“Má hai”: Người đặc biệt phá vỡ định kiến muôn thuở về “mẹ ghẻ”
“Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng”, câu nói đã khiến biết bao người, nhất là những đứa con chồng thêm hoảng sợ “mẹ ghẻ”.
Nhưng mỗi người có những cá tính riêng, nét đẹp riêng và “Má hai” kể về một bà mẹ ghẻ rất khác.
Mai mất mẹ từ nhỏ. Cô bé cảm thấy mình như nàng Tấm khi bỗng một hôm, ba dắt về một bà Lành và một thằng nhóc bắt Mai phải gọi là má hai và anh hai. Chỉ khác ở chỗ, nếu nàng Tấm bị mẹ ghẻ bắt làm đủ mọi việc trong nhà vất vả, thì Mai bị má hai bắt thức khuya, dậy sớm để học bài.
Là một đứa trẻ mê ăn, mê chơi lại mê ngủ, Mai ghét má vô cùng. Không chỉ vậy, Mai còn cảm thấy má hai rất phiền phức khi suốt ngày cứ la hết người này đến người kia trong nhà từ những việc nhỏ nhất. Nhất là từ khi ba của Mai bị tai nạn gãy chân, mất sức lao động, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng khiến má hai càng gắt gỏng hơn. Mai chỉ mong muốn sớm được thoát ly khỏi gia đình, thoát khỏi má hai.
Ngày nhỏ thì bị má hai bắt học từ sáng đến tối, đến khi đậu đại học, Mai quyết lên ký túc xá ở để không phải gặp má hai nhưng cô cũng không được chấp thuận. Mai cảm thấy mình đang bị trói buột bởi một bà má không ruột thịt, vô lý, suy nghĩ được thoát ly ngày càng lớn trong Mai.
Cũng chính vì vậy, vừa tốt nghiệp đại học Mai vội vã đồng ý lời cầu hôn của bạn trai với mong muốn sớm có chồng, đi khỏi nhà, thoát khỏi má hai khó chịu. Dù má hai hết lời khuyên răn, rằng con gái mới ra trường không nên có chồng sớm, rằng phụ nữ phải biết tự kiếm tiền nuôi bản thân mình mới không bị người ta khinh khi.
Video đang HOT
Mai bỏ tất cả ngoài tai để lập gia đình một một người chồng giàu có. Mai cũng nghe lời chồng nghỉ việc ở nhà để chồng nuôi, làm tròn bổn phận người vợ, ở nhà nội trợ, sinh con. Kết hôn chưa được bao lâu, Mai nhận lại cái kết đắng: chồng có bồ nhí, mẹ chồng mắng cô là đồ ăn bám.
Và khi Mai như rơi xuống đáy vực thẳm, chính má hai là người nắm chặt tay Mai để bảo vệ cô. Mất gần 20 năm Mai mới nhận ra người má xa lạ năm nào luôn yêu thương mình như con gái ruột. Mai đã lỡ một lần đò, phải tự nuôi con mà không có chồng bên cạnh, nhưng Mai luôn có một gia đình yêu thương, che chở cho cô. Với Mai, má hai là một người má rất đặc biệt. “Dù không ai hoàn mỹ, nhưng bên trong mỗi cá nhân đều có những nét đẹp rất riêng”.
Phim ngắn cuối tuần sẽ tiếp tục lên sóng các tập tiếp theo, chuyển tải những câu chuyện, thông điệp ý nghĩa vào 19h50 Chủ nhật hàng tuần trên THVL1.
"Lời thú tội trước dòng sông": Gia đình tan tác vì "cái chết trắng"
"Cha mẹ ăn muối còn nhiều hơn con ăn cơm", là câu nói thường được các bậc phụ huynh sử dụng để răn dạy con cái của mình. Bao nhiêu năm trải đời với đủ loại kinh nghiệm đắng cay chua chát đã khiến những bậc cha mẹ luôn cảnh giác với các mối nguy hiểm bằng cách giữ con họ tránh xa tuyệt đối mọi nguy cơ tiềm ẩn.
Xuất phát từ mục đích tốt nhưng cách thực hiện của nhiều bậc làm cha mẹ lại chưa thực sự thuyết phục đối với con cái của họ. Để rồi từ đó, những sự việc rất nhỏ cũng có thể trở thành biến cố lớn, phá tan hạnh phúc gia đình.
Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư
Ở tập trước, khán giả đã chứng kiến cái chết oan nghiệt của Ông Hoàng - một người cha hết mực yêu thương các con của mình. Đối với ông Hoàng, các con ông là tất cả. Chỉ là cách thể hiện của ông lại không được dịu dàng và mềm mỏng như mon muốn của các con ông. Ông Hoàng kiếm sống bằng nghề cho vay lãi, dù tính tình rất tốt và được nhiều người nể nang nhưng có lẽ do tính chất nghề nghiệp khiến ông gai góc, nóng nảy và hay la mắng trước mặt các con.
Xem cách ông Hoàng dạy dỗ, trách mắng Lan Chi và Duy Khánh, chúng ta chợt nhận thấy loáng thoáng đâu đó bóng dáng thân thuộc của cha mẹ mình. Ông Hoàng chính là kiểu phụ huynh điển hình của thời đại trước, khi mà cha mẹ luôn dành hết mọi tình yêu thương cho con nhưng lại không bao giờ thể hiện bằng lời nói. Tình cảm của cha mẹ cứ thế, lặng lẽ và thầm kín, như cái cách mà họ hy sinh cho con cái mình.
