“Má ghẻ”
Năm tôi bảy tuổi, má lấy chồng. Lễ thành hôn của má là một bữa cơm thịnh soạn, có cả hai cậu con trai của ba dượng. Trong bữa cơm “định mệnh”, má ôm hai cậu con trai ấy vào lòng, tuyên bố: “Đây là các con của má”.
ảnh minh họa
Má bắt đầu “tut” lại cho hai anh từ đầu tóc đến bộ đồ. Các anh học không giỏi, má làm mọi cách chuyển hai anh từ trường huyện vào trường điểm của quận. Cái gì tôi đã có, má cũng sắm sửa cho các anh bằng được. Với tôi, má “cất” hết những lời nựng nịu. Trước mặt cả nhà, má có thể thẳng tay đánh đòn tôi chỉ vì một chuyện cỏn con. Để rồi, ngay đêm đó, má lẳng lặng qua phòng, vừa xoa dầu lên lằn roi trên người tôi, vừa hết lời dỗ dành, xin lỗi.
Những thứ mua sắm mới cho tôi, má rất dè dặt, miễn cưỡng. Một lần hiếm hoi được má mua cho chiếc ba lô hình con ếch, tôi trở thành tâm điểm khi bọn trẻ trong xóm, trong đó có hai anh, xúm lại xuýt xoa, thích thú. Tôi đang hào hứng ba hoa về cái cửa hàng bán đầy ba lô hình con vật thì má ở đâu xông tới, giật phăng ba lô con ếch ra khỏi tay tôi, trợn mắt: “Bậy bạ! Cái này của bà nội mua, sao nói của má?”. Bị tuột mất món đồ yêu thích trong ánh nhìn đầy đe dọa của má, tôi bật khóc tức tưởi. Ngay sau đó, má mua cho hai anh mỗi người một cái ba lô y hệt, tôi buồn lòng không thèm đeo nó nữa.
Nhà không thiếu thốn đến mức phải nhịn ăn, nhưng mỗi lần cơm hụt một chút, tôi lại được “lệnh” phải ăn bớt lại, nhường phần cho hai anh. Những lần như thế, má lén nhét vào ba lô của tôi vài đồng tiền lẻ, dặn “lên trường ăn bù”. Hôm bị đánh đòn vì giành ăn với anh ba, tôi cầm mấy đồng tiền lẻ má “cho bù”, bỏ chạy qua nhà dì út, ở lì không thèm về. Hôm ấy, dì gọi má sang, trách cứ, kết tội má là “má mìn”. Má kiên quyết dắt tôi về, vừa đi vừa tuyên bố: “Má mìn còn hơn má ghẻ!”.
Video đang HOT
Một lần, thấy bạn học cầm một nắm quả óc chó vừa đi vừa ăn, tôi thèm thuồng nhìn không chớp mắt. Má liền chở tôi chạy thẳng ra tiệm, mua cho một hộp y chang, bắt tôi ăn cho hết rồi mới chở về nhà. Tôi ăn hoài không hết, má đành “thỏa hiệp”, cho phép tôi vừa đi vừa ăn. Nhưng, đến đầu hẻm nhà ma tôi ăn vẫn chưa xong, má không buồn giải thích lý do, cương quyết bắt tôi vứt cái hộp đi.
Những câu chuyện lạ lùng như thế cứ chắp vá nhau, tạo nên một khoảng cách vô hình giữa tôi và má. Tới tận khi vào đại học, tôi mới được má thuê cho căn phòng bên ngoài để sống riêng. Mỗi lần nhớ lại quãng thời gian ấu thơ, tôi chỉ thấy hình ảnh má chỉn chu chăm sóc các anh, còn mình thì thu lu ở một góc nào đó. Tình cảm má dành cho tôi cứ đứt đoạn, như câu nói nửa chừng, cụt lủn.
***
Hôm nay, tấm ảnh chụp chiếc xe má tặng vừa được đăng lên Facebook, điện thoại tôi liên tục rung lên báo tin nhắn. Má nhắn: “Xóa ảnh đi, không thì phải viết thêm vô cho người ta tin là của bà nội tặng, không phải của má”. Tin nhắn chưa được trả lời, chừng như sốt ruột, má nhắn tiếp: “Nghe lời má…”.
Tôi ôm điện thoại, khóc ròng. Một vở kịch cả tôi và má đều phải vào vai suốt một đoạn đời dài. Tôi chợt nhớ đến cái lần cách đây hơn mười năm, sau một buổi chợ cao hứng mua cho tôi một đôi giày giá hơn trăm ngàn, má đột nhiên chở tôi qua nhà nội, gửi ở đó đến tận chiều mới đón về. Chiều hôm ấy, khi trở về từ nhà nội, đôi giày mới của tôi mặc nhiên được “hợp thức hóa”. Hai anh bây giờ thành đạt, đi đâu cũng khoe má là “cái bánh đúc có xương”. Còn má, mặc cảm “má ghẻ” đeo bám suốt đời, khiến má cứ cố công khỏa lấp tình thương giữa con đẻ và con chồng.
Theo PNO
Nếu có kiếp sau, xin được làm đàn ông
Làm đàn bà khổ quá rồi, thật sự, tôi không muốn phải khổ sở thêm nữa, tôi muốn được có thời gian rảnh rỗi, được sống là mình, được thảnh thơi hưởng thụ...
