Lý Nhã Kỳ: ‘Ai nói tôi ‘nổ’, người đó thiếu hiểu biết’
“Những người nào hay xài hàng cao cấp đo ni đóng giày như tôi thì mới hiểu, còn không hiểu thì họ cho là tôi nổ”- Đại sứ Du lịch Việt Nam bày tỏ.
Kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ Du lịch Việt Nam đầu tiên, Lý Nhã Kỳ đang là ứng cử viên sáng giá tiếp tục giữ cương vị này trong nhiệm kỳ 2013-2014. Trong năm qua và mới đây, cô cũng là nhân vật gắn với những vụ ồn ào về đồ hiệu, phụ kiện tiền tỷ.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tìm Đại sứ Du lịch (ĐSDL) nhiệm kỳ mới. Chị có tin mình là người trúng cử tiếp không?
- Đối với tôi, việc ứng cử ĐSDL không phải là một cuộc thi nên không có thắng thua. Không phải ai thắng sẽ có được nhiều thứ, quyền lực hay tài sản gì. Tôi chỉ nghĩ chức ĐSDL chỉ là một trách nhiệm, một công việc của người công dân phải đóng góp, phải làm cho đất nước.
Tôi có là ĐSDL hay không thì phải chờ kết quả bầu chọn sắp tới. Nếu mọi người còn tin tưởng, được số phiếu cao thì tôi phải nhận chức chứ! Chẳng lẽ tôi từ chối vì tôi không yêu nước nữa, tôi chỉ yêu một năm thôi? Nếu không làm ĐSDL thì tôi vẫn sẽ đi quảng bá cho Việt Nam ở cương vị khác. Ai cũng có thể làm điều đó chứ không phải chỉ ĐSDL mới được quyền làm.
Lý Nhã Kỳ diện trang phục và phụ kiện khoảng 14 tỷ trong một lần xuất hiện. Ảnh: Hạo Nhiên.
- Chị thấy mình có những ưu thế nào vượt trội?
- Thực sự, vai trò ĐSDL cũng liên quan đến công việc của tôi. Ngay kỳ đầu làm đại sứ, những gì tôi có đã hỗ trợ rất nhiều vai trò ĐSDL, chẳng hạn như tôi có những mối quan hệ quốc tế, có quan hệ với các lãnh đạo, tôi biết tổng Thống hay bộ trưởng của nước này nước kia… và tôi nhờ những người đó tiếp tục giới thiệu hình ảnh của Việt Nam ra thế giới.
Tài chính của tôi cũng là công cụ để giúp tôi thực hiện những việc đó nên tôi thấy không khó khăn. Nếu ĐSDL không có những mối quan hệ, quen biết với các chính khách quốc tế hoặc không có tài chính, không có ý tưởng, kế hoạch thì sẽ là một điều rất khó.
- Thông tin từ đại diện Bộ cho biết, họ cũng nhắm đến Mỹ Tâm, Mỹ Linh làm ĐSDL. Chị có nghĩ chức vụ của chị sẽ bị đe dọa?
- Cái chức ĐSDL không làm cho người ta cao hơn, bởi nếu nhận chức mà không làm tốt thì chỉ hạ mình xuống, còn nếu làm tốt thì mình được nâng lên một cấp. Tôi vẫn rất là ủng hộ Mỹ Tâm, Mỹ Linh hay bất cứ ai ứng cử cũng được bởi vì đây là tấm lòng yêu nước và muốn đóng góp chứ không phải là vì danh lợi gì.
Tôi muốn không phải chỉ có chị Mỹ Tâm, Mỹ Linh hay tôi làm ĐSDL mà hơn 90 triệu người dân Việt Nam cùng làm bởi mỗi một người đều đang đại diện cho hình ảnh Việt Nam.
Nếu tôi làm tốt chức Đại sứ mà hơn 90 triệu người không có ý thức đại diện cho hình ảnh Việt Nam thì cũng không thể lan tỏa và thành công được như năm qua. Vì vậy, tôi nghĩ hơn 90 triệu người Việt Nam chúng ta đã là Đại sứ rồi.
- Vậy thành công chị đạt được trong nhiệm kỳ ĐSDL vừa qua là gì?
- Thành công lớn nhất mà tôi đạt được là đã hoàn thành hầu hết những nhiệm vụ mà nhà nước cũng như Bộ Văn hóa đã giao.
