Ly kỳ trúng 3 vé độc đắc trong ngày giỗ chồng
Hơn 6 năm trôi qua, người dân ở vùng quê nghèo xã Đức Lập Hạ (H.Đức Hòa, T.Long An) vẫn không quên chuyện trúng số độc đắc của một phụ nữ trong ngày giỗ của chồng.
Chuyện trùng hợp đến khó tin diễn ra khi người chồng không may mắn mắc bệnh ung thư quái ác và qua đời, khiến gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt. Nợ nần, tiền ăn học của các con, tất cả chất lên đôi vai gầy yếu của người phụ nữ góa bụa. Thế rồi trong lúc bi đát nhất, nhờ giấc chiêm bao giữa ban ngày, bà Lê Thị Quơ (SN 1961) đã thoát khỏi cảnh túng quẫn khi trúng tới 3 tờ vé số trúng độc đắc.
Giấc mơ trưa thay đổi cuộc đời
Quả thực, tới khu vực xã Đức Lập Hạ (H. Đức Hòa, Long An), khách chỉ cần nhắc tên bà Tám Quơ thì ai cũng kể vanh vách về giai thoại trúng số của người phụ nữ này. “Ông chủ tịch thiêng lắm, thấy vợ con khổ nên ông ấy về báo mộng cho trúng số”, một người bán nước gần nhà bà Quơ chia sẻ. Chính nhờ vận may kỳ lại đó, người phụ nữ này đã thoát ra khỏi “vòng kim cô” nợ nần và có tiền nuôi ba cô con gái ăn học thành tài. Khi biết chúng tôi có ý tới thăm bà Quơ, một người lái xe ôm đã nhiệt tình chỉ dẫn tới tận nhà. Thấy có khách, dù đang bận nấu ăn cho trường mầm non trước nhà, bà Quơ vẫn vui vẻ ngồi tiếp chuyện và kể lại vận may thay đổi cuộc đời mình. Nhớ lại chuyện trúng số 6 năm trước, bà mỉm cười nhìn lên di ảnh chồng rồi nói: “Ông ấy ‘báo mộng’ để giúp tôi có như ngày hôm nay đó!”.
Ngôi nhà của bà Quơ sửa sang sau khi trúng số.
Bà Quơ kể lại: “Chuyện này kể ra phải nói từ hôm ông nhà tôi trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện. Trước khi ra đi, ông ấy đã nói một câu: “Xin lỗi bà, tôi phải đi rồi, nhưng bà yên tâm tôi sẽ giúp bà thoát khỏi gánh nặng nợ nần này”. Sau khi ông ấy mất, ngày nào cũng có người tới gõ cửa đòi nợ khiến nhiều lần tôi tính bán nhà, trả cho sạch nợ rồi bỏ đi nơi khách làm ăn. Nhưng mỗi khi có ý định này, trong lòng tôi lại thấy bất an, lại không đành nhìn các con còn đang trong tuổi đi học phải chuyển trường, chuyển lớp. Thế rồi, tôi quyết tâm ở lại dù ngày nào cũng phải nghe những câu nói thiếu lịch sự của những người tới đòi nợ.
Chuyện trúng số cũng rất bất ngờ, xảy ra trong ngày giỗ của chồng tôi. Trước đây, ông ấy là chủ tịch xã nên có rất nhiều người tới hỏi thăm, khi tan đám mọi người về hết cũng là lúc tôi đi vào phòng nghỉ ngơi. Không hiểu sao, khi mới chợp mắt, tôi đã mơ màng thấy ông ấy ngồi bên cạnh. Thấy chồng, tôi liền than thở về khoản nợ quá lớn của gia đình mà không có cách nào trả nổi. Lúc đó, ông ấy chỉ khẽ nói: “Xin lỗi vì hôm nay mới về gặp bà được! Tôi về đây để hoàn thành lời hứa trước đây tại bệnh viện, nhưng bà cũng phải giúp một phần. Bà mua giúp tôi mấy tờ vé số!”… Khi tỉnh dậy, nghĩ đây chỉ là giấc mơ, bà Quơ tặc lưỡi: “Cả đời có mua vé số bao giờ đâu mà nay ông lại hiện về xúi vậy”.
