Lý Hải kể về thời nghèo khó cầm cố nhà cửa lấy tiền làm phim ca nhạc
Series phim ca nhạc “ Trọn đời bên em” đã giúp Lý Hải trở thành ngôi sao ăn khách ở thành phố lẫn các tỉnh thành nhưng mấy ai biết anh từng phải cầm cố giấy tờ nhà để làm phần đầu.
Thập niên 1990, ca sĩ Lý Hải là người tiên phong trong trào lưu làm phim ca nhạc. Nhờ bước đi mạo hiểm ấy, anh trở thành ngôi sao ăn khách. Nhưng không giống nhiều người khác, nam ca sĩ khôn ngoan hơn trong việc “tiếp thị” bản thân.
Thời điểm những năm 2000, Lý Hải đắt show ở các tỉnh miền Tây Nam bộ và miền Trung. Có khi anh lưu diễn trên khắp cả nước suốt 9 tháng ròng rã, nhưng vẫn sắp xếp có mặt ở Sài Gòn để xuất hiện trong các chương trình ca nhạc lớn, để khán giả thành phố không lãng quên mình.
Giọng ca Liều thuốc cho trái tim dành cho Zing.vn cuộc trò chuyện về phong trào làm phim ca nhạc của anh và nhiều ca sĩ trẻ hiện nay.
Lý Hải gây dựng thành công thương hiệu Trọn đời bên em với 10 phần.
‘Nếu làm phim ca nhạc thất bại, chỉ có nước mất hết nhà cửa’
- Anh đã nắm bắt cơ hội thế nào khi trở thành người tiên phong trong trào lưu làm phim ca nhạc?
- Những năm 1999-2000 chưa có MV phim ca nhạc nào đúng nghĩa, chỉ có những clip nhạc “nguyên chất” như quay trên sân khấu hoặc cô người mẫu đi qua lại để minh họa. Tôi nghĩ tại sao mình không làm một câu chuyện liên quan đến nội dung ca khúc. Vì ngày xưa tôi học ở trường Sân khấu nên có thể áp dụng điều này.
Nhưng vì chưa ai làm nên chắc chắn có sự may rủi. Nếu không may, tôi sẽ đi đời luôn vì lúc đó kinh tế còn khó khăn. Khi làm Trọn đời bên em phần 1, tôi phải cầm cố giấy tờ nhà cửa nên đó là sự mạo hiểm mang tính sống còn. Nếu không thành công, tôi không có tiền để lấy lại nhà, và phải ra ngoài đường ở.
Mà thời ấy, tôi làm một phim ca nhạc cũng mất vài trăm triệu. Song cũng may mắn, nhờ có kịch bản hay cộng với sự nhiệt huyết của mấy anh em nên sản phẩm được khán giả đón nhận và trở thành hiện tượng vào năm 2000.
Thành công của phần 1 giúp tôi thu hồi vốn và tiếp tục đầu tư mạnh cho phần sau. Hơn nữa, nhờ việc lưu diễn từ Nam ra Bắc, tôi nhận được phản hồi của người xem, nắm bắt thị hiếu đám đông nên phần sau làm chỉn chu hơn để không phụ lòng người hâm mộ.
- Nhưng thời điểm đó cũng là khi đĩa lậu hoành hành thị trường giải trí Việt. Điều đó có ảnh hưởng tới sản phẩm của anh?
- Series Trọn đời bên em phát hành đến cuốn 5 vẫn có lãi. Thỉnh thoảng tôi vẫn ra các điểm bán đĩa nhạc để xem tình hình ra sao, người ta bảo chỉ cần bán vào dịp Noel hoặc Tết dương lịch cũng đủ ấm một năm. Nhưng bắt đầu từ phần 6 trở đi, thị trường đĩa lậu bùng nổ khiến các sản phẩm của tôi dù được nghe nhiều nhưng thu lại cũng không bao nhiêu.
Năm 2009, tôi thử sức phát hành sản phẩm trên thị trường online vì đĩa lậu quá nhiều. Mặc dù làm thế này chẳng khác gì cho không nhưng bù lại, thị trường lúc ấy đang thịnh hành nhạc chuông, nhạc chờ nên tôi cũng gỡ gạc đôi chút.
