“Ma dẫn lối, quỷ đưa đường”
Từ đầu năm mới đến nay, địa bàn ngoại thành Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ trọng án với tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Đau lòng hơn là có những vụ bố đâm chết con, anh em tàn sát nhau sau cuộc nhậu.
Câu chuyện bên chén rượu…
Ảnh minh hoạ
Ngồi trong phòng hỏi cung của CAH Thanh Oai, Hà Nội, Đỗ Hoàn (SN 1981, ở xã Cao Viên, Thanh Oai) lộ rõ vẻ bồn chồn, lo lắng. Được điều tra viên (ĐTV) hỏi về vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà Hoàn cùng đồng bọn gây ra sau cuộc nhậu trưa 7-2 tại nhà người bạn THPT khiến 2 nam thanh niên tử vong, đối tượng này cúi gằm mặt. Nhận được sự động viên của ĐTV, Hoàn dần lấy lại bình tĩnh, rành rọt thuật lại câu chuyện. Trưa 7-2, Hoàn được anh Bằng (bạn học) mời đến nhà uống rượu. Tại cuộc nhậu, anh Bằng còn giới thiệu hai người bạn khác là Lê Ngọc Chinh (ở Chương Mỹ) và Đỗ Ngọc Dự (ở Hà Đông, Hà Nội) cùng tham gia. Rượu vào lời ra, khi đã ngấm men say, Đỗ Hoàn cãi vã với anh Chinh và Dự. Trên đường về, Hoàn điện cho 3 anh em họ ở trong xã Cao Viên đến để cùng “dạy” cho đối thủ một bài học. Ba thanh niên này mang theo hung khí gậy gộc hùng hổ đến nhà anh Bằng. Vừa đến nơi, Hoàn cùng 3 đối tượng dùng dao bầu đâm gây thương tích nặng cho anh Dự và Chinh. Do vết thương nặng đâm vào chỗ hiểm, gây mất máu cấp đã khiến anh Chinh tử vong tại chỗ, chiều cùng ngày anh Dự được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng cũng không qua khỏi.
Trên khuôn mặt hốc hác của Hoàn, đôi mắt thâm quầng, dấu hiệu của những đêm mất ngủ. “Hôm ấy khi tỉnh rượu em được gia đình đưa đến trụ sở công an huyện đầu thú. Từ khi vào đây (nhà tạm giam – PV) ký ức kinh hoàng của buổi trưa hôm đó luôn hiện về khiến đêm em không tài nào chợp mắt…”.
Ra tết, các huyện ngoại thành liên tục xảy ra các vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Trong 7 vụ trọng án xảy ra từ đầu năm đến nay thì có đến 5 vụ liên quan trực tiếp đến rượu. Cũng tại địa bàn huyện Thanh Oai, trưa một ngày cuối tháng 1, sau bữa ăn trưa, trong tình trạng ngây ngất hơi men, ông Mến và con trai là Nguyễn Trọng Quý đã xảy ra to tiếng vì những bất đồng trong sinh hoạt gia đình. Sẵn có chất men trong người, ông Mến đã dùng dao nhọn đâm trúng ngực khiến người con trai tử vong tại chỗ, hay vụ say rượu dùng kiếm đâm chết người vì ghen tức xảy ra tại xã Phúc Tiến, Phú Xuyên, Hà Nội…
Hiểm họa cần sớm được ngăn chặn
Video đang HOT
Trọng án liên quan đến bia rượu vào những ngày đầu năm còn xảy ra tại địa bàn huyện ngoại thành Hà Nội như Hoài Đức, Đan Phượng, Ba Vì… với những hậu quả nghiêm trọng. Phần lớn số hung thủ mà PV được gặp gỡ, tiếp xúc đều nại ra lý do gây án trong tình trạng say rượu, không nhớ cụ thể diễn biến hành động của bản thân cũng như mất đi sự kiểm soát hành động chỉ vì những va chạm nhỏ.
