Ly kỳ tượng vàng cổ: Tiền vào tay, họa vào người
Sau khi bán được bức tượng vàng quí hiếm giá 68 lượng vàng, gia đình ông Kình bỗng chốc thành tỷ phú. Niềm vui chưa trọn thì công an đến nhà khám xét, thu toàn bộ số vàng và bắt giam ông Kình để điều tra, truy tìm bức tượng vàng cổ.
Nghèo lại hoàn nghèo
Sau khi bán bức tượng cổ bằng vàng, ông Kình ôm 68 lượng vàng về chia một ít cho ông Chờ – người đào bức tượng với con trai ông, và tổ chức ăn mừng.
Ông Kình kể: Do số vàng quá lớn nên khi mang về cả nhà ông tìm cách giấu. Lúc đầu, ông cất dưới mái tranh nhà. Sau đó thấy không ổn nên ông đem ra giấu trong cây rơm. Thấy cũng không yên tâm nên giữa khuya cả 2 vợ chồng bí mật ra sau vườn đào hố chôn số vàng.
Về số phận bức tượng vàng, sau khi mua được, Bằng gọi điện cho Đào Danh Đức (1953) trú 18, Lê Công Kiều, Q.1, TP.HCM nói rằng mình có bức tượng cổ bằng vàng quí hiếm muốn bán. Ngay sáng hôm sau trùm buôn đồ cổ Đào Danh Đức đáp máy bay ra Đà Nẵng để xem và mua.
Khi Đức ra Đà Nẵng và tìm đến nhà Bằng (56/1 Trần Bình Trọng) gặp Bằng và Tiến để xem bức tượng. Bằng ra giá 1,1 tỷ đồng (tương đương 220 lượng vàng lúc bấy giờ).
Nghe Bằng ra giá quá cao, Đức bảo dưới 1 tỷ mới có thể tiếp tục đàm phán để mua và sau đó về lại Sài Gòn.
Hơn 2 ngày sau Bằng và Tiến mang bức tượng vào TP.HCM và gọi điện cho Đức để bán với giá dưới 1 tỷ đồng. Qua xem xét, Đức trả 810 triệu đồng (tương đương hơn 160 lượng vàng lúc bấy giờ), Bằng và Tiến đồng ý bán.
Bức tượng cổ thần Siva bằng vàng do cha con ông Kình đào được ở khu đồi ở làng Phú Long xã Đại Thắng, Đại Lộc Quảng Nam vào năm 1997
Trở lại câu chuyện bỗng chốc có trong tay hàng chục cây vàng, gia đình ông Kình trở thành tỷ phú của làng. Hai tay buôn tượng cổ Bằng và Tiến nhờ phi vụ này cũng kiếm được gần 100 cây vàng chia nhau.
Cả gia đình ông Kình và hai tay buôn tượng cổ sống trong giàu có chưa được mấy ngày thì công an Quảng Nam nhận được thông tin và tiến hành khởi tố vụ án để điều tra.
Ông Kình là nhân vật đầu tiên của manh mối vụ buôn bán cổ vật này ngay sau đó bị bắt tạm giam cùng với Bằng và Tiến.
“Lúc đó, thấy công an đến nhà hỏi về bức tượng bán cho ai tui thành thật khai báo, vì tui nghĩ mình đào được nên đem bán đâu biết rằng mình phạm tội buôn bán hàng cấm… ” – ông Kình nhớ lại. Toàn bộ số vàng bán bức tượng sau đó gia đình ông Kình đem giao nộp cho công an.
“Đến bây giờ đã hơn 15 năm trôi qua, mỗi khi nhớ lại bức tượng cổ bằng vàng mà thằng con trai tui đào được sau đó tui đem bán rồi bị bắt giam tui cứ nghĩ đó là giấc mơ chú à… ” – ông Kình tâm sự.
