M40 Súng không giật đáng sợ nhất trên chiến trường Việt Nam
M40 106 mm của quân đội Mỹ chính là loại súng không giật có uy lực lớn nhất từng xuất hiện trên chiến trường Việt Nam.
Súng (pháo) không giật M40 là loại vũ khí chống tăng dành cho bộ binh được quân đội Mỹ giới thiệu vào giữa những năm 1950. Mặc dù cỡ nòng chính xác là 105 mm nhưng nó lại được mô tả bằng con số 106 mm để tránh việc phát nhầm đạn 105 mm không tương thích của khẩu M27 thế hệ trước.
Súng không giật M40 có trọng lượng 209,5 kg (nòng súng giá 3 chân); dài 3,404 m; cao 1,02 m. Súng có thể bắn nhiều loại đạn từ đạn nổ lõm chống tăng (HEAT) đến đạn nổ mạnh sử dụng chất dẻo ở đầu đạn (HEP); góc nâng hạ tối đa từ -17 đến 65 độ; góc xoay ngang 360 độ; tầm bắn hiệu quả 1.350 m; tầm bắn tối đa 6.870 m; sơ tốc 503 m/s khi bắn đạn xuyên lõm M344A1.
Mặc dù được gọi là vũ khí chống tăng hạng nhẹ nhưng với trọng lượng của mình, súng M40 rất khó có thể sử dụng ở dạng mang vác mà thường được gắn trên xe jeep M151A1 MUTT để thực hiện nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực cho bộ binh.
Bên cạnh M151A1 MUTT, xe jeep M38A1 CDN3 cũng thường được sử dụng làm phương tiện vận chuyển khẩu súng không giật này…
…khi đó phần thùng xe phía sau sẽ được dùng để chứa đạn. Vỏ đạn của M40 khá đặc biệt với nhiều lỗ nhỏ, khi bắn, khí thuốc sẽ được thổi qua các lỗ đó và phụt về phía sau qua các vòi phun đặc biệt đằng sau súng, cơ chế này được tạo ra tại thời điểm phản lực nhằm triệt tiêu lực hãm lùi của súng. M40 có thể bắn các loại đạn xuyên lõm M344A1, đạn nổ mạnh M346A1 hay M581. Đạn xuyên lõm M344A1 có thể xâm nhập qua 400 mm thép đồng nhất, các loại đạn cải tiến RAT 700 hay 106 3A có thể xuyên tới 700 mm. Đây là con số vượt trội so với DKZ B-10 82 mm hay SPG-9 73 mm của Việt Nam.
Video đang HOT
Ngoài ra súng không giật M40 còn có thể được lắp trên xe thiết giáp M113…
… hay bố trí phía trước tiền duyên phòng ngự để chống lại các đợt tấn công có sự tham gia của xe tăng, thiết giáp.
Tuy nhiên hình ảnh gắn liền với súng không giật M40 lại là khi nó được lắp đặt lên xe chống tăng tự hành M50 Ontos. Được thiết kế để chống tăng nhưng M50 thường được quân đội Mỹ sử dụng với chức năng chính là yểm trợ hỏa lực cho bộ binh. Với 6 khẩu súng không giật M40 nạp đạn beehive, một chiếc M50 có thể quét sạch khu rừng rậm có chiều sâu lên đến 400 m, nó chỉ cần vài giây lộ diện trước làn đạn của đối phương trước khi làm sạch 6 khẩu M40, sau đó nhanh chóng di chuyển đến nơi an toàn để nạp lại. M50 Ontos được coi là khẩu shotgun lớn nhất thế giới.
Trong quân đội Mỹ, súng không giật M40 đã bị thay thế vai trò bởi tên lửa chống tăng TOW, tuy nhiên ở nhiều quốc gia khác nó vẫn được tin tưởng sử dụng do có uy lực lớn, độ tin cậy cao và nhất là giá thành rẻ hơn 1 quả tên lửa chống tăng rất nhiều. Trong ảnh là xe chống tăng tự hành Type-60 của Nhật Bản được trang bị 2 khẩu M40.
Ngoài ra, khẩu súng không giật này còn là thứ vũ khí yêu thích của nhiều lực lượng nổi dậy trên thế giới. Hình ảnh của nó đã từng xuất hiện trong bộ phim bom tấn Black Hawk Down sản xuất năm 2001.
