Ly kỳ chuyện săn tìm kho vàng 3 tạ ở Bắc Giang
Bản đồ chỉ rõ, có một kho báu nằm ở vị trí “Thượng ao Giành, hạ búi mai”. Kho báu chứa một lượng vàng khổng lồ, lên tới khoảng 3 tạ.
Trước tin đồn về kho báu của người anh hùng Hoàng Hoa Thám ở Tân Trung (Tân Yên, Bắc Giang) tôi đã tìm về mảnh đất nhiều huyền thoại này để xác minh thực hư của kho báu.
Đi qua thị trấn Nhã Nam 3km, đặt chân lên địa bàn xã Tân Trung, hỏi về kho báu, ngay lập tức tôi được chỉ vào nhà ông Dương Minh Châu người làng Thị. Sự lạ ấy khiến tôi tự hỏi: Phải chăng câu chuyện về kho báu Hoàng Hoa Thám đã trở nên quá quen thuộc với người dân nơi đây? Nhất là khi biết rằng, xã Tân Trung là nơi diễn ra trận đánh đầu tiên của nghĩa quân Yên Thế năm xưa và chính người dân Tân Trung và vùng lân cận cũng từng đóng góp tài sản ủng hộ phong trào. Tôi chợt nghĩ, vài tạ vàng như lời đồn, có thể không có, nhưng ít nhiều cụ Thám cũng để lại chút tài sản ở đây? Suy nghĩ đó làm tôi hăm hở đi qua những con đường ngoằn ngoèo với những ổ gà, ổ vịt, tìm đến nhà ông Dương Minh Châu.
Ông Dương Minh Châu tin rằng đất nhà ông có kho báu 3 tạ vàng.
Nhà ông Dương Minh Châu nằm cheo leo trên sườn đồi. Dù ở trên cao, nhưng nhà ông vẫn có ao. Cái ao trên đồi làm tôi hết sức băn khoăn, vì bây giờ đang là mùa cạn mà vẫn có nước. Hỏi ra mới biết đây không phải cái ao bình thường mà là cái ao có tên tuổi đàng hoàng. Nó tên là ao Giành, cái ao huyền thoại trong câu nói bí truyền mà dân gian vẫn đồn là “Thượng ao Giành, hạ búi mai” khi nói về vị trí kho báu cụ Đề.
Ông Dương Minh Châu năm nay ngoại lục tuần, nhưng còn khỏe mạnh và tinh anh. Mở đầu câu chuyện, tôi thắc mắc ngay: “Có đúng trên đất nhà ông có kho báu của cụ Hoàng Hoa Thám như lời đồn không?”. Tôi bất ngờ khi ông nói: “Không, tôi chưa bao giờ nói trên đất nhà tôi có kho báu của cụ Đề Thám. Đất nhà tôi chỉ có kho báu của người Trung Quốc thời xưa”.
Thế rồi, ông bắt đầu say sưa kể chuyện về một kho báu bí ẩn được truyền lại trong gia đình mình nhiều đời nay. Đời tổ tiên ông, khoảng chừng 10 đời trước, vua Lê Chiêu Thống chạy loạn qua địa bàn xã Tân Trung ngày nay, đã dừng chân trên ngọn đồi này. Vì cụ tổ của ông làm Chánh tổng nên được ưu tiên lên ngọn đồi vua ngự để thăm hỏi và tiếp tế cho vua.
Ao Giành trên đồi nhà ông Châu, địa danh trong câu nói bí ẩn.
Sau đó, đến đời ông nội của ông Châu, đã đến ngọn đồi này ở. Tính cả đứa cháu nhỏ đang nằm trên nôi thì gia đình ông Châu đã sống trên ngọn đồi này 6 đời.
Hồi tổ tiên ông Châu lên đồi tiếp tế cho vua, tổ tiên ông đã lấy trộm được tờ bản đồ ghi nơi cất giấu kho báu. Bản đồ này chỉ rõ, có một kho báu nằm ở vị trí “Thượng ao Giành, hạ búi mai”. Điều đặc biệt là kho báu này chứa một lượng vàng khổng lồ, lên tới khoảng 3 tạ. Bố ông Châu nói vui: “Nuôi dân tỉnh Hà Bắc (gồm Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay) trong 3 năm mới hết”.
