Ly kỳ truy bắt tên cướp Sáu Thẹo P.2
Hành vi tội ác của Sáu Thẹo khiến dư luận quần chúng càng hoang mang lo lắng, lãnh đạo tỉnh và ngành công an càng bức xúc với trách nhiệm của mình.
Dùng súng tên cướp bắt hắn thúc thủ
Trong cuộc họp án, đại tá Ngô Quang Nghĩa nói với Ban chuyên án: Vụ Nguyễn Văn Sáu Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực UBND tỉnh rất quan tâm. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hai Bình hỏi tôi “khi nào công an mới bắt được Nguyễn Văn Sáu, các anh để tên Sáu hoành hành đến bao giờ?”, bây giờ tôi chuyển câu hỏi này cho các đồng chí trả lời. Chẳng lẽ cả trung đội trinh sát thiện chiến và các lực lượng công an cơ sở khắp nơi mà để tên Sáu hoành hành mãi vậy sao? Tôi yêu cầu các đồng chí tung hết “ngón nghề” vào trận, các biện pháp nghiệp vụ mà các đồng chí phải tập trung là xây dựng lực lượng quần chúng có khả năng nắm bắt tình hình, tăng cường tuần tra mật phục những điểm nóng cả ngày lẫn đêm. Tôi hạ lệnh cho các đồng chí bằng mọi giá phải bắt được tên Sáu trước Tết Nguyên đán để bà con yên tâm vui Tết đón xuân.
Sự chỉ đạo của đại tá Ngô Quang Nghĩa và Ban chuyên án đã được lực lượng trinh sát thực hiện rất quyết liệt và cũng nắm được một số tin tức về tên cướp độc hành Nguyễn Văn Sáu. Tuy nhiên cũng chỉ là chuyện hắn cướp hiếp xong vài ngày thì mới biết. Hắn như bóng ma ẩn hiện bất chợt lúc nửa đêm hay gần sáng gieo rắc kinh hoàng rồi biến mất khiến lòng dân bất an tột độ.
Lúc bấy giờ ông Nguyễn Thanh Bình (Út Bình, Trưởng công an Hồ Nước) đã xây dựng được một quần chúng có khả năng nắm tình hình tốt, đó là anh Nguyễn Thành Tâm (Tư Tâm, SN 1949, quê quán ấp Trảng Cỏ, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng) đang sống cùng cha là ông Nguyễn Văn Ri ở bến Cây Trâm, ấp Bà Xự, xã Định Thành, huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé (nay thuộc huyện Dầu Tiếng, Bình Dương). Lúc này anh Tâm làm Đội trưởng Đội khai thác chất đốt của Công ty Chất đốt TP. Hồ Chí Minh. Khoảng cuối năm 1980, một thanh niên khoảng 30 tuổi, người hơi lùn, ăn mặc tuềnh toàng, áo bộ đội, đội nón cối mang theo khẩu súng AK vào xin làm công nhân khai thác chất đốt và ở nhờ. Anh ta nói tên là Bình, quê miền Bắc, hoàn cảnh khó khăn xin làm công nhân kiếm tiền dành dụm để về quê. Còn khẩu súng AK không có đạn tên Bình bảo nhặt được cất để đi săn thú rừng. Thấy hắn có vẻ “hiền lành chất phác” nên ông Ri nhận làm con nuôi. Tư Tâm lớn hơn Bình một tuổi nên làm anh. Bình bảo anh Tâm đi xin đạn lắp vào súng để săn thú kiếm thịt cải thiện bữa ăn. Vì đội khai thác chất đốt của anh Tâm có kế toán, thủ quỹ, có tiền của công ty giao để thu mua chất đốt nên cũng có súng cabin để bảo vệ, giờ có thêm khẩu AK nữa thì càng yên tâm nên anh Tâm đem súng cất trong buồng.