Tôi muốn được ngồi vắt chân lên ghế xem phim, đọc báo và gọi ới một cái là có cơm bưng nước rót. Tôi muốn được đi làm về có người xách túi, có người chuẩn bị cơm nước, chuẩn bị nước tắm, giặt giũ cho, dọn cơm cho và chỉ việc ngồi vào ăn, thậm chí hoa quả tráng miệng cũng không phải động dao tới gọt. Tôi ước sao cuộc sống của tôi như thế, có người phục vụ, có người thương yêu chăm sóc mình hết lòng, hết dạ, còn mình chỉ việc đi làm về và... nghỉ ngơi....
Đó là cuộc sống của chồng tôi, người mà tôi yêu thương dành trọn cuộc đời mình. Tôi tưởng là lấy chồng được nhờ, nhưng cuối cùng trong cái nhà chồng này, tôi chỉ giống như một người giúp việc.
10 năm qua, sống với gia đình chồng, bố chồng, mẹ chồng, không việc gì là không đến tay tôi. Là con dâu cả trong nhà, tôi phải sống với bố mẹ chồng và đảm đương mọi việc của nhà chồng từ giỗ chạp, cúng bái, từ cái ăn cái mặc, từ chuyện nhỏ nhất trong nhà tôi cũng phải lo. Lo cho bố mẹ chồng chưa xong còn phải lo cho cả họ nhà chồng, nếu mà không chu toàn là bị nói này, nói kia, nói là con dâu trưởng không chu đáo, không vun vén. Còn bị chồng chê bai đủ kiểu. Trọng trách chăm chồng, chăm con là tới tay tôi cả. Chưa chăm xong chồng con đã khóc nhè, chưa chăm xong bố mẹ chồng, chồng đã gọi với từ trên phòng xuống. Nghe mà não hết ruột gan. Cả ngày nghỉ mà còn bận hơn ngày đi làm vì chỉ có ăn với rửa bát cũng hết ngày. Đó là chưa kể tới chuyện có khách đến chơi. Thật sự, tôi cảm thấy quá mệt mỏi rồi.
Chồng tôi thì lười làm, anh tự cho mình có cái quyền được sai bảo vợ con, gia trưởng kinh khủng. (Ảnh minh họa)
10 năm ở nhà chồng, chưa một lần tôi được mẹ chồng hay chồng rửa cho một cái bát. Có ốm chết cũng cứ để đó, mai rửa, chứ đừng có chuyện chồng mó tay vào. Mẹ chồng tôi thì già nhưng việc nhà không phải không làm được, chỉ là bà không làm. Còn bố thì đúng là không động gì rồi, vì đơn giản, bố là đàn ông, lại là người có tuổi nên không bao giờ làm gì ngoài việc đi đánh cờ tướng với các cụ.
Con tôi còn nhỏ, cháu chưa hiểu chuyện nên chưa giúp được gì cho gia đình. 1 nách hai con, mệt phờ người chứ đừng nói tới chuyện lo lắng nhà chồng...
Thế mà 10 năm nay, tôi cứ làm những việc như vậy, cuộc sống gần như không có một ngày nghỉ ngơi. Không có cả thời gian về thăm bố mẹ một lần. Con cái thì còn nhỏ, chẳng biết đến bao giờ mới có cảnh con trai lớn đi lấy vợ, rồi có con dâu về làm thay mình. Thú thực, có con dâu tôi cũng không nỡ để con phải làm như tôi bây giờ. Vì mình là con dâu, mình hiểu hơn ai hết.
Mẹ chồng tôi nhiều tuổi nên hay cổ hủ, có những chuyện mẹ cũ kĩ không chịu được. Nhưng tôi đành phải nhịn để &'dĩ hòa vi quý', chứ trong cái gia đình này, nói ra thì có hay ho gì, mẹ chồng con dâu cãi cọ nhau, còn sống riêng được đâu mà gây sự. Tôi cố nhịn bao nhiêu thì cuộc sống càng mệt mỏi bấy nhiêu. Thú thực, tôi đúng là một &'thiên tài' về nhẫn nhục.
Chồng tôi thì lười làm, anh tự cho mình có cái quyền được sai bảo vợ con, gia trưởng kinh khủng. Anh đi làm về thì mọi thứ tôi phải lo, còn anh chỉ việc tắm táp, chơi với con tí rồi đợi cơm, vắt chân lên ghế xem ti vi và đọc sách. Nói thực, tôi cảm thấy mình đúng là một ô-sin chính hiệu, được trả lương. Nhưng lương thì tôi lại phải tiêu pha trong nhà chứ nào được giữ cho riêng mình. Thật tình, tôi thấy mệt mỏi với cuộc sống. Nhưng vì con, tôi phải cố gắng thật nhiều. Tôi cũng đã vượt qua được 10 năm rồi thì phải nhịn thôi, đâu còn trẻ để suy nghĩ mông lung. Thôi thì cái kiếp làm vợ, làm phụ nữ, tôi phải gánh chịu. Chỉ hi vọng, nếu có kiếp sau, tôi xin được làm đàn ông. Được ăn to nói lớn, được gác chân lên ghế và căn bản là thoát khỏi kiếp làm vợ, làm dâu... nhất là dâu trưởng thế này.
Theo VNE
Làm mẹ đơn thân nuôi con bị tim bẩm sinh Đến giờ phút này tôi mới nghĩ, nếu như không có con luôn bên cạnh tôi, cho tôi niềm tin vào cuộc sống thì thực sự, tôi không thể nào vượt qua được đau đớn của cuộc đời. Tôi đã sống, đã hết lòng hết dạ vì chồng, nhưng cuối cùng, tôi chỉ nhận lại nỗi đắng cay và tủi hổ. Nhiều khi...