“Ma trận” collagen giả: Coi chừng tiền mất, tật mang
Nhiều người, đặc biệt là phụ nữ – những “tín đồ” của các sản phẩm chăm sóc da giật mình trước thông tin 10 tấn collagen và thực phẩm chức năng giả vừa bị bắt giữ.
Ngày 24/1, sau khi kiểm tra một xe ô tô trên phố Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, lực lượng chức năng Công an thành phố Hà Nội đã tiếp tục khám xét khẩn cấp năm kho hàng tại chợ đầu mối Lim, huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) và ba điểm “sản xuất” thực phẩm chức năng , thu giữ khoảng 10 tấn thực phẩm chức năng giả sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng.
Chủ hàng khai nhập hàng từ Trung Quốc, sau đó đóng hộp, dán nhãn mác, “phù phép” thành hàng nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu rồi tung ra các chợ, cửa hàng.
Đáng chú ý, phần lớn trong số này là những loại thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm liên quan đến collagen, có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc nhưng lại được gắn mác của những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…
Hầu hết những sản phẩm này được đi kèm với bao bì, mẫu mã trông rất “xịn” của những thương hiệu nổi tiếng thế giới và khiến nhiều người bị lừa.
Lực lượng công an phát hiện và khám xét kho hàng thực phẩm chức năng có dấu hiệu làm giả sản phẩm sữa ong chúa, nhau thai cừu, collagen… của các thương hiệu nổi tiếng. (Ảnh: Báo An ninh Thủ đô).
Rước họa khi mua phải collagen được quảng cáo là hàng “xịn”
Thực tế cho thấy, nhiều chị em phụ nữ đã vô tình “rước họa” khi mua phải collagen được quảng cáo là hàng “xịn”, hàng “xách tay” mà không rõ nguồn gốc xuất xứ. Những khách hàng này chủ yếu được giới thiệu qua phương thức truyền miệng, hay các nhà thuốc, spa, thẩm mỹ viện…
Theo tin tức từ báo Vietnamnet, chị Hà Linh (ở Thanh Xuân, Hà Nội), tìm đến collagen với hy vọng sẽ cải thiện được làn da sạm, đang có dấu hiệu lão hóa của mình, tỏ rõ nỗi thất vọng sau một thời gian sử dụng. Nghe lời giới thiệu của bạn bè, chị Linh đã tìm đến “bác sỹ” trên một trang bán collagen online để nhờ tư vấn. Trước những lời quảng cáo hấp dẫn và hứa hẹn về tác dụng của mặt hàng đang được chào bán chị đã không chút do dự bỏ ra 5 triệu đồng để mua dùng thử. Tuy nhiên, sau khi uống, sắc tố da của chị ngày một thảm hại hơn.
Video đang HOT
“Theo lời của nhân viên tư vấn thì da dẻ của mình sẽ được cải thiện ngay sau khi uống hết gói đầu tiên. Nhưng đến nay, mình đã uống hết 2 gói rồi. Mỗi ngày lại thêm thất vọng vì da sạm hơn mà còn xuất hiện thêm những vệt tàn nhang nữa. Mình không còn niềm tin vào loại “thần dược” này nữa nên quyết định ngừng sử dụng”, chị Hà Linh nói.
Trước khi bỏ tiền triệu mua hàng cần phải tìm hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. (Ảnh: Báo Vietnamnet).
Đừng mất tiền để “làm xấu” chính mình
Báo An ninh Thủ đô nhận định, collagen là mặt hàng rất dễ làm giả và khó kiểm soát. Hai dạng collagen dễ bị làm giả nhất là dạng viên (nén hoặc con nhộng) cũng như dạng nước (đóng chai nhỏ). Thị trường collagen đang như một ma trận mà người tiêu dùng, nhất là những phụ nữ sốt sắng làm đẹp có thể hoa mắt và lạc lối bất cứ khi nào.
Thầy thuốc ưu tú, Đại tá Lê Thúy Mùi (Bệnh viện 354), người có kinh nghiệm lâu năm trong việc làm đẹp bằng các sản phẩm collagen khuyến cáo: “Làm đẹp bằng collagen là một xu thế của xã hội hiện đại, nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều mặt trái nếu người tiêu dùng không được trang bị kiến thức đầy đủ. Khi sử dụng những thực phẩm chức năng, collagen không rõ nguồn gốc, rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra.
Những chất độc hại trong các sản phẩm giả có thể khiến các tế bào trong cơ thể bị biến đổi và làm suy giảm chức năng của nhiều cơ quan nội tạng như gan, thận, tiêu hóa. Nhẹ thì bị dị ứng, ngộ độc… nặng hơn thì ung thư và thậm chí là tử vong. Từ quá trình “làm đẹp”, bỗng nhiên nhiều người tiêu dùng lại mất tiền để “làm xấu” chính mình”.
