Ly kỳ chuyện bà hai nhường con cho bà cả
Cơn ghen trong lòng bà Thủy chất chứa từ ngày này sang ngày khác, từ tháng này sang tháng khác, từ năm này qua năm khác. Cứ mỗi lần bà Tự sinh thêm đứa con là cơn ghen ấy lại lớn hơn, nhiều hơn, khiến bà Tự nhiều lần muốn bỏ cuộc…
Đại gia đình ấy không thể có một kết thúc viên mãn như ngày hôm nay nếu không nhờ những người con gái lớn của bà cả vẫn dấm dúi đến thăm hỏi mẹ hai, người mà họ vẫn gọi là “cô” nhưng lại xưng “con” một cách trìu mến…
Khi cơn ghen tự nhiên… biến mất
Từ ngày bà cả lên cơn ghen tuông, mọi hoạt động liên quan giữa hai nhà dường như ngừng hẳn. Bà Thủy ngay lập tức cấm những đứa con của mình qua lại với nhà trên kia. Bảy cô con gái của bà, phần vì sợ mẹ, phần vì thương mẹ hai nên vẫn cố gắng giấu mẹ lên giúp đỡ bà Tự trông em, lấy củi, làm giúp vài công ngày mùa.
Bà Tự kể: “Ngày ấy, mẹ chúng nó hung dữ bao nhiêu thì chúng nó lại tốt với tôi bấy nhiêu. Gần như mỗi khi bà Thủy bảo đi đâu là chúng nó lại cố gắng bớt thời gian hoặc làm qua loa để có thể vào nhà tôi, thăm nom các em. Mỗi lần đến, mấy đứa đều mang cho tôi không thứ nọ thì quà kia. Đi lấy được ít măng, chúng cũng phải đi đường vòng để giấu giếm cho mẹ hai ít nhiều, vì nếu về qua nhà thì sẽ không được đi nữa, hoặc có được đi nữa thì cũng không thể mang măng đến cho “cô”. Nhiều khi, chúng nó đi từ chiều mà cũng phải vác cái đèn pin theo để dự phòng qua thăm tôi về muộn. Hình như bà Thủy cũng biết được ít nhiều việc các con gái giấu bà đi thăm mẹ hai nên đã mấy lần tỏ ý giận dỗi các con”.
Nói đến đây bà Tự dừng lại, hỏi bà Thủy: “Ngày ấy, các con có về khuyên giải gì chị không”? Bà Thủy bảo: “Chúng nó chả nói suốt ấy chứ nhưng cơn nó lên rồi, biết làm thế nào được. Nhiều khi nghe chúng nó khuyên lơn, tôi phát bực lên, quát cho một trận rồi dằn dỗi không ăn cơm nữa. Chúng nó có vẻ sợ nên từ bấy thấy ít đi lại trên ấy”. Bà Tự chép miệng: “Hèn gì, tự nhiên em thấy chúng nó qua lại thưa hẳn đi, định bụng gặp sẽ hỏi mà cứ lu bu, với lại thời gian không có nhiều để mà hỏi”.
Nhà bà cả là trung tâm hội họp (Ảnh T.G)
Bà Tự một mình nuôi mấy đứa con. Thi thoảng, ông Như vẫn đến giúp đỡ việc nọ việc kia nhưng bà vẫn thấy trống trải… mà cũng đành chịu vì bà phận làm lẽ. Bà bảo: “Từ ngày về làm lẽ, tôi chưa một lần cãi lại hay to tiếng với bà ấy bao giờ, có thể vì bà ấy thấy mình hiền nên… làm tới” (cười – PV).
