Ly hôn vì tranh cãi Tết nhà nội hay ngoại
Một cặp vợ chồng Trung Quốc vừa quyết định chia tay sau 6 tháng kết hôn chỉ vì không thể chấp thuận kế hoạch nghỉ Tết của đối phương.
Khó khăn trong việc di chuyển khiến những người xa quê ở Trung Quốc phải chịu nhiều áp lực mỗi dịp tết. Ảnh: Xinhua
Người chồng, xuất thân từ thành phố Urumqi, thủ phủ khu vực tự trị Tân Cương, tây bắc Trung Quốc, đã nhất mực đòi ăn tết ở quê nhà, thay vì chiều lòng cô vợ, dành thời gian nghỉ ngơi trong dịp Tết tại nhà cha mẹ cô ở tỉnh Quảng Đông, miền nam đất nước.
Hai người mới kết hôn tháng 6/2012 và đang định cư ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm. Tuy nhiên, do khoảng cách địa lý quá xa xôi giữa hai nhà nội – ngoại, mà họ đã không thể đồng lòng về kế hoạch nghỉ lễ và quyết định đi đến chia tay, tờ 21st Century Business Herald cho hay.
Theo truyền thống Trung Quốc, Tết là dịp để những người con xa quê trở về ăn tết với cha mẹ và gặp gỡ gia đình, bạn bè. Các chuyên gia phân tích cho rằng những phương tiện vận chuyển hiện đại, như máy bay hay tàu cao tốc, có thể phần nào giải quyết áp lực di chuyển cho các cặp đôi trẻ trong dịp nghỉ lễ.
Tuy nhiên, khó khăn trong việc mua vé đường dài và thời gian nghỉ lễ quá ngắn lại làm gia tăng căng thẳng và khiến nhiều người không thể kịp về quê ăn tết.
Bài viết này sau đó đã được hàng nghìn cư dân mạng Trung Quốc, những người đồng cảnh ngộ, chia sẻ lại, như một cách để bày tỏ nỗi bức xúc. Họ gọi đây là “vấn đề hóc búa với người Trung Quốc”, và cho rằng một phần nguyên nhân đến từ chính sách kế hoạch hóa gia đình theo đó mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh một con.
Video đang HOT
Theo VNE
Nghỉ Tết, không nên ép trẻ học
Hầu hết các trường học ở TPHCM đều không giao bài tập cho học sinh trong dịp Tết. Thế nhưng không ít phụ huynh lo con ăn Tết dài quên bài vở nên vẫn tìm cách "ép" con ngồi vào bàn.
Cha mẹ chạy... bài tập
Con được nghỉ Tết trước lịch 2 - 3 hôm, thấy con thu dọn sách vở nhét vào hộc bàn rồi... chơi chẳng hề bận tâm đến bài vở, chị Hà, phụ huynh học sinh (HS) Trường THCS Châu Văn Liêm (Q. Phú Nhuận, TPHCM) đã thấy không ổn. Chị mắng con thì cháu cho hay, cô không hề giao bài tập, chỉ dặn dò học trò về chơi Tết nhớ giữ gìn sức khỏe, an toàn...
Người mẹ này cho rằng, con nghỉ hơn nửa tháng mà giáo viên (GV) không giao bài tập thì chắc chắn cháu sẽ quên kiến thức, lơ là chuyện học. Không an tâm nên chị lôi sách nâng cao hai môn Toán và Văn yêu cầu con phải hoàn thành được 20 bài tập toán và 10 bài tập làm văn trong dịp Tết, chưa kể việc duy trì học tiếng Anh hàng ngày.
Nhiều phụ huynh lo con quên bài vở trong kỳ nghỉ Tết dài ngày.
Mặc cho con phản kháng, chị Hà dọa nếu con không duy trì việc học đều đặn thì những ngày Tết ở nhà không đi đâu hết. Thế là tối tối, con trai chị lại uể oải ngồi vào bàn học.
Cũng với tâm lý sợ ngày Tết kéo dài "át" mất khí thế học tập của con, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nga, có con học tại Trường tiểu học Phạm Văn Chiêu (Q.12, TPHCM) cũng lên thời khóa biểu học tập cho con từ ngày đầu con được nghỉ. Cu Cò (tên gọi ở nhà của con chị Nga) cũng giãy nảy với yêu cầu mỗi tối đều phải làm bài tập Toán, Tiếng Việt thì nghe bố mẹ lôi chuyện kỳ rồi mình đứng cuối trong nhóm HS giỏi của lớp để nhắc nhở.
"Con nhà mình khác với con người ta, chỉ nghỉ mấy ngày lễ đã lười đi học lại rồi chứ đừng nói nghỉ Tết nửa tháng. Năm ngoái, tôi cũng để con chơi, khi đi học lại vất vả lắm nên giờ ngày nào cũng phải học", chị Nga nói.