Theo một cán bộ điều tra CAH Thanh Oai – CATP Hà Nội thì những vụ trọng án hành xử theo kiểu côn đồ, gây hậu quả nghiêm trọng đều liên quan đến những đối tượng tuổi đời còn trẻ. Trước khi gây án nhóm đối tượng này thường có chất men trong người, dễ bị kích động, thiếu sự kiềm chế, hành động bồng bột. Đây cũng chính là mối hiểm họa gây mất ANTT và TTATXH. Một phần nguyên nhân khác dẫn đến các vụ án đau lòng chính từ sự thiếu hiểu biết, coi thường pháp luật trong một bộ phận giới trẻ. Trung tá Chu Văn Thái – Đội trưởng Đội ĐTHS, CAH Đan Phượng cho biết, hầu hết các vụ trọng án liên quan đến rượu, các đối tượng thường “đẩy” trách nhiệm cho rượu, bia và coi đó là “bình phong” lý giải cho hành vi côn đồ của bản thân.
Điểm khác biệt cơ bản lý giải thời điểm đầu năm ở nội thành ít xảy ra trọng án nghiêm trọng so với ngoại thành chính nhờ sự phòng ngừa hiệu quả các vụ án hình sự của tổ công tác “141″ – CATP Hà Nội. Từ việc lập chốt, kiểm tra hành chính với những thanh niên có dấu hiệu phạm pháp hình sự, lực lượng “141″(liên quân cảnh sát hình sự, giao thông, cơ động) đã thu giữ được hàng trăm loại vũ khí như dao, kiếm thậm chí cả súng quân dụng. Sau 6 tháng đi vào hoạt động tổ công tác “141″ đã kéo giảm 4,3% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng thời điểm năm 2011 nhờ đó ngăn chặn phần nào những vụ thanh niên hành xử theo kiểu côn đồ ở nội đô. Vì lẽ đó ở các huyện ngoại thành cần nhân rộng mô hình tổ công tác đặc biệt hoạt động một cách bài bản, hiệu quả để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ án nghiêm trọng xảy ra.
Theo lý giải của bác sỹ Nguyễn Tiến Hùng, chuyên khoa Phẫu thuật thần kinh – BV Việt Đức: Rượu bia có tác dụng ức chế (rượu được xếp vào nhóm thuốc gây mê, tức nhóm thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương). Rượu bia sử dụng quá mức sẽ ức chế vùng vỏ não điều khiển sự tự chủ, biết kiềm chế của người sử dụng. Nếu vùng vỏ não này bị ức chế, người uống sẽ dám làm những việc mà khi bình thường không dám thực hiện. Uống nhiều rượu, bia sẽ làm tê liệt hệ thần kinh tự chủ, sự phán đoán và ý thức. Hậu quả tất nhiên của việc lạm dụng rượu bia sẽ đến là hành vi bạo lực và tai nạn giao thông.
Theo ANTD
Tưới xăng đốt vợ vì cơn ghen được "hỗ trợ" bởi... ma men
Người ta thường nói, có yêu mới ghen. Song, câu nói này chỉ đúng cho những ai có một tình yêu chân chính, biết suy nghĩ thấu đáo, biết hành động theo lý trí và sự mách bảo của con tim yêu thương chứ không phải bằng sự ghen tuông mù quáng.
Cao Văn Tâm (SN1975, ngụ xã Thạnh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) chỉ vì nhớ lại những cuộc điện thoại của vợ thăm hỏi sức khỏe người bạn thân từng bôn ba nơi đất khách với mình, mà trong cơn say men rượu đã nhẫn tâm tưới xăng châm lửa khiến người vợ hiền lành, tội nghiệp phải mang thương tích nặng suốt đời, còn Tâm chắc chắn phải trả giá bằng bản án không nhỏ trong song sắt nhà tù.