- Nhưng nhiều người nói Lý Hải chỉ ăn khách ở thị trường các tỉnh. Anh nói thế nào về điều này?
- Có nhiều trang báo viết rằng tôi là ca sĩ miền Tây, điều này không chính xác. Thời điểm tôi nổi lên nhờ các ca khúc: Liều thuốc cho trái tim, Khúc biệt ly, Khi người đàn ông khóc… lúc đó tôi diễn ở miền Bắc còn nhiều hơn miền Tây.
Nhưng dù lưu diễn ở đâu, tôi cũng dành vài ngày về Sài Gòn, tham gia các chương trình lớn lúc bấy giờ như Nhịp cầu âm nhạc, Giai điệu tình yêu, Quà tặng trái tim… để khán giả không quên mình. Vì thế,tôi có thể xây dựng được tên tuổi ở cả 2 thị trường thành phố và tỉnh.
- Vậy còn ý kiến nói rằng các MV phim ca nhạc của Lý Hải bình dân, thị trường, anh phản ứng thế nào?
Video đang HOT
- Thị trường có nhiều dòng nhạc, tôi tạm chia ra 2 loại, một cao cấp và một dễ nhớ. Ai nghĩ gì, nói thế nào không quan trọng vì tôi đã xác định đi hát không phải để nhận giải. Nhạc cao cấp phù hợp ở phòng trà hoặc cho những cuộc thi. Tôi hát ở sân khấu ngoài trời, dòng nhạc đó không phù hợp với đối tượng người nghe.
Nhờ điều đó mà đến giờ tôi còn được khán giả nhớ đến, có khi nhiều ca sĩ nhận được giải thưởng nhưng khi ra đường chưa chắc được người hâm mộ yêu mến như tôi.
Minh Hà, vợ Lý Hải cũng từng tham gia đóng MV phim ca nhạc của chồng.
- Lý Hải đã mở đường cho lớp ca sĩ trẻ chạy theo trào lưu làm MV phim ca nhạc. Nhìn ca sĩ đàn em tiếp bước con đường mình đã đi, cảm xúc của anh ra sao?
- Tôi tự hào và luôn ủng hộ các em hết mình. Bây giờ thế hệ trẻ có điều kiện tốt hơn mình ngày đó, đặc biệt phần kỹ xảo công nghệ đã tiên tiến hơn. Tôi vui vì trở thành tấm gương cho các em làm theo. Một số ca sĩ trẻ đến hỏi tôi kinh nghiệm, và tôi sẵn sàng chỉ bảo cho họ chứ không giấu nghề.
- Nhưng phần lớn các MV phim ca nhạc hiện phát hành trên thị trường đều bị chê nhảm nhí, bình dân. Anh đã xem những sản phẩm này chưa?
- Tôi có xem và phát hiện kịch bản chưa được chặt chẽ. Nhiều người cứ lầm tưởng phim ca nhạc dễ làm nhưng nếu dễ thì ai cũng thành công rồi. Vấn đề thứ 2 nằm ở đạo diễn, tôi xem qua nhiều MV nhưng tất cả đều thiếu chiều sâu. Series phim ca nhạc của tôi có cao trào, kịch tính và lồng ghép trong đó những thước phim ngôn tình hoặc các cảnh quay cảm xúc. Điều này ở các em còn thiếu.
Giờ các em làm MV xong chỉ cần đưa thẳng lên Youtube, còn tôi ngày trước phải qua khâu kiểm duyệt của Sở Văn hóa, được cấp giấy phép mới được quyền phát hành. Cũng nhờ đó, mình được người khác góp ý nên sản phẩm chỉn chu hơn.
Youtube cũng có mặt lợi và hại. Khán giả không mất tiền vẫn xem được nhưng chính vì nhiều người xem nên sản phẩm làm ra phải có chất lượng. Các em không nên quá ỷ lại vào những thứ sẵn có. Tôi cũng góp ý một đứa em thân tình, thường xuyên đóng MV nhạc phim, mặc dù chỉ xuất hiện ở clip ca nhạc nhưng nếu đã nhận lời thì đừng làm hời hợt. Bởi về sau hối hận thì có muốn xóa cũng không được.
‘Tham vọng đưa phim Việt vươn ra thị trường thế giới’
- Vì sao khi tên tuổi còn đang ăn khách, Lý Hải lại dừng vai trò của một ca sĩ để chuyển sang làm phim?
