Lý Tiểu Long từng có cơ hội thách thức thương hiệu ‘007′?
Nếu Lý Tiểu Long còn sống để thực hiện phần hậu truyện cho “ Long tranh hổ đấu” (1973), series hoàn toàn có cơ hội thành công ngang ngửa loạt “ 007″ trong thời kỳ của Roger Moore.
Theo Forbes, khi No Time to Die ra mắt vào tháng 11, khán giả sẽ tiếp tục tranh luận xem thương hiệu điện ảnh 58 tuổi có còn phù hợp với bối cảnh xã hội hiện đại hay đủ sức cạnh tranh với các chuỗi phim hành động khác như Fast & Furious, Mission: Impossible hay Vũ trụ Điện ảnh Marvel hay không.
Bên cạnh đó, tương lai của series 007 thời kỳ hậu Daniel Craig cũng là dấu hỏi lớn. Rất nhiều dự đoán trái ngược đã được đưa ra xung quanh danh tính diễn viên trở thành James Bond kế tiếp.
Cây bút Scott Mendelson của Forbes nhận định việc lựa chọn một diễn viên da màu vào vai 007 sẽ là nước cờ thông minh giúp thương hiệu 007 thoát khỏi cái bóng của chính nó.
Người hùng gốc Á trên màn ảnh rộng Hollywood những năm 1970
Những tài tử da màu như Henry Golding hay Daniel Kaluuya sẽ là lựa chọn táo bạo cho James Bond, đủ sức thay đổi lịch sử hơn 50 năm của thương hiệu nói riêng và Hollywood nói chung.
Trước đây, cơ hội để Hollywood có một người anh hùng da màu lừng lẫy trên màn ảnh từng đến rất gần khi bộ phim Long tranh hổ đấu ( Enter the Dragon) của Lý Tiểu Long ra mắt năm 1973. Nếu ngôi sao võ thuật không chết trẻ, nhân vật Lee của ông trong phim có đủ khả năng trở thành biểu tượng điện ảnh sánh ngang James Bond.
Long tranh hổ đấu (1973) là tác phẩm đột phá của thể loại võ thuật. Phim có sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Lý Tiểu Long, ngôi sao võ thuật John Saxon và Jim Kelly. Tác phẩm đã đưa tên tuổi họ Lý lên tầm ngôi sao toàn cầu không lâu sau khi ông qua đời ở tuổi 32.
Lee trong Long tranh hổ đấu là vai diễn cuối cùng của Lý Tiểu Long trên màn ảnh. Ảnh: Warner Bros.
Bộ phim hành động võ thuật của đạo diễn Robert Clouse thu 90 triệu USD từ phòng vé toàn cầu, tức gấp hơn 100 lần số vốn đầu tư 850.000 USD. Sau đó, Long tranh hổ đấu tiếp tục mang về cho Warner Bros. thêm 350 triệu USD từ những lần tái phát hành. Không tính yếu tố lạm phát, con số đứng trên thành tích của mọi bộ phim xoay quanh James Bondtrước GoldenEye (1995).
Doanh thu 90 triệu USD ban đầu của Long tranh hổ đấu giúp bộ phim sánh ngang nhiều phim 007 ra mắt cùng thời. On Her Majesty’s Secret Service (1969) của George Lazenby thu 82 triệu USD, còn Diamonds are Forever với sự tái xuất của huyền thoại Sean Connery gặt hái 115 triệu USD vào năm 1971.
Cũng ra mắt vào năm 1973 như Long hổ tranh đấu, Live and Let Die của Roger Moore thu 161 triệu USD. Song, một năm sau, The Man with the Golden Gun - phần phim James Bond có yếu tố võ thuật – chỉ thu 97 triệu USD..
Đến năm 1977, The Spy Who Loved Me - tác phẩm được yêu thích của đạo diễn Lewis Gilbert – mở ra giai đoạn thành công mới cho chàng điệp viên hào hoa với doanh thu 185 triệu USD toàn cầu.
Tiềm năng về một series sánh ngang 007
Scott Mendelson nhận định nếu không bởi Lý Tiểu Long ra đi đột ngột, Long tranh hổ đấu đã có thể là bước khởi đầu cho một thương hiệu điện ảnh tồn tại dài lâu nhờ các phần hậu truyện ra đời trong thập niên 1970, 1980.