Cho tới khi bà Tự đẻ thêm đứa nữa thì mối quan hệ giữa bà cả và bà hai rẽ sang một bước ngoặt hoàn toàn khác. Bà Tự nhớ lại: “Ngày tôi mới đẻ xong tự nhiên thấy 2 đứa con gái lớn của bà Thủy vào thăm và bảo: “Dân làng gặp chúng con nói chuyện con mới biết”. Sau hôm ấy về, không biết 2 đứa đã nói gì với mẹ mà từ bấy giờ thái độ của bà ấy khác hẳn”. Dừng lời, bà Tự quay sang đùa với bà Thủy: “Chị nhỉ, không biết ngày ấy các con nói gì mà chị thay đổi hẳn thái độ với em” (?). Bà Thủy không trả lời, miệng vẫn nhai trầu và lắng nghe cuộc chuyện trò của chúng tôi như thể mình không phải là một nhân vật của câu chuyện.
Bà Tự kể tiếp: “Ngay ngày hôm sau, bà ấy lại đi bộ lên nhưng không phải để chửi mắng mà hỏi thăm nhẹ nhàng lắm. Từ bấy giờ, chị em tôi lại đi lại với nhau, bà Thủy thay đổi hẳn, tốt bụng như Bụt ấy. Có gì ngon, bà đều dành để mang lên cho con nhà tôi. Đi chùa về được lộc hai quả chuối, bà cũng tự mình mang lên. Đi ăn đám cưới có quà, bà cũng gói lại mang lên cho mấy đứa nhà bà hai. Tôi nhớ nhất là một buổi trưa tháng 6 nắng rát mặt, mấy mẹ con đang ở nhà tránh nắng thì thấy bà Thủy đội trên đầu một chiếc thúng đi vào nhà. Hóa ra, bà ấy giấm được mấy nải chuối chín nên mang cho mẹ bà ấy một nải, mẹ tôi một nải và mang vào nhà cho tôi một nải nữa. Đấy, đã bảo mà, bà ấy tự nhiên đổi tính, hiền như Bụt thật ấy. Nhưng cũng lạ, cái ngày nhà tôi xây nhà, bà ấy vẫn còn cơn ghen, thế mà vẫn cho các con bà ấy qua lại giúp tôi làm việc nọ, việc kia”.
Video đang HOT
Bà cả và con gái. (Ảnh T.G)
Chuyện đặc biệt của nhà ông Như…
Ra lều ở để… tránh cả hai bà Bây giờ, bà cả ở một ngôi nhà khang trang, bà hai cũng một nhà khang trang không kém, thì ông Như lại ra ở ngoài cái lều tạm bợ được làm để trông 17ha ao mà gia đình đấu thầu được từ hợp tác xã. Ông bảo “Tôi đã lo đâu vào đấy rồi, bà nào cũng nhà cửa đàng hoàng, các con trên dưới hòa thuận, đấy là hạnh phúc lớn lắm mà tôi có được sau cả một đời cố gắng vì vợ con. Giờ già rồi không thể để họ ganh tỵ ông ở nhà này, ông ở nhà kia nữa, nên tôi ra lều ở cho công bằng”.
Có lẽ, dân làng cùng thôn xóm nhà ông Như không hiểu ông đã “tề gia” như thế nào mà bây giờ hai bà vợ của ông thân nhau hơn hai chị em gái. Đi đâu cũng hai bà đi với nhau, làm gì cũng hai bà cùng gánh vác. Đám cưới, đám giỗ nào cũng là ông ở nhà, hai bà nắm tay đi. Mọi người hẳn nghĩ là ông có uy lắm. Nhưng không, ông bảo: “Từ ngày cưới các bà về, toàn các bà mắng tôi chứ tôi chưa mắng được các bà câu nào. Tôi làm lẽ các bà chứ có phải các bà ấy làm lẽ tôi đâu”.
Nghe ông Như nói, hai bà nhìn nhau rồi cùng cười. Thấy vợ vui, ông cũng cười theo hai người đàn bà của đời mình. Gương mặt người đàn ông 75 tuổi thoạt nhìn có vẻ khắc khổ, nhưng khi ông cười mới thấy những nét hạnh phúc, rạng rỡ hiện lên đằng sau những nếp nhăn.