Chiều hôm sau, khi vợ anh Tâm tắm thì thấy tên Bình hay để ý rình xem. Nghe vợ nói vậy, anh Tâm linh cảm điều bất an nên để ý hắn. Những ngày tiếp theo, nhớ lời các anh Công an Hồ Nước thông báo về đặc điểm và thủ đoạn hoạt động của tên cướp Nguyễn Văn Sáu, đặc biệt hắn rất dâm đãng, hay hãm hiếp phụ nữ, thế là anh Tâm nghi ngờ Bình chính là tên cướp Nguyễn Văn Sáu. Nhưng làm sao đi báo công an mà hắn không nghi ngờ, anh Tâm vắt óc suy nghĩ kế sách. Vào sáng ngày thứ tư kể từ khi hắn xuất hiện, anh Tâm bảo “em ở nhà, anh đi xin ít đạn AK để về anh em mình săn thú rừng cải thiện bữa ăn”. Hắn không nghi ngờ gì việc rời khỏi nhà của anh Tâm bởi lý do anh Tâm nói cũng là chủ ý trước đó của hắn. Tâm nhanh chân đến Công an Hồ Nước gặp Út Bình kể lại sự việc. Giao 20 viên đạn AK và căn dặn anh Tâm một số điều cần thiết, Út Bình phân công trung úy Nguyễn Trung Sơn – Đội trưởng Bảo vệ chính trị và gọi anh Lê Công Kỳ – Trưởng ấp A3, xã Phước Minh – đi cùng anh Tâm để nếu đúng Nguyễn Văn Sáu thì tìm cách khống chế bắt giữ.
Trưởng Ban chuyên án Sáu Huệ
Khi về nhà, anh Tâm vào bảo Bình đun nước pha trà tiếp khách. Anh nói với Bình, hai anh này (ý chỉ anh Sơn và anh Kỳ) là người đến cưa cây giúp. Lúc này Trung Sơn và anh Kỳ mặc đồ giống như người đi làm mướn, và mang theo cưa, rựa. Nhớ lời Út Bình, trung úy Sơn và ông Kỳ vẫn giữ khoảng cách với tên Bình và thản nhiên tính toán công việc cưa cây khiến tên Bình không nghi ngờ gì. Mọi việc để anh Tâm sắp xếp hành động. Sau khi bảo Bình đun nước, anh Tâm nói “anh xin được mấy chục viên đạn AK, chiều nay anh em mình đi săn thú kiếm thịt ăn”. Nói rồi anh lẳng lặng vô buồng lấy khẩu AK của hắn nạp vô 10 viên đạn. Anh Tâm cầm súng bước ra và nháy mắt cho trung úy Sơn chuẩn bị hành động. Khi Bình đang lum khum chụm lửa thì anh Tâm bất ngờ chĩa súng vào người hắn hô: “Nguyễn Văn Sáu, giơ tay lên, mày đã bị bắt”. Dù là tên cướp khét tiếng tung hoành dọc ngang nhưng quá bất ngờ và trước khẩu súng đầy đạn, hắn đứng như trời trồng, không nói được câu nào. Ngay lập tức, trung úy Sơn phóng tới bẻ tay hắn ra sau lưng khóa lại và cùng anh Kỳ trói giải về Công an Hồ Nước. Trên đường về, tên Sáu có ý định nhảy xuống sông tẩu thoát nhưng đã bị Trung Sơn đe: “Mày mà nhảy xuống là tao cho lặn dưới đáy sông luôn đó”. Lời cảnh cáo của Trung Sơn khiến hắn chùn bước. Hắn cúi đầu im lặng theo các anh về Công an Hồ Nước.
Được tin công an đã bắt được tên cướp khét tiếng Nguyễn Văn Sáu, đông đảo nhân dân đến chúc mừng và hết lời khen ngợi lực lượng công an và người hùng Nguyễn Thành Tâm.
Ngày 5-12-1980, hàng trăm người dân từ các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu, Trảng Bàng và Bến Cát, Sông Bé đổ về sân vận động công trường Dầu Tiếng để nghe sự phán quyết của công lý đối với tên cướp khét tiếng đã gây bao kinh hoàng khiếp đảm cho họ. Sau khi làm rõ tội trạng của Nguyễn Văn Sáu, chủ tọa phiên tòa Trương Quốc Anh hỏi: “Anh cướp bóc, hãm hiếp hàng chục phụ nữ, rồi còn giết người, anh biết tội mình phải nhận mức án thế nào không?”. Sáu cúi đầu im lặng rồi thốt lên lí nhí: “Tội tôi đáng chết”. Khi tòa cho phép nói lời cuối cùng, hắn không xin tha tội chết mà nói: “Đời có Sáu Thẹo thì không có Trung Sơn. Có Trung Sơn thì không có Sáu Thẹo” (ý hắn ám chỉ có trung úy Nguyễn Trung Sơn mới bắt được hắn). Và lời của hắn quả là linh nghiệm vì chính tay súng thiện xạ Nguyễn Trung Sơn – người đã từng nổi danh diệt ác phá kềm thời chống Mỹ – đã tiêu diệt hắn sau này.