Thế nhưng, tới gần 4h chiều hôm ấy, bà cứ nôn nao trong người mà không hiểu có chuyện gì. Cũng đúng lúc đó, ngoài cổng có một người phụ nữ bán vé số ghé vào nhờ mua giúp mấy tờ vé số ế. Nghĩ tới giấc mơ vừa trải qua, bà Tám Quơ chợt suy nghĩ: “Biết đâu ông ấy về báo mộng cho mình thoát khỏi cảnh khổ”.
Do vậy, bà mua liền lúc 5 tờ vé với hy vọng có thể trang trải nợ nần, có cuộc sống ổn định khấm khá hơn. Thế rồi, buổi chiều hôm ấy, bà như được tái sinh một lần nữa khi thấy người bán vé số hớt hải chạy lại nói: “Chúc mừng bà! Số bà may mắn thật, trúng liền lúc cả 3 tờ độc đắc”. Tưởng chị này trêu trọc, bà Quơ cười nói: “Chị cứ đùa! Tôi làm sao có thể may mắn như vậy. Nếu trúng độc đắc thật thì chị mong muốn gì tôi cũng cho hết”. Khi cầm tờ kết quả trên tay người bán vé số, bà Quơ vẫn cười nói: “Để coi vận may của tôi nào”. Thế nhưng, khi nhìn hàng số trên tờ vé của mình trùng với dãy số ở hàng giải đặc biệt, người phụ nữ này đã bật khóc. Bà khóc vì quá vui sướng, vì bao nỗi niềm chất chứa trong lòng từ bấy lâu nay và vì nỗi nhớ chồng trào dâng.
Sau khi bình tĩnh lại, bà tươi tắn thông báo chuyện trúng số độc đắc cho các con. Thấy mẹ nói vậy, cả ba cô con gái đều phá lên cười vì từ trước tới nay chưa khi nào họ thấy mẹ chơi vé số. Khi tận mắt nhìn từng con số, không ai bảo ai, họ ôm lấy bà mẹ đáng thương và khóc òa trong niềm vui sướng tột độ. Cả đêm hôm ấy, trong ngôi nhà nhỏ của người phụ nữ góa bụa không ai ngủ được.
Video đang HOT
Bước qua khó khăn nhờ trúng số
Ngày hôm sau, khi bình minh vừa ló, bà Quơ cùng bà cô con gái vội hối nhau đi lĩnh thưởng. Có tiền trúng số trong tay, người phụ nữ khốn khổ lập tức trả hết nợ nần. Phần tiền còn lại, bà Quơ nghĩ ngay tới việc phát triển kinh tế gia đình. “Sau khi trúng số, một phần tôi mang trả nợ cho người ta, một phần dành để sửa sang lại căn nhà và xây thêm 5 phòng trọ ở khoảng đất cạnh bên. Lúc này, tôi cũng muốn làm thêm một vài việc khác để kiếm sống. Đang rối trí chưa biết bắt đầu từ đâu,tôi bỗng nhận được lời đề nghị đảm trách việc nấu cơm phần cho trường mầm non trước nhà. Nghĩ mình có chút năng khiếu nấu ăn, tôi nhận lời ngay. Từ những công việc này, gia đình tôi có nguồn thu ổn định, đủ giúp tôi lo lắng tiền sinh hoạt và ăn học cho 3 người con, dù chưa thể làm giàu. Rồi khi các con ra trường, cũng một tay tôi xin việc và xây dựng gia đình cho chúng. Giờ nhìn đứa nào cũng ổn định, cuộc sống gia đình êm ấm, tôi thấy quá mãn nguyện rồi”, bà Quơ chia sẻ.
Bà Lê Thị Quơ ngồi trò chuyện với phóng viên.