Thành công thứ hai là sau một năm, tôi đã thay đổi được rất nhiều quan điểm mà ngày xưa người ta vẫn ngờ vực về mình. Trước đây, nhiều người nghi ngờ tôi không có đủ tư cách, năng lực để làm ĐSDL. Sau một năm chịu nhiều oan ức, nhiều scandal và cả những xúc phạm nặng nề nhất, niềm vui mà tôi có là đã thay đổi được họ.
Tôi nghĩ làm bạn với những người đã chửi tôi tốt hơn chứ không có ý định ôn lại hay kể lại những chuyện đó nữa. Tôi không hề trả thù hay lên báo để chửi lại những người xúc phạm tôi như một con vật mà im lặng vượt qua được tất cả để làm tốt nhiệm vụ, đạt được thành công.
Tôi đã được công chúng tín nhiệm, ủng hộ thì đó là những gì để lật lại những gì mà ngày xưa họ chưa tin mình. Thành quả của tôi đã được nhà nước trao bằng khen công nhận cuối năm qua là minh chứng rõ ràng nhất.
Lý Nhã Kỳ trong cuộc vận động bình chọn vịnh Hạ Long là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới.
- Phải chăng chính những sự phản ứng, sự xúc phạm đó đã là động lực để chị chứng minh bản thân?
Video đang HOT
- Thực ra, tôi không phải là người háo thắng, bị người ta chê nên phải làm bằng được. Đơn giản, việc mọi người không tin tưởng đã dạy tôi phải làm gì để mọi người hiểu được tính cách, con người mình và hiểu được là tôi đang muốn làm cho đất nước. Tôi là một người có trách nhiệm trong công việc. Cho dù việc đó là nhỏ hay lớn, khi tôi đã quyết tâm làm thì tôi sẽ làm cho trọn vẹn, làm tốt nhất với khả năng có thể của mình.
Tôi làm mọi việc đều có hoạch định và lường được những cái gì xứng đáng, những cái gì phải trả giá. Tôi chưa nuối tiếc bất kỳ việc gì mình làm vì những gì tôi cũng đã đều làm hết sức mình có thể. Ai cũng cho mình là ông trời để tự phán xét
- Cả năm qua và vừa rồi, chị lại bị gắn với những vụ khoe hàng hiệu quá lố và thích “nổ”, chị thấy sao?
- Nhân tiện đây, tôi cũng nói luôn sau một năm bị mọi người đánh giá như thế. Như vừa rồi, mọi người cho rằng tôi nổ đi mua đồ ở Thượng Hải mà nói là đi Pháp mua đồ hiệu.
Mọi người chưa hiểu vấn đề phía sau của bài viết mà đã vội cho rằng tôi nổ. Chuyện đó là một bạn phóng viên viết nhầm thông tin từ email mà người quản lý của tôi gửi. Sau 3 giờ đăng, người ta cũng đã chỉnh sửa thông tin nhưng mọi người không biết và cứ quy chụp như vậy.
Nói tôi nổ, mọi người có biết rằng sự hiểu biết rất quan trọng. Tôi nói thẳng là nếu ai không hiểu biết thì cuộc đời họ đã chết đi một nửa, còn nếu ai đố kỵ thì chết luôn cả cuộc đời.
Nhiều người không biết nên chỉ căn cứ vào giá bán trên một trang mạng mà đã nói là tôi nổ. Đơn giản bởi thuế cho đồ hiệu ở Việt Nam là 65% thì bộ đồ nó sẽ mắc tiền hơn khi mua tại Pháp và nếu mua tại Ý thì lại rẻ hơn nữa bởi thuế tại Ý là 45%, như vậy là cái giá của nó đã khác nhiều rồi.
- Chị không có thói quen khoe đồ hiệu, nhưng tại sao chị lại gửi những hình ảnh đi mua sắm đồ hiệu cho phóng viên đăng báo?
- Không phải tôi khoe bởi vì nếu khoe thì tôi đã khoe cái giá trị của những bộ đồ này. Tôi đi Pháp dự show Fashion week thì các phóng viên gửi mail bảo tôi gửi hình, gửi thông tin để đăng. Việc này là sự hỗ trợ nhau trong công việc, nếu tôi là một người ích kỷ thì tôi đã từ chối cung cấp, nhưng liệu chúng tôi có còn là bạn bè được không?