Video đang HOT
Lần theo dấu vết tượng cổ
Lần theo lời khai của ông Kình cùng hai tay buôn đồ cổ Tiến và Bằng, cơ quan điều tra công an Quảng Nam tiếp tục bắt tạm giam Đào Danh Đức và di lí về Quảng Nam; đồng thời tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở và kịp thời thu hồi bức tượng cổ bằng vàng mà Đức mua lại.
Hai vợ chồng ông Kình bây giờ sống trong nghèo khó.
Đại tá Nguyễn Hạnh Kiểm, nguyên Giám đốc Công an Quảng Nam, người trực tiếp chỉ huy chuyên án điều tra truy tìm bức tượng cổ bằng vàng, nói rằng nếu không kịp thời truy tìm chắc chắn bức tượng cổ quí hiếm này sẽ bị bán ra nước ngoài. Lúc đó quốc gia mất một bảo vật có một không hai trên thế giới.
Một cán bộ điều tra công an Quảng Nam kể rằng sau khi bị bắt tạm giam, ông Kình đã thành khẩn khai báo và đưa về nhà chỉ nơi cất giấu vàng. Khi đào lên thấy hàng chục cây vàng, cơ quan điều tra mới khẳng định việc mua bán bức tượng cổ là có thật.
Song, bức tượng cổ đó giờ ở đâu thì cần phải nhanh chóng truy tìm.
Đại tá Nguyễn Hạnh Kiểm nhớ lại: Khi có đầy đủ thông tin từ lời khai của ông Kình, Ban chuyên án quyết định cử nhiều nhóm điều tra viên lên đường vào TP.HCM và lần ra nơi ở của Đào Danh Đức. Rất may bức tượng vẫn còn nguyên và sau đó bức tượng được công an Quảng Nam thu giữ.
Ngay sau khi bức tượng cổ bằng vàng được thu hồi, công an Quảng Nam cho ông Kình tại ngoại sau khi bị tạm giam 1 tháng 3 ngày.
Qua giám định, cơ quan chức năng khẳng định: Bức tượng cổ bằng vàng là tượng thần Siva, có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ X, là một tác phẩm rất có giá trị về lịch sử văn hóa Chămpa và có giá trị kinh tế lớn nên nghiêm cấm mua bán, chiếm giữ trái phép.
Từ cơ sở này, công an Quảng Nam đã khởi tố vụ án, lần lượt khởi tố, bắt giam các bị can Nguyễn Đình Bằng, Nguyễn Đăng Tiến, Đào Danh Đức về tội “Buôn bán hàng cấm”.
Còn ông Nguyễn Văn Kình tội “Chiếm giữ trái phép tài sản XHCN và buôn bán hàng cấm”.
Do khi bị bắt, ông Nguyễn Văn Kình đã thành khẩn khai báo, hơn nữa do nhận thức còn hạn chế nên sau khi bị bắt giam 1 tháng 3 ngày, ông Kình đã được trả tự do. Các bị cáo còn lại bị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đưa ra xét xử vào đầu năm 1998 với mức án từ 3 đến 5 năm tù về tội “Buôn bán hàng cấm”.
Theo VNE
Ly kỳ đào vườn được tượng vàng vô giá
Ít ai biết gia đình này từng rơi vào vòng lao lý và hành trình truy tìm bức tượng này gian nan đến mức nào...
Những người dân làng Phú Long, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam vẫn còn nhớ như in buổi sáng ngày 23/7/1997 , khi cậu bé Nguyễn Văn Nông (sinh năm 1983) đào được bức tượng bằng vàng tại khu vực gò Đồi thuộc thôn Phú Long.
Hơn 15 năm trôi qua kể từ ngày bức tượng thần Siva bằng vàng - bảo vật vô giá của quốc gia độc nhất vô nhị - được thu hồi và trưng bày tại bảo tàng Quảng Nam. Nhưng ít ai biết được câu chuyện của gia đình tìm thấy bức tượng quý hiếm này. Họ đã từng rơi vào vòng lao lý và hành trình truy tìm bức tượng này gian nan đến mức nào...