Video đang HOT
Trong suốt thời gian dài sau đó, chiến tranh, ly tán, gia tộc ông dù chưa có điều kiện khai quật kho báu khổng lồ, nhưng vẫn giữ lại tờ bản đồ cẩn thận. Năm 1964, trong một vụ hỏa hoạn, cháy nhà, 9 gánh sách chữ Nho của bố ông Châu thành tro bụi. Trong số sách bị cháy có cả tờ bản đồ kho báu. Vì thế, tờ bản đồ quan trọng này đã bị thất truyền vĩnh viễn. Thông tin duy nhất còn được truyền lại trong gia đình ông Châu là câu nói về địa điểm của kho báu, đó là: “Thượng ao Giành, hạ búi mai”. Khi đó, vì nhiều lý do, gia đình ông chưa nghĩ đến chuyện tìm kho báu.
Ông Châu chỉ một trong số những nơi nghi ngờ có kho báu
Cách đây hơn 20 năm, khi phong trào đào đãi vàng ở Bắc Giang và một số tỉnh miền núi nước ta trở nên rầm rộ, ông Dương Minh Châu cùng những người bạn của mình đã đi khắp các núi non trong vùng để tìm kim loại quý, với mong muốn đổi đời, thoát khỏi cảnh nghèo túng ở làng quê lắm đồi nhiều núi này.
Ông kể: “Mỗi khi đặt chân đến một địa điểm đào đãi vàng mới, cả nhóm lại chuẩn bị một con gà luộc, 1 chai rượu để tế thổ địa. Rượu thịt xong, tất cả mới bắt tay vào công việc, nhưng vàng thì mãi không thấy đâu, chỉ thấy tốn gà”.
Thấy con trai mình vất vả bao năm mà vẫn không đổi đời, bố ông Châu nhớ đến câu chuyện tấm bản đồ kho báu, liền kể cho ông nghe, rồi nói: “Con không phải đi tìm vàng ở đâu cả, cứ đào ở đất nhà mình thôi sẽ tìm thấy vàng”.
Địa điểm này từng là miệng hầm mà nhóm ông Châu đào bới rất sâu vào lòng đất.
Câu chuyện về tấm bản đồ kho báu bị đốt, lời sấm truyền “Thượng ao Giành, hạ búi mai” tưởng chừng đã bị quên lãng, lại ám ảnh ông Châu. Hơn nữa, khắp làng Thị này, xưa nay chỉ có 1 ao Giành, nằm cạnh bụi mai (loài cây cùng họ với cây tre) ở trong vườn nhà ông.
Băn khoăn về điều ông Châu kể, tôi tìm gặp ông Đại, công an viên, cũng là hàng xóm của ông Dương Minh Châu. Ông nói: “Khi tin đồn về kho báu rộ lên, tôi có hỏi mẹ tôi, khi đó 94 tuổi, rằng kho báu có thật không? Bà bảo không biết có hay không, nhưng cũng từng nghe các cụ nói lại là có cất giấu 2 lá trầu và 1 quả cau ở “Thượng ao Giành, hạ búi mai”. Còn việc có ai lấy được chúng chưa thì bà không biết, cũng chưa nghe thấy ai nói tới”.
Chính niềm tin về kho báu đã thúc giục ông Châu đào bới, tìm kiếm trên ngọn đồi nhà mình trong nhiều năm liền sau đó. Năm 1990, ông chính thức bắt tay với một thương gia người Hải Phòng để tiến hành công cuộc tìm kho báu trường kỳ suốt 10 năm trời, với quy mô chưa từng có ở Bắc Giang từ xưa tới nay.