Trên thực tế, Long tranh hổ đấu lấy cảm hứng từ chính tác phẩm You Only Live Twice (1967) thuộc thương hiệu 007 do đạo diễn Lewis Gilbert thực hiện. Trong phim, nhân vật Lee của Lý Tiểu Long phiêu lưu tới hòn đảo kỳ bí của nhân vật phản diện và phá tan một đường dây buôn bán ma túy do gã cầm đầu.
Đầu thập niên 1970 vốn là thời kỳ mà series 007 loay hoay tìm cách lấy lại phong độ sau khi ngôi sao Sean Connery ra đi. Đây là cơ hội tốt cho Long tranh hổ đấu bứt phá bằng những phần phim hậu truyện có sự góp mặt của nhiều ngôi sao.
Video đang HOT
Live and Let Die là phần phim 007 ra mắt cùng năm với Long tranh hổ đấu. Ảnh: MGM.
Khoản doanh thu 90 triệu USD toàn cầu của Long tranh hổ đấu có lẽ không quá ấn tượng nếu so với thành công nói chung của các bộ phim 007. Nhưng một phần phim hậu truyện hoàn toàn có thể là bước tiến đột phá đưa tác phẩm võ thuật, dù bị gắn nhãn R, trở thành thương hiệu điện ảnh mới.
Nhiều thương hiệu điện ảnh lớn của thế giới đã bắt đầu từ một phim độc lập nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ khán giả, như Rambo, Terminator, Jason Bourne, Austin Powers, A Nightmare on Elm Street, John Wick hay chính 007.
Các phần hậu truyện sẽ mang đến cho khán giả những gì họ từng quen thuộc và yêu thích từ tác phẩm đầu tiên, cùng cốt truyện mở rộng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Sau tất cả, với 007, phần phim Live and Let Die vào năm 1973 của Roger Moore vẫn là một thành công rực rỡ trên quy mô toàn cầu.
Lịch sử Hollywood có thể đã khác
Nếu những phần tiếp theo của Long tranh hổ đấu tồn tại, nhân vật Lee của Lý Tiểu Long có thể có thêm bạn đồng hành, sa vào lưới tình, thậm chí được trang bị thêm “đồ chơi” công nghệ để tiêu diệt kẻ ác. Nói cách khác, anh có thể xóa bỏ thiên kiến của khán giả phương Tây về người châu Á trên màn ảnh.
Lý Tiểu Long có thể thách thức James Bond tại phòng vé. Ông có thể thành công hoặc thất bại. Nhưng bản thân việc khiến cuộc đấu đó xảy ra đã là một chiến thắng trong thời kỳ thập niên 1970, 1980.
Duy trì thương hiệu lại là một vấn đề khác. Liệu công chúng có còn hâm mộ Lee khi anh tái xuất màn ảnh đến lần thứ tư, thứ năm? Chỉ một chút chệch hướng sẽ khiến nỗ lực gây dựng suốt nhiều năm bị lung lay.
Như với chính 007, khán giả từng băn khoăn “Liệu phim này có liên quan gì đến James Bond hay không?” khi theo dõi License to Kill vào năm 1989. Bộ phim có Timothy Dalton đóng chính thu 143 triệu USD toàn cầu, nhưng chỉ kiếm được 34 triệu USD tại Bắc Mỹ. Thương hiệu điệp viên tỏ ra lép vế trước Batman, Indiana Jones and the Last Crusade hay Lethal Weapon 2 ra mắt cùng năm..
Nếu Lý Tiểu Long không đột ngột qua đời, Lee của Long tranh hổ đấu đã có thể viết nên một trang sử khác cho Hollywood. Ảnh: Warner Bros.
Cũng chính sau Licence to Kill, thảo luận xung quanh việc có nên để một diễn viên da màu, hay thậm chí là một phụ nữ, vào vai 007 bắt đầu nổ ra. Khi ấy, Wesley Snipes hay Sharon Stone từng là những cái tên được đề cập tới.