Là phúc hay họa?
Câu chuyện trở thành tỷ phú của cậu bé 14 tuổi Nguyễn Văn Nông trú làng Phú Long 1, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam cách đây hơn 15 năm đến bây giờ người làng vẫn nhớ như in. Có người tiếc nuối, có người lắc đầu bảo "phúc họa - họa phúc" biết đâu mà lường!
Để tận tường câu chuyện ly kỳ, PV lần giở hàng trăm trang hồ sơ của vụ án, và tận mắt chứng kiến bức tượng đang được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam, rồi tìm đến gia đình cậu bé tỷ phú năm xưa để nghe câu chuyện thần may mắn gõ cửa và sau đó là những tháng ngày vướng vào vòng lao lý mà như nhiều người bảo chính lời nguyền của bức tượng vàng thần Siva đã khiến kẻ tìm thấy phải gánh chịu hậu họa...
Giữa trưa nắng vàng mắt cuối tháng 6, tôi tìm về làng Phú Long, Đại Lộc. Hỏi chuyện xưa, nhiều người dân làng Phú Long 1 lắc đầu bảo: Hồi đó ai cũng nghĩ lộc trời đãi gia đình cậu bé Nông. Nhưng lộc đâu chẳng thấy, chỉ thấy sau đó gia đình bị tù tội, nay thì họ đang lâm vào cảnh khốn khó thuộc diện hộ nghèo của xã.
Ông Kình chỉ khu đất nơi đào được bức tượng cổ bằng vàng
Cha con ông Nguyễn Văn Kình (1953) giờ vẫn chưa thể quên niềm hạnh phúc ngập tràn kể từ giây phút đào được bức tượng bằng vàng.
"Vào khoảng 8 giờ sáng ngày 23/7/1997 cả nhà tui qua dự đám cưới của người cháu họ thì thằng con tui là Nguyễn Văn Nông (1983), thấy cái máy rà phế liệu của đứa cháu để ở góc nhà nên mượn ra đồi sau nhà rà thử cho vui" - ông Kinh nhớ lại.
Trong lúc rà thử trên khu đất đồi sau nhà thì Nông nghe máy rà báo có kim loại trong lòng đất nên Nông gọi cho ông Lê Chờ - người trú cùng thôn đang có mặt tại đó để đào giúp.
Khi ông Chờ đào sâu khoảng 60cm thì phát hiện 1 hủ bằng bạc đã bị vỡ, bên trong có một bức tượng hình đầu người bằng kim loại màu vàng.
Hơn 30 phút hì hục đào, cuối cùng cả Nông và ông Chờ cũng đưa được bức tượng màu vàng lên mặt đất. Vì thấy bức tượng màu vàng nên ông Lê Chờ bảo Nông để ông đem về nhà cất. Thấy ông Chờ ngang nhiên chiếm bức tượng mình phát hiện được, nên Nông chạy về nhà báo với cha mình.
Nghe vậy, ông Kình chạy ra thì gặp ông Chờ đang cầm bức tượng. Ông Kình bảo ông Chờ đưa lại bức tượng vì chính con ông tìm thấy trong vườn nhà mình để đưa về cất giữ.
Làng quê dậy sóng
Lấy lại bức tượng bằng vàng đưa về nhà cất giấu, chỉ mấy tiếng sau tin gia đình ông Kình đào được bức tượng quý nhanh chóng truyền đi. Người dân trong làng rồng rắn kéo đến xem bức tượng.
Vì người đến quá đông nên cha con ông Kình đem giấu, không cho xem.
Bức tượng cổ thần Siva bằng vàng do cha con ông Kình đào được ở khu đồi ở làng Phú Long xã Đại Thắng, Đại Lộc Quảng Nam vào năm 1997. Sau khi bị thu hồi, bức tượng được trưng bày tại bảo tàng Quảng Nam.