Video đang HOT
Ông Trần Bình Trọng – người trực tiếp chỉ huy truy lùng
Đào hầm vượt trại tạm giam
Nếu như ngày tòa tuyên án tử hình Sáu Thẹo người dân vui mừng nhẹ nhõm bao nhiêu thì tin hắn vượt ngục làm cho bà con bàng hoàng sửng sốt và lo lắng bấy nhiêu. Chuyện vượt ngục của hắn khá ly kỳ ngoạn mục.
Chẳng là trong những ngày chờ thi hành án tử hình, Nguyễn Văn Sáu được nhốt chung buồng với tên tử tội Nguyễn Văn Đúng (SN 1958, ngụ ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên). Đúng bị tuyên án tử hình trong phiên tòa ngày 12-12-1980 về tội “giết người” và “hiếp dâm” (chưa thành). Trước khi đi bộ đội, Đúng đã hứa hôn với một cô gái. Nhưng khi hắn về thì cô gái đã lên xe hoa. Đúng đau khổ vô cùng nhưng cố nén lòng chịu đựng mong cho thời gian xóa nhòa mối tình đẹp trong ký ức. Nhưng hàng ngày chứng kiến cảnh người yêu tay trong tay hạnh phúc cùng chồng, hắn không chịu nổi, thế là kế hoạch trả thù hình thành trong đầu hắn. Chiều tối 5-5-1980, Đúng rủ người yêu cũ ra bờ suối tâm sự lần cuối. Nể tình hắn cô gái nghe theo. Dưới ánh trăng đêm, hắn tỏ lời níu kéo tình xưa và muốn đưa cô gái đi xa để cùng xây tổ ấm. Bị cô gái cự tuyệt, hắn nổi xung thiên bóp cổ trấn nước cô đến chết rồi hãm hiếp. Nhưng hắn chưa kịp thực hiện hành vi đồi bại thì nghe có tiếng người nên bỏ đi. Ngay ngày hôm sau hắn bị công an bắt giữ.
Hành vi tội ác của Nguyễn Văn Đúng đã đưa hắn đến với tên cướp khét tiếng Sáu Thẹo.
Lúc bấy giờ, trại tạm giam của Công an Tây Ninh còn sơ sài tạm bợ, tường mỏng, nền đất nên với một kẻ đã từng là trinh sát đặc công thì việc đào thoát đối với hắn không mấy khó khăn. Là phòng biệt giam nên ít ai thăm viếng, thế là cả hai tên ngày đêm khoét hầm, đất lấy lên chúng trải dài và dện chặt lại trên sàn, lấy chiếu trải lên làm nơi ngủ nên cán bộ quản giáo khó phát hiện dấu vết lạ. Sau hơn một tuần miệt mài đào móc, cuối cùng chúng đã đào được hầm thoát xuyên lòng đất ra ngoài. Vào một đêm mưa, gió thổi vùn vụt, cả hai thoát khỏi buồng giam. Sáu Thẹo vào phòng cán bộ quản giáo M.T lấy khẩu súng K54 và bộ đồ cảnh sát làm phương tiện phạm tội.
Tin hai tên tử tù vượt ngục làm cho lãnh đạo Công an Tây Ninh hết sức đau đầu. Đại tá Chín Nghĩa triệu tập cuộc họp khẩn cấp Ban chuyên án cũ và lãnh đạo các phòng nghiệp vụ cảnh sát, an ninh, công an các huyện Dương Minh Châu, Tân Biên, Tân Châu, Trảng Bàng và Công an Hồ Nước để bàn kế hoạch truy bắt hai tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Trước khi đi họp, lúc 4 giờ sáng, Trưởng công an Hồ Nước – Út Bình nhận được bức điện của cơ yếu báo về việc hai tên tử tù trốn trại, trong đó có tên Sáu Thẹo, Út Bình chỉ đạo các chiến sĩ lập tức đến nhà Tư Tâm đưa cả gia đình lên Công an Hồ Nước lánh nạn vì sợ Sáu Thẹo đến trả thù. Quả đúng như dự đoán, ngay chiều hôm ấy căn nhà Tư Tâm đã phát hỏa cháy rụi.