- Năm 2010, tôi quyết định dừng sản xuất các phim ca nhạc vì không có khả năng thu hồi vốn. Tôi nghĩ rằng với số tiền đầu tư lên đến hàng tỷ đồng, sao tôi không chuyển qua học sản xuất và đạo diễn để thử thách bản thân hơn nữa? Và 3 năm sau, tức năm 2013, tôi bắt tay sản xuất phim điện ảnh.
Tôi tạm dừng vai trò ca sĩ đã 2 năm nay nhưng không phải hoàn toàn nghỉ hát. Thỉnh thoảng, tôi vẫn nhận lời tham gia vài chương trình ý nghĩa hoặc mang tính từ thiện để đỡ nguôi nỗi nhớ nghề và khán giả cũng không quên mình.
Lý Hải muốn tạo thương hiệu ở lĩnh vực phim như đã thành công với âm nhạc.
- Không thể phủ nhận rằng nhờ series “Trọn đời bên em”, Lý Hải mới dễ tiếp cận thị trường phim ảnh. Anh nghĩ sao về điều này?
- Thành công của Trọn đời bên em gây tò mò và chú ý cho khán giả khi tôi chuyển sang làm phim. Nhưng điều đó chỉ tác động một phần, nó không quyết định đến sự thành bại của bộ phim. Quan trọng sản phẩm nói lên tất cả.
Những phim của tôi không có các ngôi sao ăn khách, vì tôi không đủ tiền trả cát-xê. Hơn nữa, lịch làm việc của họ rất bận rộn, tính tôi lại kỹ lưỡng nên trong lúc quay mà họ hối thúc xong chưa để còn kịp chạy show thì rất bất tiện. Thế nên, tôi chỉ hợp tác với những người trẻ vì họ nhiều tâm huyết và muốn thể hiện mình nên sẵn sàng dành thời gian cho tôi.
Ngoài yếu tố chất lượng, sự may mắn cũng góp phần tác động không nhỏ. So với Lật mặt 1, phần 2 phim này chất lượng hơn hẳn nhưng tôi lại mạo hiểm chọn thời điểm ra rạp vào dịp lễ 30/4, đụng độ với nhiều phim bom tấn nước ngoài. Nhưng do chất lượng tốt nên phim không bị chết “yểu”, vẫn có lãi để tôi làm tiếp.
- Nhưng vì sao thời điểm này vẫn chưa thấy anh có động tĩnh gì?
- Đúng ra lúc này tôi đang chuẩn bị để bấm máy phim mới. Nhưng hiện tại tôi có kế hoạch dài hơi khác. Tôi mong muốn đưa phim của mình ra thị trường nước ngoài, không phải để chiếu quảng bá hay giao lưu mà muốn có doanh thu.
Vì thế, tôi bỏ ra một năm để nghiên cứu thị trường nước ngoài, chuẩn bị cho bước mạo hiểm mới.
Theo Zing
'Trọn đời bên em' đến 'Người trong giang hồ': Vì sao 20 năm vẫn hot?
Sau gần 20 năm kể từ "Trọn đời bên em" 1 ra mắt, mô-típ làm phim ca nhạc với các yếu tố hài, hành động, tình cảm vẫn là công thức chung để các ca sĩ đến gần hơn với khán giả.
Không cần quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, loạt phim ca nhạc như Người trong giang hồ hay Giải cứu tiểu thư vẫn có lượt xem trung bình hàng chục triệu view, trong đó có MV vượt mốc trăm triệu lượt xem mà bất cứ ngôi sao lớn nào cũng phải mong ước.
Có thể nói loạt sản phẩm này là "bình dân" thậm "nhảm" hay "rẻ tiền", tuy nhiên không thể phủ định độ phủ sóng của nó đến nhiều đối tượng khán giả cũng như giúp chủ nhân của nó trở thành những tên tuổi khá nóng ở thị trường tỉnh.
Theo đạo diễn Mr. Tô, người đứng sau hai series phim ca nhạc đình đám này lý giải, công thức thành công của họ không nằm ngoài việc "đánh đúng đối tượng khán giả". Dĩ nhiên, dân số Việt Nam phần lớn vẫn có gu thích thưởng thức các sản phẩm có nội dung dễ xem, dễ hiểu, có yếu tố hài hước pha lẫn hành động cùng sự góp mặt của nhiều người nổi tiếng trong làng hài. Tất cả những điều này đều được đưa vào loạt phim ca nhạc hài nói trên vào tạo nên sức hút không thể chối cãi.
Phim ca nhạc hài bình dân: 10 năm vẫn chạy tốt
Nhắc đến phim ca nhạc - hài nổi đình đám không thể không nhắc đến bước đi tiên phong của Lý Hải với Trọn đời bên em. Trong 10 phần được phát hành liên tục từ năm 2001 - 2010, series này đã đã giúp đưa tên tuổi nam ca sĩ vào hàng những ngôi sao của thị trường âm nhạc Việt thời điểm đó. Thành công của Trọn đời bên em đến những năm sau này vẫn được nhiều khán giả, đặc biệt là thế hệ 8X, 9X nhắc đến, hay thậm chí là tìm xem để nhớ lại một thời tuổi thơ của mình.
Ngoài việc có đầy đủ các yếu tố hài hước, tình cảm lẫn hành động giật gân theo đúng mô típ phim Hong Kong, có thể nói Trọn đời bên em còn là sản phẩm hiếm hoi được đầu tư lớn từ kịch bản dài hơi đến các cảnh quay ngoại cảnh hấp dẫn người xem.
Trọn đời bên em làm nên tên tuổi của Lý Hải.
Song song, các phim ca nhạc của Đan Trường - Cẩm Ly đánh mạnh vào sở thích xem phim cổ trang của khán giả Việt Nam lúc bấy giờ cũng thắng rất đậm.
Sau khi Trọn đời bên em chính thức khép lại vào năm 2010, xu hướng làm phim ca nhạc có phần chững lại, nhường chỗ cho các MV ca nhạc có thời lượng trung bình 3 - 5 phút, tập trung khai thác yếu tố kỹ xảo, khai thác vũ đạo để thỏa mãn phần nhìn.
Đến năm 2014, Lâm Chấn Khang bắn phát pháo trở lại với Tân người trong giang hồ - Thời niên thiếu của Trần Hạo Nam phần 1. Cách đây 1 tháng, phần 5 của series này được ra mắt và nhanh chóng vượt mốc 40 triệu lượt xem, vượt xa nhiều MV của các tên tuổi đình đám khác dù ra mắt gần như cùng lúc. Ngoài ra, Lâm Chấn Khang còn có loạt phim ca nhạc khác như Cái xác không hồn, Giả vờ đau, Sóng gió truyền kiếp...
Người trong giang hồ 4 đến nay đã chạm mốc 100 triệu lượt xem.
Loạt phim ca nhạc đình đám thứ hai là Giải cứu tiểu thư của Hồ Việt Trung. Phát hành phần 1 vào năm 2015 và đều đặn cho ra đời các phần tiếp theo, đến nay đã có đến 4 phần đều nhận lượt view khủng. Trong đó, phần 1 đến nay đã có 100 triệu lượt xem, hai phần còn lại đều có trên dưới 40 triệu lượt xem.
Hòa chung xu hướng này, nhiều ca sĩ chọn hướng đi tương tự, có thể kể đến các phim ca nhạc khác như Hot boy hột vịt lộn của Phạm Trưởng, Tattoo Girl của HKT, Soái ca xoài lắc của Hồ Quốc Việt, Phía sau tờ đô la của Cao Tùng Anh... Đều không được PR rầm rộ trên mặt báo, truyền hình, nhưng những sản phẩm này vẫn có lượng người xem nhất định.
Vậy đâu là yếu tố làm nên thành công của những phim ca nhạc hài này?
Giải mã sức hút
Theo ca sĩ Lâm Chấn Khang, anh xác định đối tượng khán giả của mình là người lao động bình dân, độ tuổi từ thiếu nhi đến trung niên. Do đó, nội dung ngoài việc dễ xem, dễ hiểu còn phải có thêm các yếu tố gây hài, pha lẫn hành động, kỹ xão và tình cảm ngôn tình.
