Ly hôn sau khi cưới vợ cho chồng
Cuộc sống “một ông, hai bà” diễn ra êm đềm trong nhiều năm thì xảy ra rạn nứt. Bị chồng hắt hủi, lạnh nhạt, người đàn bà xế chiều gạt nước mắt gửi đơn ly dị.
Phiên tòa phúc thẩm ly hôn chiều một ngày đầu tháng 5 diễn ra muộn tại TAND Hà Nội. Bà Mận đã gần chạm tuổi lục tuần lặng lẽ ra tòa lần thứ hai theo đơn kháng cáo của chồng là ông Tình (cùng trú ở huyện Ứng Hòa).
Theo bản án sơ thẩm từ 4 tháng trước, năm 1979, bà Mận và ông Tình sống với nhau như vợ chồng. Hai người đã có với nhau một cô con gái đến nay đã ngoài 30 tuổi.
Do mâu thuẫn gia đình, đầu năm 2015, bà Mận gửi đơn ra TAND huyện Ứng Hòa xem xét được ly hôn và phân chia tài sản. Cấp sơ thẩm tuyên người phụ nữ này được hưởng hơn 80 m2 cùng với giá trị nửa bộ bàn ghế (khoảng 4 triệu đồng). Cho rằng mảnh đất trên là do cha ông để lại, ông Tình chống lại bản án trên.
Tại tòa phúc thẩm, người đàn bà xế chiều nghẹn ngào trình bày, sau gần 40 năm chung sống, bà một tay vun vén, làm lụng để gánh vác gia đình. Có thời điểm kinh tế gia đình khó khăn, ông Tình có ý định phân chia mảnh đất hơn 400 m2 để bán lấy tiền trang trải. Những lần đó, bà đều một mực ngăn cản, vì thế mới giữ được mảnh đất hương hỏa.
Bà Mận cho rằng đã đổ nhiều công sức mới giữ được mảnh đất trên. Do đó, ông Tình phải trả công lao bà bỏ ra từng đó năm.
“Ông ấy không có tiền nên tòa sơ thẩm mới quyết định chia hơn 80 m2 đất cho tôi. Nếu ông đưa tiền thì tôi sẽ ra đi không cần suy nghĩ”, bà Mận nói.
Video đang HOT
Người phụ nữ có 2 thứ tóc tâm sự, hơn 40 năm chung sống, vợ chồng bà bà từng chia ngọt sẻ bùi cùng nhau. Nhưng những năm tháng mặn nồng dần kết thúc khi sức khỏe của bà yếu đi từ sau ngày sinh con gái.
Thương chồng không có con trai nối dõi tông đường, thờ tự sau này, bà trăn trở ngày đêm. Dù tình cảm vợ chồng vẫn sâu đậm nhưng bà gạt ích kỷ của bản thân để cưới vợ hai cho chồng. Ý định này được anh em bên nhà chồng hưởng ứng.
Năm 1997, bà Mận lại tất bật lo toan cho đám cưới của chồng với người vợ hai. Cuộc sống “một ông, hai bà” trong căn nhà ba gian cấp bốn diễn ra êm đềm trong nhiều năm. Thấy cảnh vợ hai sinh cho chồng được hai cậu con trai trai, người đàn bà chân chất cũng thấy ấm lòng.
Dù vậy, cuộc sống chung không kéo dài được bao lâu. Lấy cớ vợ ngoại tình, ông Tình dần lạnh nhạt và hắt hủi hai mẹ con bà Mận. Bà kể, sát Tết Nguyên đán vừa rồi, mẹ con bà về nhà thì bị ông Tình cùng các con chặn lối, giăng dây không cho vào. Bà nén tủi nhục, quay lại ở nhà các em ruột rồi gửi đơn ly dị với chồng.
Khi được HĐXX hỏi đến, ông Tình trình bày vẫn “bảo lưu” quan điểm đòi lại phần diện tích đất 80 m2. Lý do được bị đơn đưa ra là dù mảnh đất đứng tên ông nhưng hiện có nhiều người sở hữu. Bị đơn cũng không đồng tình việc “cưa đôi” giá trị bộ ghế (khoảng 8 triệu đồng).
Trước những lời trình bày này, vị thẩm phán hỏi gắt: “Bị đơn sống cũng phải có tình chứ. Bà ấy đã vun đắp cho gia đình gần 40 năm trời mà bị đơn vẫn muốn bà ra đi tay trắng”.
Đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa giải thích, theo luật Hôn nhân và gia đình, do thời điểm ông Tình và bà Mận chung sống với nhau trước năm 1987, nên dù không có đăng ký kết hôn, cả hai vẫn được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp. Mọi tài sản trước và sau khi sống chung đều được chia đều cho cả vợ và chồng.