Roger Moore đến nay vẫn là ngôi sao có nhiều lần vào vai James Bond nhất, nhưng không thể phủ nhận các bộ phim ở cuối kỷ nguyên của ông có chất lượng dần đi xuống. Nhà sản xuất có thể đã đưa ra những quyết định táo bạo hơn nếu thương hiệu buộc phải cạnh tranh tầm ảnh hưởng với một series đối thủ như Long tranh hổ đấu.
Tuy nhiên, Long tranh hổ đấu không thể tiếp tục do Lý Tiểu Long qua đời. 007 tiếp tục giữ vị thế độc tôn và chỉ bị ảnh hưởng phần nào khi Star Wars xuất hiện. Phải tới thập niên 1980, chàng điệp viên hào hoa mới gặp cạnh tranh thực sự bởi thể loại hành động cơ bắp.
Trên hết, viễn cảnh ngôi sao hành động vĩ đại nhất Hollywood là một người nhập cư gốc Hoa có thể đã tạo ra những thay đổi tích cực lớn lao, vượt ngoài khuôn khổ của những thương hiệu điện ảnh, và giúp các diễn viên da màu có thêm cơ hội tại kinh đô điện ảnh.
Hậu Daniel Craig, tương lai của 007 hứa hẹn nhiều thay đổi mang tính căn bản. Ảnh: MGM.
Công bằng mà nói, Hollywood đã nỗ lực tạo ra thay đổi ấy thông qua Beverly Hills Cop, Rush Hour hay Black Panther. Tuy nhiên, hầu hết mới chỉ dừng lại ở mức độ sơ khai. Một thương hiệu bom tấn với sự góp mặt của Lý Tiểu Long, nếu có cơ hội thành hình, sẽ khiến khán giả thôi đánh giá Crazy Rich Asians hay Mulan là những bộ phim thương mại quan trọng, góp phần xây dựng hình ảnh người Mỹ gốc Á tại Hollywood vào 45 năm sau.
Lý Tiểu Long qua đời chỉ một tháng trước khi Long tranh hổ đấu khởi chiếu. Mọi thứ về tương lai loạt phim chỉ là mệnh đề giả thiết “Nếu như…?”. Rất có thể nếu còn sống, Lý Tiểu Long chỉ tiếp tục làm phim lẻ, thay vì tập trung xây dựng một thương hiệu điện ảnh duy nhất.
Tuy nhiên, ý tưởng về một thương hiệu điện ảnh của Lý Tiểu Long trực tiếp cạnh tranh với series 007, nếu xảy ra, rất có thể đã đưa toàn bộ lịch sử của kinh đô điện ảnh Hollywood đi theo một hướng khác.
'Gương mặt thiếu nữ vàng' làng phim võ thuật Trung Quốc
Năm 1973, ngôi sao võ thuật Angela Mao Ying (Mao Anh) là cái tên nổi tiếng sánh ngang Lý Tiểu Long tại Mỹ.
Bộ phim Hapkido (được phát hành tại Mỹ dưới tựa Lady Kung Fu) có Angela Mao tham gia từng có lúc vượt qua Long tranh hổ đấu của Lý Tiểu Long trong cuộc đua doanh thu phòng vé tại nước Mỹ.
Nữ hiệp cuồng nộ trên màn ảnh
Thành công của Angela Mao ở dòng phim võ thuật chủ yếu đến từ việc bà vốn là một võ sư được đào tạo bài bản trước khi bén duyên với điện ảnh. Điều này khác với nhiều nữ diễn viên luyện võ theo yêu cầu của vai diễn thời bấy giờ. Trên phim, Angela Mao lăn xả trong các cảnh hành động, liều lĩnh bất chấp chấn thương.
Hình ảnh Angela Mao trong Hapkido (1972). Ảnh: Golden Harvest.
Từ năm 1968 tới năm 1992, bà đã góp mặt trong hơn 40 bộ phim lớn nhỏ và tạo dựng một sự nghiệp ấn tượng trên màn ảnh. Các tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp của Mao có Hapkido (1972), Lady Whirlwind (1972) hay When Taekwondo Strikes (1973). Bà đồng thời góp mặt trong phim võ hiệp The Fate of Lee Khan (1973) của đạo diễn King Hu.
Trong giai đoạn này, bà hợp tác ăn ý với Hồng Kim Bảo. Huyền thoại dòng phim võ thuật thường xuyên dàn dựng các cảnh chiến đấu cho phim của Angela Mao, đồng thời sắm nhiều vai phụ.