Thông tin bức tượng vàng cổ quý hiếm được tìm thấy khiến giới săn tìm đồ cổ các nơi đổ về.
4 ngày sau, sáng 27/7/1997 , Trần Linh và Nguyễn Văn Vĩnh, trú Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam sau khi tận mắt xem được bức tượng bằng vàng của cha con ông Kình nên đã gặp và giới thiệu Nguyễn Đăng Tiến (1966) còn gọi Tiến "đầu bạc", trú Điện Minh, Điện Bàn cùng trong tỉnh.
Sau khi xem bức tượng vàng, Tiến "đầu bạc" ra giá 15 lượng vàng. Cha con ông Kình đồng ý bán, nhưng ông Lê Chờ người cùng đào bức tượng với Nông không đồng ý bán với giá đó.
Qua hôm sau, hai đối tượng săn mua đồ cổ là Võ Bổn và Trần Quý (cùng trú Duy Xuyên) khi nghe tin cha con ông Nguyễn Văn Kình có bức tượng cổ nên tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Anh (hay còn gọi là Chín móm) trú thôn Phú Đa, Duy Thu, huyện Duy Xuyên là bà con với ông Kình nhờ để Anh liên hệ mua giúp bức tượng.
Hơn 2 ngày sau, đến 29/7/1997 , Nguyễn Văn Anh ra Đà Nẵng tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Trung (trú kiệt 7, Hoàng Diệu, Đà Nẵng) và gặp ông Nguyễn Văn Kình đang tạm trú tại đây vì sợ ở quê không an toàn với bức tượng vàng.
Qua bàn tính, ông Anh khuyên ông Kình từ từ xem giá cả thế nào rồi mới bán, không nên bán vội.
Sau thất bại lần mua đầu tiên, Nguyễn Đăng Tiến thấy một mình không "kham" nổi việc mua bức tượng nên rủ Nguyễn Đình Bằng (1957) trú quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng cùng góp vốn để mua bằng được bức tượng vàng quý hiếm này.
Tuy nhiên, trong lần gặp này hai bên vẫn chưa thống nhất được giá cả nên ông Kình hẹn Bằng và Tiến đến 2/8/1997 tiếp tục bàn thảo về giá cả. Vì biết đây là bức tượng cổ vô giá sợ người khác mua, nên khi thấy Nguyễn Văn Anh đến gặp ông Kình để hỏi về bức tượng, Bằng sợ Anh giới thiệu cho người khác mua nên đã cho Anh 900 USD gọi là phí "bịt miệng".
Với số tiền nhận được từ Bằng, ông Anh không môi giới cho Bổn và Quý nữa.
Đúng thời gian đã hẹn, Kình, Bằng, Tiến gặp nhau tại nhà Nguyễn Văn Trung. Tại đây, ông Kình đã đồng ý bán bức tượng với giá 60 lượng vàng và hẹn sáng hôm sau sẽ mang giao bức tượng.
Sáng ngày 3/8/1997, Nguyễn Văn Kình và con trai đầu là Nguyễn Văn Nhân cùng Trần Quang Vĩnh (người cùng thôn) "áp tải" tượng cổ trên từ nhà ra Đà Nẵng để bán cho Bằng và Tiến.
Tuy nhiên, khi tiến hành giao bức tượng thì gia đình ông Kình đổi ý và đòi giá 75 lượng vàng mới chịu bán.
Thấy gia đình ông Kình đổi ý, cả Bằng và Tiến tiếp tục thương lượng và cái giá cuối cùng là 68 lượng vàng và gia đình ông Kình đồng ý giao bức tượng quí và nhận vàng.
Theo vietbao
Các ngân hàng đã trả nợ dân hơn 100 tấn vàng Tính đến đầu tháng 5, các tổ chức tín dụng đã tất toán trên 80% số dư huy động vốn bằng vàng (hơn 100 tấn), tạo nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Hơn 100 tấn vàng vừa được ngân hàng trả về cho người dân (ảnh minh họa). Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước...