Ly hôn vì 1 câu nói
Tôi đã ly hôn chỉ vì câu trả lời của chồng khi tôi hỏi: “Anh có em rồi mà còn đi gác tay gác chân đi tăng 2, tăng 3. Anh thấy họ thế nào?”. Chồng tôi thản nhiên trả lời: “Cũng vậy thôi mà!”
ảnh minh họa
Có người cho tôi là hâm, là dở người vì đã có thể chấp nhận chuyện chồng mình “ăn bánh trả tiền” mà lại không thể chấp nhận một câu nói… bình thường như thế. Sự thật, tôi là loại người vợ hèn yếu, nhẫn nhịn, nhưng sự chịu đựng nào cũng có giới hạn.
Video đang HOT
Lần đầu tiên biết chồng mình đi cà phê ôm, bia ôm, gác tay gác chân, tôi đau lắm, nhưng cũng đành chấp nhận những gì anh nói: “Đàn ông bây giờ, mười thằng hết tám là vậy, còn hai thằng thì thuộc loại thử rồi không hạp. Em phải mừng là anh không nói dối, giấu diếm em, luôn cố gắng để gìn giữ, không mang bệnh về nhà”. Tôi từng khóc ngày khóc đêm với cái lý luận của anh nhưng cũng phải nhìn nhận, trong lời anh có một phần sự thật. Tôi vốn bệnh tật, yếu ớt, không đáp ứng nổi nhu cầu của anh, nên anh có ra ngoài “ăn bánh trả tiền” cũng là bất đắc dĩ, là thậm chí như anh nói: “Thà vậy còn hơn vì bức bách mà anh có bồ nhí rồi bỏ em luôn”.
Thế nhưng một lần, khi nằm cạnh nhau trong một lần anh đi hai ngày mới về nhà, tôi đã lấy hết can đảm hỏi anh câu hỏi đó, để biết cảm giác của anh là gì khi làm chuyện đó với những người phụ nữ bán thân nuôi miệng. Câu trả lời của anh như đâm một nhát dao chí mạng vào tim tôi. Vậy là với anh, tôi không khác gì họ. Với anh, tôi không phải là người vợ được tôn trọng, thương yêu thậm chí còn tệ cả họ, là một món đồ chơi không dùng được. Mọi chịu đựng, cố gắng của tôi đã sụp đổ. Tôi hiểu ra rằng, mình còn thấp kém hơn những cô gái đó. Họ bán thân nuôi gia đình, nuôi con cái, nuôi chính bản thân còn tôi, tôi chẳng có gì để bán nên chấp nhận mua anh làm chồng bằng sự im lặng chịu đựng những khinh rẻ, nhục nhã anh dành cho tôi.
Tôi đã làm đơn ly hôn trong nỗi đau mà tôi biết khó bao giờ mình có thể gột rửa, xóa nhòa.
Theo VNE
Vợ thông thái
Nhà ông Hạo vừa lĩnh tiền đền bù đất giải tỏa khu vườn tới mấy trăm triệu. Cầm cọc tiền, ông bảo vợ: "Chiều nay tôi sẽ đem gửi ngân hàng ngay và sẽ đứng tên tôi".
Bà Danh xưa nay không bao giờ nghi ngờ chồng về vấn đề tiền nong nhưng hôm nay bà vẫn phải lên tiếng: "Đành rằng ông đứng tên nhưng khi gửi, tôi phải đi cùng ông". Thấy vợ nói thế, ông Hạo gắt: "Bà không tin tôi à?". Bà Danh nhẹ nhàng: "Tôi chỉ muốn nhìn thấy ông gửi tiền đúng vào ngân hàng Nhà nước. Không gửi chỗ vớ vẩn". "Bà bảo chỗ nào là chỗ vớ vẩn? Vớ vẩn mà lãi suất 20% một tháng à?" - ông Hạo quát lớn.
