Ly kỳ vụ lùi xe ô tô để cứu vợ nhưng lại tông chết chồng
Bị cáo lùi chiếc xe ô tô với mục đích cứu người vợ, nhưng do mất bình tĩnh mà đạp nhầm chân ga, khiến chiếc xe lao về phía người, tông người chồng tử vong.
Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng mới đây thông báo đến các Viện KSND địa phương trong khu vực, để rút kinh nghiệm chung liên quan đến một vụ án hình sự về tai nạn xe ô tô gây hậu quả chết người.
Muốn cứu người nhưng lại gây chết người
Theo nội dung vụ án, rạng sáng 16.3.2021, ông N.Q.C (thông tin đã được mã hóa) điều khiển xe ô tô chở theo 4 người, trong đó có N.T.D, đi ăn khuya. Cùng lúc, bà H.T.A là vợ ông C., liên tục gọi điện thoại trách móc chồng.
Ly kỳ vụ lùi xe ô tô để cứu vợ nhưng lại tông chết chồng. ẢNH MINH HỌA
Khi đến gần quán ăn, ông C. thấy bà A. đang ngồi trên xe mô tô ven đường, liền điều khiển ô tô tông thẳng về phía vợ mình, làm cho bà A. và chiếc xe mô tô ngã xuống đường, chân phải bà A. bị kẹt giữa xe mô tô và phía trước xe ô tô.
Tiếp đó, ông C. để xe ô tô nổ máy, bước xuống khỏi xe, đi đến chỗ bà A. rồi dùng tay chân đánh, đá vợ. Thấy vậy, D. và một số người trong quán ăn chạy ra can ngăn.
D. dùng tay kéo chân của bà A. ra nhưng không kéo được, bèn nói to “có ai biết lái xe ô tô không, lùi giùm cái xe để lấy chân vợ anh C. ra”, nhưng không ai ở hiện trường biết lái xe.
Trước tình thế cấp bách, dù không có giấy phép lái xe và đã uống rượu bia, D. vẫn liều lên xe ô tô của ông C., điều khiển xe lùi về phía sau rồi dừng lại, với mục đích giúp bà A. thoát ra.
Nhờ chiếc ô tô lùi lại, bà A. đứng dậy được và tiếp tục xô xát với chồng ở phía trước đầu xe ô tô. Đúng lúc, vì D. không tắt máy nên chiếc ô tô tự di chuyển chậm về phía 2 vợ chồng đang đứng.
Do mất bình tĩnh, D. dùng chân phải đạp mạnh chân ga làm xe ô tô tăng tốc lao về phía trước, tông trúng vợ chồng ông C., cuốn ông vào gầm xe và kéo lê 18 mét. Hậu quả, ông C. tử vong, bà A. bị thương nhẹ.
Tháng 7.2021, N.T.D bị Viện KSND thị xã HN, tỉnh BĐ truy tố tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo điểm a, b khoản 2 điều 260 bộ luật Hình sự, khung hình phạt 3 – 10 năm tù.
Hai tháng sau, TAND thị xã HN mở phiên tòa sơ thẩm, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, tuyên phạt D. 30 tháng tù về tội danh nêu trên. D. kháng cáo xin giảm hình phạt.
Tháng 1.2022, TAND tỉnh BĐ mở phiên phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo của D. bằng việc sửa bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo phạm tội vô ý làm chết người chứ không phải tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và xử phạt 10 tháng tù.
Vô ý làm chết người hay vi phạm quy định giao thông?
Đến tháng 12.2022, Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh BĐ để xét xử lại theo hướng thay đổi tội danh và xem xét kháng cáo của N.T.D.
Tháng 2.2023, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng ban hành quyết định giám đốc thẩm, chấp nhận toàn bộ kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng.
Thông qua vụ án trên, Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng TAND tỉnh BĐ đã có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án.
Theo cơ quan này, có đủ căn cứ để xác định bị cáo D. đã thực hiện hành vi điều khiển xe ô tô tham gia giao thông gây tai nạn làm chết người, vì vậy phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, chứ không phải tội vô ý làm chết người.