Đồng ý kiến, đạo diễn của 2 loạt phim đình đám nói trên thẳng thắn khẳng định thành công của các chuỗi phim ca nhạc này đều nhờ công của các lớp khán giả nói trên. Trong đó, nhiều em nhỏ nhất mực chỉ xem Người trong giang hồ mới chịu ăn cơm!
Theo khán giả T.H ở quận Tân Phú (TP.HCM), hai con nhỏ của chị 3 đến 5 tuổi luôn miệng lẩm bẩm theo các bài hát trong phim hay thậm chí diễn lại nhiều mảng miếng. Cũng nhờ những đối tượng "cày views" này mà lượt xem của các bộ phim tăng nhanh chóng mặt.
Còn về việc gây cười, Hồ Việt Trung tâm sự khi thực hiện phần 3, điều anh lo nghĩ nhiều nhất cũng chính là đảm bảo mang đến tiếng cười cho khán giả mà không rơi vào tình trạng nhảm nhí, câu khách đơn thuần.
Đạo diễn Mr. Tô đảm nhận các vai phụ trong Người trong giang hồ. Dù xuất hiện vài cảnh quay, nhưng anh chia sẻ được rất nhiều người nhận ra.
Theo đạo diễn Mr. Tô, các mảng miếng hài mà anh mang vào series Giải cứu tiểu thư hay Người trong giang hồ học hỏi nhiều từ các bộ phim Hong Kong, chủ yếu là phim Châu Tinh Trì, bởi theo anh, đó là "những chi tiết hài nhưng không nhảm, rẻ tiền mà rất văn minh".
Đạo diễn trẻ này nói thêm: "Thị hiếu khán giả Việt Nam cần xem để giải trí, cần có yếu tố hài. Ngay cả phim điện ảnh cũng phải có các chi tiết gây cười mới giữ chân được người xem. Ví dụ như phim Người trong giang hồ, giang hồ của tôi là giang hồ vui, chứ không phải như phim Mỹ. Nếu làm nghiêm túc thì khán giả tìm xem phim Mỹ chứ".
Ngoài ra, anh cũng khẳng định các sản phẩm mà mình thực hiện được đầu tư nghiêm túc, từ kịch bản đến sản xuất, dàn dựng kỹ xão. Do đó, không thể nói những bộ phim này là dễ dãi. Theo tiết lộ của ê-kíp, phim Người trong giang hồ phần 5 được đầu tư đến 700 triệu đồng, Giải cứu tiểu thư phần 3 tốn kém nửa tỷ đồng.
Quá trình thực hiện Giải cứu tiểu thư phần 3 tốn kém nửa tỷ đồng.
Ngoài các yếu tố nói trên, loạt phim này còn có cách "câu khác" khác như quy tụ dàn diễn viên hài hot trên thị trường hiện nay như vợ chồng Thu Trang - Tiến Luật, Hứa Minh Đạt - Lâm Vĩ Dạ, Võ Thành Tâm, Duy Khánh... Nhiều câu nói gây bão trên mạng xã hội được lồng ghép vào các tình huống cũng là cách lấy lòng đối tượng khán giả trẻ.
Như vậy, có thể nói sau gần 20 năm kể từ Trọn đời bên em 1 ra mắt, mô típ làm phim ca nhạc với các yếu tố hài, hành động, tình cảm vẫn là công thức chung để các ca sĩ bình dân đến gần hơn với khán giả.
Hỏi Lâm Chân Khang liệu có ý định về việc tấn công phân khúc thị trường của Đông Nhi, Noo Phước Thịnh bằng những sản phẩm "chính chuyên" hơn, anh từ chối khéo léo: "Ai cũng có thế mạnh và hướng đi riêng. Chưa chắc những người khác bước vào thị phần của tôi sẽ thành công và ngược lại. Hiện tôi đang đi đúng hướng của mình, vì sao phải chọn cách khác?"
Như vậy, có thể nói những tranh cãi giữa việc "nhảm hay không nhảm", "bình dân hay không bình dân" vẫn là khía cạnh rất khó phân định. Bởi mỗi ca sĩ vẫn làm những gì họ thấy phù hợp và "câu khách". Hơn nữa, có cung ắt phải có cầu, khán giả bình dân còn, chắc chắn thể loại phim ca nhạc vẫn sẽ tiếp tục hot như gần 20 năm qua.
Theo Zing