Ngôi sao võ thuật Hoàng Gia Đạt là bạn diễn quen thuộc của Angela Mao. Nữ diễn viên thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim của đạo diễn Huang Feng và hai người sau này đã bắt tay thành lập một hãng phim.
"Diễn xuất trên màn ảnh của Angela Mao vô cùng ấn tượng", David Wilentz - người chủ trì chương trình hỏi - đáp với Mao trong khuôn khổ Old School Kung Fu Fest tổ chức tại New York năm 2017 - nhận xét. "Tôi nghĩ điều khiến Angela Mao trở nên nổi tiếng toàn cầu là sự mãnh liệt trong diễn xuất của bà".
"Những nhân vật của Angela Mao trên màn ảnh đều ẩn chứa sự giận dữ bị kìm nén. Cái nhìn của bà như cảnh báo rằng nếu bạn làm tới, bạn sẽ phải hứng chịu toàn bộ cơn cuồng nộ ấy... Một trong những người con của Mao kể với tôi rằng khi đã lớn, nếu thấy mẹ nhìn mình bằng đôi mắt ấy, họ biết chắc mình đã gặp rắc rối to", Wilentz nói.
Nữ diễn viên xuất thân từ trường võ
Angela Mao sinh năm 1950 tại Đài Loan (Trung Quốc). Từ năm lên 6 tuổi, bà đã theo học võ thuật tại trường đào tạo diễn viên Kinh kịch. Sau này, minh tinh thường diễn các vai nữ hiệp và nổi tiếng nhờ khả năng dùng chân đánh bật 12 cây thương.
Nữ diễn viên tham gia một bộ phim ở Đài Loan trước khi ký hợp đồng với hãng phim Golden Harvest tại Hong Kong năm 1970. Thời điểm đó, Golden Harvest mới được sáng lập bởi Raymond Chow và Leonard Ho sau khi họ rời khỏi hãng Shaw Brothers. Angela Mao chính là nghệ sĩ đầu tiên ký hợp đồng với hãng.
Hai năm sau khi ký hợp đồng với Golden Harvest, Angela Mao đã có vai diễn để đời. Ảnh: Golden Harvest.
Theo lời Andre Morgan - nhà sản xuất của Golden Harvest, những ngôi sao đã thành danh khi ấy đều không dám làm việc cùng hãng phim mới bởi lo ngại sẽ bị Shaw Brothers đưa vào danh sách đen. Do đó, họ quyết định tập trung phát triển những tài năng mới như Mao.
The Angry River (1971), bộ phim kiếm hiệp giả tưởng có sự tham gia của Angela Mao, là tác phẩm đầu tiên đến từ Golden Harvest. Tiếp sau đó, bộ phim võ thuật Lady Whirlwind và Hapkido đã đưa tên tuổi Mao lên hàng ngôi sao.
Tác phẩm làm nên tên tuổi Angela Mao
Hapkido xoay quanh một nhóm bạn phát hiện ra ngôi trường dạy môn hiệp khí đạo tại vùng đất bị quân Nhật chiếm đóng trên lãnh thổ Trung Quốc. Bất bình trước sự bành trướng của quân phát xít xâm lược, họ đã lên kế hoạch thách đấu và trả thù.
Hai bạn diễn ăn ý của Angela Mao là Hồng Kim Bảo và Hoàng Gia Đạt đều góp mặt trong Hapkido. Không chỉ sắm vai một võ sinh, Hồng Kim Bảo còn là người dàn dựng các màn đấu võ trong phim. Với Hoàng Gia Đạt, Hapkido đánh dấu lần đầu tiên anh và Angela Mao diễn chung trên màn ảnh.
Angela Mao và Hồng Kim Bảo trong Hapkido. Ảnh: Golden Harvest.
Khi mới thành lập, Golden Harvest luôn tìm tòi chất liệu độc đáo để khiến những tác phẩm của họ trở nên khác biệt với Shaw Brothers. Và hiệp khí đạo - môn võ có xuất xứ từ Hàn Quốc - chính là đáp án mà hãng phim tìm kiếm.
