Lý Tiểu Long ngày bé rất sợ ma
Trong hồi ức của chị gái, nam diễn viên võ thuật là một cậu em hiếu động, nghịch ngợm nhưng cũng rất tình cảm và đặc biệt hiếu thuận.
Ngày 18/7, Lý Thu Nguyên – chị gái của Lý Tiểu Long – đã có mặt ở Bắc Kinh để tham gia hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày mất của huyền thoại này. Lý Thu Nguyên hiện đinh cư tại Mỹ, trở về quê hương mỗi khi có dịp gì đặc biệt. Lần này, ngoài việc trở về tham dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày mất của em trai, bà cũng về thăm quê nội Thuận Đức, Phật Sơn, Quảng Đông.
Huyền thoại Lý Tiểu Long qua đời cách đây 40 năm.
Gia đình họ Lý có năm người con, trong đó Lý Thu Nguyên là con gái lớn nhất, dưới bà là em gái Lý Thu Phượng và ba em trai Lý Trung Sâm, Lý Chấn Phiên (tứcLý Tiểu Long) và Lý Chấn Huy.
Kể về những lần về thăm quê, sáu mẹ con cùng lênh đênh trên một con thuyền nhỏ, buổi tối, năm chị em ngủ trong phòng thờ, vì sợ ma nên họ kéo mẹ vào ngủ cùng, sáu người chen chúc trên một chiếc giường nhỏ.
Lý Thu Nguyên vẫn giữ nguyên mọi hồi ức về cậu em trai nhỏ của mình, bà vẫn nhớ món ăn yêu thích nhất của Lý Tiểu Long là “shuang pi nai” (một loại váng sữa nổi tiếng của Quảng Đông) và món gan bò.
Video đang HOT
Bà Lý Thu Nguyên – chị gái của Lý Tiểu Long.
Bà kể, trong số các anh chị em, Lý Tiểu Long là người mà bà yêu thương nhất, có lẽ một phần do tính cách hai chị em rất hợp nhau. Ngày nhỏ, em trai bà là một cậu bé hết sức hiếu động, cả ngày ở ngoài đường, nghịch ngợm, nhảy nhót, la hét, lần nào bà cũng phải khổ sở, rát cổ họng mới gọi được em về nhà.
Theo lời Lý Thu Nguyên, em trai bà là một người rất hiếu thắng, không bao giờ chịu nhận thua, chính tính cách này đã tạo nên một Lý Tiểu Long kiên nhẫn, bền bỉ, không chịu khuất phục sau này.
Trong mắt chị gái, Lý Tiểu Long là một người giàu tình cảm và hiếu thuận.
Lý Tiểu Long rất sợ cha, ngang bướng, gan lỳ là vậy, nhưng chỉ cần cha khẽ lườm, ông hiền lành như một con mèo con, không dám ra ngoài quậy phá nữa. Những lúc ngoan ngoãn, ông thường ngồi ở nhà đọc sách và đôi khi tỏ ra trầm tư.
Lý Tiểu Long thường theo cha đi biểu diễn ở khắp nơi, khi cha biểu diễn, ông chơi với những người trong đoàn, giai đoạn này, ông đã bắt đầu đam mê võ thuật và diễn xuất. Ông tỏ ra khá lười biếng mỗi khi đi học, nhưng cứ nghe đến chuyện đi đóng phim, ông lại tỏ ra phấn chấn lạ kỳ.
Bà Lý Thu Nguyên tại một hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày mất em trai.
Ngoài việc lang thang khắp phố để bày trò nghịch ngợm và đánh nhau, Lý Tiểu Long cũng có những giờ phút say sưa với những cuốn truyện tranh. Ông thường chạy đến các tiệm cắt tóc để đọc ké những cuốn truyện mà thợ cắt tóc để sẵn ở đó phục vụ khách. Đôi lúc, ông dùng tiền dành dụm được để mua những cuốn truyện cũ bán tại các sạp. Những cuốn truyện mà ông đọc đều là truyện tranh võ thuật.
Ngoài ra, Lý Tiểu Long còn rất thích vẽ tranh, ông thường vẽ các nhân vật trong truyện tranh mà mình hay đọc, bà Lý Thu Nguyên kể, em trai bà vẽ rất đẹp, hiện tại vẫn giữ những bức tranh do em trai vẽ ngày đó.
Ngôi mộ Lý Tiểu Long tại Seattle, Mỹ.
Nhận xét về em trai, Lý Thu Nguyên nói, Lý Tiểu Long là một người có khí chất, sống hiếu thuận nhất và rất tình cảm. Thời gian ở Hong Kong đóng phim, mỗi lần nhận lương, ông đều biếu chị gái 50 NDT hoặc tự mua vải cho bà.
Khi đóng phim ở Seattle, Mỹ, ngoài việc gửi tiền về cho cha mẹ, Lý Tiểu Long còn không quên gửi kèm những món quà nhỏ cho tất cả các chị em trong gia đình.
Trong văn hóa Trung Quốc, hiếu thuận được tôn là đức tính quan trọng nhất, đó cũng là truyền thống của gia tộc họ Lý. Lý Thu Nguyên nói, sự hiếu thuận và sống trọng tình nghĩa của chị em bà là chịu ảnh hưởng từ cha.
Cha Lý Tiểu Long sinh ra ở Thuận Đức, Phật Sơn, Quảng Đông. Năm 8 tuổi, ông bắt đầu kiếm sống bằng cách bắt cá ở sông, toàn bộ số tiền kiếm được ông đều đưa hết cho mẹ.
Lý Tiểu Long cùng vợ và con trai.
Năm 1965, khi nghe tin cha mất tại Hong Kong, Lý Tiểu Long lập tức quay trở về từ Mỹ, đến cửa nhà tang lễ Cửu Long, ông đã quỳ xuống và cứ thế lết tới phía quan tài cha, trong số năm anh chị em, chỉ có một mình Lý Tiểu Long làm vậy.
Rất nhiều người rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh Lý Tiểu long gào khóc trước quan tài cha: “Cha, hôm nay con đã thành công rồi, sao cha không ở lại với con?”.
Lý Thu Nguyên kể: “Vì năm đó Lý Tiểu Long bỏ học để theo học võ thuật, cha chúng tôi không ủng hộ. Lý Tiểu Long nói sẽ cố gắng thành danh trên võ đường để cha thấy. Tiếc là khi Tiểu Long đã thành công thì cha không còn nữa”.
Những ấn phẩm trong hoạt động kỷ niệm ngày mất Lý Tiểu Long.
Mỗi lần trở về quê hương và nhận ra tình cảm của công chúng dành cho cậu em trai mình, Lý Thu Nguyên tỏ ra rất tự hào: “Có lẽ ở trên kia, cha mẹ tôi cũng sẽ thấy tự hào”.
Theo VTC