Nhưng nhà ông Như không chỉ đặc biệt ở việc hai bà vợ thân nhau hơn chị em gái mà còn ở chuyện bà hai “ nhường con” cho bà cả. Bởi người con trai của bà Tự (người là nguồn cơn làm dậy sóng cơn ghen kéo dài đến hàng chục năm của bà cả), người đã sống với bà gần ba chục năm nay, người mà bà Thủy chưa một lần chăm sóc lại “tự nhiên” dọn đến sống với mẹ cả, bắt đầu từ ngày có gia đình riêng. Ngay cả ngày cưới anh, thì mọi nghi thức, lễ lạt cũng tổ chức ở nhà bà cả, dâu đón về thẳng nhà bà cả, không “ngó nghiêng” gì đến căn nhà mà chú rể đã sinh ra và lớn lên. Nhưng hai bà vẫn vui vẻ theo sự sắp xếp của chồng vì họ hiểu “nhà có gia quy”.
Bà Tự kể rằng, đất trên nhà bà rộng lắm nên bà đã bàn với ông sẽ làm 2 căn nhà trên ấy cho 2 đứa con trai, nhưng ông Như gạt đi, quyết rằng “đứa con trai cả phải về ở với mẹ cả”. Chỉ một lời thôi, cả nhà răm rắp nghe theo. Như sợ người mẹ sinh ra mình chạnh lòng, ngày quyết định về nhà mẹ cả ở, người con trai cả của bà Tự bảo với bà rằng: “Con ở đâu thì con cũng có trách nhiệm lo cho thầy (cha – PV), bầm (mẹ cả – PV) và mẹ. Mẹ cứ yên tâm và tin tưởng ở con nhé”.
Ngày con trai cả của bà Tự sinh đứa con đầu lòng, thương mẹ cả mắt mờ, chân chậm, anh bèn đưa vợ con về nhà mẹ đẻ chăm sóc cho tiện nhưng chỉ được một tháng là gia đình nhỏ ấy lại nhất nhất khăn gói đòi về nhà mình, cứ như mặc nhiên, đấy mới là nơi có người mẹ đẻ của họ vậy. Và thế là từ đấy, mỗi lần đi xa về hoặc về thăm nhà thì nơi nghiễm nhiên cặp vợ chồng trẻ ấy về là nhà mẹ cả. Ông Như hỏi: “Cô có thấy ai sướng như bà Thủy không? Bà ấy chẳng phải làm gì cả, không phải nuôi con một ngày thế mà về già được có con trai ở bên chăm sóc, lo lắng”. Tôi cứ suy nghĩ mãi về câu nói của ông Như, bà Thủy sướng thật, nhưng chúng tôi nghĩ rằng đấy là một cái kết có hậu hiếm hoi cho những người đàn bà ở vào hoàn cảnh trớ trêu… Không phải bỗng dưng mà xã hội ngày nay chỉ một vợ, một chồng!
Theo 24h
Lạ kỳ chị chồng - em dâu lấy chung chồng
Có lẽ không ai ngờ, hai người đàn bà này lại có thể ở vào tình thế lạ lùng đến vậy. Ban đầu là vai trò chị chồng - em dâu, sau này lại trở thành bà cả - bà hai khi quyết định lấy chung một ông chồng.
Ngôi nhà ấy luôn rộn rã tiếng cười mỗi khi có cỗ bàn, hội họp. Hai bà mẹ chỉ ngồi chuyện trò, mặc các con chia nhau chuẩn bị, người ở dưới bếp, đứa ngoài sân giếng... Câu chuyện của hai bà lúc nào cũng rôm rả, người ngoài cứ ngỡ họ là đôi chị em gái nhiều năm mới gặp lại. Dân trong thôn xóm biết chuyện vẫn thường kháo nhau "họ thân nhau con chấy cắn đôi". Đấy là hai bà vợ của một lão nông đã 75 tuổi ở miền quê Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Bấm bụng đi hỏi vợ cho chồng...
