Lý Nhã Kỳ: “Nhiều bạn bè tôi đi du lịch trong nước bị chặt chém”
“Có bạn ăn hai đĩa bánh cuốn ở cái quán nhỏ thôi bị tính tiền 320 ngàn đồng, đi từ khách sạn ở Ô Quan Chưởng ra ga Hà Nội hết 500 ngàn đồng taxi hay đi từ Nội Bài về trung tâm Hà Nội hết hơn 1 triệu”, cựu Đại sứ Du lịch chia sẻ.
Với tư cách là cựu Đại sứ Du lịch Việt Nam, người đang tham gia các hoạt động quảng bá du lịch, Lý Nhã Kỳ có nghe, nắm bắt những thông tin về các vụ “bắt chẹt” du khách gần đây không? Ý kiến của chị thế nào?
Tôi rất quan tâm đến tệ nạn bắt chẹt, “chặt chém” du khách. Theo tôi, đó là hiện tượng rất xấu, ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài. Không chỉ vậy, người Việt Nam bị “chặt chém” khi đi du lịch cũng làm họ sợ hãi và dẫn đến lượng du lịch trong nước cũng bị ảnh hưởng.
Tôi cho rằng cần phải có những biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh ngay điều này.
Để chấn chỉnh tệ nạn này cần có sự phối hợp giữa chính quyền và người dân. Chính quyền cần mạnh tay, người dân cần hợp tác. Vấn đề nữa là chúng ta cần tuyên truyền và giáo dục để mỗi người dân đều có ý thức rằng họ là hình ảnh quốc gia – họ là một đại sứ du lịch tự nguyện để hành xử tốt hơn.
Cựu Đại sứ Du lịch Việt Nam Lý Nhã Kỳ rất quan tâm tới vấn nạn “chặt chém” khách du lịch đang “ nóng” trên các trang báo
Nạn “chặt chém” khách du lịch, đặc biệt khách du lịch nước ngoài ở Việt Nam đang là vấn nạn nhức nhối. Lý Nhã Kỳ đã từng nghe phàn nàn nhiều về vấn đề này qua bạn bè, khách du lịch quốc tế?
Tôi có nghe một số người quen của mình phàn nàn về điều đó. Mỗi lần như vậy tôi rất buồn. Tôi phải xin lỗi họ rồi nói với họ là chắc là tại vì họ “xui” nên mới gặp như vậy, tôi cũng nói là những người “chặt chém” du khách chỉ là số ít thôi, số nhiều còn lại là người tốt, yêu mến và sẵn sàng giúp đỡ khách du lịch.
Video đang HOT
Tuy nói với khách nước ngoài như vậy nhưng trong lòng tôi rất buồn. Tôi mong rằng một ngày gần đây, tôi sẽ không phải xin lỗi các bạn nước ngoài nữa vì người dân của mình có ý thức cao hơn.
Theo Lý Nhã Kỳ, không chỉ khách du lịch nước ngoài trong hình ảnh này bị bắt chẹt vòi tiền mà khách du lịch trong nước, cụ thể như bạn bè cô cũng từng bức xúc khi bị “chặt chém” (Ảnh: Hữu Nghị)
Cá nhân chị thì sao? Đã bao giờ chị rơi vào hoàn cảnh là “miếng mồi” của nạn “chặt chém” khi đi du lịch trong nước?
Tôi đi du lịch trong nước nhiều nhưng có lẽ là do là một nghệ sĩ, được nhiều người biết đến và cũng được khán giả yêu mến nên tôi chưa bị làm “miếng mồi” bao giờ. Nhưng nhiều bạn bè của tôi thì bị “chặt chém” hoài.
Ví dụ như khi ra Hà Nội, có bạn ăn hai đĩa bánh cuốn bình thường thôi, ở cái quán nhỏ thôi thì bị tính tiền hết 320 ngàn đồng, đi từ khách sạn ở Ô Quan Chưởng ra ga Hà Nội hết 500 ngàn đồng taxi hay đi từ Nội Bài về trung tâm Hà Nội hết hơn 1 triệu. Có nhiều bạn ra Hạ Long, ăn cua hấp bia, một lúc sau tính tiền thấy để hấp 1 kg cua mất tới 10 lon bia!…
Các bạn tôi bức xúc lắm nhưng không biết làm sao. Các bạn gặp tôi là cằn nhằn, nhăn nhó. Tôi đành an ủi các bạn thôi.
Là người từng đi nhiều nước, chị có gặp phải nạn “chặt chém” khách du lịch tương tự ở đâu không?
Có lẽ vì tôi may mắn nên chưa gặp điều này (cười)! Ở một số quốc gia có hiện tượng móc túi, ăn cắp đồ (như ở một số nơi công cộng như tàu điện ngầm, quảng trường đông người ở châu Âu chẳng hạn) nhưng việc các nhà hàng chặt chém du khách thì tôi chưa từng bị bao giờ. Các bạn tôi cũng chỉ bị móc túi theo nghĩa đen thôi chứ chưa bị “chặt chém”!