Theo VTC
Phát hiện ngàn vàng trên đỉnh núi Rồng
Lên núi, ai cũng mong mình sẽ là "ông hoàng" giữa bộn bề châu báu. Tuy nhiên, ở Cao Phong, Hòa Bình có một người lên núi với giấc mơ khác. Đến giờ, sau nhiều năm tìm kiếm, ông đã thật sự... thấy "vàng".
Ông là Dương Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cao Phong, Hòa Bình.
Phát hiện bất ngờ
Nhà ông Chiến ở đối diện núi Rồng. Bởi thế, đời ông có nhiều kỷ niệm với ngọn núi kỳ bí này. Trước đây cứ khi nào rảnh rỗi ông lại tha thẩn trên ngọn núi mang trong mình nhiều điều bí ẩn đó.
Ông Chiến (trái) chụp ảnh kỷ niệm với tác giả tại hang Không Đáy.
Ông Chiến kể, ông bắt đầu vào cuộc chinh phục núi Rồng cách đây chừng 20 năm. Khi ấy, ông vừa đi bộ đội về. Một buổi, ngồi trước sân nhà, phóng mắt xa xăm, bất ngờ ông phát hiện trên đỉnh núi có một vật thể với hình thù khác lạ. Vật thể ấy trông như chiếc cối xay gió mà ông đã thấy trong phim ảnh nước ngoài.
Trong xóm chưa từng có ai đặt chân lên đỉnh núi bởi vách đá dựng đứng, bởi vậy sự xuất hiện của vật thể kia khiến ông hết sức tò mò. Vậy là sau nhiều ngày chuẩn bị, ông Chiến cùng mấy người cháu trong họ quyết tâm một lần đặt chân lên đỉnh núi để xem vật thể lạ kia.
Sau 3 ngày bấu mình vào từng mố đá, ông và mấy người cháu đã lên được đỉnh núi. Vật thể đó được dựng bằng gỗ, hình tháp, cao chừng 20m. Trên đỉnh vật thể ấy có lắp cánh quạt cũng bằng gỗ. Cánh quạt quay theo chiều gió.
Ông Chiến bảo, những hang, những động trong núi đã hút hồn ông hệt như chàng trai mới lớn trót thầm nhớ trộm yêu tiên nữ giáng trần vậy. Tuy vậy, ông vẫn ước ao, có một ngày nào đó, "nàng tiên" đó không chỉ là của riêng ông, mà là của tất cả mọi người đam mê cái đẹp.
Nhìn những thanh gỗ bắt đầu mục nát, ông đoán, vật thể này người ta đã dựng từ mấy chục năm trước. Có lẽ, ngày trước, khi chiếm đóng Cao Phong, người Pháp đã dựng vật thể này. Tuy nhiên, họ dựng để làm gì thì đến giờ ông Chiến vẫn chưa tìm thấy lời giải đáp.
Ông Chiến kể, lần ấy, khi mắt thấy tay sờ "vật thể lạ" trên núi xong, thỏa mãn tò mò, sớm hôm sau, ông và mọi người quyết định xuống núi. Núi Rồng nhiều đoạn dựng đứng, chinh phục chỉ có cách duy nhất là đu dây nên ông và mọi người quyết định tìm đường khác dễ đi hơn để xuống.
Lần mò tìm đường, vô tình ông phát hiện một miệng hang ở ngay sườn núi phía tây. Miệng hang rộng chừng 1m, tối om. Tò mò, tiện chuyến đi, ông và mọi người quyết định vào hang xem trong đó có gì. Điều lạ lùng, ở ngay cửa hang, không biết tự bao giờ, người ta cắm một thân gỗ lớn xuống thẳng đáy hang. Thân gỗ ấy có nhiều cành, chĩa ra như tay vịn. Theo thân gỗ chắc nịch đó, ông và mọi người tụt xuống đáy hang.
Một điều lý thú, hang đá mà ông và mọi người vô tình phát hiện ấy đích thị là một kiệt tác của thiên nhiên. Hang chạy dài mấy trăm mét nhưng chỗ nào chỗ nấy lung linh nhũ đá. Chúng như dát vàng dát bạc với muôn vàn những hình thù kỳ quái. Những "tác phẩm nghệ thuật siêu phàm" ấy, dù có giàu trí tưởng tượng đến mấy, nếu không được tận thấy ông cũng không thể hình dung.