Bản thân tôi thấy, tôi hỗ trợ thì các bạn phóng viên đảm bảo được bài, được công việc. Nếu mà nói thẳng ra, tôi thích nổi tiếng thì tôi đã lên rất nhiều báo bìa rồi. Không tin, các bạn có thể hỏi những người trong ngành báo xem có phải người ta cứ mời là tôi đồng ý không. Tôi đã từ chối rất nhiều bởi tôi không sắp xếp được thời gian. Hoặc nếu tôi mê sự nổi tiếng của một diễn viên thì tôi đã tham gia rất nhiều phim điện ảnh chứ không phải là 2-3 năm tôi mới tham gia một phim.
- Còn việc công bố giá cả trang phục và phụ kiện tiền tỷ của chị trên các báo?
- Tôi chưa bao giờ công bố, chưa bao giờ kêu phóng viên nào tới để chụp bộ đồ và công bố giá của nó là 5 tỷ hay 10 tỷ. Các bạn phóng viên hỏi tôi và tôi nghĩ vì quý mến và hỗ trợ công việc của các bạn nên tôi giúp.
Tôi rất bình thường chia sẻ và khi thông tin được phân rất cho nhiều người đọc, có người bình thường nói Lý Nhã Kỳ mua mắc quá, người không ủng hộ thì nói “con này nổ, làm gì có tiền mà xài 5-10 tỷ cho một bộ đồ?”. Mỗi người có quyền nghĩ như họ muốn vì nó phụ thuộc vào công việc, điều kiện của họ. Bạn không thể ép người khác nghĩ bộ đồ 5 tỷ là xạo quá đi bởi nó không ra cái nhìn của cả xã hội.
Ngay cả tôi, tôi cũng không dám nói mình am hiểu mọi vấn đề và chưa bao giờ phán xét ai. Tôi luôn lắng nghe và phân tích để học hỏi thêm.
- Vậy vì sao trên nhiều diễn đàn, chị hay bị ghét vì “nổ”?
- Vậy mọi người phải xem xét lại trên các diễn đàn kia, họ là những con người như thế nào? Tôi chưa dám phán xét họ là người ganh ghét, đố kỵ với mình nhưng có thể biết rằng họ chưa hình dung ra được ở trên trên thế giới có những bộ đồ tiền tỷ, vì họ chỉ nghĩ bộ đồ thường chỉ 5-10 triệu, đồ hiệu bình thường là 20 triệu là cùng. Họ không biết những bộ đồ mà tôi mặc như của Chanel không phải bán để cho tất cả mọi người mà ai muốn mua phải đến để thử chứ không được gửi số đo. Khi mặc thử, họ thấy bạn mặc đẹp, mới chịu bán chứ không phải là bạn có tiền là họ sẽ bán.
Thứ 2 là khi họ may xong, họ phải bắt mình bay qua Pháp thử một lần nữa, rồi sau đó phải ký hợp đồng là người duy nhất sử dụng, không được quyền chuyển nhượng lại dưới bất kỳ hình thức nào. Những vấn đề đó không phải ai cũng biết. Những người nào hay xài hàng cao cấp đo ni đóng giày kiểu này thì họ mới hiểu, còn họ không hiểu thì họ cho là nổ.
- Những món hàng hiệu thế này đối với chị có phải là đẳng cấp không thể thiếu?
- Tôi chưa bao giờ phải nghĩ rằng mình cần gắn với những bộ đồ hiệu đắt tiền mới được nổi tiếng, và đâu phải lúc nào tôi cũng mặc đồ hiệu.
Tôi không phải là nô lệ của đồ hiệu, cũng không phải là nô lệ của đồng tiền, mà là người điều khiển nó để nó phục vụ cho cuộc sống của tôi có ích hơn. Cách viết của báo, mạng phong tôi là Nữ hoàng hàng hiệu thì vô tình tự nhiên biến tôi thành nô lệ của đồ hiệu. Tôi không quan trọng thứ mình mặc là hàng hiệu hay không hiệu.
Nói như vậy thì mọi người sẽ hỏi là vậy sao tôi mua đồ hiệu. Không phải tôi mà bất cứ ai có điều kiện và tài chính đều có quyền sở hữu những món đồ hiệu.