Mầm mống bi kịch từ tình bạn tâm giao của chồng
Sinh ra và lớn lên trên vùng quê Đồng Tháp Mười, Cao Văn Tâm là một chàng trai miệt vườn, quen chân lấm tay bùn, hiền lành chân chất. Thế nên, Tâm nhanh chóng chiếm được cảm tình của cô gái thôn quê hiền lành nết na Trần Thị C. cùng tuổi với mình. Tình yêu của họ đơm hoa kết trái bằng một đám cưới giản dị, ấm cúng và kết quả ngọt ngào của họ là 2 đứa con gái xinh xắn, dễ thương ra đời. Dân gian có câu: "Hai người cùng tuổi nằm duỗi mà ăn", tuy Tâm và C cùng tuổi, nhưng vốn không nghề nghiệp ổn định nên dù bươn chải kiếm sống mà vẫn chỉ đủ cái ăn qua ngày.
Lo nghĩ cho cuộc sống gia đình và tương lai của 2 đứa con rồi sẽ đến ngày cắp sách tới trường, nên Tâm bàn với vợ khăn gói một mình lên TP. HCM xin làm phụ hồ. Nghe nhiều người mách bảo, ở chốn phồn hoa đô hội này, giá nhân công phụ hồ như Tâm cũng được ưu ái hơn ở quê, sẽ có tiền gửi về cho vợ nuôi con. Vốn chăm chỉ lại không đua đòi ăn chơi nên ngoài tiêu xài cá nhân, Tâm cố gắng chắt bóp dành dụm được khá nhiều tiền lương gửi về cho vợ con.
Phần C, thấy chồng đi làm xa cực nhọc, bản thân mình chẳng có việc làm chỉ ở nhà nuôi dạy hai con nên C cũng biết nghĩ thương chồng mà lo thu vén các khoản sinh hoạt trong gia đình một cách tiết kiệm, do đó cuộc sống gia đình tuy không khấm khá gì hơn ai, nhưng cái câu "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm" vận vào gia đình Tâm - C thật đúng. Hơn hết là hai đứa con gái xinh xắn, ngoan ngoãn không phụ lòng cha mẹ đã chăm ngoan và học giỏi. Hạnh phúc đôi vợ chồng trẻ theo năm tháng càng mặn nồng. Thế mà chẳng ai có thể ngờ, chỉ vì 1 phút hờn ghen vô cớ, chỉ vì 1 phút nông cạn, khi suy nghĩ bị ma men dẫn đường, Cao Văn Tâm đã phá nát gia đình mình bằng ngọn lửa hờn ghen.
Trong thời gian 2 năm làm phụ hồ ở TP. HCM, Tâm có quen và chơi thân với Thủy - một người bạn cùng làm thợ hồ. Cả 2 cùng cảnh ngộ xa quê nên rất dễ cảm thông và chia sẻ mọi nỗi niềm, lại cùng nhau chịu cực chịu khổ rày đây mai đó ở các công trình, nên họ đã nhanh chóng trở thành đôi bạn thân nơi đất khách quê người. Trong những lần về thăm vợ con, Tâm vài lần dẫn người bạn hồ của mình cùng về thăm gia đình, giới thiệu mối quan hệ bạn bè tâm giao của họ với vợ con để trọng tình nghĩa anh em. Vì thế, không chỉ Tâm mà C cũng nhanh chóng xem Thủy như người thân. Muốn chồng đẹp mặt đẹp mày với bạn bè nên C cũng vui vẻ trò chuyện cởi mở với Thủy, tạo không khí tự nhiên, thân tình với bạn chồng. Dù sao thì nơi đất khách quê người, nhỡ chồng có cần gì giúp đỡ mà vợ con lại ở xa, có bạn có bè thân cận cũng yên tâm hơn.
Cuộc sống gia đình vợ chồng lo chí thú làm ăn, nên cứ êm đềm trôi qua như thế, tình bạn cũng được vun đắp bằng sự đồng cam cộng khổ cùng nhau lao động kiếm tiền. Do đó, chẳng mấy mà sau 2 năm làm phụ hồ ở TP. HCM, sau khi tích cóp được chút vốn liếng, Tâm quyết định trở về quê nhà tiếp tục công việc phụ hồ để được gần vợ gần con. Trong thời gian Tâm trở về quê, tình bạn giữa vợ chồng Tâm và Thủy vẫn được giữ gìn bằng những cuộc điện thoại hỏi thăm nhau. Không chỉ Tâm mà đôi khi C cũng gọi điện cho Thủy hỏi thăm sức khỏe và dăm ba câu chuyện. Chẳng ngờ, chính sự vô tư của C đã vô hình chung gieo vào tâm trí Tâm mối nghi ngờ về quan hệ giữa vợ mình và bạn.
