“Ma quỷ” lượn lờ dọa người trên phố đi bộ đêm Trung thu
Đêm Trung thu, những chiếc mặt nạ với hình thù ghê rợn, kỳ quái lượn lờ khắp phố đi bộ khiến không ít người giật mình thon thót, nhiều em nhỏ khóc thét.
Trung thu, phố cổ Hà Nội những năm gần đây đã vắng bóng những đám múa lân, rước đèn ông sao như truyền thống, thay vào đó là những chiếc mặt nạ ma quỷ ghê rợn cùng các loại đồ chơi bạo lực như dao kiếm, súng ống.
Dù đã có lệnh cấm nhưng các loại mặt nạ ma quỷ, ghê rợn hay đồ chơi bạo lực vẫn được bày bán công khai tại khu phố cổ của Thủ đô như Hàng Mã, Lương Văn Can. Dù có hình thù ghê rợn nhưng những chiếc mặt nạ này lại được khá nhiều bạn trẻ tìm mua.
Đêm Trung thu, dạo một vòng qua các con phố như Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can, không khó để bắt gặp những chiếc mặt nạ kinh dị.
Các loại mặt nạ ghê rợn ngày càng nhiều chủng loại, nhiều màu sắc, hình dáng. Chúng được bán khá chạy, còn các loại mặt nạ dân gian Việt Nam thì không còn mấy người màng tới.
Video đang HOT
Một số tiểu thương buôn bán đồ chơi trẻ em ở phố Hàng Mã cho biết: “Các loại mặt nạ ghê rợn chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, có giá trung bình từ 100.000 tới 150.000 đồng/chiếc tùy chất liệu”.
Mặc dù đã có quy định về các loại đồ chơi dành cho trẻ em phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy theo quy chuẩn, tuy nhiên theo ghi nhận của PV, hầu hết các loại đồ chơi được bày bán ở phố Hàng Mã đều không có tem theo quy định, thay vào đó là các dòng chữ Trung Quốc.
Những món đồ chơi bạo lực, ghê rợn này không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý mà còn có thể gây hại tới sức khỏe cho người sử dụng khi chúng thường được làm từ nhựa tái chế, hóa chất in công nghiệp rất độc hại.
Sự xuất hiện của những chiếc mặt nạ ma quỷ khiến nhiều du khách tưởng nhầm họ đang lạc vào lễ hội hóa trang Halloween chứ không phải tết Trung thu.
Lắc đầu ngao ngán khi nhìn thấy những chiếc mặt nạ ma quỷ trên phố, bà Thúy (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Tôi là người lớn mà trông thấy những chiếc mặt nạ ấy còn khiếp vía thì không biết tâm lý của bọn trẻ con còn bị ảnh hưởng như thế nào”.
Những chiếc mặt nạ ma quỷ thay thế cho hình ảnh chú Cuội, chú Tễu. Những thanh kiếm nhựa nhấp nháy đủ màu sắc thay thế cho chiếc đèn ông sao truyền thống. Nhiều người lớn cho rằng lễ hội Trung thu đang ngày càng bị biến tướng, mất đi bản sắc của ngày Tết Trung thu truyền thống.
Theo Việt Linh (Dân Việt)
Vượt 4.000 km, đây là chiếc đèn Trung thu độc đáo nhất năm
Đó là chiếc đèn Trung thu được Trung úy Nguyễn Viết Tưởng đang công tác tại Đảo Đá Lớn, Trường Sa tự tay làm và gửi về cho các con - con trai đầu 4 tuổi mới được gặp bố 2 lần và con trai thứ hai gần 1 tuổi chưa một lần gặp bố.
Nhiều người đã gọi món quà Trung thu của Trung úy Nguyễn Viết Tưởng là chiếc đèn lồng trông trăng đặc biệt nhất cả nước bởi suốt 13 năm công tác tại Trường Sa, đây là lần đầu tiên người lính này tự tay làm đèn lồng và đặc biệt hơn, đó lại là món quà anh gửi đến các con của mình: Cháu Khôi Nguyên (4 tuổi) và Việt Anh (gần 1 tuổi).
Bố là bộ đội Trường Sa, cháu Khôi Nguyên mới được gặp bố 2 lần còn em trai từ lúc chào đời đến nay vẫn chưa một lần gặp bố.
Trao đổi với Báo Gia đình & Xã hội về chiếc đèn lồng độc đáo, Trung úy Nguyễn Viết Tưởng xúc động tâm sự: "Chiếc đèn này được tôi làm từ hôm 2/8 đến 18/8 thì xong. Ý tưởng khiến tôi bắt tay làm là từ bài thơ "Quà Trung thu của ba" của tác giả Hồng Diệu, được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc thành bài hát quen thuộc với thiếu nhi. Khi tình cờ nghe bài hát, lòng tôi trào lên nỗi bâng khuâng, thương nhớ nghĩ về các con mình. Do điều kiện công tác xa nhà nên những dịp lễ Tết hay Trung thu trước đó các cháu chưa bao giờ được nhận quà của bố. Nghĩ vậy, tôi quyết định sẽ làm một món quà tặng các con. Rất may, chiếc đèn lồng hoàn thiện đúng đợt có tàu ra đảo nên tôi có điều kiện gửi về cho các con".
