước chỉ bằng 1micron (0,001mm) và cuối cùng là là quá trình sục khí Ozon (O3) hấp phụ vào trong nước, với mục tiêu tiêu diệt hoàn toàn vi sinh vật hoặc các bào tử có thể phát sinh trong quá trình sản xuất. Sau đó nước sẽ được chiết trực tiếp vào chai và Ozon sẽ tự mất trong thời gian 48h sau khi được chiết.
Với quy trình như vậy, ngoài sự tiện dụng thì chất lượng nước uống đóng chai luôn được đảm về sự an toàn, độ tinh khiết so với các nguồn nước chưa qua xử lý hay thậm chí xử lý công nghiệp như nước máy tại Việt Nam.
Theo Vietnamnet
Nhiều hộ dân TP.HCM không dùng nước máy vì mùi clo Ông Bùi Thanh Giang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết nhiều hộ dân ở những nơi quen sử dụng nước giếng, nay có nước máy lại ngại sử dụng vì nước máy có mùi clo. Theo Sawaco, tỷ lệ clo trong nước máy tại một số nơi ở TP vượt mức cho phép. Nhiều hộ...