Số là, trong 1 lần Tâm gọi điện hỏi thăm Thủy, Thủy vô tình buột miệng kể rằng thỉnh thoảng C có gọi điện hỏi thăm cũng chỉ vì muốn ghi nhận sự quan tâm của vợ chồng Tâm với Thủy mà thôi. Thông tin ấy càng khiến Tâm suy nghĩ. Tâm cũng đã nhiều lần bóng gió xa gần với vợ nhưng vì vốn chẳng có tình ý gì với Thủy nên C vẫn vô tư, mà không hề nhận diện được cơn ghen ngùn ngụt trong lòng chồng. Thời gian sau đó, thấy C vẫn đối xử bình thường, vẫn quan tâm chăm sóc chồng con và không có biểu hiện "ngoài chồng ngoài vợ", Tâm cũng lặng im.
Nỗi ân hận muộn màng của người chồng bị ma men dẫn lối
Những tưởng như vậy là yên. Vậy mà, giờ đây, khi ngồi co quắp giữa 4 bức tường lạnh lẽo của nhà tù, Tâm vẫn không thôi ân hận và day dứt.
Vào ngày 4/9/2011, Tâm đi dự một đám giỗ ở Vĩnh Long. Đến khoảng 19h tối thì về đến nhà Trong đám giỗ, vui với họ hàng nên Tâm cũng uống khá nhiều. Thấy chồng quá chén, chị C ân cần chăm sóc cho chồng nhưng không hiểu sao Tâm lại chợt lóe lên suy nghĩ cho rằng chính những hành động chăm sóc chồng của vợ chỉ là vỏ bọc bên ngoài. Tâm chợt liên tưởng đến câu chuyện nghi ngờ vợ cách đây 2 năm. Trong cơn say, suy nghĩ lệch lạc đó càng lúc càng làm cho Tâm cảm thấy hằn học trong lòng, nên đã lạnh lùng từ chối sự quan tâm của vợ và bắt đầu hoạnh họe, tra vấn chị C về chuyện trước đây vì sao gọi điện cho Thủy, gọi để làm gì, có tình ý gì...
Vốn là người khôn khéo, biết chồng say nên chị C đã từ tốn giải thích cho Tâm nghe chuyện giữa chị và Thủy là hoàn toàn trong sáng, không có tình ý gì. Nếu là người tỉnh táo, Tâm phải cảm ơn vợ và xoa dịu vợ về sự nghi ngờ vô căn cứ của mình, nhưng ngược lại, Tâm không những không nghe lời chị C giải thích mà còn tiếp tục những câu buộc tội chị C. Không muốn đôi co với Tâm chỉ vì muốn yên cửa yên nhà, chị C không nói nữa mà nhẫn nhịn chịu đựng sự xúc phạm của chồng, lẳng lặng vào phòng nằm ngủ với con.
Tưởng làm vậy chồng sẽ thôi không "hành hạ" mình bằng những lời đay nghiến khó nghe nữa, nhưng chính thái độ nhẫn nhịn của chị C như lửa đổ thêm dầu, càng thổi bùng ngọn lửa ghen tuông trong người Tâm. Cho rằng vợ có thái đô khinh thường mình nên mới bỏ vào nhà nằm, Tâm càng điên tiết hơn. Tâm hùng hổ bước theo vợ vào phòng, la lối đuổi con ra ngoài. Chỉ tội nghiệp cho bọn trẻ, chúng không hiểu vì sao người cha hiền lành của chúng lại trở nên cộc cằn thô lỗ đến vậy. Sự sợ hãi khiến chúng chạy vội ra ngoài và co rúm chứng kiến cha mắng chửi mẹ mà không ngờ được tai họa sắp ập đến cho gia đình bé nhỏ của chúng.