Nhờ may mắn trúng số, cộng thêm nỗ lực đi lên từ khó khăn cùng cực, bà Quơ thường lấy câu “đói cho sạch, rách cho thơm” làm đầu mỗi khi nói chuyện với các con. Như hiểu lòng mẹ, từ ngày cha mất, cả ba cùng dọn về sống chung với mẹ như những ngày thơ bé. Ngồi bên mẹ, chị Văn Thị Mỹ Ngân (con gái lớn của bà Quơ) cho biết: “Từ ngày ba mất, mẹ phải tự tay lo cho cả ba chị em ăn học. Thấy mẹ thức khuya dậy sớm, mình thấy thương lắm. Mỗi lần như vậy, mình chỉ muốn bỏ học để ở nhà phụ việc nhưng mẹ lại gạt đi không cho. Tới giờ dù đã có gia đình và nhà riêng, mấy chị em vẫn ở chung và mong phụ giúp công việc phần nào cho mẹ đỡ vất vả”.
Con số may mắn viết nên chuyện cổ tích Trò chuyện với phóng viên, bà Lê Thị Quơ vẫn còn nhớ như in về dãy số đã làm thay đổi cuộc sống gia đình bà: “Dãy số tôi trúng giải đặc biệt hôm đó là 66847, Công ty xổ số kiến thiết tỉnh Tiền Giang mở thưởng ngày 13/8/2007. Khi kể lại chuyện trúng độc đắc, bà Quơ còn cho biết thêm: “Lúc đó tôi may mắn trung 3 giải đặc biệt, nhưng tôi chỉ lãnh 2 tờ, 1 tờ còn lại tôi đem cho đứa em thứ 4 vì thương em cũng khó khăn như mình. Thôi thì chị em có phúc cùng hưởng, cùng nhau đỡ khổ là tôi mình rồi”.
Bên đàn cháu ngoại, bà Quơ vui vẻ kể lại cảm xúc khi lần đầu tiên được cầm trong tay một số tiền quá lớn. “Mới đó mà đã 6 năm trôi qua, mọi chuyện cứ như một giấc mơ với tôi vậy. Cầm trên tay tiền trúng thưởng, tôi lại nghĩ về chồng. Số phận đã định vậy rồi, nhưng ông ấy ra đi sớm mà vẫn còn thương mẹ con chúng tôi. Bằng chứng là trong lúc cả nhà đang chìm trong tuyệt vọng thì ông lại về báo mộng cho trúng số. Nếu không có giấc mơ ấy, không biết giờ này cả 4 mẹ con không biết đã lang bạt nơi nào”, bà Quơ tâm sự. Nói rồi, bà tự hào về tổ ấm đề huề của mình hiện nay: “Cả đời mình lo toan cho con, giờ thấy chúng hạnh phúc và ở đây bầu bạn với mình, vậy là quá đủ. Sau này có nhắm mắt xuôi tay, tôi cũng không thấy thẹn lòng với cha của chúng”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Trung, bí thư chi bộ ấp Chánh, xã Đức Lập Hạ (H. Đức Hòa, T. Long An) cho biết: “Gia đình bà Lê Thị Quơ vốn có điều kiện kinh tế nhưng khi người chồng mắc bệnh ung thư và qua đời thì gia cảnh trở nên khốn khó, nợ nần khắp nơi. Chuyện báo mộng trúng số có lẽ chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng quả thực sau khi trúng số, cuộc sống cảu gia đình bà Quơ thay đổi hoàn toàn. Không những trả hết số nợ đã vay để chưa bệnh cho chồng, bà Quơ còn lo đầy đủ cho ba người con học hành tử tế, công ăn việc làm ổn định. Không chỉ vậy, khi điều kiện kinh tế ổn định, bà Quơ còn thường xuyên tham gia giúp đỡ những người nghèo trong ấp và trong xã. Nhiều năm nay, chính quyền luôn lấy tấm gương đảm đang của bà để cho các gia đình trong ấp noi theo”.