Không khí cuộc họp khá căng thẳng. Đại tá Chín Nghĩa và đại tá Sáu Huệ chỉ đạo thiết lập vòng cương tỏa từ hồ Dầu Tiếng xuống Bến Củi, Bà Nhã, tập trung toàn lực vào việc truy lùng hai tên tử tù đặc biệt nguy hiểm. Lực lượng trinh sát hình sự và an ninh tỉnh, huyện làm nòng cốt, cùng công an các địa phương phối hợp tuần tra mật phục ngày đêm ở những nơi trọng yếu.
Xuất hành đầu năm tiếp tục cướp hiếp
Hai ngày sau khi trốn trại, Sáu Thẹo cùng Nguyễn Văn Đúng đến đội khai thác gỗ lòng hồ dùng súng K54 khống chế các nhân viên lấy một khẩu súng AK, một khẩu M16. Từ đây, hai tên cướp thường xuyên dùng ba khẩu súng để đi cướp bóc, hãm hiếp. Dù biết công an đang ráo riết truy lùng nhưng Sáu Thẹo và Nguyễn Văn Đúng vẫn tiếp tục hoạt động ngày càng liều lĩnh, táo bạo hơn.
Khoảng 10 giờ tối mùng 5 Tết năm 1981, Sáu Thẹo và Đúng mang súng vào nhà ân nhân là gia đình ông bà Sáu Thuân ở ấp 1, xã Bến Củi. Đã biết tiếng Sáu Thẹo nên khi hắn nói “vô thím kiếm ít tiền vàng làm ăn đầu năm” thì bà Thuân vội đưa chìa khóa cho hắn đi mở tủ. Lục kiếm chẳng có gì, hắn nói “nhà thím khá nhất ở đây mà không có gì sao, đừng để đầu năm xui xẻo đó”. Nghe hắn nói vậy, em Phương, con gái bà Thuân, liền vứt sợi dây chuyền vào góc nhà nhưng không qua mắt được hắn. Hắn bảo “nhặt lên đưa đi cô em”. Bà Thuân bảo Phương đưa sợi dây chuyền cho hắn. Sau đó hắn bảo “còn bông tai, nhẫn vàng đưa luôn đi”. Bà Thuân bảo con gái “thôi đưa cho chú Sáu đi con, mai mốt có tiền má sắm lại cho”. Để sợi dây chuyền và đôi bông tai trên lòng bàn tay, Sáu Thẹo sảo sảo lắc lắc bảo “đầu năm xuất hành làm ăn mà có chừng này sao thím?”. Bà Thuân nói “tôi còn chiếc xe đạp với cái máy may chú có lấy thì lấy, mấy con bò đó chú có dắt thì dắt”. Hắn suy nghĩ một lát rồi lại lấy cái đầu máy may cầm đi. Trước khi rời khỏi nhà, Sáu Thẹo nói với vợ chồng bà Thuân “tôi đi rồi cứ báo công an là có Sáu Thẹo đến lấy đồ. Tôi là đặc công mà, công an sao tìm được. Có hôm tôi ở trên cây mấy ổng cứ dưới đất mà tìm”. Trong khi bà Thuân cất giọng nói “chú Sáu nói chơi chứ của đi thay người, có gì đâu mà thưa với gởi” thì ông Thuân ngồi trên ván run cầm cập, điếu thuốc Sáu Thẹo mời ông ngậm mãi mà không hút nổi. Đêm hôm sau, cả hai tên lên Phước Minh, vào nhà ông Nguyễn Văn Độ. Sự xuất hiện của hai tên cướp lăm lăm khẩu súng khiến vợ chồng ông Độ tái xanh mặt mày. Sáu Thẹo bảo có tiền vàng thì đưa hết để hắn đi ngoại quốc. Nhà chẳng có gì, bà Độ hỏi mượn của vợ chồng anh Quế – người ở nhờ – cái đồng hồ để “làm quà” cho chú Sáu. Sáu Thẹo lấy cái đồng hồ và máy cassette của anh Quế. Trước khi đi Sáu Thẹo đe “đi báo công an là cả dòng họ theo ông bà ông vải đó”. “Nỗi khiếp hãi cứ đeo đẳng tôi mãi đến giờ”, ông Độ nói với chúng tôi.