Tôi có điều kiện nhưng không phải tôi xa xỉ hay hoang phí mà là nó hợp với tôi, tôi thích. Khi tôi là một người làm nghệ thuật và được am hiểu, được đi ra thế giới thì tôi được ngắm nhìn những thiết kế hàng hiệu chất liệu đẹp, đường cắt tinh tế, hợp với tài chính của tôi thì tôi mua.
“Tôi không phải là nô lệ của đồ hiệu”.
- Vậy chị nghĩ vì sao một số đồ hiệu mắc tiền chị mặc cũng bị chê xấu?
- Cái đó là quan điểm của mỗi người. Nếu một vấn đề đưa ra cho 100 người mà được 100 sự đồng tình thì chúng ta mới nói tới, còn chúng ta đang sống trong một xã hội mà chưa bao giờ có vấn đề nào đưa ra nhận được 100% sự đồng tình. Một vấn đề có hàng trăm ý kiến và nó hoàn toàn khác nhau, đó mới là xã hội và những bộ đồ của tôi cũng vậy.
Đối với tính cách, cặp mắt thẩm mỹ của tôi thì tôi thấy nó đẹp, nhưng người này thấy không đẹp, người kia thấy ok, người nọ thấy vừa vừa… Khi phân tích cái gì, mọi người phải đặt mình vào trong đó và phải suy nghĩ có chiều sâu, đừng có chộp giật, mang tính chất đố kỵ để nói lên một vấn đề. Đấy là báo chí, còn trên các diễn đàn, mỗi cá nhân ai cũng cho mình quyền phán xét, ai cũng cho mình là ông trời để rồi tự cho phán xét của mình là đúng!
Theo VTC News
Mỹ Tâm sẽ thay Lý Nhã Kỳ làm Đại sứ du lịch?
Đại sứ du lịch Việt Nam Lý Nhã Kỳ đã hết nhiệm kỳ nhưng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vẫn chưa tìm được người thay thế.
Về tiêu chuẩn chọn Đại sứ du lịch, ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết: Người được chọn vào vị trí này không nhất thiết phải là nghệ sĩ nhưng phải được đông đảo công chúng biết đến và có mối quan hệ rộng rãi với bạn bè quốc tế.
Cũng theo tiết lộ của ông Nguyễn Văn Tình hiện Cục Hợp tác quốc tế đang có ý định mời Mỹ Tâm đảm nhận vai trò này.
Mỹ Tâm đang được Cục hợp tác Quốc tế "nhắm" tới cho chức vụ Đại sứ du lịch Việt Nam.
Cũng theo tiết lộ của ông Nguyễn Văn Tình thì Cục Hợp tác Quốc tế đã nhận được hồ sơ ứng cử vào vị trí Đại sứ Du lịch của cô Huỳnh Thị Ngọc Hân. Cô gái gốc Cần Thơ này có 2 bằng thạc sĩ chuyên ngành Kinh doanh quôc tê và Quan hê công chúng tại Australia. Cô đã từng đoạt danh hiệu Người đẹp du lịch của cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011.
Hồ sơ tự ứng cử của cô Huỳnh Thì Ngọc Hân gửi Cục hợp tác Quốc tế được trình bày bằng song ngữ Việt - Anh. Trong bộ hồ sơ dài 100 trang này, Huỳnh Thị Ngọc Hân đã liệt kê thông tin nhân thân, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, các thành tựu và giải thưởng đạt được cũng như các công tác xã hội và các chương trình quảng bá văn hóa du lịch Việt Nam mà cô tham gia.
Người đẹp Huỳnh Thị Ngọc Hân tự ứng cử cho vị trí Đại sứ du lịch Việt Nam.
Ngoài ra, cũng có thông tin cho hay Hoa khôi Thể thao Thu Hương - người vừa dành giải Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Quý bà Thế giới 2011 cũng đang được cân nhắc cho vai trò Đại sứ du lịch.
Trước đó, trong cuộc bình chọn Đại sứ du lịch năm 2012, đã có 6 ứng cử viên được đề cử cho vị trí này. Phần đa trong số họ là diễn viên, ca sĩ nổi tiếng.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của ông Nguyễn Văn Tình thì việc mời những nhân vật nổi tiếng là rất khó vì "Nhà nước không thể trả thù lao cho họ theo như yều cầu của họ. Ví dụ, các chương trình quảng bá văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, chỉ có thể trả thù lao theo chế độ của Nhà nước. Mời các nhân vật nổi tiếng đi, họ đòi cát-xê rất cao...".
Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Quý bà Thế giới 2011 - Thu Hương cũng là một ứng cử viên cho chức Đại sứ du lịch.
Lý Nhã Kỳ là người duy nhất tự ứng cử cho chức Đại sứ du lịch. Trong thời gian đầu, cô đã vấp phải sự phản đối dữ dội của dư luận.
Tuy nhiên, trong một nam đảm nhận vai trò này, Lý Nhã Kỳ đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc quảng bá du lịch Việt Nam, đặc biệt trong cuộc bình chọn Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới và cuộc vận động Việt Nam đăng cai ASIAD 2019...
Lý Nhã Kỳ vừa được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trao bằng khen vì "Đã có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động bình chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên của thế giới mới".
Trước đó, Lý Nhã Kỳ cũng chia sẻ mong muốn tiếp tục được đảm nhận vai tr Đại sứ Du lịch Việt Nam năm 2013. Còn trong trường hợp Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tìm được Đại sứ mới, Lý Nhã Kỳ cho biết, cô sẵn sàng "giúp đỡ họ, truyền đạt cho họ những kinh nghiệm khi đi ra thế giới, gặp gỡ bạn bè thế giới, chúng ta phải làm gì để họ có ấn tượng về một đất nước Việt Nam nồng hậu và thân thiện".
Trong hơn một năm qua, Lý Nhã Kỳ đã có rất nhiều hoạt động tích cực trong việc quảng bá du lịch Việt Nam.
Tiêu chuẩn đối với Đại sứ Du lịch Việt Nam
1. Đối với công dân Việt Nam
1.1. Là công dân Việt Nam, có lòng yêu nước, lý lịch nhân thân tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa; chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
1.2. Có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, trung thực, gương mẫu, trách nhiệm, có đủ điều kiện về sức khỏe, không vi phạm pháp luật và các quy định của Nhà nước.
1.3. Có kinh nghiệm tham gia các hoạt động xã hội.
1.4. Có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực hoạt động của mình, có thành tựu nổi bật trong hoạt động nghề nghiệp và xã hội, có đóng góp tích cực cho sự tiến bộ của xã hội.
1.5. Có khả năng vận động tài chính từ những nguồn lực xã hội phục vụ cho công tác xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam.
1.6. Có khả năng trình bày, tuyên truyền trước công chúng nước ngoài bằng tiếng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ nước sở tại.
1.7. Có uy tín và có ảnh hưởng tích cực đối với xã hội.
1.8. Tự ứng cử hoặc được cá nhân, tổ chức khác giới thiệu ứng cử Đại sứ Du lịch Việt Nam.
2. Đối với người nước ngoài
2.1. Là công dân nước sở tại, có tình cảm và gắn bó với Việt Nam, lý lịch nhân thân tốt, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và những quy định của nước sở tại.
2.2. Có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, trung thực, gương mẫu, trách nhiệm, có đủ điều kiện về sức khỏe.
2.3. Có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực hoạt động của mình, có thành tựu nổi bật trong hoạt động nghề nghiệp, xã hội tại nước sở tại, có đóng góp tích cực cho Việt Nam.
2.4. Có khả năng trình bày, tuyên truyền trước công chúng nước ngoài bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ nước sở tại.
2.5. Có khả năng vận động tài chính từ những nguồn lực xã hội phục vụ cho công tác xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam.
2.6. Tự ứng cử hoặc được cá nhân, tổ chức khác giới thiệu ứng cử Đại sứ Du lịch Việt Nam.
Theo Khám Phá
Lý Nhã Kỳ đã hoàn thành tốt vai trò ĐSDL Gần đây, thông tin về Bộ VH,TT&DL xúc tiến việc bổ nhiệm Đại sứ du lịch (ĐSDL) đã nhận được sự quan tâm theo dõi lớn từ phía công chúng. PV Đất Việt đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Nhất Hoàng, Giám đốc trung tâm xúc tiến Văn hóa, thể thao và du lịch thuộc Cục Hợp tác quốc tế (Bộ...