Câu chuyện mà chúng tôi sắp gửi tới bạn đọc bắt đầu từ nụ cười móm mém của người phụ nữ đã chạm mốc 70 tuổi, bà Hoàng Thị Thủy (vợ cả ông Cao Hữu Như, lão nông 75 tuổi ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Hất mái tóc bạc lên chiếc khăn mỏ quạ, miệng vẫn nhai miếng trầu bỏm bẻm, bà cười bảo: "Ghen lắm chứ, có ai lại không ghen khi chồng mình có thêm một người đàn bà khác. Nhưng cái số nó thế rồi, phải chịu thôi". Và từ đây, những ký ức của 30 năm trước trở về...
Bà Hoàng Thị Thủy và ông Cao Hữu Như lấy nhau được hơn 20 năm, đẻ liền tù tì 8 người con, đặt tên lần lượt là: Lẫm, Đại, Xuyên, Tầm, Lâm, Kiên, Nhẫn, Nhường. Ông Như là người tháo vát, rất giỏi kinh doanh, vì vậy gia đình thuộc diện giàu có trong khu. Từ cái thời mà phần lớn người làng vẫn còng lưng cấy cày, ông đã biết bỏ ruộng đất làm gạch. Mỗi ngày đốt được vài vạn gạch, bán cho làng trên xóm dưới mà vẫn cung vẫn chưa đủ cầu. Ông cứ miệt mài làm và tích cóp để cùng bà nuôi con cho đến khi một cơn "bão giông" đổ ập lên đầu gia đình. Đó là năm 1965...
Ông Cao Hữu Như (Ảnh T.G)
Năm ấy, người con trai của ông bà 15 tuổi, đang ở tuổi có thể giúp bố mẹ trông các em gái trong nhà thì vướng phải một căn bệnh nan y. Bao nhiêu của cải, công sức đã ra đi theo những đợt chạy chữa triền miên. Ông bà gần như đã đưa con đi "vái tứ phương" nhưng vẫn không thể cứu được. 4 tháng sau khi phát hiện ra bệnh thì đứa con bỏ ông bà ra đi. Ngôi nhà vốn hạnh phúc rơi vào tình cảnh ai oán. Đêm nào ông cũng nằm suy nghĩ, vừa buồn cho phận bạc của đứa con, vừa thương hoàn cảnh của mình. Thời đó quan niệm ở làng xã còn nặng nề, cổ hủ lắm, không được văn minh, tiến bộ như bây giờ, họ mạc buộc ông phải có con trai "nối dõi"...
Ông Như bàn với bà Thủy rằng, ông sẽ cố gắng nuôi các con lớn, sau khoảng 10 năm nữa, ông sẽ lấy thêm một người vợ, sinh con trai để chiều lòng họ mạc. Bà không đồng ý, gạt đi với lý lẽ, con nào cũng là con, 7 đứa con gái chẳng lẽ không phụng dưỡng nổi cha mẹ ư? Ông lấy thêm vợ lẽ thì gia đình sẽ ra sao? Trước sự cương quyết của bà Thủy, ông Như đành chịu. Cho tới một ngày, hai ông bà gặp một... thầy bói. Ông "thầy" này phán rằng: "Nếu ông không... lấy thêm vợ thì ông sẽ phải "ra đi" ở tuổi 47". Người phụ nữ nào cũng hết lòng vì chồng con, nghe "thầy" phán thế, bà Thủy hoảng hồn bấm bụng đi tìm vợ cho chồng.
Lạ lùng thay, bà giới thiệu hết người này đến người khác nhưng ông không ưng. Ông Như bảo, chỉ ưng một cô gái làng trên, có chồng là liệt sĩ, mới 29 tuổi. Ông Như đưa vợ đến gặp người đàn bà thứ hai của mình, bà Thủy như "chết đứng", không tin ở mắt mình bởi người này là em dâu họ của bà. Bà Thủy kể lại: "Lúc bấy giờ, tôi không ưng đâu. Tôi bảo với ông, ông lấy ai cũng được, dứt khoát không được lấy đám ấy vì nó là em dâu họ của tôi, sao giờ lại có thể chung chồng với tôi được?".
