Ly kỳ ‘cao thủ’ lội sình rừng ngập đối mặt với ‘hung thần’ ong vò vẽ
Chúng tôi khá vất vả để vượt qua gần 1 km đường rừng ngập nước đầy lau sậy, dây mây cùng rất nhiều cây tạp dày đặc để theo chân và nghe kể những câu chuyện ly kỳ của Phạm Ngọc Văn, 32 tuổi ngụ ấp Phương Hòa, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang “săn” mật ong rừng ở khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Văn kể: “Tôi đã làm nghề lội rừng gác kèo săn mật ong rừng này đã 11 năm rồi. Nghề cũng có cái thú và được chứng kiến nhiều chuyện ly kỳ nhưng cũng nguy hiểm và có rất nhiều vui buồn. Biết vậy nhưng do hoàn cảnh khó khăn không đất sản xuất và vì mê cái nghề săn mật ong rừng từ nhỏ nên không bỏ được”.
Lối vào khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng rất rậm rạp cây cối và lắm sình lầy…
Để có được những tổ ong rừng các loại như ong mật, ong ruồi, anh Văn đã nhận khoán việc bảo vệ rừng tràm tại khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cạnh nơi anh sinh sống để có thể lội rừng “gác kèo” dụ cho ong về làm tổ.
Nói nghe đơn giản nhưng theo kinh nghiệm gác kèo ăn mật ong rừng của anh Văn thì chuyện “gác kèo” đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm dân gian không hề có tài liệu nào hướng dẫn. Người “gác kèo” phải biết chọn cây nào phù hợp với từng loại ong; cách thiết kế kèo ong để chúng vào, ra dễ dàng thuận lợi…
Một tổ ong mật trên chạc cây trong rừng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng mà anh Văn phát hiện ra.
Chỗ gác kèo dụ ong cần các yếu tố quan trọng là yên tĩnh, nhiều ánh sáng, nhiều nước bên dưới tàn cây tràm, mắm, cà na, giá tỵ…Đây là những loại cây có rất nhiều tại khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. “Nghề lội sình lầy gác kèo ong trong rừng ngập nước không phải ai cũng theo được. Có nhiều người tập vô nghề nhưng đi rừng gặp phải rắn, rết, nhện là lần sau xin thôi…”, anh Văn kể.
Video đang HOT
Kèo ong của anh Văn thường được làm bằng cây tràm phơi khô. Mỗi cây kèo dài từ 1,7 đến 2,2 mét. Kèo được anh gác lên cây tràm cao hướng về mặt trời mọc, đầu kia gác với cây nạng sao cho xiên khoảng 45 độ, đủ ánh nắng buổi sáng hoặc chiều chiếu vào.
Anh Văn bên một tổ ong ruồi có mật ngọt.
Anh Văn kể, cao điểm của ong mật, ong ruồi về làm tổ từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, riêng ong vò vẽ thì vào tháng 6 đến tháng 9. Muốn chúng làm tổ và lấy mật ong, bản thân người gác kèo phải am hiểu sâu về tập quán của chúng như cách xây dựng tổ; cách sinh sản; làm mật, cách phân bố các tầng lớp của đàn…
Theo anh Văn, gay go nhất là khi lấy cả tổ ong vò vẽ vì đây là loại ong kịch độc có thể gây tử vong cho người nếu bị nhiều con chích ở liều lượng cao. Người bắt ong phải trang bị áo quần “đặc chủng” và nón bảo hộ với giá xấp xỉ 1.000.000 đồng/bộ.
Khi lấy tổ ong vò vẽ phải đi nhiều người để phòng khi bất trắc, và cũng có thể hỗ trợ nhau kịp thời nếu có tình huống xấu xảy ra. Riêng bản thân anh Văn cũng đã 2 lần bị đàn ong vò vẽ tấn công nhưng rất may không nguy hiểm đến tính mạng.
Việc lấy mật ong ruồi, ong mật thì đơn giản và ít nguy hiểm hơn nhiều. Điều quan trọng nhất là tránh không làm chúng hoảng sợ thì các mùa sau đàn ong sẽ trở về làm tổ. Điều kỳ lạ, vào đúng thời điểm năm sau, đàn ong trở về làm tổ đúng ngay vị trí mà chúng đã làm tổ năm trước. Đây chính là đặc điểm rất độc đáo của các loại ong rừng.
Anh Văn và thành quả sau hơn nửa ngày lội sình trong rừng để lấy mật ong.
Đối với tổ ong vò vẽ thì không có mật mà chỉ lấy con non để chế biến thành những món ăn thượng hạng như: cháo ong; ong xào hành…do chúng có rất nhiều chất dinh dưỡng cao. Giá bán nhộng ong vò vẽ hiện nay từ 600.000 đến 800.000 đồng/ký.