Sau giờ nghị án, cấp phúc thẩm bác kháng cáo của ông Tình, đồng thời sửa một phần bản án sơ thẩm. Về địa giới phân chia phần đất, tòa tuyên bà Mận được nhận toàn bộ diện tích 3 gian nhà cấp bốn. Phía bị đơn chỉ sở hữu phần vườn, sân, tường, giếng và một số vật dụng trong gia đình.
Nghe tòa tuyên án, khuôn mặt bà Mận nhẹ nhõm hơn. Bà chia sẻ đòi quyền lợi vì muốn con gái sau này không phải chịu thiệt thòi. Bản thân bà cũng không muốn quay lại căn nhà trên.
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.
Theo_Zing News
Cả gia đình mang án vì tranh chấp mảnh đất với người thân
Trước tòa, người đàn ông tóc hoa râm kháng cáo đòi tăng nặng hình phạt đối với gia đình người em trai.
Ngày 21/4, 5 người trong gia đình ông Lê Ngọc Bốn (58 tuổi, ở huyện Thanh Oai) dắt díu nhau đến TAND Hà Nội. Phiên tòa được mở theo đơn kháng cáo của ông Lê Ngọc Mỹ (65 tuổi, anh trai ông Bốn) và kháng nghị của VKSND huyện Thanh Oai đề nghị tăng nặng hình phạt với bị cáo.
Trình bày trước tòa, ông Mỹ đòi giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và thuê cả luật sư để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2009, ông Mỹ xây một căn nhà cấp bốn rộng hơn 15 m2 để "giữ đất" mặc dù đã có nhà riêng. Mâu thuẫn giữa gia đình ông và người em bắt đầu phát sinh nhằm tranh chấp mảnh đất này.
Mặc dù quyền xã đã có thông báo: "Di chúc của mẹ ông Bốn và Mỹ không có căn cứ" nhưng ông Bốn vẫn phớt lờ và nhiều lần xảy ra tranh chấp với anh trai khiến hai gia đình liên tục xảy ra xô xát.
Tối 25/5/2014, gia đình ông Mỹ thuê thợ đến đóng cọc sắt, hàn tôn quây quanh khu đất tranh chấp. Khi đó, ông Mỹ bị gia đình người em đến ngăn cản không cho thi công.
Sau khi sự việc xảy ra, ông Bốn họp bàn các thành viên trong gia đình và thống nhất sáng hôm sau sẽ dỡ căn nhà cấp bốn khỏi mảnh đất trên.
6h30 ngày 26/5, gia đình ông Bốn gồm: vợ, con trai, vợ chồng con gái kéo đến nhổ cọc đinh, húc đổ tường ông Mỹ đã xây bao quanh căn nhà trước đó.
Cấp sơ thẩm xử phạt Lê Ngọc Tùng (con trai ông Bốn) 3 tháng tù tội Hủy hoại tài sản. Vợ chồng ông Bốn cùng vợ chồng con gái ông ta cũng lĩnh án từ 6 tháng - 12 tháng nhưng cho hưởng án treo. Ngoài trách nhiệm dân sự, TAND huyện Thanh Oai cũng buộc các bị cáo bồi thường hơn 2 triệu đồng.
Tại tòa phúc thẩm, ông Bốn khai nhiều năm phải nuôi mẹ già bệnh tật, còn anh trai không ngó ngàng đến. Theo lời ông, mảnh đất anh trai xây căn nhà cấp 4 đã được mẹ đẻ di chúc để lại cho ông sở hữu toàn bộ.
Phía nạn nhân bức xúc cho rằng gia đình em trai có hành vi côn đồ nên phải chịu bản án tù giam.
Chủ tọa giải thích, phần diện tích đó vẫn có tranh chấp giữa hai anh em, cần phải có tòa đứng ra phán quyết. Song các bị cáo tự ý tháo dỡ tài sản của ông Mỹ là vi phạm pháp luật.
Sau khi xem xét vụ án, do không có tình tiết mới, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm. Kết thúc phiên tòa, vị chủ tọa cũng nhắc nhở bị cáo Bốn cần có cách làm ngôn khéo hơn để không kéo gia đình vướng vòng lao lý.
Theo_Zing News
Người mẹ gạt nước mắt nghe xử con gái trộm xe mình Tại phiên tòa xử con gái trộm xe của mình, người mẹ thở dài, thỉnh thoảng lại quẹt vội dòng nước mắt trào trên khóe mắt Sự việc đó xảy ra tại Bình dương, người con gái trộm xe của mẹ là Phạm Thị Cúc (SN 1995). Trong suốt phiên xử con gái, gương mặt bà L. toát lên sự mệt mỏi, buồn...