Thuyết phục bà Thủy không được, ông Như bèn đưa bà đến gặp người chú họ để nhờ chú "nói đỡ cho vài câu". Ông chú họ này lại... xem sách rồi phán với bà: "Phải lấy người này. Nếu không lấy người này để nhờ vía của người ta thì chồng mày sẽ chết sớm". Bà Thủy nhớ lại lời phán của thầy bói dạo trước mà giật mình, vậy là đành đi hỏi cô em dâu họ cho chồng mình. Năm ấy, ông Như 45 tuổi.
Hạnh phúc "một ông hai bà" của ông Cao Hữu Như (Ảnh T.G)
Sóng gió nổi lên...
Dân làng xã Hương Nha hồi ấy không thể tin được chuyện bà cả đi cưới vợ hai cho chồng mình bằng một đám cưới khá linh đình. Đích thân bà Thủy xuống đặt vấn đề với em dâu mình, bà Trần Thị Tự, để mong em về làm lẽ. Bà Tự nhớ lại: "Ngày xuống hỏi, bà Thủy dỗ ngon ngọt lắm, bà ấy bảo với tôi: "Coi như chị em mình có duyên với nhau. Em họ tôi hy sinh cho đất nước rồi thì bây giờ cô đi bước nữa cũng vẫn tốt hơn. Hoàn cảnh nhà tôi thì cô cũng rõ rồi. Nay cưới cô về, thì con cô cũng như con tôi, con tôi cũng như con cô". Nghĩ lại hồi đó, tôi cũng thấy mình quá liều, ai lại dám về làm lẽ nhà có tới 7 đứa con bao giờ, người đời vẫn e sợ nhất mối quan hệ mẹ ghẻ con chồng mà...".
Nhưng điều bà Tự không ngờ khi "dũng cảm" đồng ý về làm lẽ nhà ông Như là sóng gió nổi lên lại chẳng bắt đầu từ lo ngại này. Lấy ông Như chừng một năm, bà Tự hạ sinh đứa con trai đầu lòng. Cũng chính lúc này, mâu thuẫn muôn thở "vợ cả - vợ hai" bắt đầu bùng nổ...
Bà Trần Thị Tự nhớ lại: "Khi ấy, tôi mới sinh con trai được 7 ngày thì bà cả từ nhà của ông bà ấy lên nhà tôi cà khịa". Nói đến đây bà Tự dừng lại, liếc mắt nhìn bà Thủy và đùa: "Chị kể tiếp đi, chị kể xem tại sao hồi ấy chị lại hung dữ thế?".
Người đàn bà với mái tóc đã bạc gần hết, hàm răng đen như hạt na tiếp lời: "Sao lại không hung dữ được cơ chứ, ai ở vào hoàn cảnh của tôi cũng sẽ như vậy thôi". Rồi bà Thủy cười hiền, khẽ vỗ về bảo với bà Tự: "Thôi, tôi biết ngày ấy tôi hung dữ rồi, ai lại tự kể cái hung dữ của mình bao giờ". Nói xong, bà đứng lên xoay cái quạt điện về hướng "người em" đang mướt mồ hôi của mình.
Bà Tự tiếp câu chuyện: "Ngày ấy, tôi mới sinh, vẫn còn phải nằm nhà trong để tránh tiếp xúc với người làng, tránh cho đứa bé bị quở, thế mà bà ấy lên đến cổng đã bù lu bù loa lên rằng, không cưới xin gì nữa, không vợ hai vợ ba gì cả, ông ấy chết thì mặc ông ấy... Rồi chưa hả, bà ấy làm loạn lên, giằng xé ông ấy, bắt ông ấy phải bỏ tôi ngay lập tức. Ngày nào cũng vậy, bà ấy cứ đi bộ một cây rưỡi lên để mắng tôi, chửi tôi và đòi chồng về. Tôi phận làm em, lại làm lẽ nên cắn răng không nói lại lời nào. Bà ấy tự nhiên nổi cơn tam bành như thế, nên cũng không cho các con bà qua lại nhà tôi từ ngày ấy".