Với mật của ong rừng làm mật, anh Văn bán với giá 400.000 đồng/lít; mật ong ruồi có giá bán 600.000 đồng/lít. Bình quân mỗi tháng vào mùa cao điểm, anh Văn có thu nhập từ 10 triệu đến 15 triệu đồng; tháng không cao điểm từ 5 – 7 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ mật ong rừng của anh và một số hộ lân cận là TP. HCM, TP Cần Thơ. Tính bình quân cả năm anh Văn thu được xấp xỉ 100 triệu đồng nhờ nghề gác ong trong rừng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.
Hiện nay gia đình anh có đến 5 anh em cùng làm nghề gác ong nhưng chỉ mỗi mình anh là “mát tay” nhất với nhiều kinh nghiệm rất riêng. Mỗi chuyến lấy mật ong, ” gác kèo” thì anh Văn luôn đóng vai trò chỉ huy.
Anh Phạm Ngọc Dũng, thành viên trong nhóm săn mật ong rừng tại đây kể thêm: “Anh Văn có quá nhiều kinh nghiệm thực tế. Chỉ cần quan sát bằng mắt; nghe hướng gió thổi; nắm bắt nhiệt độ; thời tiết…là có thể quyết định chính xác sẽ “gác kèo” ở những điểm mới nào. Ngoài ra anh Văn còn rất điêu luyện trong việc đối phó với những đàn ong vò vẽ hung dữ nguy hiểm”.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng nhận xét: “Văn là “chuyên gia” số 1 gác kèo ong rừng ở đây. Anh Văn có ý thức trách nhiệm cao trong việc bảo tồn những đàn ong. Ngoài ra anh còn tham gia tốt công tác phòng cháy chữa cháy và chống nạn đánh bắt thủy sản, động vật quý hiếm ở Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng…”.
Theo Danviet
Mang rơm chất quanh vườn cây hóa ra có tiền xây nhà khang trang
Anh Trần Văn Trí ở ấp Thạnh Mỹ B, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang bén duyên với cây nấm rơm từ năm 2013. Khi đó anh Trí là hộ nghèo của ấp.
Không cam chịu đói nghèo anh lấy rơm từ mấy công lúa của gia đình về ủ và chất thử xung quanh nhà thấy có hiệu quả, anh tiếp tục trồng. Đến năm 2018 anh thoát nghèo và cất được căn nhà khang trang để ở.
Anh Trần Văn Trí cho biết: "Để trồng nấm rơm không cần diện tích lớn chỉ khoảng 500 - 700 m2 là được. Mỗi vụ vợ chồng tôi chất từ 5 - 7 bao meo. trung bình mỗi bao meo thu được khoảng 100kg nấm. Nấm rơm thu hoạch được hương lái đến tận nhà mua với giá dao động từ 35.000 - 50.000 đồng/kg. Như vậy, sau mỗi vụ trừ tất cả chi phí gia đình tôi còn lời từ 15 - 20 triệu đồng"...
Thu hoạch nấm rơm tại gia đình anh Trí, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Anh Trí còn cho biết, mỗi năm anh sản xuất được 5 - 6 vụ, thì anh thu nhập từ 75 - 120 triệu đồng/năm và hiện tại anh sẽ chuẩn bị nguyên liệu để chất đợt nấm mới. Thông thường anh chất nấm rơm canh theo các ngày rằm, lễ, tết thu hoạch bán nấm rơm thành phẩm có giá cao.
Anh Trí nói thêm mô hình trồng nấm rơm rất dễ trồng và nhẹ công chăm sóc. Theo kinh nghiệm của anh: "Đối với nền đất để chất nấm thì phải thay đổi, có thể chất trong vườn cây ăn trái, các nơi có bóng mát thì nấm sẽ phát triển tốt".
Hai vợ trồng anh Trí đang thu hoạch nấm rơm
Bình Thành là một vùng đất chuyên trồng lúa sản xuất 3 vụ/ năm cho nên nguyên liệu chất nấm dễ tìm, đầu ra của nấm khá ổn định do ngoài được thị trường ưa chuộng, nông dân có thể tận dụng nguồn rơm để tăng thêm thu nhập, hạn chế việc đốt đồng và giảm ô nhiễm môi trường.
Nấm rơm là loại nấm quen thuộc với mọi người, nấm rơm tươi là thực phẩm ngon, giàu chất dinh dưỡng, dễ trồng, thu hoạch nhanh, chi phí thấp, cho hiệu quả kinh tế cao và có thể trồng quanh năm. Mô hình đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống đáng kể cho nhiều hộ nghèo ở nông thôn.
Theo Danviet
Cháy rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà Vụ cháy rừng xảy ra tại Khu Bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) khiến lực lượng Cảnh sát PCCC mất hơn 1 giờ nỗ lực dập tắt. Khoảng 10h ngày 30/4, một vụ cháy rừng xảy ra tại khu vực rừng trồng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Lực lượng Cảnh...