Theo Tri Thức
Vũ khí Mỹ trong chiến tranh VN - Kỳ 4: Triệt thoái và chi viện
Sau nhiều nỗ lực bất thành, Mỹ dần rút lui khỏi Việt Nam, nhưng đồng thời bổ sung vũ khí khẩn cấp cho quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Mỹ từng chi viện nhiều chiến đấu cơ F-5 cho VNCH - Ảnh: USAF
Ngày 29.12.1972, Nhà Trắng chính thức tạm ngưng chiến dịch không kích kéo dài 12 ngày đêm nhằm đánh phá miền Bắc Việt Nam. Sau khi mục tiêu không đạt được, Washington chỉ còn hướng đến một thỏa thuận ngừng bắn và kết quả là Hiệp định Paris 1973 đã được các bên ký kết vào tháng 1.1973. Điều này đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ phải sớm rút khỏi Việt Nam và không được can dự vào chiến trường Việt Nam.
Vì thế, Washington phải tái phối trí lực lượng quân sự tại khu vực Đông Nam Á để thực thi theo Hiệp định Paris 1973. Tuy nhiên, theo tài liệu của không quân Mỹ lưu trữ, Washington vẫn đồn trú một lực lượng lớn chiến đấu cơ tại Thái Lan, đặc biệt là "pháo đài bay" B-52, để sẵn sàng can thiệp vào Việt Nam và sẵn sàng đánh phá miền Bắc Việt Nam. Thậm chí, Tổng thống Richard Nixon còn ra lệnh sẵn sàng tạm ngưng thực thi các thỏa thuận trong hiệp định bằng cách viện cớ miền Bắc Việt Nam vi phạm thỏa thuận. Cụ thể, Tổng thống Nixon yêu cầu quân đội chuẩn bị nối lại việc do thám, tạm ngưng rà phá thủy lôi, oanh tạc cơ B-52 trong tháng 4.1973 sẽ lại xuất kích ném bom Lào. Tuy nhiên, vụ Water Gate đã khiến Nixon phải tạm ngưng các dự định trên của mình.
Kể từ đây, Lầu Năm Góc chính thức tái phối trí lực lượng tham gia chiến tranh Việt Nam. Toàn bộ lực lượng chiến đấu cơ chiến thuật, máy bay trinh sát, oanh tạc cơ... đều lần lượt chuyển sang đồn trú ở nhiều căn cứ ở châu Á hoặc chuyển quyền điều phối. Tuy nhiên, trong khoảng nửa đầu năm 1973, Washington vẫn tiến hành nhiều phi vụ hỗ trợ Việt Nam Cộng hòa (VNCH).
Đến đầu tháng 4.1975, không quân Mỹ một lần nữa đẩy mạnh hiện diện ở Việt Nam nhưng để phục vụ công tác di tản.
Kế hoạch chi viện
Trước khi tiến hành rút khỏi Việt Nam, Mỹ từ sớm đã lên kế hoạch tăng cường chi viện cho VNCH. Theo tài liệu The Joint Chiefs of Staff and The War in Vietnam 1971 - 1973 được lưu trữ bởi Lầu Năm Góc, trước các diễn tiến trên chiến trường vào đầu năm 1972 và báo cáo từ Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ, Tổng thống Richard Nixon cùng Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird đều muốn thúc đẩy chương trình chi viện cho quân đội VNCH. Theo đó, Washington muốn quân đội VNCH sẽ đủ sức từng bước đảm đương các hoạt động tác chiến đang được thực hiện bởi Mỹ.
Trực thăng chiến đấu UH-1 - Ảnh: US Army
Sau quá trình bàn thảo, bộ sậu quân đội và chính phủ xứ cờ hoa đưa ra chương trình chi viện ENHANCE gồm 3 gói giải pháp. Gói 1 là các trang thiết bị và hỗ trợ để đảm bảo quân đội VNCH giữ vững vị thế trên chiến trường. Gói 2 nhằm đảm bảo khả năng tác chiến cho không quân Sài Gòn trong trường hợp Lầu Năm Góc từ 2 - 4 tháng phải lập tức triệt thoái lực lượng khỏi Việt Nam. Gói thứ 3 bổ sung các khí tài để khẳng định quyết tâm của Mỹ trên chiến trường Việt Nam. Ba gói này trị giá lần lượt 110 triệu USD, 220 triệu USD và 400 triệu USD. Chưa dừng lại ở đó, kế hoạch ENHANCE về sau còn được dự kiến bổ sung thêm nhiều khí tài tối tân khác như 2 phi đội trực thăng vận tải CH-47, 11 xe tăng M-88, 3 tiểu đoàn pháo binh 175 mm, 2 phi đội chiến đấu cơ F-5.