Bé Khôi Nguyên bên món quà của bố
Người lính có "thâm niên" 13 năm công tác tại Trường Sa tiết lộ, vật liệu để anh làm chiếc đèn lồng khá "độc, lạ". Bộ khung đèn lồng được anh tận dụng từ tre luồng vớt ở biển khơi, phơi khô, tỉ mỉ vót chẻ thành từng thanh mỏng. Giấy màu không có sẵn, Trung úy Tưởng dùng giấy A4 cắt dán vào thân đèn.
"Anh em đồng đội rất vui mừng và chia sẻ với tôi suốt quá trình làm món quà nhỏ cho con. Một số anh em mua giúp tôi vật liệu trong đất liền gửi tàu ra, các anh em khác cùng ngồi làm đèn lồng, người cắt dán, người tô vẽ những hình thù thật ngộ nghĩnh và tưởng tượng rằng các cháu nhỏ nhận được sẽ vui mừng đến thế nào", anh Tưởng nói.
Hành trình vượt gần 4.000km của chiếc đèn từ khâu vật liệu gửi từ Khánh Hòa gửi ra Trường Sa, từ Trường Sa vào Vũng Tàu, về TP HCM, ra Hà Nội, về Hải Phòng đến tay các con Trung úy Nguyễn Viết Tưởng là hành trình đong đầy kỉ niệm. Anh Tưởng chia sẻ, rất nhiều người đã hỗ trợ anh thì món quà mới có thể vượt sóng gió biển khơi về với đất liền.
Trung úy Nguyễn Viết Tưởng
Mới đây, ba mẹ con chị Đỗ Thị Thơm - vợ Trung úy Nguyễn Viết Tưởng - đã được đón đến địa điểm chương trình "Bố ở đảo xa, con ở nhà có bạn" do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân và Câu lạc bộ "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" tổ chức để nhận món quà đầy ý nghĩa này. Cháu Khôi Nguyên sau nhiều ngày hồi hộp nghe bố tiết lộ về món quà, khi tận mắt trông thấy chiếc đèn đã nhờ mẹ gọi điện ngay cho bố để khoe: "Bố ơi! con thích lắm, con vui lắm".
Trong khi em trai còn chưa biết nói, chỉ dõi ánh mắt tò mò vào ánh sáng lung linh tỏa ra từ chiếc đèn của bố thì bé Khôi Nguyên đã biết khám phá và reo lên khi phát hiện bên trong chiếc đèn còn có lá cờ Tổ quốc, xe tăng, tàu ngầm Kilo... Với Khôi Nguyên, món quà Trung thu ấy như chứa đựng cả một thế giới cổ tích diệu kì.
Nhìn các con xúm xít, đưa tay vuốt từng mép bìa cong cho phẳng rồi cùng các bạn rước chiếc đèn của bố gửi về từ đảo xa với nụ cười hồn nhiên, rạng rỡ... chị Thơm không giấu nổi ánh mắt rưng rưng. Chị tâm sự, đây là Trung thu mà gia đình chị sẽ không bao giờ quên được.
Bây giờ, ở Trường Sa đang bắt đầu mùa biển động. Trung úy Nguyễn Viết Tưởng chia sẻ, từ khi anh công tác ở đảo đến nay, mỗi dịp Trung thu thời tiết thường mưa gió, hiếm khi người lính đảo ngắm được trọn vẹn một vầng trăng tròn trên bầu trời trong và nhiều sao như khi ở đất liền. Nhưng kí ức tuổi thơ, niềm vui của các con mình, các cháu thiếu nhi ở hiện tại là niềm hạnh phúc vô bờ với anh và đồng đội.
Anh kể, mỗi khi rảnh rỗi, anh vẫn nghe và nhẩm theo những câu hát trong bài "Quà trung thu của ba": "Cha nói cha có quà/ Cho con Rằm tháng Tám/ Chiếc lồng đèn rất sáng/ Cha gửi từ đảo xa/ Đèn lồng nhỏ của cha/ Có cả một mái nhà/ Đỏ thắm cờ Tổ Quốc/ Cha gọi đó Trường Sa/ Trong trái tim của cha/ Có con và có mẹ".
Theo Thùy Phương (Gia đình & Xã hội)
Đà Nẵng cấm múa lân dưới lòng đường Trong dịp Tết Trung thu, công an Đà Nẵng cấm múa lân dưới lòng đường, hè phố do "lâu nay trên địa bàn xảy ra tình trạng các đội lân dàn hàng múa dưới lòng lề đường, gây cản trở giao thông". Phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng, đại tá Nguyễn Văn Chính đã ký văn bản về công tác đảm...