Mã số định danh công dân: “Không có chuyện xin được số đẹp!”
“Tất cả các số định danh cá nhân đều do một đầu mối ở Trung ương khống chế, do vậy tôi khẳng định không có chuyện “xin” được số đẹp, bỏ qua số xấu”.
Đó là khẳng định của Thiếu tướng Trần Văn Vệ – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) trong buổi họp báo tại Bộ Tư pháp về Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 vào chiều ngày 13/6.
Có thẻ công dân vẫn dùng chứng minh thư
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết, từ năm 2016 sẽ nhập thông tin cơ bản của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân. Trong đó, cơ quan Công an nhập thông tin công dân để xác lập số định danh cá nhân đối với trường hợp công dân đăng ký khai sinh trước ngày 1/1/2016; cơ quan Tư pháp phối hợp với cơ quan Công an nhập thông tin và cấp số định danh cá nhân cho công dân khi đăng ký khai sinh từ ngày 1/1/2016.
“Chứng minh thư vẫn còn cần thiết”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn nói.
Đến hết năm 2020, thông tin cơ bản của mọi công dân sẽ được nhập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mỗi công dân đều có số định danh cá nhân. Các cơ quan hành chính nhà nước tại bốn cấp chính quyền khai thác, sử dụng thông tin trực tuyến tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.
Theo ông Sơn việc nghiên cứu phát triển ứng dụng thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác nhằm mục đích giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, quản lý trật tự xã hội và các lĩnh vực có liên quan như giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu và các giấy tờ khác có liên quan.
Trước băn khoăn của phóng viên khi đã có thẻ công dân điện tử, liệu chứng minh thư nhân dân còn có tác dụng và có thể loại bỏ nó khỏi hệ thống thủ tục hành chính như những giấy tờ kể trên?, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn khẳng định, chứng minh thư nhân rất cần thiết trong các giao dịch. “Nếu chưa có phương tiện hiệu quả hơn, an toàn hơn thì rõ ràng chứng minh thư nhân dân vẫn rất cần thiết trong các giao dịch. Vì vậy, trong thời gian tới vẫn duy trì chứng minh thư nhưng chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đổi sang mẫu mới”, ông Sơn nói.
Hiện nay, vẫn đang tồn tại hai loại chứng minh thư nhân dân 9 số (mẫu cũ) và 12 số (mẫu mới). Trong thời gian tới toàn dân sẽ chuyển sang mẫu chứng minh thư mới. Thiếu tướng Trần Văn Vệ – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) cho biết, số chứng minh thư 12 số sẽ được sử dụng luôn làm mã số định danh.
Video đang HOT
Không có chuyện chọn số, xin số
Trước lo ngại khi cấp mã số định danh sẽ sinh ra việc mua bán, xin cho số đẹp, số xấu gây phức tạp trong xã hội, Thiếu tướng Trần Văn Vệ khẳng định khi xây dựng đề án ông và các đồng nghiệp đã lường trước vấn đề này. “Tôi khẳng định không có chuyện xin cho hay mua bán số đẹp, số xấu”, Thiếu tướng Vệ quả quyết.
“Không có chuyện xin cho số đẹp, loại số xấu”, Thiếu tướng Trần Văn Vệ khẳng định
Do lường trước thói quen của nhiều người thích số đẹp, Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết, khi xây dựng phần mềm cấp mã số định danh đã tính tới việc loại bỏ những yếu tố có thể chọn được số.
“Tất cả các số định danh cá nhân đều do một đầu mối ở Trung ương khống chế (sau này có thêm ở Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh). Khi dưới địa phương chuyển thông tin lên chúng tôi mới lần lượt bấm mã số định danh”, Tướng Vệ cho biết.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan cũng khẳng định quy trình cấp mã số định danh được kiểm soát rất chặt chẽ, do vậy, không có chuyện chọn số và xin số.
Những lo ngại về đời tư của công dân có thể bị xâm phạm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin cơ bản về công dân cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu khai thác, sử dụng, đồng thời phải bảo đảm về bí mật đời tư theo quy định của pháp luật. Do vậy, đề án cũng chỉ rõ cần xác định quyền truy cập của các Bộ, ngành, địa phương trong việc khai thác, sử dụng thông tin tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo Dantri
Có mã số định danh, mỗi năm tiết kiệm 1.600 tỷ đồng
"Quản lý công dân bằng dữ liệu sẽ giảm tối thiểu các loại giấy tờ như khai sinh, sổ hộ khẩu... Mỗi người có số định danh, khi đi làm thủ tục hành chính không phải kê khai, nộp các bản sao, ước tính tiết kiệm 1.600 tỷ đồng/năm",
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn trao đổi với báo chí về Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn (ảnh Chinhphu.vn)
Lợi ích cụ thể người dân được hưởng đề án hướng đến là gì? Khi đề án được đi vào cuộc sống, hàng loạt thủ tục hành chính (TTHC) gây nhiều khó khăn cho nhân dân có được giảm bớt không, thưa ông?