Hãng đã cử Mao tới Hàn Quốc học hiệp khí đạo với những võ sư giàu kinh nghiệm trong vòng 18 tháng. Kết quả, trước khi trở về Hong Kong và bắt đầu ghi hình Hapkido, Angela Mao đã đạt tam đẳng huyền đai hiệp khí đạo.
"Cả Hồng Kim Bảo và Angela đều đã là những võ sư dày dặn kinh nghiệm, từng được đào tạo tại trường dạy Kinh kịch. Kinh nghiệm của họ giúp các cảnh hành động trong phim trở nên chân thực hơn. Và thành phẩm đã chiêu đãi khán giả những màn chiến đấu thật sự", Wilentz nhấn mạnh. "Thứ võ thuật mà các diễn viên thể hiện trong Hapkido vẫn còn mới mẻ và thú vị tới ngày hôm nay".
Cơ hội hợp tác với Lý Tiểu Long
Diễn xuất của Angela Mao trong Hapkido giúp bà có cơ hội vào vai Su Lin, chị gái của Lý Tiểu Long trong bộ phim Long tranh hổ đấu. Nữ diễn viên chia sẻ tại Old School Kung Fu Fest rằng: "Lý Tiểu Long đã quan sát tôi ghi hình cho Hapkido, nhờ thế tôi mới có được vai diễn. Ban đầu, vai của tôi không hề tồn tại. Lý Tiểu Long sau đó đã muốn thêm một vai nữ vào Long tranh hổ đấu sau khi theo dõi tôi ở Hapkido".
Angela Mao xứng đáng là tượng đài của dòng phim võ thuật Trung Quốc. Ảnh: Golden Harvest.
Bộ phim Lady Whirlwind tuy không gây ấn tượng như Hapkido, nhưng những màn đấu võ của Angela Mao lại dữ dội hơn rất nhiều. Nhân vật Tien của bà trong phim cũng là kiểu nhân vật nữ báo thù ít thấy trên màn ảnh thời bấy giờ.
Cốt truyện phim được pha trộn giữa hai cuộc báo thù xảy ra cùng lúc. Tien nuôi ý chí trả thù cho cái chết của em gái sau khi bị Ling (Chang Yu) phụ tình. Tuy nhiên, Ling không hề mang ác tâm và muốn tự mình rửa mối hận bị một nhóm người Nhật tấn công trước khi đấu với Tien.
Các cảnh chiến đấu của Mao trong Lady Whirlwind tiếp tục do Hồng Kim Bảo dàn dựng. Nhân vật Tien nuôi hận với nhân vật tay giang hồ do nam diễn viên thủ vai. Tien đã đoạt mạng gã giang hồ cũng như giành phần thắng trong nhiều trận đấu tay đôi hay một mình địch lại cả nhóm người trong Lady Whirlwind.
Bộ phim cuối cùng mà Angela Mao tham gia là Ghost Bride (1992). Hiện tại, bà là chủ sở hữu nhà hàng Nan Bei Ho ở New York (Mỹ). Bên trong nhà hàng lưu giữ khá nhiều kỷ vật ghi dấu quãng thời gian theo đuổi nghiệp võ của bà.
Nữ diễn viên cho biết thành công mà bà có được là nhờ quãng thời gian khổ luyện tại trường Kinh kịch khi còn bé. Mao chia sẻ: "Học Kinh kịch rất khó. Đó là điều khó nhất mà bạn có thể tưởng tượng. Nhưng tôi đã vượt qua".
"Angela Mao có thể coi là gương mặt thiếu nữ vàng của làng phim võ thuật", David Wilentz kết luận. Trong hơn hai thập kỷ trên màn ảnh, các tác phẩm của Angela Mao đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của dòng phim võ thuật Trung Quốc thập niên 1970, 1980.
Tài tử James Bond không tiếc nuối dù bị sa thải qua điện thoại Pierce Brosnan khẳng định ông không hề cảm thấy hối tiếc khi phải nhường lại vai diễn biểu tượng 007 cho đàn em Daniel Craig hồi đầu thế kỷ XXI. Trả lời phỏng vấn The Guardian, Pierce Brosnan khẳng định ông không hề luyến tiếc khi bị sa thải khỏi vai James Bond. Tập cuối cùng của Brosnan trong thương hiệu điện ảnh...