Theo Minh Tuấn (Đời sống & Hôn nhân)
Đem vé số trúng thưởng nhóm lửa vì soi nhầm kết quả
Ngày nào cũng mua vé số cầu may, nhưng đến khi "lộc trời" rơi xuống, họ lại mang đi đốt mất. Tình huống dở khóc dở cười "đốt vé số trúng giải nhất 30 triệu đồng" của đôi vợ chồng nghèo Nguyễn Văn Hải và Trần Thị Phi khiến người nghe vừa thương vừa giận họ.
"Đã nghèo còn gặp eo", ước vọng có tiền để chữa bệnh cho vợ chồng, đóng học cho con hay sửa sang lại túp lều bán nước bỗng chốc tan thành mây khói. Từ ngày xảy ra chuyện "kinh thiên động địa" ấy, anh Hải gầy sọp, mất ăn mất ngủ vì... tiếc!
Nhờ cả ấp đi tìm vé số trong đêm
Câu chuyện tự tay "đốt 30 triệu đồng" và suýt ném ra đường thêm "30 triệu đồng" nữa của vợ chồng anh Nguyễn Văn Hải (SN 1972) và Trần Thị Phi (SN 1974, cùng ngụ Ấp Bình Hòa, TT. Tân Trụ, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) khiến bạn bè, người thân tiếc ngẩn tiếc ngơ thay cho họ.
Vốn nghèo khó, hầu như ngày nào, anh Hải cũng mua một vài tờ vé số cầu may. Hôm đó, chiều 4/12/2013, anh mua 2 tờ vé số loại 10.000 đồng/tờ của Cty xổ số kiến thiết tỉnh Sóc Trăng với dãy số 324272. Chiều tối, anh kêu vợ dò số xem trúng trật thế nào, vì ngày hôm đó, tình cờ chị Phi cũng có một tờ nhờ "đổi café lấy vé" với một người bán vé dạo. Nghe chồng hỏi: "2 số sau của toàn bộ 17 lô có số 72 không?", chị cũng tỉ mỉ tra lại nhưng tuyệt nhiên không thấy. Nói rồi, chị trả lời giọng nửa đùa nửa thật: "Bỏ đi ông, ông mua thì có bao giờ mà trúng?".
Anh Hải thẫn thờ bên cạnh đống tro thiêu rụi tờ vé số trúng thưởng.
Một lát sau, khi đống lửa vừa tàn, vợ chồng đang tính chuyện dọn quán về ăn cơm tối thì chị bán vé số vui vẻ chạy đến báo tin mừng. Chị Phi nhớ lại: "Vừa đốt khoảng 10 phút thì chị đó chạy đến hồ hởi tay bắt mặt mừng: "Chiều em bán cho anh nhà 2 tờ số, trúng giải nhất luôn chị, 60 triệu đồng lận nha". Thoạt đầu, tôi nghe còn tưởng đùa nên nói: "Không phải". Thế nhưng, người đó lại nghĩ nhà tôi trúng mà giả lờ đi để khỏi phải tặng lại họ tiền gọi là "công quả" nên nghiêm mặt, buông lời trách móc. Khi đó tôi mới tin, cảm giác hụt hẫng không thể tả, giống như đang trên cao thì bị thả rơi tự do".
Đầu óc quay cuồng, anh Hải cứ một tay khều đống lửa đã tàn, bới chút tro than trong vô thức. Một bên, chị Phi ngồi bủn rủn, mặt ngơ ngác chẳng buồn dọn hàng. Cả cuộc đời nghèo túng, hai vợ chồng mua biết bao nhiêu tờ vé số cũng chỉ hy vọng có ngày trúng giải đổi đời. Vậy mà hôm nay "lộc trời" đến tay, anh lại tự tay... nhóm lửa rồi vứt ra đường. Nghĩ đến đó, anh Hải không sao cầm được nước mắt.