Chị Hạnh và bà Thuân kể lại việc bị Sáu Thẹo cướp
Chuyện trộm cắp cướp hiếp của Sáu Thẹo lúc này dễ như trở bàn tay. Dù công an có truy lùng cũng khó mà bắt được hắn bởi hắn đã từng là đặc công, đi không dấu, hành động khôn ngoan. Muốn trộm cướp nhà ai thì ban ngày hắn thám thính điều nghiên, ban đêm đột nhập nhẹ nhàng. Như trường hợp nhà chị Hạnh. Buổi chiều hắn đến hỏi thăm, nửa đêm 16-1 âm lịch 1981, hắn cùng tên Đúng mở cửa vào nhà. Nghe tiếng động, chị Hạnh cùng em gái thức giấc. Tên Đúng chĩa súng vào chị Hạnh đe dọa “ngồi im, nhúc nhích là vỡ sọ đó”. Trong khi đó Sáu Thẹo nhịp nhịp khẩu K54 trên tay bảo: “Chị là người giàu nhất vùng này, có tiền vàng thì đưa hết ra để bảo toàn tính mạng”. Chị Hạnh sợ quá vội cởi chiếc khâu, 1 tấm lắc, 1 đôi bông tai, 1 nhẫn cẩm thạch ra đưa cho hắn. Hắn còn buộc mở tủ lấy thêm khoảng 2 cây vàng và một số tiền. Sáu Thẹo cười đểu cáng nói với chị Hạnh: “Trong những vụ làm ăn của tôi, vụ này là khá nhất. Chị cũng biết điều lắm đó”. Chị Hạnh nghe miệng đắng ngắt không dám nói lời nào. Hai tên cướp đi rồi chị Hạnh mới hoàn hồn than trời trách đất. Mấy đêm sau, Sáu Thẹo cùng tên Đúng vạch phên vào nhà bà Nguyễn Thị Chiến ở Phước Minh. Nghe tiếng động bất thường, bà Chiến thức dậy hỏi ai đó thì nghe tiếng trả lời “Sáu Thẹo đây”. Bà Chiến vừa ra khỏi buồng ngủ thì thấy hai tên đang lăm lăm khẩu súng trên tay. Sáu Thẹo nắm ngực áo bà Chiến hỏi “chìa khóa tủ đâu?”. Bà Chiến nói chìa khóa ổng cất rồi. Sáu Thẹo chửi thề rồi lạnh lùng gắt giọng “mày đừng có láo, tao vô nhà quan sát kỹ rồi, nhà chỉ có mình mày. Đưa chìa khóa đây, nhanh lên”. Bà Chiến đành phải đưa chìa khóa cho Sáu Thẹo mở tủ lấy cái máy radio, 2 bộ đồ và 40 đồng.
Cứ như thế, hết Phước Minh rồi đến Bến Củi, xã nào hắn cũng cướp bóc, hãm hiếp hàng chục lần. Nhiều phụ nữ, cô gái bị hãm hiếp mà không dám tố cáo vì sợ hắn trả thù càng nguy hiểm hơn.
Ngăn chặn hành vi tội ác hai tên tử tù là nhiệm vụ đặc biệt khẩn cấp của Ban chuyên án lúc này. Trong cuộc họp án tại Công an Hồ Nước, đại tá Sáu Huệ nói “hiện nay trong tay Sáu Thẹo và tên Đúng có ba khẩu súng. Với tài bắn súng thiện xạ của một trinh sát đặc công, hắn có thể nã đạn chính xác vào chúng ta nên việc hy sinh là khó tránh khỏi. Nhưng các đồng chí cần nhận rõ trách nhiệm của mình, dù có hy sinh cũng phải bắt hoặc tiêu diệt bằng được chúng để trừ tai họa cho dân. Không làm được điều này thì chúng ta không còn xứng đáng với bốn chữ Công an Nhân dân”. Cuộc họp án bàn tính rất căng thẳng, đại tá Sáu Huệ chỉ đạo các phương án truy bắt vẫn giữ nguyên nhưng biện pháp xây dựng lực lượng quần chúng cần tăng cường hơn nữa.