Hơn nữa, D. điều khiển xe ô tô tham gia giao thông khi chưa có giấy phép lái xe và đã sử dụng rượu bia với nồng độ cồn 0,47mg/1 lít khí thở. Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm điều tra, truy tố, xét xử D. theo điểm a, b khoản 2 điều 260 bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.
Khi xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh BĐ cho rằng bị cáo D. điều khiển xe ô tô không nhằm mục đích tham gia giao thông mà là để cứu người, nhưng do thực hiện thao tác không đúng nên đã vô ý đâm vào bị hại khiến tử vong; hậu quả chết người nằm ngoài ý thức chủ quan của D., nên xét xử bị cáo về tội vô ý làm chết người. Tuy nhiên, Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng nhận định quan điểm này là không đúng, vì như đã phân tích ở trên.
Chuyện lạ trong vụ ô tô tông 17 xe máy trên đường Võ Chí Công
Nhiều người đỗ trước vạch, vượt đèn đỏ trong vụ ô tô tông 17 xe máy trên đường Võ Chí Công, Hà Nội.
Báo chí và mạng xã hội 2 ngày nay dày đặc thông tin về vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên đường Võ Chí Công (Hà Nội). Theo ghi nhận, 18 người đi trên 17 xe máy đã bị một ô tô tông bất ngờ ngay giữa ngã tư.
Ảnh cắt từ camera giám sát giao thông tại thời điểm vài giây trước khi chiếc xe ô tô hất văng 18 người tại đường Võ Chí Công
Ngã tư bất thường
Người đàn ông lái ô tô khai đã đạp nhầm chân ga thay vì chân phanh và gần như tuyệt đại đa số các ý kiến bình luận về vụ việc chỉ xoay quanh nguyên nhân vì sao tài xế đạp nhầm chân ga, mà quên mất rằng, hành vi của những người đi xe máy cũng là một phần nguyên nhân của vụ tai nạn nghiêm trọng đó.
Xem thật kỹ các góc quay camera về vụ tai nạn, chúng ta sẽ thấy trong số 18 người đi xe máy gặp nạn, nhiều người trong số họ đã chấp hành luật giao thông theo cách rất "lạ". Họ đỗ vượt quá vạch dừng, thậm chí ùn ùn rồ ga vượt giao lộ khi đèn chưa xanh.
Giá như họ tuân thủ Luật GTĐB, dù rằng sẽ chậm lại vài giây, có thể sẽ không bỏ lỡ bữa cơm chiều bên gia đình ngày hôm đó.
Đèn vẫn đỏ còn 3s mới chuyển sang xanh nhưng rất nhiều người đã ra tới giữa ngã tư (Video vụ ô tô tông 17 xe máy ở đường Võ Chí Công)
Vấn nạn xe máy đi vào hẳn trong phạm vi nút giao để dừng chờ đèn đỏ, chặn cả làn dành cho người đi bộ chẳng phải đến bây giờ mới xuất hiện. Nó tồn tại dai dẳng hàng chục năm qua bất chấp các chiến dịch tuyên truyền về văn hóa giao thông hay các đợt cao điểm xử phạt vi phạm.
Khoảng 20 năm trước, những năm 2003-2004, Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội ra quân xử phạt rất mạnh tay hành vi vượt qua vạch dừng xe để chờ đèn đỏ. Báo chí thời đó cũng đăng khá nhiều loạt bài với nhiều hình ảnh ấn tượng về những hàng xe tăm tắp xếp hàng dừng chờ đèn đỏ ngay ngắn trước vạch dừng.
Những tưởng rằng, với nỗ lực này, ý thức chấp hành Luật GTĐB của người đi xe máy sẽ có một bước tiến, thế nhưng, mọi chuyện rồi cũng chỉ dừng lại ở đó.
Hết đợt ra quân, xe máy lại tự do, thích dừng đâu thì dừng. Bẵng đi 2 chục năm, cái chuyện vượt qua vạch dừng vào trong phạm vi ngã tư để chờ đèn đỏ, vượt đèn đỏ đã trở thành chuyện không lạ, trở thành "đặc quyền" của xe máy.