Cũng theo Đại tá Lê Thúy Mùi: “Tôi đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị dị ứng, viêm nhiễm da do dùng collagen giả. Họ đều đưa tôi xem những sản phẩm mà họ sử dụng. Tất cả đều không có mã vạch theo đúng chuẩn quốc tế, không có hướng dẫn, hạn sử dụng hay số lô sản phẩm. Đây là điều mà tôi chưa từng thấy ở những sản phẩm chính hãng, có uy tín. Tôi cho rằng nếu cần dùng thì nên được sự tư vấn của bác sỹ chuyên khoa”.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc, theo các chuyên gia, người tiêu dùng chỉ nên mua những sản phẩm có thương hiệu rõ ràng với nguồn gốc và cách sử dụng cụ thể ở nơi có uy tín, được phân phối và kiểm định rõ ràng.
Linh San (Tổng hợp)
Theo_Người Đưa Tin
Lễ hội chém lợn: Chỉ thực hiện nghi lễ xẻ thịt
Ông Nguyễn Tử Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, nghi lễ "chém lợn" tại Lễ hội làng Ném Thượng đã chuyển thành nghi lễ "thịt lợn".
Ngày 27.1, Tổ chức Động vật châu Á đề nghị chấm dứt Lễ hội chém lợn ở thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm (Tiên Du, Bắc Ninh). Tổ chức này bày tỏ lo ngại nghi thức "chém lợn" tác động tiêu cực đối với xã hội về nhiều mặt. Trong đó, ảnh hưởng xấu tới tâm lý của những người chứng kiến và tác động xấu tới ngành du lịch cũng như hình ảnh của Việt Nam.
Ông Nguyễn Tử Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho hay, lễ hội chém lợn là tập tục riêng của địa phương và đã có từ lâu đời. Mục đích của lễ hội hoàn toàn tốt đẹp, có ý nghĩa khao quân, khuyến khích chăn nuôi...
Qua tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa cho thấy, các nhà khoa học ủng hộ lễ hội diễn ra một cách bình thường như nó vốn có. Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến trái chiều, Lễ hội có thể cải tiến dần, giảm bớt hình ảnh người ngoài cho là phản cảm.
Từ năm 2013, nghi lễ dùng đao "chém lợn" đã chuyển sang "thịt lợn". Thay vì "chém lợn" ở sân đình làng, nghi lễ được tổ chức trong lán nhỏ phía sau đình. Sau khi những người có trách nhiệm thực hiện nghi lễ "thịt lợn" xong sẽ mang ra chia thịt cho dân làng.
Năm 2015, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục vận động người dân thực hiện nghi lễ "thịt lợn" trong không gian hẹp, hạn chế "người ngoài" vào xem.
Nghi lễ chém lợn trong Lễ hội làng Ném Thượng
GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa cho rằng, chỉ "người ngoài" mới nói lễ hội chém lợn... dã man. Nếu là "người trong làng" sẽ nghĩ đó là việc tâm linh, tế thần lấy may mắn.
Dù có ý kiến cho rằng cần bỏ hành động "không đẹp mắt" như nghi lễ chém lợn, nhưng theo Giáo sư Thịnh, giải pháp đó không khả thi. Bởi bỏ nghi lễ chém lợn làm mất sự linh thiêng trong tập tục của người địa phương.
Do vậy, nghi lễ chém lợn hay còn gọi là "tục hèm", chỉ làm trong không gian hẹp, "người ngoài làng" không được phép tham gia.
Ngoài Giáo sư Thịnh, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam khác cũng cho rằng, Lễ hội chém lợn có mục đích tốt đẹp, khuyến khích chăn nuôi, cầu chúc may mắn đầu năm... Đây là phong tục lâu đời của riêng người dân địa phương, không hề có kích động bạo lực.
Bên cạnh đó, lợn là loài gia súc được nuôi để lấy thịt, phục vụ cuộc sống người dân, không phải động vật hoang dã. Do vậy, người dân có thể dùng lợn để phục vụ cho nghi lễ phong tục tập quán, phục vụ đời sống.
Hơn nữa, nghi lễ làm trong khoảng thời gian, không gian nhất định, chỉ người có trọng trách mới được tham dự, không phải ai cũng được xem.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều người ở ngoài làng đến tham dự lễ hội, hình ảnh "chém lợn" được lan truyền nhiều trên mạng internet, gây phản cảm.
Do vậy, người dân địa phương nên hạn chế người ngoài tham dự nghi lễ chém lợn, chỉ "người trong làng" mới được tham dự nghi lễ này.
Lễ hội chém lợn tổ chức vào mùng 6 Tết âm lịch hằng năm tại thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Theo phong tục, trước khi làm lễ tế Thánh, hai chú lợn được rước đi quanh làng từ 9h sáng đến 11h trưa thì quay lại sân đình. Khi đó, hai thủ đao được dân làng chọn từ những gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, nuôi lợn mát tay, khỏe mạnh và phải đúng 50 tuổi sẽ ra tay chém hai chú lợn để tế Thánh.
Theo Dương Tùng (Danviet.vn)
Hàng nghìn phụ kiện máy tính "đi" xe tải Chỉ huy Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CAQ Long Biên, Hà Nội ngày 16-1 cho biết, đơn vị đã tiếp nhận hồ sơ ban đầu và tang vật vụ vận chuyển hàng nghìn linh kiện, phụ kiện máy tính, do CAP Sài Đồng và tổ công tác 141 CATP Hà Nội bàn giao. Một số linh kiện bị thu giữ Trước đó,...