Kế hoạch ENHANCE Plus
Đến cuối năm 1972, để khẳng định hơn nữa quyết tâm ủng hộ Sài Gòn và tăng cường mạnh mẽ khả năng tác chiến của quân đội VNCH, Washington đưa ra kế hoạch chi viện ENHANCE Plus. Gói chi viện bao gồm các phần sau:
Lục quân: 72 xe tăng M48, 30 xe tăng M41, 30 pháo nòng kép 40 mm, 44 pháo 105 mm, 4.769 súng phóng lựu, 700 pháo 60 mm, 8 pháo 175 mm, 12 pháo 155 mm, 6.476 súng trường M-16, 96 súng máy 12,7 mm, 117 xe bọc thép M113, 75 xe vận tải loại 5 tấn, 35 xe chở nhiên liệu, 178 vận xa chiến thuật M151, 1.302 chiếc xe tải loại 2,5 tấn, 8 xe chống đạn M706, 5 xe chống đạn M548, gần 10 ngàn máy vô tuyến liên lạc các loại, 120 máy phát điện.
Xe tăng M-48 Patton tại một bảo tàng ở Thụy Sĩ - Ảnh: T.L
Không quân: 19 chiến đấu cơ A-1, 22 chiếc máy bay chiến đấu AC-119K, 90 chiến đấu cơ A-37, 32 máy bay vận tải C-130, 126 chiến đấu cơ F-5, 177 trực thăng tấn công UH-1, 855 phương tiện di chuyển khác...
Kế hoạch này dựa trên sự lo ngại của Tổng thống Nixon về việc không kịp bổ sung vũ khí cho VNCH khi một lệnh ngừng bắn có thể sắp được thực thi. ENHANCE Plus gần như tăng cường vũ khí toàn diện cho cả lục quân lẫn không quân cùng nhiều thiết bị cần thiết khác đảm bảo cho việc tác chiến. Lầu Năm Góc còn quyết tâm hoàn thành việc bàn giao số vũ khí trong kế hoạch này trước tháng 11.1972. Để đáp ứng điều đó, Washington phải tạm rút bớt một số vũ khí vốn dành cho các đồng minh khác để chuyển giao cho VNCH. Đây có thể xem là một trong các cơ số vũ khí chi viện chủ lực sau cùng để quân đội VNCH "tự thân vận động" trong giai đoạn cuối của chiến tranh Việt Nam.
3 gói giải pháp của kế hoạch ENHANCE Gói 1 Nhóm A gồm: 32 trực thăng chiến đấu UH-1, 30 máy bay cất/hạ cánh đường băng ngắn, 850 khẩu pháo 60 mm, 30 hệ thống tên lửa chống tăng. Nhóm B gồm: 5 chiến đấu cơ F-5, 48 chiến đấu cơ A-37, 70 hệ thống tên lửa chống tăng, 4 tàu tuần tra cao tốc. Gói 2 Nhóm A gồm: thúc đẩy chuyển giao 14 máy bay trinh sát RC-47, thúc đẩy chuyển giao 23 máy bay chiến đấu AC-119K, thúc đẩy chuyển giao 23 máy bay do thám EC-47; thúc đẩy chuyển giao 2 chiến hạm; 12 máy bay tuần tra biển C-119G, 1 tiểu đoàn pháo binh loại 175 mm, 64 pháo phòng không 20 mm. Nhóm B gồm: thúc đẩy chuyển giao 28 máy bay vận tải C-7, thúc đẩy chuyển giao một tàu chiến, 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn pháo binh 175 mm, 64 pháo phòng không 20 mm. Gói 3: 144 trực thăng chiến đấu Cobra, 160 trực thăng quân sự hạng nhẹ, 182 trực thăng chiến đấu UH-1, 4 hệ thống tên lửa phòng không HAWK, 56 máy bay cường kích A-4B, 3 phi đội chiến đấu cơ F-4.
Theo TNO