Mục tiêu hướng đến đầu tiên của đề án này chính là đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện TTHC.
Mỗi người dân sẽ có một số định danh cá nhân, khi thực hiện TTHC, người dân không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình, không phải thực hiện việc sao, chụp hoặc thực hiện TTHC chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân. Theo đánh giá sơ bộ, việc thực hiện giản hóa tối thiểu 1.300 TTHC có yêu cầu khai thông tin công dân hoặc xuất trình/nộp bản sao/nộp bản sao có chứng thực giấy tờ công dân sẽ giúp tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho người dân ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng/năm.
Cơ quan nhà nước quản lý công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp giảm tối thiểu một số loại giấy tờ như giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng tử. Việc các ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp tiếp tục giảm các giấy tờ khác như thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe...
Cấp mã số định danh cho gần 90 triệu dân và rồi quản lý nó thống nhất trong hàng loạt lĩnh vực là không hề đơn giản?
Thực hiện đề án này sẽ gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, với quy mô dân số gần 90 triệu dân, việc thu thập, nhập thông tin của công dân để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia là vấn đề không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, việc bảo đảm nguồn lực cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng là một thách thức đối với Chính phủ.
Thứ hai , để phương án đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân đi vào cuộc sống, theo tính toán sơ bộ của Bộ Tư pháp, cần thực hiện sửa đổi, bổ sung tối thiếu 178 văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ ba, việc rà soát TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư thường không chỉ thuộc phạm vi chức năng quản lý của một bộ, ngành, vì vậy, để thực hiện Đề án đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành.
Với hàng loạt thách thức ông vừa chỉ ra, vậy mục tiêu đến năm 2020 sẽ cấp số định danh cá nhân cho toàn dân có thực hiện được không?
Phải khẳng định rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân là việc cần được khẩn trương triển khai mới có thể khắc phục được triệt để các hạn chế, bất cập trong quản lý dân cư; đồng thời tạo nên bước chuyển lớn trong việc cấp giấy tờ công dân và giải quyết TTHC cho công dân.
Khó khăn lớn nhất của việc này chính là nguồn lực về tài chính và con người. Đề án đã đưa ra bài toán để giải quyết vấn đề này khi đưa ra vấn đề ưu tiên cấp kinh phí cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và giao hai ngành Công an và Tư pháp cùng triển khai cấp số định danh cá nhân để hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.
Khi người dân có mã số định danh sẽ giảm được rất nhiều thủ tục hành chính
Trong quá trình xây dựng đề án, đã có ý kiến cho rằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư theo đề án này gây lãng phí khi Chính phủ đã giao Bộ Công an xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại Nghị định số 90/2010/NĐ-CP. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Trong quá trình xây dựng đề án, do có sự hiểu nhầm, cho rằng đề án này đưa ra nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư độc lập với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Chính phủ đang giao Bộ Công an xây dựng, chính vì vậy, mới có ý kiến như phản ánh. Tôi khẳng định nhiệm vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại đề án này chính là nhiệm vụ Chính phủ đang giao cho Bộ Công an thực hiện nhưng với yêu cầu không chỉ dừng lại ở mục tiêu quản lý nhà nước về dân cư mà phải đặt ưu tiên trên hết đó chính là việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân.
Việc Thủ tướng phê duyệt để triển khai đề án này có phải là bước đột phá trong cải cách hành chính?
Những thông tin cơ bản về công dân của gần 90 triệu người dân sẽ được số hóa, điện tử hóa và chia sẻ chung để các ngành, các cấp cùng khai thác và sử dụng, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời giúp thay đổi thói quen làm việc thủ công, cát cứ, cục bộ của cơ quan hành chính nhà nước trong phục vụ nhân dân. Người dân khi thực hiện thủ tục hành chính sẽ không phải đi lại nhiều lần hoặc phải xuất trình, phô tô, công chứng, chứng thực những giấy tờ chứa đựng những thông tin về bản thân mình và gia đình đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo Dantri
Làm thủ tục hành chính chỉ cần đọc "số định danh" Ngày 8/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa chính thức phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020. Theo đó, Đề án sẽ bảo đảm thông tin cơ bản về công dân phải được...