Sau khi đuổi con ra ngoài, Tâm giơ tay giật đứt dây mùng, vơ lại đem ra sau nhà vứt rồi tiếp tục vào tra vấn vợ. Bất chợt nhìn thấy chai xăng và hộp diêm để gần bàn học của con, Tâm như con thú lao đến vồ lấy và bắt đầu rưới xăng xung quanh giường. Lúc này, vì giận chồng nên chị C nằm quay mặt vào trong, không muốn để ý đến hành động của chồng nên chị không hề hay biết nguy hiểm đang kề cận bên mình. Khi thấy Tâm tiến gần lại mình, sợ chồng có hành động ngông cuồng, chị C ngồi bật dậy. Không suy nghĩ, Tâm liền đổ xăng vào người C và châm lửa đốt. Chị C hốt hoảng la hét giữa bốn bề ngọn lửa. Thấy vợ la hét kêu cứu, 2 đứa con khóc la bên ngoài, Tâm giật mình hoảng sợ vội vơ lấy hai cái gối dập lửa cho vợ và đưa chị C lên bệnh xá xã cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng nên chị C được chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy, TP. HCM. Kết quả giám định thương tật của chị C là gần 67%. Sau hơn 1 tháng điều trị trong đau đớn, chị C được xuất viện về nhà với nỗi đau thể xác và một tinh thần tuyệt vọng.
Chỉ vì phút hờn ghen trong cơn say mà Cao Văn Tâm đã hủy hoại hạnh phúc gia đình mình. Hạnh phúc mà chính Tâm chứ không ai khác đã cất công gây dựng. Trong phút giây nào đó, Tâm thỏa mãn cơn hờn ghen nhưng suốt cuộc đời Tâm sẽ mãi bị cắt rứt lương tâm bởi đã gây ra nỗi đau về thể xác và sự tổn thương lớn về tinh thần cho vợ mình. Và hình ảnh người cha của Tâm trong mắt các con sẽ như thế nào? Liệu Tâm có chịu được sự giày vò này không? Vợ Tâm là người phụ nữ nhẫn nhịn và giàu lòng vị tha, nên sau khi xuất viện trở về, dù rất đau đớn về thể xác và xót xa về tinh thần nhưng chị vẫn còn nghĩ đến nghĩa vợ chồng nên đã đưa con lên thăm cha của chúng.
Chứng kiến những lần thăm gặp đó, 1 cán bộ trại giam cho biết thái độ của Tâm thể hiện sự ân hận rất rõ, Tâm đã nhận ra cái sai của mình. Còn 2 đứa con nhỏ bé của Tâm thì có thể trong thời gian này chúng chưa thể tha thứ được cho cha của chúng nên mỗi lần vào thăm chúng chỉ khóc đòi về. Điều mà Tâm cần suy nghĩ lúc này là sau khi thụ án xong, Tâm sẽ phải cố gắng cải tạo, hoàn thiện con người của mình, sớm trở về chuộc lỗi với vợ con. Bởi gánh nặng nuôi 2 con nhỏ đang đè lên vai người vợ thương tật do chính mình gây ra. Dù thế nào đi chăng nữa thì chị cũng không muốn con của chị mất cha. Chị chỉ mong, sau thời gian cải tạo, chồng chị sẽ trở về hiền lành là người chồng, người cha chăm lo gia đình, thương yêu vợ con như xưa. Với những người thành tâm, bao giờ gương vỡ rồi cũng lại lành.
Theo ANTD
Ma men sẽ bị phạt nặng Đa số các vụ tai nạn giao thông làm chết từ 2, 3 người trở lên có nguyên nhân từ rượu bia. Năm 2012, công an các quận, huyện ở TPHCM sẽ tăng cường "mật phục ma men" để xử phạt Hiện trường vụ tai nạn xảy ra trên Hương lộ 11, huyện Bình Chánh - TPHCM làm 3 người chết trong dịp...