Kết liễu cuộc đời 2 tên tử tội
Những vụ cướp bóc, hãm hiếp do Sáu Thẹo và Nguyễn Văn Đúng gây ra ngày càng nhiều, nhân dân hoang mang lo sợ tột độ nên đến đêm nhiều nhà lại phải đưa đàn bà con gái đi lánh nạn. Nhưng dù hắn có tàng hình cỡ nào thì đi đêm mãi cũng có ngày gặp… công an.
Đêm cuối tháng 2-1981, Sáu Thẹo và tên Đúng vào hai gia đình ở Phước Minh cướp hai đôi bông tai rồi bắt hai bà vợ ra ngoài đưa đi hãm hiếp. Ngay sáng sớm hôm ấy, tổ trinh sát ở khu vực này nắm được tin tức liền cử người chạy về báo tin cho Út Bình và Út Trọng đang trực chỉ huy tại Công an Hồ Nước. Lập tức hai anh gọi liên lạc qua máy PRC25 yêu cầu các cánh quân tổ chức truy lùng từ khu vực lòng hồ xuống và từ Bà Nhã – Bến Cũi lên. Men theo sông Sài Gòn, tiến dần về hướng các khu rừng Phước Minh – Định Thành, nơi hai tên tử tù vừa cướp hiếp. Tư Rổ chỉ huy một cánh từ khu vực Núi Cậu truy xuống, Út Trọng đi cánh giữa, còn trung úy Đội trưởng Bảo vệ chính trị Công an Hồ Nước Nguyễn Trung Sơn chỉ huy một tổ truy dọc theo mé sông vào khu rừng. Tổ của Trung Sơn có các chiến sĩ Khi, Bích, Út. Trung Sơn cầm khẩu AR16, Khi khẩu P64 và M79, Bích và Út mỗi người một khẩu AK. Suốt một ngày truy lùng trong rừng mà không thấy dấu vết Sáu Thẹo và Nguyễn Văn Đúng, các cánh quân liên lạc qua máy PRC25 trao đổi thông tin và xin chỉ thị của Trưởng Ban chuyên án Sáu Huệ. Riêng tổ của Trung Sơn không có máy liên lạc. Các anh phải dò đi theo các đường mòn. Đến gần sáng, gặp ông già đi rừng, Trung Sơn hỏi có thấy dấu vết gì về hai người trung niên trong rừng này không thì ông già lẳng lặng bỏ đi vẻ sợ sệt. Phải chăng ông già vừa gặp Sáu Thẹo mới hối hả lo sợ như vậy? Trung Sơn nghĩ và tiếp tục chỉ huy anh em truy lùng theo hướng ngược đường của ông già. Khi trời hừng sáng thì tổ của Trung Sơn tiến vào khu vực bến Cây Bứa, nơi dân hay chặt tre, nứa, có một số chỗ nghỉ chân thường ngày. Càng đi sâu vào trong, các anh càng nghe rõ tiếng rè rè của máy radio chứng tỏ có người đang ở đâu đây. Trung Sơn ra hiệu cho anh em nhẹ nhàng tiếp cận nơi phát ra tiếng máy rè đó. Phát hiện ở đây có bếp nấu nướng còn than nóng và khói, Trung Sơn nghĩ chắc chắn bọn Sáu Thẹo còn lẩn quẩn ở khu vực này. Tiến thêm vài bước, thiếu úy Út phát hiện ba chân người lòi ra từ lùm cây. Út lui lại nói với Trung Sơn. Trung Sơn bảo coi chừng lầm dân, để xem thử. Trung Sơn bước tới quan sát và xác định ngay đó là Sáu Thẹo. Anh lập tức hô “bắn”. Vừa hô hiệu lệnh, Trung Sơn liền nã đạn vào bụng Sáu Thẹo. Tên Đúng bật người dậy nhào tới liền bị Trung Sơn đánh bá súng vào đầu ngã chúi. Lập tức ba tay súng còn lại là Út, Khi, Bích liền nhã đạn xối xả vào hai tên cướp. Những loạt đạn nổ rần trời đã kết liễu cuộc đời hai tên cướp khét tiếng. Kiểm tra xác định Sáu Thẹo và tên Đúng đã chết, Trung Sơn liền bắn ba phát súng hiệu lệnh để các cánh quân khác biết và chạy đến. Các cánh quân lập tức chuyển hướng về phía tiếng súng nổ. Đến nơi, hàng chục cán bộ chiến sĩ đã khổ cực nằm rừng bấy lâu thấy hai tên cướp đã chết liền nổ súng ăn mừng chiến thắng và công kênh Trung Sơn lên mấy lần.