Năm nay, HS ở TPHCM có kỳ nghỉ Tết được xem là dài nhất từ trước đến nay (16 ngày). Tuy vậy, hầu hết các trường đều không giao bài cho HS trong dịp ngày, trừ một số trường hợp yếu kém cần xem lại bài vở. Thế nhưng, không ít phụ huynh lại lo lắng con nghỉ Tết dài sẽ quên kiến thức nên họ tìm cách duy trì việc học của con trong thời điểm này.
Một hiệu trưởng trường THCS ở Q. Thủ Đức cho hay, nhiều năm nay trường không giao bài tập cho HS trong dịp Tết nhưng nhiều phụ huynh tỏ ra không đồng ý với điều này. Một số người còn tìm gặp GV đề nghị cho đề bài về để con làm, GV nói thế nào cũng không chịu, bảo lo con chơi nhiều quen chểnh mảng, mất đi nề nếp học tập.
Để trẻ chơi Tết thoải mái
Cô Bùi Lê Phương Anh, GV Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q. 1) bày tỏ theo quy định, bậc tiểu học không giao bài tập về nhà cho HS, ngày thường hay ngày Tết cũng vậy. Nhiều phụ huynh để con được chơi Tết thoải mái nhưng không ít người lại rất lo lắng khi thấy con "ham chơi" nên lên lịch học cho con. Đặc biệt, phụ huynh của trường chú trọng cho con học tiếng Anh nên kể cả nghỉ Tết nhiều em vẫn phải học và làm bài ở nhà.
Theo cô Phương Anh, học trò rất háo hức khi nghỉ Tết, chưa kể sự chuẩn bị cho Tết trong gia đình cũng gây xáo trộn cho các em rất nhiều. Trẻ bị ép học đã không có hiệu quả thì tâm lý nghỉ Tết, có ép trẻ học cũng không vô mà còn có thể làm trẻ ức chế dẫn đến không khí gia đình trở nên nặng nề. Vì thế, phụ huynh nên để con vui Tết thoải mái, tạm gác sách vở sang một bên.
Phụ huynh nên tranh thủ ngày nghỉ Tết cho con những trải nghiệm bổ ích.
Bà Lê Thị Bình, Phó trưởng phòng Giáo dục Q.1 cho hay, việc yêu cầu trẻ làm bài tập hay học bài trong dịp Tết là không cần thiết. Việc nghỉ Tết dài, HS có thể tạm lơ là với việc học nhưng chỉ sau vài buổi đi học lại, các em sẽ bắt nhịp được lại ngay không quá khó khăn.
"Sau Tết đi học lại tuy không có tiết học cụ thể nào để củng cố kiến thức nhưng những buổi đầu, GV cũng sẽ có phương pháp phù hợp để các em nắm lại kiến thức cũ trước khi học bài mới nên phụ huynh không quá lo lắng", bà Bình nhấn mạnh.
Một số GV chia sẻ, nếu phụ huynh thật sự không yên tâm thì cũng nên làm sao cho việc học của con trong dịp này thật nhẹ nhàng như mỗi ngày có thể động viên trẻ dành ra 15 - 30 phút để đọc sách, nghe tiếng Anh, hay tham gia những câu đố vui... chứ tuyệt đối không nên ép trẻ phải vắt óc làm các bài tập nâng cao, trừ khi trẻ thấy thích thú điều đó.
Việc học của trẻ không nhất thiết cứ phải ngồi vào bàn, ôm lấy sách vở. Trong dịp Tết, có rất nhiều điều trẻ có thể học như tìm hiểu về phong tục, truyền thống ngày Tết khi cùng bố mẹ đi chợ hay được sửa soạn chuẩn bị Tết. Cũng nên tạo điều kiện cho trẻ đi thăm ông bà, người thân... để các em cảm nhận được những giá trị sống.
Ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng Tiểu học thuộc Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, bộ não của con người có một dung lượng nhất định không thể cứ nhồi nhét kiến thức liên tục. Việc vui chơi, tinh thần thoải mái cũng giúp trẻ dễ dàng khôi phục các kiến thức đã học chứ không phải chơi là quên như nhiều người nghĩ. Việc đi học lại của trẻ không có gì phức tạp vì thế cha mẹ nên tận dụng những kỳ nghỉ như dịp hè, dịp Tết... giúp con được giảm tải, đồng thời hãy cho con được trải nghiệm những hoạt động ý nghĩa để tạo cho các em những kỷ niệm đẹp trong tuổi thơ.
Hoài Nam
Theo dân trí
"Lá lành đùm lá rách" đón Tết Nhiều học trò và giáo viên khó khăn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo tại TPHCM sẽ có một cái Tết ấm áp hơn với sự chia sẻ từ chính đồng nghiệp hay các bạn học sinh có điều kiện hơn thông qua nhiều hoạt động cuối năm. Trước khi nghỉ Tết, hàng loạt trường học tại Q.1 (TPHCM) như Trường tiểu học Nguyễn...