Kể đến đây, bà Tự lại quay sang nhìn bà Thủy, cười rất tươi và bảo: "Bà này bây giờ hiền như cục đất thế thôi chứ ngày xưa thâm hiểm lắm!". Như thấy sự ngóng đợi câu chuyện của tôi, bà Tự trở lại mạch chuyện: "Bà ấy ròng rã đi bộ từ đây (nhà bà cả - PV) lên nhà tôi hết ngày này đến ngày khác, mỗi ngày một cây rưỡi nên mệt. Sau vài ngày không thấy bà lên nhà mắng mỏ, quát tháo nữa thì tôi nhận được lời nhắn xuống nhà của bà từ con bé lớn. Trong lòng tôi mừng thầm vì nghĩ, bà ấy chắc đã nghĩ lại, chị em chúng tôi sẽ trở lại thân thiết như trước đấy. Ai ngờ đâu...".
Bà Tự dừng lời, liếc sang bà Thủy để nghe ngóng thái độ rồi quay sang hỏi tôi: "Cô có biết bà ấy nhắn tôi xuống làm gì không ?". Rồi chưa kịp để tôi có câu trả lời, giọng bà Tự hào hứng hẳn lên: "Thâm hiểm lắm. Chắc vì bà ấy đi bộ nhiều quá, mỏi chân nên thay vì chạy qua nhà thì bà ấy nhắn tôi xuống để... chửi tiếp cho thỏa cơn ghen". Ngôi nhà đang chìm trong im lặng bỗng nhiên ào ào tiếng cười trước "tiết lộ" bất ngờ của bà Tự. Bà Thủy tay đưa lên miệng lau vài giọt trầu vương ra ngoài, mỉm cười tiếp lời: "Ngày ấy, tôi không biết đi xe đạp, ngày nào cũng đi bộ lên nhà cô thì rạc cẳng, mà cơn ghen thì cứ âm ỉ trong lòng, khó chịu lắm, không mắng cô thì tôi xả vào đâu"...
Bị mắng nhiều quá, bà Tự bàn lùi với ông Như: "Thôi, coi như tôi đẻ hộ ông, ông nuôi con cũng được, tôi nuôi cũng được nhưng nó vẫn là con ông, lớn lên nó vẫn về với ông. Từ bây giờ, ông đừng lên đây nữa, đừng làm khổ tôi nữa. Nhưng ông Như vỗ về bảo, bà Thủy nóng hết cơn là lại lành, ông ấy sẽ giải quyết được"".
Nghe bùi tai, bà Tự lại yên lòng. Nhưng bà không ngờ, cái gọi là "hết cơn" của bà Thủy lại kéo dài từ đứa con đầu lòng của bà cho đến đứa sau vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Chuyện hạnh phúc một ông - hai bà, bởi thế cũng đứng trước nguy cơ đổ vỡ bất kỳ lúc nào, cho đến khi một "biến cố" dị thường đột ngột xảy ra...
(Còn nữa...)
Theo 24h
Bi kịch của người vợ chung chồng với tiếp viên nhiễm HIV Tuổi thơ cay đắng, khi lấy chồng Trang càng thêm khổ hạnh khi phải "chung chồng" với một tiếp viên quán bia ôm nhiễm HIV. Trang nhiều đêm sống trong nỗi lo sợ mình nhiễm HIV. Không được bàn tay mẹ chăm sóc từ lúc 2 tuổi, Nguyễn Xuân Trang (SN 1983, ngụ khu phố 6, tổ 56 thị trấn Hóc Môn, TP.HCM)...