Lý Nhã Kỳ đi du lịch “bụi” tại Quảng Châu…
… mua sắm tại Campuchia
…và ăn ở một nhà hàng Pháp. Diễn viên kiêm doanh nhân thành đạt này cho biết, ở một số nước vẫn xảy ra tình trạng móc túi nhưng việc khách du lịch bị người bán hàng, taxi v.v… “chặt chém” như ở Việt Nam thì tuyệt nhiên không
Vậy với cương vị là cựu Đại sứ Du lịch, là người đang tích cực trong các hoạt động quảng bá du lịch, theo chị thì nên làm gì để có thể giảm bớt nạn “chặt chém” khách du lịch ở Việt Nam?
Tôi đọc báo và biết sáng kiến của Vũng Tàu – quê tôi rất hiệu quả: Gắn biển Địa chỉ tin cậy cho các nhà hàng tử tế. Các đơn vị được công nhận Địa chỉ tin cậy phải đạt 6 tiêu chí của chương trình gồm: chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách và các quy định của Nhà nước; bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ đã đăng ký; bảo đảm trật tự, an toàn vệ sinh cho du khách; cung cách phục vụ văn minh, lịch sự, thân thiện; niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết; luôn có ý thức cải tiến sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bảo vệ uy tín của ngành, không bị dư luận xấu phản ánh.
Tôi nghĩ rằng nếu như nơi nào cũng thực hiện như Vũng Tàu thì rất tốt!
Xin cảm ơn chị!
Theo Dantri
Ngành du lịch không cần số đo ba vòng của nữ đại sứ
Chuyện tuyển chọn đại sứ du lịch làm rộn ràng cả nước với những bình phẩm khen - chê và những lời đồn đại loanh quanh các người đẹp tham gia ứng cử.
Jennifer Phạm - một trong số ứng cử viên cho vị trí đại sứ du lịch.
Ngoài tên tuổi Lý Nhã Kỳ, báo chí còn tung thêm tin Ngọc Trinh cũng dấm dớ ít nhiều vào chuyện này, sự mập mờ về người đẹp hai mảnh có tham gia ứng cử đại sứ du lịch hay không làm cho sự kiện thêm hấp dẫn. Nó cũng gay cấn và đầy tính khẩn trương như thiên hạ đang đi truy tìm nguyên nhân vì sao vòng eo của Ngọc Trinh ít thon hơn dạo trước.
Đại sứ du lịch có làm cho ngành du lịch của Việt Nam phát triển vượt bậc, đem lại nguồn lợi không khói cho quốc gia không? Có thể trả lời ngay là rất ít, nếu không muốn nói là không! Đại sứ du lịch là một cá nhân được tuyển chọn, mang tính thủ tục trong giao lưu với cộng đồng quốc tế, tất nhiên cá nhân đó phải đáp ứng các tiêu chuẩn về sự nổi tiếng, sắc đẹp, trình độ ngoại ngữ... Và với các tiêu chuẩn này, không đến mức phải ồn ào suốt mấy tháng trời vẫn chưa tìm ra được một người cho nên phải kéo dài thêm 6 tháng.
Ngành du lịch của Việt Nam phát triển và thăng hoa, hình ảnh của đất nước Việt Nam đẹp đẽ và thân thiện nằm ở chỗ khác, không phải ở vòng eo hay vòng ngực của nữ đại sứ du lịch.
Xin được hỏi, hình ảnh của ngành du lịch như thế nào khi 11 chiếc sổ đỏ của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng bị giám đốc mang đi cầm cố để chạy dự án? Chúng ta đang sở hữu một tài sản vô cùng quý giá mang tầm nhân loại, được cả thế giới ngưỡng mộ, nhưng giá trị của tài sản này chỉ là quyển sổ đỏ để đi thế chấp. Nhận thức đó đủ đánh tan mọi cố gắng vươn lên của ngành du lịch.
Xin được hỏi, hình ảnh của ngành du lịch như thế nào khi trưng bày ảnh di tích Phật Sơn của Trung Quốc trong gian hàng trưng bày du lịch của Việt Nam tại Hội chợ quốc tế du lịch ở Đức? Lúc cần thể hiện vai trò của một đại sứ du lịch cho Việt Nam thì chúng ta lại làm đại sứ cho Trung Quốc!
Xin được hỏi, hình ảnh của ngành du lịch như thế nào khi các điểm thắng cảnh dơ bẩn, đầy rác và người ăn xin, bán hàng rong gí sản phẩm vào tận mặt du khách ép họ mua? Xe bus chở du khách trên các tuyến quốc lộ đầy rủi ro và chỉ chạy với tốc độ rùa bò? Đi đoạn đường từ TPHCM lên Đà Lạt 300km mà phải mất một ngày trời thì không còn ai muốn quay lại lần thứ hai nữa!
Hãy dành thời gian, trí tuệ, công sức để trả lời các câu hỏi trên, hơn là mải mê tìm một đại sứ du lịch có số đo ba vòng lý tưởng.
Theo Dantri
Việt Nam sẽ có nhiều Đại sứ Du lịch! "Ngoài Đại sứ Du lịch Việt Nam còn có Đại sứ Du lịch đại diện tại nhiều khu vực trọng điểm như Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản...", ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế nói. Ông cũng cho biết, đơn xin rút lui của Lý Nhã Kỳ vẫn chưa được xem xét. Trao đổi với phóng viên Dân trí...