Buổi sáng hôm ấy, hàng trăm người dân đổ về hiện trường để tận mắt chứng kiến hai tên cướp khét tiếng đền tội. Nhân dân mở tiệc ăn mừng chiến thắng mấy ngày liền và hết lời khen ngợi lực lượng công an đã xóa đi nỗi khiếp đảm hãi hùng cho họ bấy lâu. Người nhà tên Đúng đưa xác hắn về nơi cư ngụ mai táng. Còn Sáu Thẹo không người thân đã được chính quyền và nhân dân chôn cất ở nghĩa địa Phước Minh, vĩnh viễn xóa đi những bóng ma tội ác hãi hùng.
Theo 24h
1 người dân dũng cảm bắt trộm, bị thương nặng
Chiều 21/2, ông Trần Duy Tân - Trưởng Công an xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) cho biết, ông L.V.T. (51 tuổi), người dân bị thương khi truy bắt nhóm trộm cắp, đang được các y bác sĩ Bệnh viện Nghĩa Hành chăm sóc, điều trị.
Trước đó, chiều 20/2, trên đường đi làm đồng về đến đoạn đường bê tông thuộc thôn Phú Lâm Tây, ông T phát hiện hai đối tượng đang có hành vi trộm cắp tài sản của người dân, liền bí mật theo dõi và chặn đường. Hai tên trộm liều lĩnh phóng xe máy bỏ chạy, ông T điều khiển xe đuổi theo.
Ông T bị thương, đang được điều trị
Trên đoạn đường rượt đuổi, một tên trộm ngồi sau xe dùng súng ná liên tục bắn đạn đá vào người ông T. Mặt dù trúng đạn, bị thương trên đầu và mặt nhưng ông T bất chấp, tăng ga áp sát hai tên trộm.
Hai đối tượng tại cơ quan công an
Cuộc rượt đuổi trên 2 km trên đường làng. Nhiều thanh niên bên đường cũng chạy theo hỗ trợ ông T. Khi xe ông T áp sát, hai tên trộm đã dùng xe ép và đạp xe ông T ngã xuống đường. Tuy bị ngã nhưng ông T đã kịp phối hợp một số người tóm gọn 2 tên trộm. Ngay sau đó ông T được người dân đưa đến Trạm y tế xã băng bó, điều trị khâu vết thương trên mặt, tay, chân.
Con dao và súng ná
Hai tên trộm tên Lê Văn Thanh và Lê Trung Việt, đều 19 tuổi, ở thôn Hoà Vinh, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành. Ngoài tang vật thu giữ súng ná cao su, hai tên trộm còn mang theo một con dao bấm trong người. Tên Thanh và Việt được giao cho cơ quan Công an điều tra, xử lý.
Hành động dũng cảm truy bắt 2 tên trộm đến cùng dù bị thương của ông nông dân T đáng khâm phục, biểu dương.
Theo 24h
Phó chủ tịch phường thích bắt cướp Do máu săn bắt cướp nên anh Thụy bỏ ra gần 5 triệu đồng mua một xe máy rồi "độ" thành "chiến mã" để làm phương tiện tuần tra, truy đuổi tội phạm. Anh đã lập đươc hàng chục chiến công nhưng không ít lần bị chống trả. Ngay từ nhỏ anh Trần Tường Thụy (37 tuổi) đã có máu săn bắt cướp....