Không hy sinh cho con cái thì tại sao ông Hoàng dù dư dả về kinh tế nhưng lại một mực chịu cảnh "gà trống nuôi con" suốt bấy nhiêu năm từ khi vợ mất. Dù có nhiều cô gái trẻ dùng mọi cách tiếp cận, mồi chài ông hòng kiếm chác, bòn rút nhưng ông vẫn giữ vững tâm trí, chưa hề sa ngã.
Lăn lộn trong xã hội, kiếm sống và nuôi hai con khôn lớn bằng nghề cho vay lãi nhưng ông chưa từng quá đáng với ai. Những người thật sự khó khăn, nghèo khổ thì ông sẵn sàng cho vay nhưng không lấy lãi. Ông luôn lẳng lặng theo dõi tình hình của những người vay tiền, không phải để tìm cách thu đủ tiền cho vay mà xem mình có thể giúp gì cho hoàn cảnh của họ hay không.
Thế nên dù sống bao nhiêu năm bằng nghề cho vay, xích mích tất nhiên sẽ có nhưng hầu như không có con nợ nào có đủ động cơ để giết ông Hoàng. Cái chết của ông Hoàng quả thật chứa đầy nghi vấn. Nhất là khi cơ quan điều tra phát hiện hành động lén lút của con gái lớn ông Hoàng - Lan Chi.
Sự thật bàng hoàng đằng sau cái chết của người cha
Lan Chi suốt ngày đi làm, sống rất lành mạnh và ngoan ngoãn theo lời dạy của cha, chưa bao giờ cãi lời ông. Thế nhưng tất cả đã thay đổi từ khi Lan Chi quen biết và có cảm tình với Bình. Khi tình yêu đến, con người ta sẽ có rất nhiều sự thay đổi về thói quen, suy nghĩ, lối sống và tính cách. Lan Chi đã nhiều lần phẫn nộ và uất ức khi bị ông Hoàng cấm cản trong chuyện tình yêu với Bình.
Ông Hoàng lúc thì nặng lời la mắng, khi lại nhẹ nhàng khuyên nhủ con gái nên sáng suốt trong chuyện tình cảm. Dù vậy, Lan Chi hầu như đều bỏ ngoài tai lời khuyên của cha. Trong mắt cô, Bình rất hoàn hảo và đầy quyến rũ. Dù ngoài đời hắn không hơn gì một tên nghiện cờ bạc, lông bông không nghề nghiệp và tương lai.
Bị lưới tình làm mờ mắt, Lan Chi vẫn dây dưa không chấm dứt tình cảm với Bình, dù ông Hoàng càng lúc càng phản đối gay gắt hơn, tuyên bố chỉ khi ông chết rồi thì cô mới có thể tới được với Bình. Con gái lớn vì yêu mù quáng mà không nghe lời ông Hoàng, còn con trai út Duy Khánh thì lại từng nghiện ngập và ham chơi, xem việc học chỉ là cái cớ để xin tiền, thoải mái tụ tập cùng bè bạn chơi game.
Duy Khánh từng đi cai nghiện nhưng đến hiện tại vẫn lén lút sử dụng chất cấm. Ông Hoàng nghi ngờ và cho người theo dõi thì phát hiện con trai vẫn đổ đốn như xưa, không hề hối cải mà làm lại cuộc đời. Trong cái ngày oan nghiệt xảy ra án mạng, ông Hoàng đã được Bình báo lại rằng trông thấy Duy Khánh mua chất cấm.
Chính việc này đã gây ra trận cãi vả gay gắt giữa hai cha con. Khánh tuy tuổi còn trẻ nhưng lại sa vào con đường nghiện ngập để rồi bị "cái chết trắng" cuốn theo cả tương lai, cả hạnh phúc gia đình. Nếu cuộc đời có nút quay ngược, hẳn Khánh sẽ quay về quá khứ để cảnh tỉnh bản thân, tránh lầm đường lỡ bước để rồi hối hận suốt đời không nguôi.
Lan Chi biết được sự thật đau lòng nhưng vì thương em trai nên quyết định chôn giấu tất cả mọi chuyện. Cô lặng lẽ đến bờ sông, mang theo món ăn ưa thích của cha để thắp hương, cầu nguyện cha linh thiêng nơi chín suối sẽ tha thứ cho cả hai chị em. Tất cả đều không qua mắt được cơ quan điều tra, "lời thú tội trước dòng sông" của cô đã khiến mọi chuyện sáng tỏ.
"Kẻ thủ ác" được phát vào lúc 21h30 mỗi Thứ Hai, Thứ Ba hàng tuần trên kênh THVL1, mời quý khán giả cùng đón xem.
"Mùi của má": Mùi quê hương thấm đẫm những ký ức khó phai "Mùi của má" là một câu chuyện đầy nhân văn, gợi nhớ về ký ức tuổi thơ không bao giờ quên của tất cả chúng ta. Trong cuộc sống, có những mùi vị ta có thể cảm nhận bằng giác quan bình thường nhưng có những thứ hương vị mà ta phải cảm nhận bằng cả tấm lòng mới thấy được cái hay...