"Kho báu" bị bỏ quên
Sau chuyến thám hiểm đầu tiên, ông Chiến bỗng thấy lòng mình xa xót. Ông tiếc bởi quê mình đã để một báu vật vô giá ngủ quên.
Quyết tâm hừng hực, ông bắt tay ngay vào hành trình khám phá núi Rồng. Ông Chiến kể, ngày đầu, không thể kiếm đâu ra những thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, ông tự bện thừng, tự cắt lốp xe để làm dây leo núi. Vào hang cần ánh đèn sáng trắng, ông tự chế đèn rồi gắn vào những chiếc bình ắc quy loại nhỏ. Cứ cuối tuần ông lại cơm nắm muối vừng lặng lẽ vào rừng.
Sau nhiều năm ăn rừng ngủ núi, đến giờ, ông Chiến đã cơ bản hoàn thành sứ mệnh vĩ đại của mình. Một hệ thống hang động với vô vàn những cảnh đẹp ngoài sức tưởng tượng của con người đã được ông tìm thấy. Trong số đó phải kể đến Thạch động Hoa Sơn, Động Thông gió, hang Lưu Thủy Phong, động Không Đáy...
Trong số những hang động mà ông Chiến đã đánh dấu trên "bản đồ" của mình thì Thạch động Hoa Sơn là nơi ông ấn tượng nhất. Ông Chiến bảo, ông đã đi nhiều nơi, tận thấy nhiều hang động nổi tiếng, nhưng chưa nơi nào khiến ông ngây ngất như ở Thạch động Hoa Sơn. Thạch động này sâu chừng 700m, chia làm nhiều khoang.
Mỗi khoang được bài trí, phối cảnh bằng những loại nhũ đá khác nhau rất đỗi tài tình. Cảnh đẹp ấy ngay cả trong tranh ảnh ông cũng chưa thấy bao giờ. Cứ mỗi lần lên núi về, ông lại "báo cáo" kết quả với mọi người trong xóm. Thế nhưng chẳng ai tin là trên núi Rồng lại có những "báu vật" quý giá ấy.
Nước chảy đá mòn, mưa dầm thấm lâu, nghe ông "thuyết trình" quá nhiều lần, lại thấy ông chăm lên núi, mọi người cũng bán tín bán nghi. Thế rồi một ngày giữa năm 2009, một đoàn cán bộ của UBND huyện và thị trấn bởi bị "cưỡng ép" quá nhiều đã bỏ công cùng ông lên núi tìm hiểu thực hư.
Ông Chiến kể, tận thấy những cảnh đẹp có một không hai đó, nhiều người đã thốt lên rằng sống ở đây đến gần cả đời người mà giờ mới biết quê mình có những kỳ quan mê hồn đến vậy. Đúng là nằm trên đống vàng mà không hề hay biết.
Sau chuyến đi thực tế đó, ngay lập tức thị trấn Cao Phong đã cho dựng biển cấm ở mọi ngả đường dẫn vào núi Rồng. Chính quyền địa phương không muốn những kiệt tác của thiên nhiên ấy bị những bàn tay thiếu ý thức phá hoại.
Bây giờ, khi đã hoàn thành sứ mệnh chinh phục núi Rồng, khi rảnh rỗi, dù một mình ông Chiến vẫn lặng lẽ vào lại núi Rồng...
Theo Dân Việt
Kho báu trên đỉnh núi Rồng là có thật? Cuộc tìm kiếm vận may của ông Khửu cùng đám trai xóm chỉ kết thúc khi có chuyện một thanh niên ở Hà Nam sau khi lên núi về đã... lăn đùng ra chết. Thần núi trả thù Ông Khửu kể, người thanh niên ấy cũng tìm thấy một hang có những chiếc chum, vại lạ. Kiếm tìm trong những "gói quà của...