Để rồi đến mức, bức ảnh 2 người đàn ông dừng xe ngay ngắn trước đèn đỏ giữa một đêm đông năm 2019 trở thành chuyện "lạ". Bức ảnh nhanh chóng trở thành đề tài gây bão mạng, thậm chí lên cả báo. Đâu đó có một vài người đặt câu hỏi: "Từ bao giờ cái chuyện bình thường lại thành chuyện "lạ".
Bức ảnh gây bão mạng năm 2019
Lại thêm 5 năm nữa, tình hình chưa khả quan hơn, thậm chí việc đi lại lộn xộn bất tuân quy tắc của xe máy lại như một căn bệnh ngày càng lan rộng. Muốn chứng kiến cảnh xe máy vượt đèn đỏ, đi ngược chiều hay tràn sang phần đường đối diện xin mời ra các trục đường lớn như: Phạm Hùng, Cầu Giấy, Trường Chinh, Võ Chí Công hay ngay khu trung tâm như ngã tư Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh.
Không thể phủ nhận việc đi sớm vài giây hay vượt đèn đỏ khi thấy "văng vắng" là phản xạ thường trực của không ít người đi xe máy.
Phải phạt nguội xe máy, khó cũng phải làm
Nhiều người sẽ hỏi CSGT ở đâu? Thực tế, họ vẫn đang làm công việc của mình. Họ cũng vẫn thực hiện việc xử lý vi phạm theo chức năng nhiệm vụ. Tuy vậy, hãy thử nhìn vào thực tế hàng trăm chiếc xe ùn ùn lấn lên từng chút một, không một lực lượng nào có thể xử lý cho xuể. Ấy là chưa kể chỉ cần tập trung xử lý vi phạm, chỉ cần sao nhãng đôi chút việc hướng dẫn, điều tiết, nguy cơ xảy ra ùn tắc là rất lớn.
Vậy nên, điều cốt yếu hiện nay là phải áp dụng phạt nguội với xe máy. Giải pháp đã khiến những người lái xe ô tô tuân thủ rất tốt luật giao thông.
Chế tài, quy trình xử lý phạt nguội đã được quy định trong Luật Xử lý Vi phạm hành chính 2020. Một chiếc ô tô vượt đèn đỏ, lấn làn sẽ rất nhanh chóng nhận được "phiếu phạt nguội" gửi đến tận nhà, nhưng điều đó gần như chẳng bao giờ xảy ra khi một chiếc xe máy vi phạm luật giao thông.
Cả nước đang thực hiện chuyển đổi số, toàn bộ vi phạm được cập nhật trên hệ thống, nếu CSGT phát hiện chiếc xe từng vi phạm, người điều khiển có thể sẽ bị xử lý với mức tái phạm và nộp phạt hai lần liên tiếp.
Tất nhiên, việc triển khai phạt nguội sẽ còn nhiều khó khăn, ví dụ như việc gửi thông báo phạt nguội tới chính chủ xe máy sẽ khó khăn hơn so với ô tô, tỷ lệ trốn tránh việc thi hành quyết định xử phạt có thể sẽ cao. Nhưng cứ làm đi đã, khó cũng phải làm. Việc đảm bảo ATGT chưa bao giờ là việc dễ dàng cả.
Luật ban hành không phải để người dân nhờn luật. Trách nhiệm thực thi là cả ở hai phía: cả người dân và cơ quan chức năng.
Vụ 'xe điên' gây tai nạn liên hoàn: Tài xế đạp nhầm chân ga Quá trình xác minh ban đầu, cơ quan công an xác định tài xế Hoàng Ngọc Vĩnh (63 tuổi) đạp nhầm chân ga, nên gây ra vụ tai nạn liên hoàn. Liên quan đến vụ "xe điên" gây tai nạn liên hoàn ở ngã tư Võ Chí Công - Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội), sáng 6/4, thông tin từ lãnh đạo...