Phải mất một lúc trấn tĩnh lại, hai vợ chồng mới chạy ào ra ngoài đường. Buổi tối nhá nhem, gió lại to, họ không biết tờ vé số trúng giải Nhất còn lại đã bay đến đâu. Soi đèn, đốt nến, anh Hải huy động cả họ hàng, bà con lối xóm đến giúp đỡ, hy vọng vớt vát được một phần. Cũng may, qua gần hai giờ đồng hồ mò từng bụi cỏ, dà dẫm từng mét vuông đường, anh chị đã tìm được tờ vé số còn lại.
Chị Phi tiếc rẻ kể về chuyện "đốt 30 triệu".
Chị Phi bần thần: "Ơn trời, tờ vé số còn cuốn sợi dây thun do anh Hải chưa kịp gỡ nên vẫn còn mắc ở bãi cỏ chứ không bay đi xa. Có điều, vé bị rách một chút ở phần trên, đoạn giữa vé có dấu mộc và dãy số còn nguyên. Nghĩ điều này không ảnh hưởng đến chuyện lĩnh giải, gia đình cũng vơi bớt nỗi buồn".
Suy sụp vì tự tay đốt cả đống tiền
Ngồi tâm sự về hoàn cảnh của mình, chị Phi kể, hai vợ chồng đã trải qua nửa đời người trong nghèo khó. Hồi mới cưới, vợ chồng anh chị cũng có được mảnh đất cất nhà (không giấy tờ). Nhưng sau này, đất thuộc dự án quy hoạch nên đã bị Nhà nước thu hồi. Túng thế, cả gia đình phải chuyển về sống cùng bố mẹ chồng ở ấp Bình Hòa cho đến giờ. Thu nhập chính của hai vợ chồng chỉ phụ thuộc vào tiền quán nước cỏn con của chị Phi cạnh bến phà Bình Tịnh. "Nói là quán nước cho... oách, chứ thực ra, tôi nấu nước rồi đem theo ít cốc chén ra ngồi nhờ túp lều lợp mái lá lụp xụp. Quán chủ yếu phục vụ dân lao động, quá bữa hoặc rảnh rang đợi bạn bè qua phà thì mới ghé quán ngồi tạm", chị Phi tâm sự.
Khổ nỗi, con đường đá dẫn ra phà đi qua túp lều vẫn còn nham nhở, bụi lúc nào cũng phủ mù mịt. Bởi thế, không chỉ gánh hàng nước chị Phi mở vắng vẻ mà ngay cả chỗ sửa chữa xe máy anh Hải dựng "ăn theo" gần đó cũng chẳng mấy ai ra vào. Trong hoàn cảnh như thế, chuyện anh Hải đốt vé số trúng thưởng quả thật đã làm chấn động khắp ấp. Không ít người thở dài tiếc thay, cho là trời vẫn chưa thương, ban lộc rồi còn lấy đi mất.
Quán nước lụp xụp mái lá của chị Phi.
Chia sẻ cùng phóng viên, những người sống quanh đây cho biết, vợ chồng Hải Phi bán nước vá xe hiền lành, chịu khó. Mang hi vọng một ngày vận may sẽ đến với gia đình, hầu như ngày nào vợ chồng này cũng "dắt lưng" lấy một hai tờ vé số cầu may. Anh Hải lúc rảnh rỗi thường mua chỗ nọ, chỗ kia, còn chị Phi chỉ đổi tiền bán nước lấy vé với mấy người bán quen quanh ấp, như một cách "hỗ trợ nhau thêm chút niềm vui cuối ngày".
Sống phóng khoáng như vậy, nên chỉ với thu nhập bèo bọt chừng 2 triệu đồng/ tháng, hai vợ chồng dù cố chắt bóp, tằn tiện trong sinh hoạt vẫn chẳng thể nào cải thiện kinh tế gia đình. Bởi vậy, mỗi lần nghĩ đến chuyện tự tay đốt đi tờ vé số với giá trị trúng thưởng "khổng lồ", cả hai luôn day dứt không yên.