Á à. Thế là rõ, ông ấy muốn gửi chỗ nhà cô Liên trên phố huyện đây. Bà Danh đoán được ý chồng nhưng không nói ra, nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát: "Gửi tiền ngân hàng tuy lãi suất thấp nhưng đảm bảo. Tôi nhất định không cho ông gửi chỗ tín dụng cá nhân". Lời của vợ làm ông Hạo nổi cáu. Từ ngày lấy nhau đến giờ, có khi nào vợ ông chống đối lại ý của ông đâu. Nay có tí tiền trong nhà, bà ấy đã nổi máu cửa quyền. Nghĩ vậy ông Hạo quát tướng: "Bà bây giờ ghê nhỉ? Dám ngăn cản việc lớn của tôi đấy? Vậy thì tôi nói lại để bà rõ, miếng vườn đó là của bố mẹ tôi cho chứ không phải của bố mẹ bà nhá". Tức thì bà Danh nói ngay: "Tôi rất biết điều đó. Tôi không đòi cho tôi nhưng tôi cần cho bọn trẻ. Mất số tiền đó là mất cơ hội cho các con học hành, mất số vốn làm kinh tế bù vào mảnh vườn trồng trọt đã không còn. Nếu căng thẳng quá tôi sẽ làm đơn li dị để tòa họ chia phần tiền ấy cho các con".
Nói xong bà Danh đứng lên lấy giấy bút viết đơn li dị ngay trước mặt ông. Chưa bao giờ thấy vợ "ghê gớm" thế nên ông Hạo có phần nể sợ. Ông tính ngay trong đầu. Nếu li dị, tòa sẽ chia cả căn nhà và cả số tiền đền bù làm 4 phần. Ba mẹ con bà ấy sẽ được 3 phần, ông chỉ 1 phần. Thế là ông bị thiệt mà lại tan cửa nát nhà. Nghĩ thấy hoảng, ông liền xuống thang: "Thôi. Được rồi. Bà đừng đơn từ gì hết, tôi sẽ đưa bà nửa số tiền, còn tôi giữ một nửa. Coi như tòa chia?". Nhưng lạ chưa, vợ ông vẫn ghê gớm: "Không được. Tôi nghĩ lại rồi. Của chồng - công vợ. Tôi cũng phải được hưởng. Phải chia ba phần tư cho mẹ con tôi. Số tiền đó sẽ gửi ngân hàng đứng tên thằng Tùng con trưởng". Nghe vợ nói thế, ông Hạo ức lắm nhưng đành chịu. Ông đứng lên cầm bọc tiền đếm lấy 100 triệu, còn 300 triệu ông quăng trả vợ.
Sáng hôm sau, ông Hạo phóng xe đạp ra phố huyện sớm. Một lúc trở về, ông giơ 10 triệu cho vợ nhìn: "Đây này, vừa gửi trăm triệu có ngay lãi suất 10 triệu đưa trước, cuối tháng lấy 10 triệu nữa. Sướng không biết đường sướng!". Bà Danh chẳng nói gì.
Chưa đầy 2 tuần sau, lúc ông Hạo đang tính từng ngày đi nhận nốt số tiền 10 triệu lãi suất thì hay tin vợ chồng nhà Liên - kẻ vay tiền đã cao chạy xa bay. Ông hốt hoảng phi ngay xe lên phố xem thực hư thế nào. Đến nơi, ông Hạo tái mặt. Đám đông đến cả trăm người đang gào thét trước ngôi nhà đóng cửa im ỉm của mụ Liên. Người kêu: "Tôi mất 600 triệu rồi làng nước ơi!", kẻ gào khóc: "Nó nuốt của tôi 2 chục cây vàng, tôi sống sao đây?". Tiếng chửi rủa, rên xiết. Một người hét rú lên: "Căn nhà này có tịch thu cũng không trả được tôi 5 tỉ đâu. Phải lấy mạng nó". Nhưng than ôi, "mạng nó" đã biến mất từ mấy hôm nay rồi.
Ông Hạo thất thần trở về nhà nằm vật ra giường như người sắp chết. Vừa lúc đó bà vợ về. Ông Hạo liền chồm dậy ôm lấy vợ: "Bà ơi! Bà quả là người vợ thông thái của tôi!". Lạ thật, cả đời ông luôn trịch thượng với vợ con vậy mà bỗng dưng, ông Hạo ôm vợ khóc tu tu. Bà Danh hiểu chuyện, từ tốn ngồi xuống cạnh ông. Đoạn, giọng bà rất nhỏ: "Thôi, của đi thay người ông ạ! Thân ông được bình an là phúc lớn cho tôi và các con rồi!".
Theo VNE
Ra riêng Từ lúc bàn với chị về dự định ra ở riêng, chị giận anh không thèm nhìn mặt. Những lý lẽ chị đưa ra, anh đều hiểu nhưng anh cũng có nỗi khổ tâm riêng. Gần năm năm ở rể, anh đã phải chịu đựng nhiều điều. Giờ lại đến nỗi lo vì các con... Gia đình anh ở nông thôn, đã nghèo...