Quyết "được ăn cả ngã về không" Trao đổi cùng người viết, chị Phi cho hay: "Cũng may là vẫn còn một tờ vé trúng, tuy có bị rách một chút phía trên. Hay tin về chuyện tờ vé số rách, cũng có một thương lái trên huyện về đây nói muốn đổi tờ vé với giá 15 triệu đồng nhưng chúng tôi không đồng ý. Đã chịu mất 30 triệu đồng rồi, giờ mất thêm nữa chúng tôi không cam tâm, quyết giữ lại "được ăn cả ngã về không". Được biết, ngay sau đó, gia đình chị Phi cũng có mang tờ vé số lên đổi ở một đại lý, nhưng phía bên này yêu cầu một tuần sau mới giải quyết, số tiền nhận lại, đã tính cả thuế và phí "đi lại vì vé rách" thì còn 25 triệu đồng. Dù còn tiếc và phân vân, nhưng vì trụ sở lĩnh giải ở tận Sóc Trăng, vợ chồng anh Hải chẳng có điều kiện xuống tận nơi lĩnh giải nên đành chờ họ xem xét thông qua đại lý".
Hôm tiếp chuyện chúng tôi, chị Phi buồn rầu kể: "Suốt từ ngày 4/12 định mệnh, chồng tôi gầy xọp đi vì lo nghĩ rồi tiếc nuối. Thậm chí, suốt mấy đêm đầu anh còn không thể ngủ nổi vì tâm trạng bứt rứt không yên, cứ đang nằm thì lại ngồi bật dậy lẩm bẩm, trách móc vợ dò số không cẩn thận. Ban ngày, anh cũng chẳng tập trung vào làm việc, lại la cà với mấy ông bạn trong ấp để nói chuyện này nọ cho khuây khỏa. Thấy chồng vậy, biết một phần lỗi cũng là do mình bất cẩn, dù bản thân cũng đang "tiếc của đứt ruột".
"Trời thương, đã cho 60 triệu, chắc cũng muốn vợ chồng tôi cố gắng chữa trị bệnh cho khỏe rồi đóng tiền học hành đầy đủ cho con và sửa sang lại cái quán nước này cho sạch sẽ hơn. Ấy thế mà, chính tay chúng tôi lại ném đi mất", chị Phi buồn bã.
Suốt mấy năm nay, sức khỏe chị không được tốt, mỗi khi trái gió trở trời là căn bệnh viêm xoang kinh niên lại tái phát khiến cơ thể mệt mỏi, khó chịu vô cùng. "Mới đây, hôm 31/11, vợ tôi cũng vừa đi mổ xoang trên TP. HCM, cũng hết cả chục triệu. Bản thân cũng bị đau bao tử từ lâu rồi mà chưa có tiền trị. Tôi đang tính mượn tiền đứa em mà ngại quá, chỉ lo không biết bao giờ mới có tiền trả nổi", anh Hải than vãn.
Vì thu nhập chính của cả nhà vẫn dựa vào tiền bán quán nước nên dù vừa mổ, sức khỏe còn yếu trong khi con đường dẫn ra phà lúc nào cũng bụi mù, ngột ngạt, chị Phi vẫn phải ngày ngày bám quán, kiếm từng đồng tiền lẻ. Vừa làm, chị vừa phải giữ khư khư chiếc khẩu trang và chiếc nón để tránh bụi bay vào mũi, khiến cho bệnh tình của chị càng nặng hơn. Cuộc đời anh chị, không biết đến lúc nào mới được "sang trang".
Theo An Nhàn
Bị chồng ruồng bỏ sau 3 lần trúng số độc đắc Thuở hàn vi, vợ chồng chị Tư sống bên nhau đầm ấm, chuyện vui buồn đều cùng nhau chia sẻ. Nhưng sau 3 lần trúng xổ số, chồng chị dần thay lòng đổi dạ, thường xuyên đánh vợ, chửi con. Trong lúc buồn bã, chị Tư lại phát hiện tiền trong nhà đôi ba lần bị mất. Âm thầm tìm hiểu, chị chết...